Ukraine kêu gọi đối tác bảo trợ cho các địa phương
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, ngày 7/10, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã kêu gọi các quốc gia đối tác tham gia bảo trợ cho các khu vực, địa phương cụ thể của nước này nhằm thúc đẩy phát triển và đem lại sự thay đổi lâu dài tại đây.
Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng gần Kramatosk ở vùng Donetsk, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên mạng xã hội X, Ngoại trưởng Sybiha kêu gọi các quốc gia đối tác (những nước chưa tham gia vào sáng kiến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky) chọn một khu vực, địa phương cụ thể của nước này để bảo trợ, đóng góp vào sự thay đổi của Ukraine.
Ông Sybiha nhấn mạnh sự bảo trợ của các quốc gia đối tác đối với các thành phố, khu vực của Ukraine đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết, thúc đẩy đầu tư và phát triển kinh doanh tại quốc gia Đông Âu này, đồng thời tạo điều kiện cho các quốc gia đối tác hỗ trợ trực tiếp cho người dân và đem đến tác động lâu dài.
Ông Sybiha nêu rõ đến nay đã có 5 nước, bao gồm: Estonia, Latvia, Litva, Đan Mạch và Italy tham gia vào sáng kiến của Ukraine.
Trong diễn biến khác, tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Slovakia Robert Fico, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal khẳng định Kiev sẽ không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga, vốn dự kiến hết hạn vào cuối năm nay.
Video đang HOT
Trước đó, Tổng thống Zelensky đã khẳng định lập trường trên, trong khi cựu Ngoại trưởng Dmitry Kuleba nhấn mạnh Kiev sẽ không đề nghị Moskva gia hạn hợp đồng.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc ngừng hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu qua Ukraine sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến khu vực, đặc biệt là một số quốc gia ở Trung và Đông Âu.
Trong khi đó, một số chuyên gia tin rằng việc này sẽ không tạo ra mối đe dọa ngay lập tức đối với nguồn cung của Áo, Hungary và Slovakia do các quốc gia này đã lưu trữ đầy đủ, có khả năng liên kết hệ thống đường ống dẫn khí đốt và tiếp cận gián tiếp các đường ống dẫn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) toàn cầu thông qua các trạm tiếp nhận ở Đức và Italy. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, EU vẫn có thể tiếp tục mua khí đốt từ Nga thông qua đấu giá công suất và di chuyển điểm giao khí đốt.
Ukraine phản hồi đề xuất đổi lãnh thổ lấy hòa bình với Nga
Ngoại trưởng Ukraine nêu quan điểm của Kiev sau đề xuất nhượng lãnh thổ lấy hòa bình với Nga sau hơn 2 năm xung đột.
Lính Ukraine gần biên giới Nga (Ảnh: Reuters).
Trong tuyên bố hôm 1/10, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nhấn mạnh sự cần thiết của việc đòi hòi trách nhiệm đầy đủ của Nga và "khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine, bao gồm cả Crimea", thay vì tìm kiếm sự thỏa hiệp về lãnh thổ.
"Nếu không làm như vậy, đó sẽ là một cuộc chiến tranh bị trì hoãn. Châu Âu không thể để xảy ra vùng xám hoặc xung đột đóng băng", ông Sybiha nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Sybiha cũng nhắc lại "công thức hòa bình" của Ukraine, gọi đây là con đường duy nhất để đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài cho Ukraine và lục địa châu Âu.
Tuyên bố của nhà ngoại giao Ukraine được đưa ra sau khi Financial Times ngày 30/9 đăng một bài báo cho rằng, các quan chức Ukraine được cho là đã cởi mở hơn trong các cuộc thảo luận với các đối tác phương Tây về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng.
Bài báo cho biết một thỏa thuận ngừng bắn như vậy sẽ cho phép các lực lượng Nga kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát, trong khi Ukraine sẽ nhận được các đảm bảo an ninh thực sự.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Ukraine đã phủ nhận thông tin do Financial Times đưa ra, nhấn mạnh rằng Ngoại trưởng Sybiha, trong các cuộc họp kín, đã khẳng định không thể chấp nhận các thỏa hiệp về toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Chính quyền của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ lâu khẳng định rõ quan điểm không nhượng bộ về lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga. Theo Tổng thống Zelensky, tính đến cuối tháng 8, Nga đã kiểm soát khoảng 27% lãnh thổ Ukraine.
Các tỉnh Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia ở Ukraine được quân đội Nga kiểm soát một phần. Nga tuyên bố đã sáp nhập toàn bộ lãnh thổ của các khu vực này mặc dù không kiểm soát hoàn toàn.
Moscow cũng kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine, sau khi sáp nhập khu vực này vào năm 2014.
Nga đã kêu gọi quân đội Ukraine rời khỏi các vùng lãnh thổ này như một điều kiện để đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Kiev đã bác bỏ đề xuất này.
Ukraine cho biết các cuộc đàm phán hòa bình nên được tổ chức dựa trên công thức hòa bình 10 bước của Tổng thống Zelensky, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Nga khỏi Ukraine.
Tổng thống Zelensky mới đây tuyên bố, cuộc chiến có thể sắp kết thúc, sớm hơn so với nhiều người nghĩ. Ông nhiều lần bác bỏ ý tưởng về việc nhượng lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.
Về điều này, trong cuộc họp báo chung với ông Zelensky, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tuần trước cho rằng, một thỏa thuận buộc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ để chấm dứt xung đột là "sự đầu hàng", không phải hòa bình.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine chỉ kết thúc khi đạt được các mục tiêu đề ra bằng cách này hay cách khác.
Ukraine mời LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế đến Kursk Ukraine cho biết đã mời Liên hợp quốc (LHQ) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) xác minh tình hình tại các khu vực thuộc vùng Kursk của Nga do Kiev kiểm soát. Xe quân sự của Ukraine tại vùng Kursk. Ảnh: Sputnik Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha ngày 16/9 chia sẻ rằng ông đã chỉ thị cho Bộ Ngoại giao...