Ukraine ra tối hậu thư đòi trả Tư lệnh hải quân
Tổng thống tạm quyền của Ukraine ra thời hạn đòi Crimea trao trả Tư lệnh hải quân nước này, nếu không Nga sẽ phải đối mặt với “đòn đáp trả tương ứng”.
Các binh sĩ bịt mặt đi tuần bên ngoài một căn cứ quân sự Ukraine ở Crimea hôm qua. Ảnh:AFP
Tuyên bố của ông Oleksandr Turchynov được đưa ra sau khi các tay súng thuộc lực lượng tự vệ địa phương Crimea xông vào trụ sở của Tư lệnh hải quân Ukraine. Quyền kiểm soát căn cứ ở Sevastopol này đã thuộc về tay những người thân Nga từ tối qua. Tư lệnh Sergei Gayduk cùng một số sĩ quan sau đó rời căn cứ, riêng ông được dẫn tới cơ quan công tố địa phương.
Sự việc trên diễn ra mà không có bất kỳ tiếng súng nào, cho dù trước đó Kiev đã cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí để tự vệ trước các lực lượng thân Nga.
Ông Turchynov yêu cầu trả tự do do ông Gayduk trước 9h tối qua, theo AP.
Video đang HOT
“Nếu Đô đốc Gayduk và các con tin khác – cả quân nhân và thành viên dân sự – không được thả, giới chức sẽ thực hiện những biện pháp trả đũa tương ứng … về kỹ thuật và công nghệ”, tổng thống lâm thời của Ukraine nói.
Gayduk được đưa đến phòng công tố để trả lời xem ông có ra lệnh “các đơn vị quân sự Ukraine sử dụng vũ khí chống dân thường hay không”, hãng Itar Tass cho hay.
Tư lệnh hải quân Ukraine. Ảnh: AP
Việc sử dụng vũ khí đã xảy ra hôm qua tại một căn cứ quân sự của Ukraine ở Sevastopol, trong đó một quân nhân thiệt mạng và hai người bị thương, khi các tay súng bịt mặt bao vây doanh trại.
Sevastopol là cảng nhà của Hạm đội Biển Đen của Nga, cũng là nơi có Tổng hành dinh Hải quân Ukraine và nhiều tàu chiến của nước này. Theo hiệp định cho thuê căn cứ trước đây giữa Nga và Ukraine, Nga được quyền triển khai hơn 20.000 quân nhân ở Crimea. Theo AP, hiện các đơn vị quân sự do quân nhân Nga chỉ huy đang thực hiện việc tuần tra khắp bán đảo.
Ban lãnh đạo Ukraine đã ra lệnh triệt thoái quân sự tại bán đảo Crimea, một ngày sau khi Crimea chính thức sáp nhập vào Nga. Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm chủ nhật, gần 97% cử tri bán đảo Crimea tán thành việc tách khỏi Ukraine để trở thành một phần của nước Nga.
Ánh Dương
Theo VNE
Crimea giải tán các căn cứ quân sự Ukraine
Quốc hội Crimea ngày 17.3 tuyên bố các căn cứ quân sự Ukraine tại đây sẽ bị giải tán, trong khi Quốc hội Ukraine ra sắc lệnh huy động một nửa quân dự bị.
Binh sĩ trong quân phục không phù hiệu, được cho là lính Nga, đứng gác trước một căn cứ quân sự Ukraine tại Crimea - Ảnh: Reuters
Hãng tin Interfax (Nga) dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov tuyên bố: "Chúng tôi sẽ quốc hữu hóa tất cả đơn vị và tài sản nhà nước Ukraine ở Crimea".
Quốc hội Crimea hôm nay 17.3 bỏ phiếu thông qua việc tuyên bố Crimea là một quốc gia độc lập, kêu gọi Liên Hiệp Quốc và thế giới công nhận Crimea là một nước cộng hòa, sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 16.3 với kết quả trên 96% cử tri Crimea ủng hộ ly khai Ukraine, sáp nhập Nga.
Theo một văn kiện Quốc hội Crimea thông qua ngày 17.3, tất cả doanh nghiệp, tổ chức và căn cứ quân sự Ukraine tại Crimea sẽ bị giải tán và quốc hữu hóa.
AFP dẫn lời Thủ tướng Crimea Sergiy Aksyonov ngày 17.3 cho biết có khoảng 500 binh sĩ Ukraine đã rời khỏi Crimea.
Trong khi đó, Quốc hội Ukraine đã thông qua một sắc lệnh vào ngày 17.3, theo đó huy động 20.000 trong số 40.000 quân dự bị gia nhập lực lượng vũ trang Ukraine. Số quân dự bị còn lại sau này sẽ gia nhập lực lượng Vệ binh Quốc gia mới được thành lập.
Theo TNO
Phản ứng về việc Crimea trưng cầu dân ý gia nhập Nga Quyết định trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Crimea vào Nga đã gây ra nhiều phản ứng ở cả Ukraine lẫn Âu-Mỹ. Theo Reuters, Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu ngày 6/3 về việc gia nhập Liên bang Nga và tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014. Trong cuộc biểu quyết ngày 6/3 tại Quốc hội Crimea, có tới...