Ukraine sẽ nắm ưu thế gì nếu sở hữu tên lửa ATACMS – đối trọng của Iskander
Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS có thể giúp Ukraine giành ưu thế trước Nga như thế nào mà vẫn tránh được xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO?
Tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS được cho là có thể giúp Ukraine trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ. Ảnh: U.S Army
Trong bài viết trên trang Defensenews, ba đồng tác giả là các nhà phân tích Ryan Brobst, John Hardie và Bradley Bowman, đã nêu những lợi ích khi Ukraine có thể sở hữu hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS, một loại vũ khí đối trọng với tên lửa Iskander của Nga, và lý do Washington nên cung cấp cho Kiev tên lửa này.
Quân đội Ukraine thông báo bắt đầu một cuộc phản công vào ngày 29/8, nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ ở phía nam của đất nước. Các loại vũ khí của phương Tây đã giúp Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau chiến tuyến nhằm làm suy giảm khả năng của Nga trong việc nắm giữ lãnh thổ mà họ đã kiểm soát. Điều đó khiến cho cuộc phản công của Kiev trở nên khả thi và có thể mang tính quyết định trong việc xác định kết quả cuộc xung đột. Các chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng đó là lý do tại sao Washington nên cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (viết tắt là ATACMS) ngay lập tức.
Việc Mỹ cung cấp ATACMS sẽ cho phép Kiev tấn công các nút hậu cần quan trọng và các mục tiêu có giá trị cao khác ngoài phạm vi khả năng tấn công chính xác hiện tại của Ukraine. Một số người lo lắng rằng việc cung cấp năng lực vũ khí mới cho Ukraine có thể gây leo thang xung đột, nhưng rủi ro đó được cho là bị phóng đại và có thể được giảm thiểu bằng cách yêu cầu Kiev chỉ sử dụng ATACMS để chống lại các mục tiêu quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine và Crimea.
Một điều kiện như vậy có thể gắn kèm với lô ATACMS viện trợ. Kiev đã chứng minh rằng họ có thể sử dụng một cách có trách nhiệm và hiệu quả các hệ thống do Mỹ cung cấp, từ tên lửa vác vai Javelin đến Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao ( HIMARS) và Washington có lý do chính đáng để tin rằng Kiev sẽ sử dụng ATACMS theo cách tương tự.
Binh sĩ Nga gác tại một khu vực ở Kherson, Ukraine ngày 20/5/2022. Ảnh: AP
ATACMS, do Lockheed Martin sản xuất, là tên lửa đạn đạo tầm ngắn có thể được bắn từ bệ phóng HIMARS cũng như từ các hệ thống tên lửa phóng loạt mà Ukraine đã nhận được từ Anh và Đức. Nó được cho là vũ khí đối trọng với tên lửa Iskander của Nga. Các biến thể ATACMS hiện đại có tầm bắn lên tới 300 km và mang đầu đạn đơn khối nặng 220kg, có nghĩa là chúng có thể bắn trúng mục tiêu ở cự ly cao hơn ba lần so với tầm bắn của Hệ thống tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS) mà Ukraine đang sử dụng, với đầu đạn lớn hơn xấp xỉ 2,5 lần.
Video đang HOT
Các khả năng bổ sung do ATACMS cung cấp sẽ cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu có giá trị cao ở xa phía sau chiến tuyến một cách dễ dàng, tần suất nhiều hơn và hiệu quả cao hơn. Cuộc tấn công ngày 9/8 mà Ukraine tuyên bố là nhằm vào căn cứ không quân Saki ở Crimea, làm hư hại hoặc phá hủy nhiều máy bay chiến đấu tại đây, cho thấy tiềm năng tấn công sâu nhằm vào các lực lượng và cơ sở của Nga. Tấn công vào các căn cứ không quân và kho đạn dược mà lực lượng Nga sử dụng ở Ukraine (bao gồm cả ở Crimea) sẽ làm suy giảm khả năng duy trì lực lượng của Moskva cũng như năng lực chống lại cuộc phản công mới của Ukraine.
