Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất ô tô
Để có thể đưa ra dòng xe mới, các nhà sản xuất phải thử nghiệm hàng trăm mẫu thử với sự tham gia của hàng ngàn kỹ sư, thiết kế tại các cơ sở nghiên cứu trên toàn thế giới.
Điều kiện trên đồng nghĩa với việc thường phải mất hàng năm trời mới có thể biến những bản vẽ trở thành mẫu xe thành phẩm trưng bày tại các đại lý.
Các sản phẩm mới ra mắt ngày càng trở nên tinh tế, được trang bị nhiều tính năng thông minh và có nhiều phiên bản phong phú. Ford Ranger và Everest hiện tại là những ví dụ hoàn hảo cho thấy các dòng sản phẩm đã phát triển đa dạng như thế nào, với một số lượng đáng kể các phiên bản, nhiều lựa chọn phong phú về động cơ, hệ truyền động, hệ thống treo và thiết kế thân xe.
Trước đây, quá trình phát triển một mẫu xe mới từ một bản vẽ phác thảo tới hoàn thiện, sản xuất và bày bán tại các đại lý có thể mất tới hơn 5 năm. Đó chính là lý do tại sao Ford Australia, quê hương của 2 mẫu Ford Ranger và Everest, đã quyết định đầu tư mạnh mẽ để đưa công nghệ máy tính vào quy trình thiết kế và chế tạo nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển sản phẩm. Bằng cách sử dụng máy tính để tinh giản quy trình thiết kế và kỹ thuật, Ford có thể giảm thiểu đáng kể thời gian cũng như chi phí phát triển cho hai hạng mục quan trọng này.
Trung tâm thử nghiệm của Ford
Với hơn 1.500 bộ phận cần được thiết kế, phát triển, kiểm nghiệm và hoàn thiện trên một chiếc xe mới, từ độ an toàn tới độ bền, kiểm duyệt thiết kế và nhiều yếu tố khác, việc áp dụng công nghệ thiết kế hỗ trợ bởi máy tính (CAE) giúp các kĩ sư hoàn thành hàng ngàn phân tích kỹ thuật (tương đương với vài chục nghìn giờ tính toán thông thường) sớm vài tháng trước khi bản thử đầu tiên được dựng nên.
Chi tiết thân xe kế được tạo ra với sự hỗ trợ của phần mềm máy tính
“CAE cho phép chúng tôi hoàn thiện sản phẩm trong không gian ảo, với dữ liệu thu thập được từ nhiều năm thử nghiệm trong môi trường thực tế. Các nguyên mẫu sau đó được đưa vào thử nghiệm trên đường nhựa và off-road và so sánh với kết quả của các dự liệu mô phỏng. Với CAE, chúng tôi có thể bắt đầu quy trình thử nghiệm thuận lợi hơn rất nhiều,” ông Jason Nogueira, Kỹ sư Khung gầm CAE tại Ford Australia cho biết.
Hệ thống máy tính có thể chạy các mô phỏng và các kịch bản “có thể xảy ra” với sản phẩm nhanh hơn nhiều so với việc thử nghiệm thực tế trên nguyên mẫu. Bằng việc ứng dụng CAE, quá trình thử nghiệm mọi khi kéo dài tới nhiều ngày trên nguyên mẫu nay có thể được thực hiện trong vài giờ. Từ đó, các vấn đề tiềm ẩn sẽ được phát hiện sớm hơn trong giai đoạn thử nghiệm và trong môi trường ảo, đồng nghĩa với việc giảm thiểu được những thay đổi thiết kế ở cuối giai đoạn phát triển – vốn rất tốn kém nếu phải thực hiện.
“Trong môi trường CAE, chúng tôi có thể áp dụng tải trọng và gia tốc cho một mô hình ảo để có thể hiểu được tác động của tải trọng đó lên các bộ phận trong giai đoạn thiết kế. Điều này cho phép chúng tôi tập trung vào một khu vực cụ thể để phát triển thêm trong môi trường CAE trước khi kiểm tra độ bền vật lý của sản phẩm,” ông Nogueira chia sẻ thêm.
Video đang HOT
Mô phỏng tác động ngoại lực lên thân xe
Dù sự hỗ trợ của máy tính ở khâu thiết kế và chế tạo đã giúp tiết kiệm thời gian phát triển sản phẩm, công đoạn thử nghiệm vật lý trên nguyên mẫu vẫn giữ vai trò tối quan trọng trong chế tạo xe. Việc thử nghiệm trên các nguyên mẫu thực tế vẫn cần thiết để so sánh với những dự đoán của CAE và đánh giá, điều chỉnh cho phiên bản cuối cùng của thiết kế.
“Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ máy tính vào quy trình thiết kế và chế tạo đã cách mạng hóa cách chúng tôi thiết kế và phát triển các dòng xe. Điều này giúp chúng tôi đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng,” ông Nogueira giải thích. “Đó là những công cụ cực kỳ mạnh mẽ giúp đưa những ý tưởng đổi mới vào cuộc sống; nhưng tất nhiên không gì có thể thay thế được việc thử nghiệm trong môi trường thực tế, để đảm bảo những sản phẩm xe của chúng tôi có thể đáp ứng cũng như vượt qua mong đợi của khách hàng”.
Công việc phát triển và kiểm định trong môi trường thực tế đòi hỏi các kỹ sư Ford phải thử nghiệm sản phẩm ở khắp nơi trên thế giới và trong những môi trường khắc nghiệt nhất. Ford Ranger và Everest – hai sản phẩm toàn cầu được phát triển tại Australia và thử nghiệm ở những vùng khí hậu và địa hình khắc nghiệt nhất trên khắp năm châu lục. Ranger và Evererest đã vượt qua hơn 600.000 km thử nghiệm, từ sa mạc nước Úc và khu vực Trung Đông cho đến địa hình hiểm trở ở Nam Phi và vùng núi ở châu Mỹ – trong điều kiện nhiệt độ từ -40 o C đến hơn 50 o C – Ranger và Everest đã được phát triển để bứt phá trong những điều kiện khắc nghiệt nhất thế giới.
Xe nhập khẩu tăng mạnh, xe nội lo lép vế
Trước sức ép ngày càng tăng của xe nhập khẩu, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ.
Ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng lên đồng nghĩa với thị phần của xe sản xuất trong nước giảm xuống tương ứng. Trước sức ép ngày càng tăng của xe nhập khẩu, nhiều địa phương, doanh nghiệp đang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ để cân bằng tương quan giữa xe nội với ô tô nhập khẩu.
Ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong 7 tháng năm 2021 tăng mạnh về số lượng so với cùng kỳ
Vì sao xe nhập khẩu tăng trở lại?
Trong một báo cáo trình Chính phủ mới đây, một doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã nêu lại diễn biến thị trường năm 2020.
Theo đó tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc tăng cao bất thường, lên tới 41% trong nửa đầu năm, đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Tuy sang tới 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng xe nhập khẩu đã giảm về mức 34% nhưng lại đang có xu hướng tăng mạnh trong một vài tháng gần đây.
Theo số liệu từ Bộ Công thương, tính đến hết tháng 6 năm nay, trong khi sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đạt 161.100 xe, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước thì ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu cũng tăng kỷ lục, đạt 81.107 chiếc, tăng tới hơn 100% về cả lượng và giá trị so với cùng kỳ.
Tỷ trọng giữa số lượng ô tô nhập khẩu và sản xuất lắp ráp trong nước trong 6 tháng đầu năm 2021 là 33,5 - 66,5%, thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm 2020 là 31,5 - 68,5%.
Tính đến hết tháng 7/2021, khoảng cách giữa xe nhập khẩu và lắp ráp tiếp tục được thu hẹp với tỷ trọng là 34,5 - 65,5% và xe nhập khẩu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng mạnh những tháng cuối năm.
Lý giải về hiện tượng xe nhập khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đại dịch vẫn phức tạp, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho biết, cuối quý II năm trước là quãng thời gian "tạo đáy" của toàn ngành công nghiệp ô tô, sức mua giảm rất mạnh.
Tháng 5 năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 4.886 xe (trị giá 109 triệu USD) đã là mức rất thấp so với mọi năm, nhưng sang tháng 6, xe nguyên chiếc nhập khẩu giảm tiếp, chỉ về nước có 3.552 chiếc (trị giá 97,9 triệu USD), lập kỷ lục tháng nhập khẩu thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Còn theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một quy luật dễ nhận thấy là qua mỗi năm, tỷ trọng xe nhập khẩu sẽ tăng dần lên, xe lắp ráp sẽ hạ xuống theo mức tương ứng bởi xe lắp ráp trong nước rất khó cạnh tranh do chi phí sản xuất cao.
