Ùn tắc giao thông ở cổng trường: Chưa có hồi kết
Với số lượng lớn trường học nằm bám theo các trục giao thông kéo theo số lượng học sinh và phụ huynh đưa đón rất đông, khiến tình trạng ùn tắc giao thông xung quanh cổng trường học ở Hà Nội diễn ra thường xuyên, trở thành vấn đề gây nhiều nhức nhối.
Giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở cổng trường học vẫn đang là vấn đề nan giải của các nhà trường và cơ quan chức năng.
Trường Tiểu học Thăng Long ( phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm) đã phối hợp với các lực lượng chức năng lập lại trật tự giao thông trước cổng trường, một vấn nạn tồn tại nhiều năm qua. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN
Cổng trường thành điểm nóng
Vào các khung giờ cao điểm đưa, đón học sinh, người tham gia giao thông ở Thủ đô có thể dễ dàng bắt gặp cảnh phụ huynh học sinh dừng đỗ ô tô, xe máy lộn xộn dưới lòng đường, trên vỉa hè để đưa đón con, gây ra ùn tắc giao thông xung quanh khu vực cổng trường. Điển hình như tại trường Tiểu học Dịch Vọng B, Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông), Trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Thực nghiệm khoa học giáo dục (số 50-52 phố Liễu Giai, quận Ba Đình), Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng)… hầu như ngày nào cũng diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông.
Nằm trên địa bàn “đất chật, người đông”, trường Tiểu học Trần Quốc Toản ( phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm) ùn tắc nghiêm trọng ở khu vực cổng trường vào khoảng 11 giờ trưa và 4 giờ chiều là khung giờ phụ huynh đưa đón con đi học. Quãng đường hơn 500 m phố Nhà Chung, trước cổng trường Trần Quốc Toản dường như tắc cứng. Tại đây không có người phân luồng, điều chỉnh giao thông vào giờ cao điểm nên giao thông rất lộn xộn.
Chị Nguyễn Thị Mai, 36 tuổi, người dân sống ở khu vực này cho biết, nhiều phụ huynh còn vô tư dựng xe ở lòng đường và đi vào sân trường tìm con. Những chiếc xe máy để ngổn ngang, có xe bị đổ do va chạm, gây cản trở cho người tham gia giao thông.
Tại khu vực trước cổng trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc vào khoảng 4 giờ đến 5 giờ chiều, khiến người đi đường không khỏi bức xúc. Dù chưa đến giờ tan học, phụ huynh đã xếp thành hàng dài phía trước cổng trường. Mặc dù có chỉ dẫn xếp xe sát vỉa hè nhưng nhiều người đến sau vẫn dựng xe ngay lòng đường, gây cản trở cho những phương tiện xung quanh. Tại đây, học sinh ra về theo lớp, mỗi em đứng đầu hàng giơ cao bảng tên của lớp mình. Tuy nhiên, bước qua cánh cổng trường, hàng lối bỗng trở nên nhốn nháo.
Nhiều phụ huynh đón con bằng ô tô, đỗ ở lòng đường gần nửa tiếng gây tắc nghẽn nghiêm trọng, các phương tiện tham gia giao thông xung quanh chỉ có thể di chuyển từng chút một.
Ông Phạm Văn Hiền, đội tự quản An toàn giao thông phường Phạm Đình Hổ, chuyên điều chỉnh, phân luồng giao thông trước cổng trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết: “Một số phụ huynh ý thức rất kém, dựng ngang xe ở đường. Mặc dù đã nhắc nhở, yêu cầu xếp hàng theo vạch quy định nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm”. Ông cho biết thêm, thỉnh thoảng ở đây xảy ra những vụ cãi vã, va chạm xe giữa các phụ huynh, gây tắc nghẽn nặng, nhưng đội tự quản phải giải quyết ngay lập tức.
Bên cạnh hiện tượng ùn tắc thì việc vi phạm luật giao thông ở khu vực cổng trường cũng khá phổ biến. Theo quan sát của phóng viên, tại trường Trung học cơ sở Yên Hòa (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy), một số phụ huynh đón con nhưng con em không đội mũ bảo hiểm, thậm chí “kẹp ba” di chuyển trên đường. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng như học sinh cố tình đi xe đạp, xe máy lên vỉa hè gây va chạm với những người đi bộ, do số lượng học sinh đứng ở vỉa hè đợi bố mẹ rất đông.
