UNESCO: Ít nhất 1,4 triệu trẻ em gái ở Afghanistan không đến trường sau bậc tiểu học
Ngày 15/8, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) cho biết ít nhất 1,4 triệu trẻ em gái ở Afghanistan không được đi học cấp hai kể từ khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền tại nước này năm 2021.
Trẻ em gái Afghanistan tại một trại tị nạn ở Kabul, ngày 29/11/2022. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Dựa trên cách giải thích hà khắc về luật Hồi giáo, chính quyền Taliban cấm trẻ em gái tiếp cận giáo dục sau lớp 6. Afghanistan là quốc gia duy nhất trên thế giới không cho phép trẻ em gái tiếp tục đến trường sau bậc tiểu học.
Theo UNESCO, ít nhất 1,4 triệu trẻ em gái ở Afghanistan không theo học cấp hai kể từ khi Taliban tiếp quản quốc gia Tây Nam Á, tăng 300.000 so với số liệu ghi nhận vào tháng 4/2023. Đáng chú ý, nếu tính cả những bé gái đã nghỉ học trước khi lệnh cấm được ban hành, con số này có thể lên đến gần 2,5 triệu, chiếm 80% số trẻ em gái trong độ tuổi đi học ở Afghanistan.
Cũng theo dữ liệu của UNESCO, số lượng học sinh tiểu học ở Afghanistan cũng giảm kể từ khi Taliban lên nắm quyền trở lại. Năm 2022, Afghanistan có 5,7 triệu trẻ em gái và trẻ em trai học tiểu học, giảm 1,1 triệu em so với số liệu năm 2019. Cơ quan này cho rằng tình trạng này có thể là do Taliban cấm giáo viên nữ dạy học sinh nam, hoặc do các bậc phụ huynh đối mặt gánh nặng tài chính trong bối cảnh tình hình kinh tế ngày càng khó khăn.
Nhiều thập kỷ xung đột và bất ổn cũng đã khiến hàng triệu người Afghanistan đứng bên bờ vực đói nghèo và tỷ lệ thất nghiệp cao.
Quan hệ Pakistan và Afghanistan thêm căng thẳng sau vụ tấn công căn cứ quân sự
Ngày 17/7, Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu Phó đại diện phái đoàn ngoại giao của chính quyền Afghanistan, hiện do lực lượng Taliban nắm quyền, để yêu cầu chính quyền Taliban ngăn chặn các nhóm chiến binh mà Islamabad cho là đang ẩn nấp ở nước láng giềng và đã thực hiện vụ tấn công căn cứ quân sự nước này trước đó 2 ngày.
Binh sĩ bán quân sự Pakistan tuần tra trên đường phố Karachi sau một vụ tấn công của các tay súng. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Ngày 15/7, một nhóm chiến binh đã tấn công căn cứ ở Bannu ở Tây Bắc Pakistan, lao xe chở đầy chất nổ về phía căn cứ này và khiến 8 thành viên lực lượng an ninh Pakistan thiệt mạng.
Nhóm chiến binh Hafiz Gul Bahadur đã nhận thực hiện vụ tấn công. Quân đội Pakistan cho rằng nhóm này hoạt động ở nước láng giềng Afghanistan.
Trong thông báo mới đưa ra, Bộ Ngoại giao Pakistan nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc của nước này về sự hiện diện của các nhóm khủng bố bên trong Afghanistan, tiếp tục đe dọa an ninh của Pakistan. Islamabad kêu gọi chính quyền Taliban điều tra đầy đủ và có hành động ngay lập tức, mạnh mẽ và hiệu quả nhằm trừng phạt thủ phạm của vụ tấn công Bannu, ngăn chặn tái diễn các cuộc tấn công như vậy.
Gần đây, Pakistan đã nhiều lần nêu vấn đề gia tăng các cuộc tấn công xuyên biên giới với chính quyền Taliban, làm gia tăng căng thẳng giữa các nước láng giềng vốn đã chứng kiến các cuộc xung đột giữa các lực lượng an ninh ở biên giới trong những năm gần đây. Chính quyền Taliban luôn phủ nhận việc cho phép phiến quân sử dụng lãnh thổ Afghanistan để tấn công Pakistan.
Liên hợp quốc triệu tập cuộc họp xem xét các khuyến nghị về Afghanistan Ngày 18/2, các đặc phái viên của các nước và khu vực đã tham dự cuộc họp do Liên hợp quốc triệu tập tại thủ đô Doha của Qatar để thảo luận về tình hình Afghanistan. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chủ trì cuộc họp này. Đây là cuộc họp thứ hai của LHQ về Afghanistan trong chưa đầy một năm qua....