Ukraine: Miền Đông sôi sục đòi liên bang hóa
Giữa lúc người Crimea hân hoan đón nhận kết quả trưng cầu dân ý sơ bộ cho thấy khả năng sáp nhập vào Nga gần như chắc chắn, những người biểu tình ủng hộ Nga ở miền Đông Ukraine sôi sục đòi liên bang hóa Ukraine.
RT đưa tin hôm 16-3, người biểu tình ở Kharkov, đông bắc Ukraine kêu gọi Nga đưa yêu cầu của họ về việc trưng cầu dân ý liên bang hóa Ukraine, lên Liên Hiệp Quốc. Trong khi đó hàng ngàn người biểu tình ở Donetsk tràn vào văn phòng công tố địa phương đòi thả tự do cho “thống đốc của người dân” Pavel Gubarev bị chính quyền Kiev bắt giữ gần 2 tuần trước đó.
Kharkov đòi bang hóa Ukraine
Số người biểu tình ở Kharkov – thành phố lớn thứ 2 ở Ukraine hôm 16-3 lên tới 3.000 người. Đám đông người biểu tình hô vang khẩu hiệu ủng hộ tổng thống Nga Putin và mang theo lá cờ Nga dài 100m tiến về tổng lãnh sự quán Nga, tại đây họ truyền tay nhau một lá thư được thảo ra để gởi tới ông Vladimir Putin.
Người biểu tình ở Kharkov mang theo lá cờ Nga dài 100m tiến về tổng lãnh sự quán Nga. Ảnh: Reuters
Itar-Tass dẫn lời ông Yury Apukhtin – lãnh đạo đảng Civic Platform nói: “Thành phố của chúng tôi là của Nga dù nằm giữa lòng Ukraine. Chúng tôi đã sẵn sàng sống độc lập…”
Video đang HOT
Người biểu tình cũng lên tiếng đề nghị Tổng thống Nga “đảm bảo quyền, tự do” cho cư dân tại đây và chuyển yêu cầu của họ lên Liên Hiệp Quốc về cuộc trưng cầu dân ý nhằm liên bang hóa Ukraine, dự kiến diễn ra vào 27-4, theo website của Ukrainian National News (UNN). Thêm vào đó, các nhà hoạt động thân Nga cũng kêu gọi Moscow triển khai lính gìn giữ hòa bình Nga tới vùng Kharkov để bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân địa phương.
Sau đó, hàng ngàn người biểu tình diễu hành tới tổng lãnh sự Ba Lan, hô lớn những khẩu hiệu phản đối sự can thiệp của phương Tây vào các vấn đề của Ukraine.
Theo Interfax, những người biểu tình thân Nga còn xông vào những tòa nhà công cộng ở Kharkov và đốt cháy nhiều sách tiếng Ukraine. Hãng tin Reuters phát đi nhiều hình ảnh cho thấy các nhà hoạt động thân Nga leo lên những cánh cửa sắt tại các trụ sở công quyền, đập phá xe tải và xông vào văn phòng một trung tâm văn hóa ở Ukraine.
5.000 người biểu tình tại Donetsk
Tại Donetsk, trung tâm của mỏ than Donbass, nơi có một nhà hoạt động thân Kiev thiệt mạng trong cuộc đụng độ hôm 13-3, năm ngàn người biểu tình tỏa ra từ quảng trường trung tâm. Họ bao vây trụ sở cơ quan an ninh và đòi trả tự do cho các nhà hoạt động bị bắt giữ, tiến hành trưng cầu dân ý “về vấn đề chính phủ Ukraine gán tiếng Nga chỉ là ngôn ngữ phụ thứ hai”.
Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Donetsk. Ảnh: Reuters
Khoảng 2.000 người biểu tình tràn vào Văn phòng Công tố yêu cầu thả tự do cho “thống đốc của người dân” Pavel Gubarev. Vị thống đốc được người biểu tình bổ nhiệm hôm 1-3 này đã bị chính quyền Kiev bắt giữ từ hôm 6-3 vì cáo buộc ly khai.
Trong một diễn biến liên quan, Kiev cùng ngày đã đưa nhiều vũ khí quân sự hạng nặng tới biên giới với Nga. Các nhà hoạt động thân Nga tại một số khu vực phía đông Ukraine, trong đó có Donetsk và Lugansk, đang phong tỏa các chuyến tàu mang vũ khí từ trung tâm và khu vực phía Tây Ukraine.
Theo Người lao động
3 kịch bản đối với Nga "hậu" trưng cầu dân ý ở Crimea
Cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea đã kết thúc, với gần 96% cử tri đồng ý sáp nhập vào Nga. Dưới đây là 3 kịch bản liên quan đến tương lai của nước Cộng hòa tự trị này.
1. Khả năng cao: Crimea đề nghị, Nga không vội vã
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý là điều có thể đã đoán biết được từ trước. Tuy nhiên, khi mà người dân Crimea hướng về một sự sáp nhập chính thức với nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin không có lý do gì để vội vàng. Trong trường hợp này, Nga có thể sẽ áp dụng lại những gì từng diễn ra ở Nam Ossetia và Abkhazia, hai thực thể tuyên bố tách khỏi Gruzia hồi năm 2008 mà không làm thay đổi thực trạng chính thức của các khu vực này. Crimea với một quy chế pháp lý "lấp lửng" có thể sẽ phù hợp với nước Nga. Nó sẽ cho phép Tổng thống Putin buộc phương Tây tiếp tục phải đoán định và khó khăn trong quyết định cấm vận chống Nga; đồng thời nó vẫn duy trì khả năng gây khó cho chính quyền Kiev.
Người dân Crimea vui mừng sau khi có thông tin về kết quả trưng cầu dân ý. Ảnh: AFP/TTXVN
2. Khả năng trung bình: Nga sáp nhập Crimea
Quốc hội Nga đã bắt đầu tiến trình pháp lý hướng đến việc sáp nhập Crimea. Nếu sáp nhập, Tổng thống Putin sẽ là vị lãnh đạo đầu tiên kể từ thời Stalin mở rộng lãnh thổ nước Nga. Việc sáp nhập này cũng sẽ là một chiến thắng của Nga trước phương Tây. Nhưng mặt khác, sự kiện này cũng buộc Nga phải có trách nhiệm với 2 triệu người dân Crimea, cùng với một cơ sở hạ tầng yếu kém ở vùng đất này. Sáp nhập ngay cũng sẽ đẩy phương Tây đến việc thực hiện các biện pháp cấm vận chống Moskva như đã từng tuyên bố.
3. Khả năng thấp: Sẽ lại có những Crimea khác ở đông Ukraine
Kết quả cuộc bỏ phiếu đã rõ. Câu hỏi còn lại là: Liệu Nga sẽ tiếp tục nhân rộng những "Crimea" khác ở miền đông Ukraine. Một bước đi mở rộng như vậy ít có khả năng xảy ra. Điện Kremlin tuyên bố, không có kế hoạch đưa quân đến miền đông Ukraine. Bên cạnh đó, Moskva còn phải tính đến phản ứng của phương Tây.
Theo Báo Tin tức
Crimea tuyên bố độc lập, xin sáp nhập vào Nga Chính quyền nước Cộng hòa tự trị Crimea vừa tuyên bố độc lập hoàn toàn khỏi Ukraina, đồng thời chính thức nộp đơn xin sáp nhập vào Liên bang nga. Tuyên bố độc lập xuất hiện trên trang web của Hội đồng Tối cao Crimea (tức nghị viện) hôm 17/3. "Nước Cộng hòa Crimea muốn xây dựng quan hệ với các nước khác...