Một bệ phóng HIMARS của Thủy quân lục chiến Mỹ khai hỏa trong một cuộc tập trận ở Australia. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ
Ngoài ra, ATACMS có thể giúp làm suy giảm khả năng tấn công tầm xa của Nga. Tương tự như vậy, các lực lượng Ukraine có thể sử dụng ATACMS để ngăn chặn các tàu hải quân có nguy cơ neo đậu tại căn cứ của Nga ở Sevastopol (Crimea), làm suy yếu khả năng tấn công bằng tên lửa từ biển và thực thi phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine.
Các cuộc tấn công của ATACMS nhằm vào các nút chỉ huy và kiểm soát cấp cao hơn của Nga nằm ngoài phạm vi của GMLRS có thể gây tổn hại tới tổ chức lực lượng của Nga. Và việc phá hủy các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 và S-400 sẽ giúp Không quân Ukraine hoạt động hiệu quả hơn.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất là quân đội Ukraine có thể phá hủy các đầu mối đường sắt và cầu mà Nga phụ thuộc để hậu cần cho lực lượng của mình. Quân đội Nga chủ yếu dựa vào đường sắt để vận chuyển vật tư, và họ thiếu năng lực xe tải để thay thế vận tải đường sắt. Việc phá hủy các nút hậu cần quan trọng này có thể làm gián đoạn công tác hậu cần của Nga ở cấp độ tác chiến, tương tự như những gì hệ thống GMLRS tấn công nhằm vào các kho chứa nhiên liệu và đạn của Nga đã đạt được ở cấp độ chiến thuật.
Quân đội Ukraine tiếp nhận các trang thiết bị vũ khí do Mỹ viện trợ. Ảnh: Getty Images
Tất nhiên, lợi ích quân sự không phải là lý do chính quyền Mỹ từ chối cung cấp ATACMS cho Ukraine; Nhà Trắng lo ngại sự leo thang của Nga nhằm đáp trả việc cung cấp ATACMS. Đó là lý do tại sao Tổng thống Joe Biden vào tháng 5 đã quyết định không gửi ATACMS tới Ukraine, nói rằng Mỹ sẽ cung cấp GMLRS nhưng sẽ không “gửi cho Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào Nga.”
Giới phân tích phương Tây cho rằng có lý do chính đáng để tin rằng những lo ngại này bị phóng đại. Có một điều, phản ứng của Moskva trước việc phương Tây cung cấp các hệ thống quân sự tiên tiến cho Ukraine cho đến nay có nhiều điểm đáng chú ý nhưng ít mạnh mẽ. Moskva đã kiềm chế không nhằm vào bất kỳ thành viên NATO nào, ngay cả khi sự hỗ trợ của phương Tây đã giúp Ukraine ngăn chặn cuộc tấn công vào Kiev và cản trở các nỗ lực tiếp theo của Moskva ở miền đông Ukraine.
Tuy vậy, việc cung cấp cho Kiev tên lửa ATACMS phải đi kèm với điều kiện hạn chế không sử dụng chúng nhằm vào lãnh thổ Nga, nhằm tránh xung đột trực tiếp giữa Nga và NATO.
Mỹ đẩy mạnh sản xuất tên lửa HIMARS cho Ukraine
Mỹ đang tăng tốc sản xuất Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS) để chuyển cho Ukraine.
Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 (HIMARS) khai hỏa trong cuộc tập trận quân sự "Sư tử châu Phi" của Mỹ ở tây nam Maroc ngày 30/6/2022. Ảnh: AFP
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante cho biết các nhà sản xuất đang tăng tốc xuất xưởng các hệ thống HIMARS nhằm phục vụ các chuyến hàng viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông LaPlante đưa ra thông tin này sau khi thăm cơ sở của Lockheed Martin ở Camden, bang Arkansas, nơi sản xuất HIMARS và Hệ thống Tên lửa phóng loạt dẫn đường (GMLRS).
Hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp đã đóng một vai trò quan trọng khi các lực lượng Ukraine tiếp tục nỗ lực giành lại các vùng lãnh thổ trong xung đột với Nga. Kiev đã sử dụng hiệu quả các bệ phóng di động hạng nhẹ và các loại đạn dược tấn công chính xác được sản xuất tại cơ sở của Lockheed Martin - thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết.
"Khi chúng tôi tiếp tục cung cấp hỗ trợ an ninh cho Ukraine, chúng tôi đang làm việc với ngành công nghiệp để đẩy nhanh sản xuất vũ khí và các hệ thống quan trọng", Thứ trưởng LaPlante nói. "Nỗ lực này bao gồm cung cấp kinh phí để mua thêm thiết bị, mở rộng dây chuyền sản xuất và hỗ trợ thuê thêm và phát triển lực lượng lao động".
Ông LaPlante bổ sung rằng, các quan chức Mỹ "sẽ tiếp tục tham vấn chặt chẽ với Ukraine về nhu cầu năng lực, và như Tổng thống Biden đã nói, mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản: Mỹ muốn thấy một Ukraine dân chủ, độc lập có chủ quyền và thịnh vượng, bằng những phương tiện để răn đe và tự bảo vệ mình".
Xem quân đội Ukraine phóng tên lửa HIMARS nhằm mục tiêu Nga (Nguồn: The Sun)
Trong khi đó, tập đoàn vũ khí Lockheed Martin đăng trên Twitter rằng họ đã giới thiệu với Thứ trưởng LaPlante và Trợ lý Bộ trưởng Lục quân về Tài sản, Hậu cần và Công nghệ, Doug Bush những cơ sở nơi Lockheed Martin "tự hào cung cấp các sản phẩm giúp sứ mệnh [Ukraine] thành công".
Chuyến thăm của ông LaPlante diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden thông báo hôm 24/8 rằng Washington sẽ cung cấp gói viện trợ an ninh mới nhất và lớn nhất từ trước tới nay, trị giá gần 3 tỉ USD cho Ukraine, đúng vào ngày cuộc xung đột tại nước này cán mốc 6 tháng.
Gói thiết bị và vũ khí đó sẽ bao gồm một số lượng không xác định các hệ thống chống máy bay không người lái có tên gọi Thiết bị tên lửa ISR mô-đun hóa phương tiện, hay (VAMPIRE).
Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cho biết gói này đang được cung cấp thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, cơ chế tài trợ cho các hợp đồng mua vũ khí và thiết bị.
"Hợp chúng quốc Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ người dân Ukraine khi họ tiếp tục cuộc chiến bảo vệ chủ quyền của mình", ông Biden nói ngày 24/8. "Gói viện trợ này sẽ cho phép Ukraine có được các hệ thống phòng không, hệ thống pháo và đạn dược, hệ thống máy bay không người lái đối kháng và radar để đảm bảo nước này có thể tiếp tục tự vệ về lâu dài."
Tại cuộc họp báo cùng ngày 24/8, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl cho biết Mỹ sẽ không cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa. Ông Kahl lưu ý rằng Hệ thống Tên lửa Phóng loạt Dẫn đường (GMLRS) do Mỹ cung cấp vẫn là vũ khí tấn công tốt nhất, hơn là các loại đạn của Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Quân đội (ATACMS), có khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách 280km.
Bộ trưởng Kahl nói: "Chúng tôi đã cung cấp cho họ hàng trăm hệ thống dẫn đường chính xác này và người Ukraine đã sử dụng chúng để mang lại hiệu quả phi thường trên chiến trường. Theo đánh giá của chúng tôi, bom, đạn phù hợp nhất cho cuộc chiến hiện tại là GMLRS."
Ukraine nhận được hệ thống tên lửa phóng loạt đầu tiên do Mỹ sản xuất Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexey Reznikov cho biết nước này đã nhận được M270 MLRS (Hệ thống tên lửa phóng loạt) đầu tiên do Mỹ sản xuất. Bộ trưởng cho biết thông tin trên trong một bài đăng trên Twitter, nói rằng hệ thống này sẽ rất phù hợp với các bệ phóng М142 HIMARS do Mỹ cung cấp. Ảnh minh họa:...