Vẫn là giải pháp tình thế
Video đang HOT
Sự bất cập giữa nhu cầu đưa đón con đi học với hạ tầng giao thông khu vực cổng trường học là căn nguyên gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại đây. Bên cạnh đó, ý thức, văn hóa giao thông của học sinh và nhiều phụ huynh còn hạn chế, tình trạng dừng đỗ xe lộn xộn trên vỉa hè, lòng đường khá phổ biến trong khi lực lượng chức năng mà cụ thể là trật tự viên của phường còn “mỏng” không đủ người để ngày nào cũng bố trí giám sát, xử phạt đã làm gia tăng ùn tắc giao thông khu vực cổng trường.
Mặt khác, tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến cũng là nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông ở cổng trường, do việc di chuyển từ nhà đến trường xa trong điều kiện giao thông hỗn hợp thiếu an toàn nên nhiều người không để con tự đi học mà chọn cách đưa đón bằng phương tiện cá nhân. Xe buýt học đường cũng mới chủ yếu tổ chức ở các trường ngoài công lập nên chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu.
Chị Trần Thanh Tâm có con học ở trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: “Ai cũng muốn đứng gần cổng trường nhất để dễ nhìn thấy con, nhưng nhiều khi không còn chỗ, đành dừng tạm ở lòng đường, nghĩ là sẽ đi luôn nên cũng không sao”. Nhiều phụ huynh cho rằng, tắc nghẽn ở cổng trường là điều đương nhiên nên việc dừng đỗ xe tùy tiện khu vực cổng trường ngày càng phổ biến.
Thời gian qua, nhiều giải pháp đã được chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và các nhà trường triển khai nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường như: bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; tăng cường tuyên truyền vận động phụ huynh tuân thủ các quy định về khu vực được dừng, đỗ xe đã mang lại một số kết quả nhất định.
Anh Đoàn Long Sơn, công an chốt trực ở ngã tư gần trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết, hàng ngày anh phải đứng ở đây hướng dẫn cho ô tô đi đường khác, không để các xe lớn đi vào cung đường có trường học, giảm thiểu việc tắc nghẽn. Phường Phạm Đình Hổ dự tính sẽ kẻ đường phân cách ở khu vực cổng trường để các phụ huynh để xe đúng khu vực quy định, phụ huynh đón con xong nhắc nhở di chuyển ngay.
Công an phường cũng tư vấn cho các nhà trường sắp xếp lịch tan học chênh lệch giữa khác khối. Mỗi khối lớp ra về chệnh lệch nhau 10 – 15 phút, tránh tình trạng học sinh ùa ra cùng một lúc. Theo quan sát của phóng viên, trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) có sự phân chia cụ thể điểm đón học sinh các khối, treo biển chỉ dẫn rõ ràng.
Mặc dù vậy đây chỉ là giải pháp tình thế. Để giải quyết được căn nguyên vấn đề này, thành phố Hà Nội cần thực hiện đồng bộ các giải pháp; trong đó chú ý đến việc bố trí không gian trong nhà trường bao gồm cả khu cho phụ huynh chờ đón con khi phát triển mạng lưới trường học; hoàn thiện hệ thống xe buýt học đường với mức chi phí phù hợp để học sinh tự đến trường mà không cần sự đưa đón của bố mẹ. Bên cạnh đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông cho người dân cần có chế tài xử lý đối với những phụ huynh học sinh cố tình vi phạm, đồng thời nêu cao trách nhiệm của các trường học, địa phương trong việc đảm bảo an toàn giao thông khu vực cổng trường.
Giải quyết hiện tượng ùn tắc ở cổng trường học vẫn đang là vấn đề nan giải của các nhà trường và cơ quan chức năng, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng ùn tắc ở cổng trường vẫn chưa được cải thiện nhiều. Trong khi chờ các giải pháp lâu dài đòi hỏi sự hợp tác của các bậc phụ huynh và học sinh nâng cao ý thức chấp hành thì các quy định đảm bảo an toàn giao thông mới phát huy hiệu quả.