"Thực tế các hãng lựa chọn nhập khẩu sẽ có lợi hơn, do chi phí thấp nên giá cạnh tranh tốt hơn, không phải đầu tư dây chuyền sản xuất tốn kém. Thị trường tăng thì hãng nhập nhiều, còn thị trường giảm thì nhập ít. Nếu muốn sản xuất xe thì phải mua bộ khuôn về làm, rồi duy trì trong vòng 5 năm mà không biết có bán được hay không. Trong khi có thể chọn nhập thử một số lượng xe về để thử thị trường, nếu tốt thì tăng cường nhập khẩu. Sau khi bán tốt, ổn định thì lúc đó họ mới tính đến việc lắp ráp, ví dụ như Mitsubishi Xpander", đai diện VAMA dẫn chứng.
Cũng theo vị này, chi phí nhập khẩu linh kiện về để lắp ráp cũng cao hơn chi phí nhập xe nguyên chiếc từ ASEAN. Nhập khẩu linh kiện phải tốn các loại chi phí như logistics, đóng gói sản phẩm... một số linh kiện nhập về không được ưu đãi thuế nhập khẩu trong khi ô tô nhập khẩu ASEAN lại được miễn thuế nếu đủ điều kiện.
Đó là lý do các hãng xe luôn đặt lựa chọn việc nhập khẩu cao hơn là lắp ráp.
Đại diện một doanh nghiệp ô tô sản xuất trong nước cho biết, sự tăng trưởng tỷ trọng xe nhập khẩu do chiến lược của các hãng, đặc biệt là các hãng nhập khẩu ô tô từ ASEAN vì không chịu thuế nhập khẩu.
Họ có nhiều sản phẩm mới hơn và thấy nhập khẩu có nhiều ưu thế và tiết kiệm được nhiều chi phí hơn.
Thêm vào đó, cuối năm 2020 có chính sách hỗ trợ lệ phí trước bạ nên các hãng lắp ráp ô tô tăng cường sản xuất nhưng nay không thấy có chính sách gì thì lại tăng cường nhập khẩu.
Kiến nghị hỗ trợ ô tô lắp ráp
Tỷ trọng xe nhập khẩu đang tăng trở lại so với 6 tháng cuối năm 2020 khi ô tô SXLR được giảm 50% lệ phí trước bạ. Ảnh: Yến Chi
Theo một số doanh nghiệp ô tô trong nước, sản xuất lắp ráp ô tô tại Việt Nam hiện có nhiều rủi ro, trong khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn do dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra phức tạp trên thế giới.
Đặc biệt, khủng hoảng thiếu chip đang diễn ra trên toàn cầu, trong khi chỉ có một số nhà sản xuất chip nên họ sẽ ưu tiên phân phối cho một số thị trường trọng điểm. Việt Nam doanh số không cao, không phải thị trường trọng yếu nên sẽ không được ưu tiên.
Cộng với dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí vận chuyển hàng hoá cũng tăng, gây khó khăn cho việc sản xuất lắp ráp.
Tựu chung lại, có thể thấy trong bài toán kinh doanh, có thể các hãng sẽ lựa chọn nhập khẩu để tránh rủi ro trong sản xuất và giảm thiểu khó khăn, chi phí.
Đại diện một hãng xe khác tại Việt Nam nhận định, nếu không có những can thiệp kịp thời và quyết liệt từ Chính phủ thì sản xuất trong nước khó có thể tiếp tục cạnh tranh được với nhập khẩu, nhất là trong bối cảnh tất cả các hàng rào thuế quan và phi thuế quan áp dụng cho xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đều đã hoặc đang trên lộ trình gỡ bỏ theo cam kết của Việt Nam tại các FTA thế hệ mới.
Ngành công nghiệp ô tô nếu không dựa trên nền tảng là sản xuất công nghiệp thì sẽ không thể bước đi nhanh, mạnh và phát triển vững chắc, như định hướng của Chính phủ.
Được biết mới đây, UBND tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam và một số doanh nghiệp trong nước đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Các văn bản trên đều đề xuất một số giải pháp gồm: Gia hạn, kéo dài thêm chương trình ưu đãi thuế đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; Cho phép các doanh nghiệp mới thành lập được tham gia vào chương trình ưu đãi thuế mà không xem xét tiêu chí về sản lượng tối thiểu trong 3 năm đầu tiên; Gia hạn thời hạn nộp thuế thiêu thụ đặc biệt và giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước...
Thế giới Phương tiện - Bảng giá xe ô tô tháng 8/2021 tại Việt Nam Bảng giá xe tháng 8/2021 tại Việt Nam bao gồm toàn bộ thông tin của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các thương hiệu xe nhập khẩu như Audi, BMW, Porsche... Tại thị trường Việt Nam hiện nay, các thương hiệu ôtô được chia thành hai nhóm: Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA)...