Ùn tắc khủng khiếp tại cầu Bình Triệu 1
Sau trận kẹt xe khủng khiếp trong giờ cao điểm sáng 1/8, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP tiếp tục đóng trạm để thu phí tại cầu Bình Triệu 1. Hậu quả là xảy ra vụ kẹt xe còn khủng khiếp hơn vào giờ cao điểm chiều ngày 1/8.
Như Dân trí đã đưa tin, ngay từ sáng 1/8, khu vực ngã tư Bình Triệu, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng khi Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP (CII) chủ đầu tư bắt đầu thu phí. Tình hình này lại tiếp diễn khi lượng người và phương tiện rời thành phố vào chiều 1/8.
Khoảng 17h15′ chiều 1/8, khi lượng phương tiện đổ về ngã tư Bình Triệu mỗi lúc một đông lại bắt đầu gây ùn tắc khủng khiếp trên luồng đường hướng từ trung tâm thành phố về Thủ Đức. Đoàn xe gắn máy nối đuôi nhau nhích từng chút một qua khu vực này, một số phương tiện lấn sang làn đường ô tô vào trạm thu phí để thoát cảnh kẹt xe những vẫn không khả quan. Nhiều xe cứu thương hú còi inh ỏi nhưng cũng không thể vượt qua khu vực kẹt xe.
Ùn tắc khủng khiếp lại xảy ra và chiều 1/8
Xe cứu thương cũng đành bất lực chôn chân trong dòng xe
Lúc này, đơn vị thu phí cầu Bình Triệu 1 bắt buộc phải xả trạm vì “đoàn xe cưỡng bức”. Tuy nhiên, kịch bản kẹt xe như buổi sáng 1/8 lại bắt đầu: dù trạm đã xả nhưng điểm ùn tắc cũng đã hình thành, dòng xe đổ về ngày càng nhiều thì điểm ùn tắc ngày càng lớn chứ không giảm. Đến 18h, tình hình càng căng thẳng hơn, dòng xe nối đuôi nhau khoảng hơn 1km kéo dài từ bến xe miền Đông qua ngã tư Bình Triệu.
Video đang HOT
Các lực lượng gồm CSGT, Thanh tra giao thông, thanh niên xung phong… đã rất vất vả điều tiết giao thông; nhiều nhân viên của trạm thu phí cũng đã đứng ra hướng dẫn đoàn xe gắn máy lưu thông vào các trạm thu phí để giảm áp lực cho cầu Bình Triệu 1. Nhưng mọi nỗ lực hầu như đều bất lực trước dòng xe liên miên bất tận.
Sau một ngày làm việc mệt nhọc lúc về nhà gặp phải tình trạng kẹt xe khiến nhiều người tỏ ra bực bội. Anh Cao Minh Vương (38 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) bức xúc: “Ngày nào tôi cũng mất 30 phút để thoát ra khỏi vùng kẹt xe này, hôm nay còn khủng khiếp hơn”.
Cũng bức xúc không kém, ông Trần Trọng Hòa (chạy xe ôm ở ngã tư Bình Triệu) cho biết: “Ngày nào cũng vậy cứ sáng sớm và chiều tối là khu vực này kẹt xe dữ lắm, đi bộ còn không được huống chi xe gắn máy”. Và nhìn vào dòng xe đang ùn tắc trong chiều 1/8 ông càng ngao ngán hơn.
Can cứ can, tiền phải lấy
Ngay từ khi CII đề xuất chọn vị trí xây trạm thu phí ngay dưới chân cầu Bình Triệu 1 thì rất nhiều chuyên gia đã lên tiếng phản đối. Vì vị trí đặt trạm chỉ cách chân cầu 30m, ngay trên hướng dòng phương tiện đang đổ xuống cầu là rất phi lý, khi xảy ra kẹt xe thì dòng xe ùn ứ sẽ xếp hàng trên cây cầu yếu có mấy chục năm tuổi này là rất nguy hiểm. Tuy nhiên, CII vẫn “cố” làm và Sở Giao thông Vận tải cũng xoa dịu bằng cách cho “làm thử nghiệm”.
Hàng vạn phương tiện xếp chật như nêm trên cây cầu cũ khi ùn tắc xảy ra
Xe máy tìm mọi chỗ trống để thoát ra
Theo Sở GTVT, kẹt xe tại khu vực này chủ yếu là do chiếm dụng mặt đường để thi công dự án đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài. Hiện nhà thầu công trình này đang gấp rút cho thảm nhựa đoạn đường trước ngã tư Bình Triệu để giảm bớt kẹt xe cho khu vực. Còn bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó Tổng Giám đốc CII khẳng định CII chỉ thu phí trong giờ thấp điểm, còn khi kẹt xe sẽ xả trạm để góp phần… giải tỏa ùn tắc.
Đến ngày 26/7, trạm thu phí này bắt đầu được cho thu thử nghiệm (không thu tiền mà chỉ làm thao tác thu) trong 1 tháng để lấy kết quả cho UBND TP quyết định cho thu thật hay không. Thực tế ngay trong ngày đầu tiên thu thử nghiệm đã xảy ra ùn tắc rất nghiêm trọng. Các ngày sau, tình trạng kẹt xe vẫn xảy ra trong các giờ cao điểm.
Tuy nhiên, khi báo cáo UBND TP thì CII khẳng định chỉ xảy ra kẹt xe trong ngày đầu tiên thu phí và lý do là vì… tàu hỏa chứ không phải vì trạm thu phí. Dù rằng ai cũng biết nguyên nhân chính khiến khu vực này trở thành điểm đen ùn tắc của TP suốt 10 năm nay là do lượng phương tiện đông, ngã tư giao cắt phức tạp giữa 2 luồng đường bộ và 1 luồng đường sắt. Đó cũng chính là lý do các chuyên gia phản đối xây trạm thu phí tại đây nhưng có vẻ CII “làm ngơ” như chưa từng biết.
Theo Sở GTVT, kẹt xe tại đây là do thi công đường…
…điều này đúng, nhưng cũng chính TP làm kẹt xe khủng khiếp hơn khi cho thu phí tại địa điểm đang thi công
Trong báo cáo, đơn vị này cho hay trạm áp dụng công nghệ thu phí hiện đại nhất, có khả năng thông xe hơn 43.000 lượt/ngày, trong khi đó lượng xe thực tế qua trạm chỉ khoảng 15.000 lượt/ngày nên hoàn toàn có thể đáp ứng lưu thông tốt. Thậm chí, CII còn mạnh miệng lấy “kinh nghiệm 10 năm khai thác dịch vụ thu phí giao thông tại TPHCM” để đảm bảo là sẽ không gây ra ùn tắc để làm an lòng thành phố và xin thu phí ngay. Nhưng thực tế là ùn tắc đã xảy ra nhiều giờ trong ngày hôm qua, 1/8.
Tùng Nguyên – Đình Thảo
Theo Dantri
TPHCM vẫn chưa xử lý các trạm thu phí đường bộ
Theo quy định, khi Quỹ Bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, các trạm thu phí nhằm mục đích bảo trì đường bộ phải được xóa bỏ. Tuy nhiên, các trạm thu phí này tại TPHCM vẫn chưa được xử lý, sắp xếp lại.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện thành phố có tất cả 8 trạm thu phí giao thông đường bộ với 11 điểm thu phí. Ngoài ra còn có 2 trạm thu phí sắp đi vào hoạt động là trạm Bình Triệu 1 dưới chân cầu Bình Triệu 1 và trạm Thủ Thiêm thu phí cho đường hầm sông Sài Gòn.
Hiện TPHCM có 8 trạm với 11 điểm thu phí và sắp tới sẽ còn nhiều trạm có thể đưa vào hoạt động
Tại văn bản số 2250/TTg-KTN ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo xử lý, sắp xếp lại các trạm thu phí trên hệ thống đường địa phương theo nguyên tắc xóa bỏ, dừng thu đối với các trạm thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách nhà nước, các trạm thu phí sử dụng đường bộ trả nợ vay...
Thực hiện chỉ đạo này, UBND TP đã từng họp bàn vào đầu năm 2013 và yêu cầu Sở GTVT xem xét lại hợp đồng thu phí tại các trạm để tham mưu cho UBND TP hướng xử lý. Tuy nhiên, theo ý kiến một cán bộ Sở GTVT thì hầu hết các trạm thu phí trên địa bàn thành phố đều là đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) nên không thể sắp xếp, xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thạc sĩ Phạm Sanh, chuyên gia giao thông từng nhiều năm công tác tại Sở GTVT TPHCM, cho rằng có 3 trạm thu phí có thể xem xét dừng thu là trạm Kinh Dương Vương, trạm Nguyễn Văn Linh và trạm cầu Phú Mỹ. Trong số này chỉ có trạm Kinh Dương Vương đã có quyết định dừng thu phí từ 12h ngày 31/3.
Theo Nghị định số 18/2012/NĐ-CP, sau khi thu phí đường bộ theo đầu phương tiện thì chi phí bảo trì công trình đường bộ sẽ được trích từ Quỹ bảo trì đường bộ. Như vậy, những trạm thu phí nhằm mục đích bảo trì công trình đường bộ như trạm Nguyễn Văn Linh, trạm đường hầm sông Sài Gòn đều phải dẹp bỏ. Tuy nhiên, theo Sở GTVT TPHCM, việc xử lý 2 trạm trên "còn vướng mắc" nên chưa thể tham mưu cho UBND TP hướng xử lý. Theo Sở, phải chờ hướng dẫn của Bộ thì mới có hướng tham mưu cho UBND TP điều chỉnh, sắp xếp lại các trạm thu phí trên địa bàn thành phố.
Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, hiện đã áp dụng thu phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện mà xe đi qua các trạm vẫn phải nộp phí bảo trì đường bộ được tính trong mức thu là điều hết sức vô lý, cần phải tính toán lại để đảm bảo công bằng cho người dân.
Theo Dantri
Chích điện bắt cá, một thanh niên chết thảm Dùng công cụ tự chế với nguồn điện 220V để chích cá, một nam thanh niên đã bị chính dòng điện giật tử vong. Hiện trường nơi xảy ra tai nạn làm anh N. tử vong. Ngày 18/3, đội cảnh sát điều tra tổng hợp Công an quận Thủ Đức (TPHCM) đã làm xong thủ tục pháp y nhằm làm rõ nguyên nhân...