Làm gì lấp "khoảng trống" văn hóa giao thông?
Không khó bắt gặp những hành vi thiếu văn hóa khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Điều này khiến ùn tắc và TNGT luôn nhức nhối và khó kéo giảm...
Văn hóa của người tham gia giao thông chưa được nâng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến ùn tắc, TNGT (Trong ảnh: Ùn tắc trên đường Khuất Duy Tiến chiều 12/6)
Mạnh ai nấy đi
17h15 ngày 12/6, ghi nhận của PV Báo Giao thông trên đường Khuất Duy Tiến, cả đoạn dài hàng trăm mét từ nút giao Lê Văn Lương đến Nguyễn Trãi rơi vào cảnh ùn tắc nghiêm trọng, ô tô phủ kín mặt đường.
Dù đường tắc nghẽn, hàng chục chiếc xe máy BKS 29X3 - 274.27; 29V1 - 155.76; 29H1 - 767.96; 29Y5 - 397.85... vẫn cố tình luồn lách qua khe hở của ô tô. Hàng trăm xe khác lại tìm cách cho xe chiếm vỉa hè của người đi bộ để di chuyển.
Một chiến sĩ thuộc Đội CSGT số 7 (Công an TP Hà Nội) cho biết, 2 năm trở lại đây, dù mặt đường Khuất Duy Tiến đã được mở rộng 12 - 20m mỗi bên, song cứ vào giờ tan tầm, tuyến đường lại bị... tê liệt.
"Nguyên nhân do sự vô tổ chức trong lưu thông của một bộ phận người tham gia giao thông. Ai cũng muốn đi trước nên thiếu sự nhường nhịn và phớt lờ sự điều tiết của lực lượng chức năng", chiến sĩ này nói.
Lâu nay, vào giờ cao điểm buổi chiều hàng ngày, nguy cơ TNGT lại thường trực tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương bởi tình trạng xe máy đi ngược chiều nhằm thoát ùn tắc.
Lúc 17h45 ngày 12/6 có mặt tại đây, PV ghi nhận liên tiếp các xe máy BKS 29N5 - 3920; 29C1 - 831.85; 37E1 - 398.07; 14Y1 - 193.40; 29K1 - 285.45... đang đi hướng Tố Hữu - Lê Văn Lương, đến ngã tư thay vì xếp hàng chờ đèn đỏ đã rẽ sang làn đường ngược lại đứng chờ đèn để được đi trước khi đèn chuyển xanh.
Việc lưu thông thiếu ý thức đó khiến nhiều người từ nội thành về phía Hà Đông tỏ thái độ bức xúc.
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Hữu Đức cho rằng, người tham gia giao thông tại Việt Nam còn có rất nhiều hành động thể hiện ý thức văn hóa kém như: Dừng, đỗ xe trên cung đường có biển cấm; chở hàng quá khổ, quá tải, lùi xe trên cao tốc; đặc biệt là sử dụng rượu, bia, chất ma túy trước khi điều khiển phương tiện.
Tất cả hành vi đó đều có thể dẫn đến những vụ TNGT thương tâm, thảm khốc.
Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) thẳng thắn nói: "Không ở đâu trên thế giới có việc người tham gia giao thông một tay điều khiển xe máy, một tay nhăm nhăm chiếc điện thoại di động như ở Việt Nam.
Hay khi có va chạm giao thông, nhiều người dừng xe giữa đường chỉ để tranh cãi, phân bua đúng sai mà không cần quan tâm đến những người xung quanh".
Đừng chỉ đổ lỗi cho người dân...
Ở một góc độ khác, ông Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, để có văn hóa giao thông phải thực hiện 4 vấn đề cốt lõi: Quy định pháp luật gồm các quy tắc tham gia giao thông; hoạt động tuyên truyền đưa luật đến với người dân; thiết kế kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông; kiểm tra và xử lý vi phạm.
"Nếu có 3 yếu tố đầu mà xử lý không nghiêm thì người ta vẫn nhờn luật. Nhưng nếu không có yếu tố đầu tiên thì người dân sẽ làm theo cảm tính.
