Ứng cử viên sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe là ai?
Thời gian qua, có nhiều ý kiến trong chính giới Nhật Bản cho rằng Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga là ứng cử viên sáng giá để kế nhiệm Thủ tướng Shinzo Abe.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: EPA/TTXVN
Điều này tương đối bất ngờ khi trước đây phần đông dư luận cho rằng cựu Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida mới là những người có nhiều khả năng lên thay ông Abe nhất.
Theo hãng tin Jiji, sự chú ý dành cho Chánh văn phòng Suga ngày càng tăng sau khi ông được chọn là người công bố niên hiệu Reiwa khi Nhật hoàng Naruhito lên ngôi. Trước đây 30 năm, một thời gian sau khi công bố niên hiệu Heisei (Bình Thành), nguyên Chánh văn phòng Nội các Keizo Obuchi đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản.
Chính vì vậy, Chánh văn phòng Suga cũng được dư luận dự đoán là sẽ trở thành người thay thế cho đương kim Thủ tướng Shinzo Abe. Mặc dù ông Suga phủ nhận và cho biết ông hoàn toàn không nghĩ tới việc trở thành Thủ tướng NhậtBản, nhưng ông Suga được Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai đánh giá rất cao và ủng hộ.
Hiện nay, phương án Thủ tướng Abe tiếp tục thêm một nhiệm kỳ Chủ tịch LDP dù đã được bàn tán nhưng khả năng này vẫn chưa rõ ràng. Bối cảnh khiến nhiều người cho rằng Thủ tướng Abe nên tiếp tục kéo dài thêm nhiệm kỳ là bởi trong nội bộ LDP hiện nay chưa có chính trị gia nào đủ sức thay thế ông Abe.
Sau khi công bố niên hiệu Reiwa vào trưa ngày 1/4, báo chí Nhật Bản và mạng Internet tràn ngập hình ảnh của ông Suga. Vốn dĩ, cũng có những ý kiến cho rằng Chánh văn phòng Suga sẽ là người kế nhiệm Thủ tướng Abe trong trường hợp ông Abe gặp bất trắc.
Trong bối cảnh những nhân vật được dự báo có khả năng thay thế Thủ tướng Abe là cựu Tổng thư ký LDP Shigeru Ishiba và cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida không hội tụ đủ nền tảng chính trị và sự hậu thuẫn đủ mạnh thì việc được Tổng thư ký LDP Nikai lên tiếng ủng hộ khiến ông Suga được truyền thông đồng loạt nhận định đây mới là ứng cử viên sáng giá thay Thủ tướng Abe thời gian tới đây.
Video đang HOT
Ông Suga, năm nay 70 tuổi, lần đầu được bầu làm Hạ nghị sĩ năm 1996 và đến nay đã giữ 8 kỳ nghị sĩ quốc hội. Ông từng là thành viên của phái Obuchi (hiện là phái Takeshita), sau đó đã chuyển sang phái Horiuchi (nay là phái Kishida) nhưng nay không theo phái nào. Tuy nhiên, với thực lực và kinh nghiệm của mình, cộng thêm việc quan tâm bồi dưỡng các nghị sĩ trẻ, ông Suga hiện đứng đầu một nhóm gọi là “nhóm Suga” bao gồm khoảng 30-40 nghị sĩ, trong đó chủ yếu là các nghị sĩ trẻ.
Uy tín của ông Suga cũng lên cao khi ứng cử viên mà ông hậu thuẫn đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tỉnh trưởng Hokkaid, nơi duy nhất có sự cạnh tranh giữa các ứng cử viên được đảng cầm quyền và đối lập hậu thuẫn. Trong khi đó, nhân vật được Tổng thư ký Nikai và Phó Thủ tướng Taro Aso tiến cử đã lần lượt thất bại trong cuộc bầu cử kép tỉnh trưởng- thị trưởng Osaka và bầu cử tỉnh trưởng Fukuoka.
