Ukraine lo nguồn viện trợ từ Mỹ bị gián đoạn
Theo tờ Politico của Mỹ ngày 4/10, sau một năm rưỡi xung đột, các nhà lãnh đạo Ukraine giờ đây có lý do mới để lo lắng: Tình hình rối loạn chính trị gia tăng ở Mỹ đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung tài chính và vũ khí cho họ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine. Ảnh: Reuters
Vài ngày sau khi các nhà lập pháp hủy bỏ kế hoạch quan trọng của Tổng thống Joe Biden nhằm gửi hàng tỷ USD viện trợ cho Kiev, Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy đã bị chính các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa của ông lật đổ. Viện trợ cho Ukraine được coi là một trong những lý do.
Hãng tin AP cho biết, Tổng thống Joe Biden thừa nhận ông lo ngại về nguồn tài trợ cho Ukraine trong bối cảnh hỗn loạn đang bao trùm Hạ viện và khả năng các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện cản trở thêm viện trợ. Nhưng ông nói có thể có “phương tiện khác” để hỗ trợ Kiev.
“Chúng tôi đang lo lắng. Đối với chúng tôi, đó là một thảm họa. Chúng tôi quan tâm đến việc giải quyết mọi việc để nền dân chủ Mỹ có thể hoạt động và vì vậy chúng tôi hy vọng lưỡng đảng ở Mỹ khôi phục đồng thuận trong việc hỗ trợ lợi ích quốc gia của chính họ bằng cách hỗ trợ Ukraine”, Ivanna Klympush-Tsintsadze, nghị sĩ cấp cao Ukraine, cho biết.
Video đang HOT
Bất ổn ở Mỹ xảy ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine đang ở thế cân bằng tương đối và khi một số nhà lãnh đạo châu Âu ngày càng sẵn sàng chỉ trích Kiev và phản đối việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine.
Vụ “lật đổ lịch sử” nhằm vào ông McCarthy xảy ra sau khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua gói cấp tiền khẩn cấp để ngăn chặn việc chính phủ đóng cửa. Thỏa thuận này cấp một khoản ngân sách tạm thời trong 45 ngày để duy trì hoạt động của chính phủ, nhưng không có phần viện trợ nào cho Ukraine.
Chính phủ Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ tài chính và quân sự nước ngoài để duy trì nền kinh tế và dự kiến sẽ nhận được 42,8 tỷ USD từ các nhà tài trợ quốc tế trong năm tới. Một phần lớn trong số đó sẽ đến từ Mỹ.
Tuy nhiên, giờ đây khi ông McCarthy đã rời khỏi vị trí, mọi khoản tài trợ trong tương lai của Mỹ dành cho Kiev đều không chắc chắn. Không rõ khi nào một Chủ tịch Hạ viện mới được chọn và nếu không có ai, hệ thống lập pháp của Mỹ sẽ bị đình trệ.
Trước công chúng, Chính phủ Ukraine đã tìm cách giảm nhẹ tác động của tình trạng hỗn loạn ở Washington đối với cuộc xung đột đang diễn ra với Nga. Đại sứ Ukraine tại Mỹ Oksana Markarova cho biết: “Cho đến khi một Chủ tịch Hạ viện mới được bầu, Hạ viện không thể bỏ phiếu về luật, nhưng tất cả các công việc khác, kể cả trong các ủy ban, vẫn tiếp tục”.
Đại sứ Markarova cho biết hiện tại Ukraine vẫn có ít nhất 1,6 tỷ USD bổ sung để sử dụng cho hỗ trợ quốc phòng và 1,23 tỷ USD viện trợ ngân sách trực tiếp.
Chính phủ Ukraine khẳng định họ đã xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng với hầu hết những người có thể trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ tiếp theo và đang tiếp tục làm việc với các nhà lập pháp Mỹ về gói viện trợ mới.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ phản đối viện trợ tài chính thêm cho Ukraine
Quan điểm Chủ tịch Hạ viện Mỹ được cho là xung đột với các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện, những người đã yêu cầu viện trợ thêm tài chính cho Ukraine.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ McCarthy. Ảnh: WSJ
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ) mới đây, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đã từ chối cam kết cung cấp hỗ trợ tài chính bổ sung cho Ukraine, khiến ông xung đột trực tiếp với các đảng viên Cộng hòa khác, những người cũng muốn chi tiêu quân sự nhiều hơn mức mà Quốc hội Mỹ cho phép.
Lập trường của ông McCarthy được cho là sẽ làm giảm triển vọng viện trợ rộng lớn hơn cho Ukraine. Quốc hội Mỹ đã phê duyệt 113 tỷ USD hỗ trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Kiev kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm ngoái, và những người ủng hộ trong cả Đảng Dân chủ và Đảng Dân chủ đã kỳ vọng rằng họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ tài trợ thêm vào cuối năm nay.
Những người ủng hộ lập luận rằng cần có thêm kinh phí để giúp Ukraine "đánh bại Nga", đồng thời giúp Mỹ có cơ sở tốt hơn để kiềm chế Trung Quốc. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện McCarthy cho biết mặc dù ủng hộ Kiev, ông không muốn theo đuổi một gói chi tiêu bổ sung.
Ông McCarthy nói với các phóng viên: "Tôi ủng hộ những gì chúng ta đang làm ở Ukraine. Câu hỏi đối với tôi lúc này là, liệu chúng ta có cần thực hiện bổ sung không? Tại sao lại cần bổ sung?".
Ông McCarthy chỉ ra rằng bất kỳ khoản viện trợ bổ sung nào cũng cần có sự chứng minh rõ ràng từ những người đề xuất. "Bạn sẽ phải chỉ ra chúng tôi thấy đã tiêu tiền vào việc gì, kế hoạch chiến thắng là gì và chúng tôi cần chi thêm tiền để làm gì", ông McCarthy nói.
Đồng quan điểm với ông McCarthy, Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (thuộc Đảng Cộng hòa) cho biết: "Thật vô nghĩa khi tiếp tục tài trợ cho một cuộc chiến ở một quốc gia khác khi chúng ta không làm bất cứ điều gì liên quan đến biên giới của chính mình".
Ngược lại, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cũng thuộc Đảng Cộng hòa nói rằng hỗ trợ cho Ukraine là nhằm làm "suy giảm khả năng của Nga trong việc đe dọa thêm châu Âu hoặc Mỹ", lập luận rằng các nguồn tài trợ cuối cùng cũng được đầu tư vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Những ứng cử viên đầu tiên tuyên bố tranh chức Chủ tịch Hạ viện Mỹ Cuộc đua giành ghế Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau khi ông Kevin McCarthy bị bãi nhiệm đã được khởi động khi Hạ nghị sĩ Steve Scalise, nhân vật quyền lực thứ hai của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, và Hạ nghị sĩ Jim Jordan, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, đều tuyên bố ra tranh cử vị trí này....