Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp đã được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện.
Tỷ lệ CGH trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.
Trang trại chăn nuôi của anh Lê Văn Nhất, xã Định Hòa (Yên Định) ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi để tiết kiệm chi phí lao động, hạn chế bệnh dịch…
Trang trại chăn nuôi gà của anh Lê Văn Nhất, xã Định Hòa (Yên Định) luôn duy trì tổng đàn hơn 30 nghìn con/lứa. Để nâng cao năng suất, giảm chi phí thuê nhân công cũng như hạn chế mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, anh Nhất đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng CGH trong cải tạo hệ thống chuồng trại. Theo đó, anh đã lắp đặt máy trộn thức ăn công nghiệp để chủ động nguyên liệu, có thể thay đổi theo mùa thu hoạch nông sản tại địa phương và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này để giảm giá thành sản xuất; chủ động khẩu phần dinh dưỡng, điều chỉnh phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi… Sau đó, thức ăn, nước uống được tự động chuyển đến máng theo đúng định lượng; từ đó giúp giảm được chi phí thuê nhân công cho gà ăn, hạn chế thức ăn rơi vãi, bảo đảm vệ sinh chuồng trại. Theo đánh giá của anh Nhất: Sử dụng thức ăn tự trộn thay thế thức ăn công nghiệp có thể tiết kiệm 10 – 20% chi phí thức ăn. Nếu như trước đây trang trại của anh có hơn 10 lao động để thực hiện việc chăm sóc, nuôi dưỡng, vệ sinh chuồng trại thì giờ chỉ cần từ 5 lao động là có thể hoàn thành công việc. Không những tiết kiệm chi phí nhân công, giảm giá thành sản xuất, việc ứng dụng CGH trong chăn nuôi còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra nhiều cơ hội để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Định, hầu hết các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đã chú trọng việc ứng dụng CGH, đầu tư máy phối trộn thức ăn; máng ăn, núm uống tự động; máy phun thuốc sát trùng, vệ sinh chuồng trại… Trong lĩnh vực trồng trọt, huyện đã thực hiện CGH trong khâu làm đất đạt gần 100%, gieo cấy 25%, thu hoạch trên 80%.
Là một trong những địa phương đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, nhiều năm qua, huyện Hoằng Hóa đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh CGH vào sản xuất, như: Khuyến khích HTX, hộ dân mạnh dạn đầu tư mua các loại máy phù hợp với điều kiện sản xuất; tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững. Cùng với đó, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Quy hoạch, cải tạo, kiên cố hóa hệ thống tưới, tiêu, giao thông nội đồng và giao thông nông thôn… Đến nay, toàn huyện có hơn 300 máy làm đất, 76 máy gặt đập liên hợp, 47 máy cấy, 2 máy sấy nông sản, 8 máy gieo hạt và 9 cơ sở sản xuất mạ khay ở các xã Hoằng Đồng, Hoằng Thịnh, Hoằng Quỳ, Hoằng Phú… Tỷ lệ CGH khâu làm đất đạt 98% diện tích, cấy bằng máy đạt 30% diện tích. Việc đẩy mạnh CGH đã góp phần làm thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất truyền thống, thủ công sang sản xuất tập trung, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Hiện tại, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chú trọng đẩy mạnh áp dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp, bước đầu tạo sự chuyển biến trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng. Không chỉ bảo đảm kịp thời vụ, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian,… việc tiếp cận khoa học – kỹ thuật, hệ thống máy móc đã giúp người dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có 1.422 máy kéo các loại, 160 máy cấy lúa, 600 máy gặt đập liên hợp, 12.500 máy tuốt và vò lúa, 7 máy thu hoạch mía. Bên cạnh đó, một số địa phương đã triển khai mô hình phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái, tránh tiếp xúc trực tiếp với thuốc khi phun; đồng thời, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật so với phun bằng tay hoặc bình động cơ… Theo đó, diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng CGH trong khâu làm đất đạt 94,5%, gieo trồng 13%, thu hoạch 70%, vận chuyển 95%. Trong chăn nuôi đã áp dụng 100% máy vắt sữa bò, thủy sản đẩy mạnh CGH trong nuôi tôm thâm canh… Việc áp dụng CGH trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10 – 15%.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng CGH vào sản xuất nông nghiệp, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa CGH vào sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn tại các địa phương. Cùng với CGH trong các khâu làm đất và thu hoạch, cần chú trọng đến áp dụng CGH các khâu sản xuất và chế biến nông sản; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất… Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đưa CGH vào phục vụ sản xuất…
Xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương trong tỉnh đã tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Nông dân xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa) chăm sóc rau màu trên vùng chuyên canh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tích tụ, tập trung ruộng đất phát triển sản xuất nông nghiệp, với tổng diện tích 10.790 ha (trồng trọt 3.840 ha, chăn nuôi 550 ha, thủy sản 300 ha, lâm nghiệp 6.100 ha). Từ đó, đã hình thành được 17 vùng sản xuất tập trung cấp tỉnh và hơn 55 vùng sản xuất tập trung cấp huyện, xã. Trong đó, nhiều mô hình vùng sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, như: Vùng sản xuất giống lúa thuần, lúa lai F1, sản xuất rau an toàn tập trung tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Quảng Xương; vùng sản xuất các loại cây rau màu, như: ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Hoằng Hóa; vùng chăn nuôi bò sữa tập trung tại các huyện Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh; vùng chăn nuôi bò thịt tại các huyện miền núi, trung du... Đồng thời, hình thành các vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, ngao... áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp trên đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 đến 2 lần trở lên.
Cánh đồng chuyên canh cây rau màu đã trở thành "điểm nhấn" góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa). Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được vùng chuyên canh cây rau màu với diện tích hơn 40 ha, sản xuất luân canh 4 vụ/năm. Thông tin của UBND xã cho biết, các loại rau màu sản xuất trên vùng chuyên canh, năng suất bình quân hằng năm đều tăng từ 15 đến 22% so với sản xuất đại trà. Qua đánh giá thực tế, cùng một loại giống, được áp dụng phương pháp "4 cùng" nên quá trình tổ chức sản xuất thuận lợi, giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chủ trương xây dựng vùng chuyên canh rau màu nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân từ những ngày đầu triển khai. Từ đó, nông dân tham gia vào vùng sản xuất đều nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học và các quy trình sản xuất mới vào sản xuất. Đơn cử như việc sản xuất cây đậu leo, trước kia người dân chỉ đơn thuần là cắm giàn để cây leo, nhưng khi hình thành vùng chuyên canh, được tập huấn kỹ thuật, bà con đã định hình việc cắm giàn sao cho đúng quy chuẩn để cây vừa sinh trưởng, phát triển tốt, vừa tạo được mỹ quan, thuận lợi trong việc thu hoạch và tận dụng được hệ thống giàn để sản xuất những vụ tiếp theo. Ông Cao Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Hoằng Giang, cho biết: Trên vùng chuyên canh sản xuất rau màu, bà con trong xã chủ yếu trồng các loại mướp, đậu leo và rau màu theo thời vụ. Gần đây, kỹ thuật sản xuất của người dân được nâng lên, bà con bắt đầu sản xuất rau màu trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu bình quân của vùng sản xuất chuyên canh đạt từ 220 triệu đồng/ha/năm trở lên, đối với rau màu trái vụ doanh thu có thể đạt tới 450 triệu đồng/ha/năm.
Tại huyện Hà Trung, sau khi có Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch và đẩy nhanh việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất quy mô lớn. Thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Hà Trung, tính đến tháng 3-2021, trên địa bàn đã tích tụ được hơn 280,8 ha đất sản xuất nông nghiệp. Từ diện tích tích tụ được, huyện Hà Trung đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất lúa thương phẩm, rau an toàn, rau màu xuất khẩu... mang lại giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu, như: Vùng sản xuất lúa nếp hạt cau theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích hơn 315 ha, tại các xã Hà Lĩnh, Hà Long; vùng cây ăn quả tại các xã miền núi của huyện; vùng chuyên canh sản xuất mía, diện tích hơn 300 ha tại các xã Hà Long, Hà Giang, Hà Tiến...; vùng sản xuất rau màu hàng hóa khoảng 60 ha tại xã Hà Lĩnh và vùng nuôi trồng thủy sản tại các xã Hà Đông, Hà Ngọc và thị trấn Hà Trung. Thông qua các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp, hiệu quả kinh tế tăng lên từ 1,5 lần trở lên so với sản xuất truyền thống. Đồng thời, tư duy sản xuất của người dân cũng thay đổi và từng bước tiếp cận với sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi liên kết.
Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương cho thấy, ngoài sự đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích của các cấp, các ngành, địa phương thì tư duy dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của người dân chính là vấn đề mấu chốt. Do đó, để phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mang tính bền vững, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh cần dựa vào đặc thù, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, nhu cầu thị hiếu của thị trường để định hướng việc hình thành những vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phù hợp. Đồng thời, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chính sách cho vùng sản xuất tập trung, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Ngoài ra, các địa phương và người sản xuất cần chú trọng nâng cao chất lượng, hướng tới phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm từ những vùng chuyên canh.
Phát triển nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong 5 nước trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng. Dưới tác động của BĐKH toàn cầu, đến năm 2030 nhiệt độ trung bình có thể tăng thêm 0,7 độ C so với nhiệt độ trung bình trong giai...