Tiếp đó, Thứ trưởng Giao thông Ichiro Tsukada thuộc phái Aso và Bộ trưởng Olympic Sakurada Yoshitaka thuộc phái Nikai đã lần lượt phải từ chức do phát ngôn bừa bãi khiến uy tín và vai trò của ông Suga ngày càng lên cao. Thêm một điều quan trọng khác là cả Thủ tướng Abe, Phó Thủ tướng Aso và Tổng thư ký LDP Nikai đều không muốn cựu Tổng thư ký LDP Ishiba – người luôn đối đầu với Thủ tướng Abe, trở thành người thay thế ông Abe. Chính vì vậy, cơ hội của Chánh văn phòng Suga là rất nhiều triển vọng.
Trong chuyến thăm mới đây tới Mỹ của Chánh văn phòng Suga, có tới 40 quan chức Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng đi cùng ông, một con số được đánh giá là gần tương đương với các chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản./.
Bùi Hà (P/v TTXVN tại Tokyo)
Theo bnews
Sự tái cân bằng đáng hoan nghênh trong quan hệ Pháp - Nhật
Trang mạng The Diplomat có bài viết nhận định chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Pháp đã làm đậm nét các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước với mối quan hệ ngày càng phát triển.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái). Ảnh: THX/TTXVN
Quan hệ giữa Pháp và Nhật Bản đang có một nghịch lý. Trong khi hai quốc gia này cùng chia sẻ nhiều lập trường và có chung mối quan ngại về các thách thức toàn cầu, Nhật Bản là đối tác chiến lược lớn duy nhất ở châu Á mà Tổng thống Emmanuel Macron chưa đến thăm. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi vào tháng Sáu tới, khi ông Macron có chuyến thăm chính thức Nhật Bản trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka.
Sự bất cân đối về quy mô và sức mạnh được thể hiện ở việc Paris ban đầu chỉ tập trung vào Bắc Kinh, song tới thời điểm hiện tại, những nhận thức ngày càng tăng về các giới hạn ở cả cấp độ kinh tế và chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc đã khiến Pháp đang có sự tái cân bằng đáng hoan nghênh với Nhật Bản.
Cùng thời điểm này, tại Pháp, năm "Japaonisme" đã được tổ chức thành công khi văn hóa Nhật Bản nhận được sự tôn vinh và quan tâm thường xuyên của công chúng trên tất cả các loại hình từ truyện tranh đến kịch Noh. Tại Nhật Bản, văn hóa Pháp cũng được công chúng chú ý. Một không gian văn hóa Pháp sẽ được tổ chức tại Nhật Bản trong năm nay.
Ở góc độ kinh tế, việc Tokyo ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) năm 2018 là sự khẳng định về tiềm năng to lớn để Nhật - Pháp đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Sau nhiều năm thiếu quan tâm, do Trung Quốc đã tới và đặt vấn đề trước, giờ đây nhóm các nước công nghiệp lớn đang hình thành các dự án hợp tác nghiên cứu quy mô lớn trong lĩnh vực viễn thông hoặc trí tuệ nhân tạo nhằm thiết lập một tiêu chuẩn riêng.
Vì vậy, có thể nói năm 2019 là năm của quan hệ Pháp-Nhật. Tháng Sáu tới, Nhật Bản sẽ lần đầu tiên chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, trong khi vào tháng Tám, Pháp sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Madrid. Đối với cả hai nước, đây là cơ hội để khẳng định tầm ảnh hưởng và vai trò toàn cầu trên trường quốc tế.
Tổng thống Pháp Macron trong cuộc họp báo sau buổi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Paris ngày 23/4 đã nhấn mạnh lập trường tương đồng của hai quốc gia, đồng thời cương quyết chống lại chủ nghĩa độc đoán và bảo hộ.
