Ukraine tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước đối tác chiến lược
Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC) tối 28/8 đã thông qua một loạt biện pháp để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ nước này.
Trước đó, NSDC nói rằng binh sỹ Nga đã chiếm một số thành phố ở phía Nam tỉnh Donetsk của Ukraine, khiến Tổng thống nước này Petro Poroshenko phải hoãn chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và triệu tập NSDC họp khẩn cấp.
Xe tăng của quân ly khai Ukraine.
Phó Thư ký NSDC Mikhain Koval cho biết Kiev sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và các nước đối tác chiến lược giúp đỡ.
NSDC sẽ soạn thảo các văn kiện liên quan để Tổng thống ký, đồng thời quyết định đề nghị được tham vấn với các nước thành viên tham gia Biên bản ghi nhớ Budapest năm 1994 về loại bỏ hàng nghìn đầu đạn hạt nhân ở Ukraine để đổi lấy độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Ông Koval nhấn mạnh Ukraine trông cậy vào sự trợ giúp của Mỹ, cụ thể là việc trao cho Ukraine quy chế đồng minh chính thức của Mỹ ngoài NATO. NSDC đã khôi phục chế độ quân sự bắt buộc và kêu gọi tăng cường khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang, các đơn vị quân sự và các cơ quan thực thi pháp luật.
Theo một nguồn tin ngoại giao NATO, các đại sứ tại tổ chức này họp khẩn cấp vào trưa 29/8 để xem xét cáo buộc của Kiev nói rằng Nga đưa quân vào miền Đông Nam Ukraine.
Video đang HOT
Cuộc họp diễn ra tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels của Bỉ với sự tham dự của một phái viên Ukraine tại NATO. Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng thường xuyên nhóm họp với liên minh quân sự này trong một cơ quan có tên Ủy ban NATO-Ukraine.
Cũng trong ngày 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo EU sẽ thảo luận các biện pháp trừng phạt tiếp theo nhằm vào Nga tại cuộc họp thượng đỉnh của tổ chức này, dự kiến vào ngày 30/8 tới.
Phát biểu với báo giới ở thủ đô Berlin của Đức, bà Merkel nhấn mạnh EU sẽ theo đuổi các nỗ lực ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine, song hiểu rõ tình hình ở nước này đã xấu đi trong vài ngày qua, hàm ý những cáo buộc cho rằng binh lính Nga xâm nhập lãnh thổ Ukraine.
Trong cuộc điện đàm một ngày trước đó với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bà Merkel đề nghị người đứng đầu nước Nga giải thích những thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng về sự hiện diện của binh lính Nga trên lãnh thổ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Moskva trong việc tháo ngòi khủng hoảng ở Ukraine.
Cùng ngày, Mỹ cũng cáo buộc Nga chủ động tham chiến ở miền Đông Ukraine để hỗ trợ lực lượng đòi liên bang hóa, đồng thời cân nhắc biện pháp trừng phạt Moskva vì vấn đề này.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết Mỹ có một loạt công cụ để sử dụng và tăng cường trừng phạt Nga là công cụ hiệu quả nhất.
Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng cho biết tại cuộc họp của NATO vào tuần tới, nước này sẽ cùng các đồng minh khác trong NATO tìm cách trừng phạt kinh tế đối với Nga. Ông Obama bác bỏ khả năng có hành động quân sự nhằm vào Nga, nhưng cam kết bảo vệ các nước láng giềng của Ukraine là thành viên NATO.
Theo Vietnam
Chuyến thăm 'điểm huyệt' Mông Cổ của ông Tập Cận Bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/8 đã cùng với phu nhân là bà Bành Lệ Viên tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước đến thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ.
Trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tình bạn giữa Trung Quốc và Mông Cổ, kêu gọi hai nước trở thành đối tác chiến lược đáng tin cậy và có trách nhiệm. Trong khi đó, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj cũng đánh giá cao việc ông Tập Cận Bình coi trọng Mông Cổ.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một vị nguyên thủ Trung Quốc đến Mông Cổ trong vòng 11 năm qua. Các nhà phân tích cho rằng ông Tập Cận Bình thăm Mông Cổ ngoài việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng để mở con đường nhập khẩu năng lượng cho Trung Quốc, còn nhằm mục đích cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản trong việc lôi kéo Mông Cổ, bảo đảm Mỹ-Nhật không thể sử dụng Mông Cổ làm "quân cờ" để kiềm chế Trung Quốc.
Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin (trái) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình Elbegdorj tại Ulan Bator. Ảnh: AFP
Theo nhận định của giới phân tích, chuyến thăm Mông Cổ theo kiểu "điểm huyệt" của nhà lãnh đạo Trung Quốc càng cho thấy sự linh hoạt và thực dụng trong chính sách của Bắc Kinh. Là một nước láng giềng ở phía Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng giữa khu vực Đông Bắc Á và Trung Quốc, Mông Cổ rất đáng được Trung Quốc "chú ý".
Ngày 21/8, Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Elbegdorj đã ký một tuyên bố chung, thông báo nâng cấp mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mông Cổ lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Hai bên cũng chứng kiến lễ ký một loạt văn bản hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, tài chính, văn hóa và các lĩnh vực khác.
Mông Cổ với diện tích hơn 1,56 triệu km2, dân số chưa đầy 3 triệu, có đến 4.700 km biên giới với Trung Quốc. Trước khi tách ra trở thành quốc gia độc lập, Mông Cổ được Trung Quốc gọi là "Ngoại Mông".
Thống kê cho thấy Trung Quốc trong nhiều năm liền luôn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mông Cổ, hơn 90% các sản phẩm xuất khẩu của Mông Cổ được xuất sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các loại khoáng sản như than đá, đồng. Trong số các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký đầu tư vào Mông Cổ, doanh nghiệp Trung Quốc chiếm tới 49%.
Sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911, dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của Vương triều Mãn Thanh, dưới sự ủng hộ của chính quyền Nga hoàng và sau này là Liên Xô, những người Ngoại Mông chủ trương độc lập đã tuyên bố độc lập và đứng lên thành lập chính quyền, song gặp phải sự đàn áp mạnh mẽ của chính phủ Bắc Dương Trung Quốc.
Tháng 2/1945, Mỹ, Anh và Liên Xô ký "Hiệp định Yalta", trong đó quy định "Hiện trạng của Ngoại Mông (nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ) cần được duy trì". Tháng 8/1945, chính phủ Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu đã ký kết với chính phủ Liên Xô "Hiệp ước đồng minh hữu nghị Trung-Xô", đồng ý sẽ căn cứ vào kết quả bỏ phiếu của người dân Mông Cổ để quyết định xem có nên thừa nhận nước Cộng hòa nhân dân Mông Cổ hay không, với điều kiện Liên Xô tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ phía Đông Bắc; không can thiệp vào công việc nội bộ của Tân Cương, không trợ giúp Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày 20/10/1945, Mông Cổ tổ chức trưng cầu ý dân, kết quả bỏ phiếu cho thấy đa số người dân Mông Cổ ủng hộ độc lập. Tháng 1/1946, Trung Hoa Dân Quốc đã ra thông báo, thừa nhận "nền độc lập của Ngoại Mông". Cũng tháng 2 năm đó, chính phủ Quốc Dân Đảng thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ.
Năm 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập, và nửa năm sau đó, ngày 16/10/1949 đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Mông Cổ. Sau những năm 1960, quan hệ Trung-Xô xấu đi, quan hệ Trung Quốc-Mông Cổ trong một thời gian dài không có sự phát triển. Năm 2003, Trung Quốc-Mông Cổ thiết lập quan hệ đối tác láng giềng tin cậy, và đến năm 2011 nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược.
Trước tình hình nền kinh tế gặp khó khăn do giá cả hàng hóa tăng và đầu tư nước ngoài giảm, Mông Cổ rất hy vọng chuyến thăm lần này của ông Tập Cận Bình có thể thúc đẩy việc thực hiện các dự án lớn như xây dựng đường ống dẫn khí đốt và đường sắt xuyên qua biên giới hai nước.
Theo các nhà phân tích, việc Trung Quốc-Mông Cổ lần này tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại, bao gồm cả khu vực thương mại tự do, không chỉ mở thêm một nhánh mới cho "Con đường tơ lụa" được ông Tập Cận Bình đề ra, mà còn giúp cho Mông Cổ vốn giàu tài nguyên khoáng sản có thể tìm được thị trường.
Trong khi đó, Trung Quốc có thể thực hiện ý đồ tăng cường khai thác các nguồn tài nguyên năng lượng đất liền, cùng với các nguồn năng lượng đến từ Nga và các nước Trung Á hình thành mạng lưới cung cấp năng lượng hoàn thiện hơn, giảm bớt áp lực phải khai thác năng lượng trên biển. Đó quả thực là một mũi tên trúng hai đích.
Theo Baotintuc
Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, từ ngày 31/7 đến ngày 2/8/2014, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio sẽ thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 6. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Kishida Fumio. Quan hệ giữa Việt Nam...