Do vậy, để hình thành văn hóa giao thông, hạ tầng kết cấu giao thông phải tốt, tổ chức giao thông phải phù hợp với đặc thù khu vực (lưu lượng, địa hình), quy tắc ứng xử phải được thể chế hóa và xử phạt vi phạm phải nghiêm minh", ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông Minh, xử phạt chỉ là khâu cuối cùng, văn hóa giao thông còn "khoảng trống" không có nghĩa lỗi chỉ thuộc về người dân mà các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận thấu đáo 3 vấn đề còn lại đã tốt chưa, phải xem xét môi trường để người dân thực thi đã thuận lợi chưa.
"Đơn cử, hiện nay, ở nhiều nút giao trong giờ cao điểm ùn tắc đến 15 - 20 phút, đây chính là cái cớ để xe máy "trèo" lên vỉa hè lưu thông.
Đối với những trường hợp này, thay vì tiếp tục buộc người xe máy phải tuân thủ quy định dành vỉa hè cho người đi bộ và kiên nhẫn chờ đợi, lực lượng chức năng cần xem tổ chức giao thông đã hợp lý chưa, cần có biện pháp gì để khơi thông ùn tắc. Nếu thời gian ùn ứ giảm từ 20 phút xuống 5 phút, tôi tin rằng sẽ không một xe máy nào đi trên vỉa hè", ông Minh nói.
Cũng theo ông Minh, hiện nay, mức phạt như Nghị định 100/2019 của Chính phủ về cơ bản đã khá cao, quan trọng nhất vẫn là cách xử phạt.
"Bên cạnh giải pháp phạt nguội đang phát huy hiệu quả, cơ quan chức năng cần học hỏi hình thức phạt lũy tiến của các nước tiên tiến. Lần đầu vi phạm không cần phạt cao nhưng nếu tái phạm lần hai, lần ba mức phạt sẽ tăng lên.
Về công cụ kinh tế, áp dụng chính sách lái xe an toàn trong thời gian dài sẽ được mức bảo hiểm thấp, những lái xe thường xuyên vi phạm hoặc gây TNGT phải đóng mức bảo hiểm cao", ông Minh gợi ý.
Đồng quan điểm, Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu các mô hình xây dựng văn hóa giao thông của các nước.
Ví dụ ở Hà Lan, các bé 3 tuổi trở lên đều được khuyến khích trở thành cảnh sát. Các bé được dạy khi phát hiện ra các hành vi vi phạm giao thông của người lớn thì có quyền đến báo với cảnh sát gần đó.
Sau đó, cảnh sát sẽ kiểm tra camera để truy lại vi phạm và xử phạt. Biện pháp này vừa giúp ngăn chặn kịp thời hành vi nguy hiểm, vừa đánh vào sự xấu hổ của người trưởng thành khi bị trẻ em nhắc nhở.
"Hay tại một quốc gia khác, một người vi phạm giao thông phải học cách làm CSGT, đứng ở vị trí của người CSGT cho đến khi tìm thấy một người vi phạm khác.
Biện pháp này vừa đánh vào tâm lý sợ mất thời gian, công việc của người vi phạm, đồng thời, giúp người đó hiểu sự vất vả của lực lượng CSGT trong việc quản lý trật tự xã hội trên các tuyến đường bộ, từ đó tự giác điều chỉnh hành vi, tuân thủ pháp luật", Thượng tá Thu dẫn chứng.
Xử lý hơn 120 nghìn vụ vi phạm giao thông
Theo Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và Giải quyết TNGT (Cục CSGT, Bộ Công an), sau 26 ngày thực hiện kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện cơ giới đường bộ (tính đến 11/6), lực lượng CSGT cả nước đã phát hiện, xử lý gần 30.000 trường hợp vi phạm tốc độ, hơn 64.000 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 11.000 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông, hơn 18.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và 234 trường hợp lái xe dương tính với ma túy.
Đề xuất ghi âm, ghi hình giám sát CSGT Trong dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT), Bộ Công an đề xuất thiết bị ghi âm, ghi hình phải được sử dụng trong suốt quá trình CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phương tiện. Việc này giúp lực lượng chức năng giám sát, chống tiêu cực. Bộ Công an sẽ trang bị camera giám...