Đối với Paris cũng như Tokyo, vấn đề chung giữa Nhật Bản và EU là chống lại quyền lực từ Trung Quốc, "đối thủ mang tính hệ thống". Ngoài ra, một điều tế nhị hơn, cả Nhật Bản và Pháp đều quan ngại khi Mỹ đang đối chọi lại với bất kỳ thỏa thuận thương mại đa phương nào để nhân rộng khả năng về những hiệp định thương mại song phương.
Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Shinzo Abe diễn ra trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị nội dung cho các hội nghị thượng đỉnh quốc tế lớn. Ông Abe cần làm rõ vị trí của Nhật Bản từ Italia cho đến Slovakia.
Đối với chương trình nghị sự tại hai Hội nghị thượng đỉnh G20 và G7, Nhật Bản cũng giống Pháp đều nhấn mạnh quan hệ với các đối tác mới tại châu Phi, cho rằng sự bình đẳng, vấn đề phát triển con người, việc sử dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) phải đảm bảo nguyên tắc về dân chủ, địa lý.
Tất cả những yếu tố này là nội dung chính của khái niệm "an ninh con người", vượt ra ngoài phạm vi của quân đội. Tại G7, Paris nhấn mạnh sự ổn định và hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tại G20, Tokyo nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp cơ sở hạ tầng chất lượng cao, để phân biệt với sự hấp dẫn về lượng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro của các dự án liên quan đến Sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh. Nhật Bản và Pháp đều nhấn mạnh tới sự phát triển bền vững bao gồm cả khía cạnh biến đổi khí hậu và phát triển con người.
Tuy nhiên, có một điểm khác biệt thực tế giữa Nhật Bản và Pháp, đó là sự bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong tất cả các lĩnh lực. Đây là nội dung mà Pháp sẽ đưa vào chương trình của Hội nghị thượng đỉnh G7.
Song đối với Nhật Bản, mặc dù ông Abe đã xây dựng khẩu hiệu "Nhật Bản là nơi phụ nữ tỏa sáng", nhưng nước này đang có một vị trí rất thấp (đứng thứ 114 trong số 144 nước, trong khi Pháp ở vị trí thứ 11) trên thang đo bình đẳng giới do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố. Đây là một trong những vấn đế mà Nhật Bản đang gặp phải khi muốn thoát khỏi những ràng buộc xã hội truyền thống.
Nhật Bản và Pháp hiện cũng có một vấn đề chống lại quan hệ giữa hai bên. Đó là cáo buộc hình sự mà tòa án Nhật Bản đưa ra đối với cựu Chủ tịch liên doanh Renault-Nissan Carlos Ghosn. Thông báo về bản cáo trạng mới của cựu Chủ tịch liên doanh Renault-Nissan trước thềm cuộc gặp giữa ông Macron và ông Abe đã không đem lại thuận lợi cho quan hệ Nhật - Pháp.
Tuy nhiên, quan hệ giữa hai quốc gia là cực kỳ cần thiết và cao hơn nhiều so với một vụ án. Paris và Tokyo có chung lợi ích, bao gồm cả việc theo đuổi mối quan hệ đối tác hiệu quả giữa Renault và Nissan, cũng như cùng một tầm nhìn chiến lược, đặc biệt ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Điều này đã được Tổng thống Pháp đề cập tới một cách rõ ràng. Pháp là quốc gia duy nhất ở châu Âu có lợi ích chủ quyền trực tiếp và có vai trò quan trọng trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, gồm cả lĩnh vực an ninh. Đây là một trong những cơ sở để Pháp tăng cường trao đổi, hợp tác với Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với các thách thức./.
Theo Thành Hữu (P/v TTXVN tại Tokyo)
Lý do Thủ tướng Shinzo Abe muốn gặp ông Kim Jong Un vô điều kiện Lãnh đạo Nhật Bản hy vọng quan hệ song phương Nhật - Triều sẽ được cải thiện thông qua các cuộc trao đổi thẳng thắn với Bình Nhưỡng. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đề nghị gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un Trong cuộc phỏng vấn đăng tải trên nhật báo Sankei Shimbun ngày 1/5, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng...