Ukraine gọi dự bị quân khi “15.000 lính Nga đã chiếm Crimea”
Ukraine tuyên bố sẽ vận động dự bị quân, sau khi Nga quyết định cho phép triển khai quân ở Ukraine. Có tin 15.000 lính Nga đã tham gia giúp chiếm được Crimea, cộng hòa tự trị của Ukraine.
15.000 lính Nga được cho là gia nhập cùng những lính lạ này đã chiếm được Crimea.
Thông tin được người đứng đầu Hội đồng an ninh và quân sự quốc gia của Ukraine, ông Andriy Parubiy, cho biết vào ngày hôm nay 2/3. Phát biểu với các phóng viên, ông Andriy Parubiy cho biết Hội đồng đã lệnh cho Bộ Quốc phòng “kêu gọi tất cả binh lính các lực lượng vũ trang cần vào lúc này trên khắp Ukraine” và cho biết sự vận động này là “nhằm đảm bảo an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Ukraine trước đó đã đặt các lực lượng vũ trang trong tình trạng cảnh báo cao nhất và cảnh báo sự can thiệp quân sự của Nga sẽ dẫn đến chiến tranh. Động thái diễn ra ngay sau khi Tổng thống Putin được Thượng viện Nga bật đèn xanh cho triển khai quân ở quốc gia láng giềng.
Thông tin vào sáng ngày chủ nhật cho hay lính Nga đã thu giữ vũ khí ở một căn cứ radar và một cơ sở huấn luyện tại Cộng hòa tự trị Crimea, thuộc Ukraine. Tại đây các binh sỹ đã được kêu gọi đứng về phía các nhà lãnh đạo “hợp pháp” của bán đảo Crimea. Trong khi đó, những binh sỹ Nga khác cũng được cho là đã đưa vũ khí ra khỏi một trung tâm huấn luyện hải quân Ukraine ở thành phố cảng Sevastopol của Crimea.
Sau cuộc họp 3 giờ với các lãnh đạo an ninh và quân sự vào ngày thứ bảy, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseny Yatseniuk cho biết ông đã kêu gọi đàm phán và kêu gọi Nga rút quân về căn cứ ở vùng Crimea trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev. “Can thiệp quân sự sẽ là phát động chiến tranh và kết thúc mối quan hệ Nga-Ukraine”, ông Yatseniuk cảnh báo.
Trong khi đó, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov cho biết đã đặt các lực lượng vũ trang trong tình trạng hoàn toàn sẵn sàng trước nguy cơ “gây hấn cao”, khi 15.000 binh sỹ Nga được cho là đã gia nhập cùng những người chiếm Crimea.
Phát biểu trên truyền hình, ông Turchynov cho biết ông cũng lệnh thắt chặt an ninh ở các nhà máy hạt nhân, sân bay và các cơ sở hạ tầng chiến lược khác.
AFP dẫn lời các nhân chứng cho hay một nhóm lính Nga cũng đã bao vây khoảng 400 lính thủy đánh bộ Ukraine ở căn cứ của họ ở Feodosiya, thành phố cảng miền đông Crimea và kêu gọi họ đầu hàng, giao nộp vũ khí.
Còn Tổng thống Putin trong cuộc điện đàm 90 phút với Tổng thống Mỹ Obama vào tối thứ bảy, cho biết Nga có quyền bảo vệ các lợi ích của mình và những người nói tiếng Nga không chỉ ở Crimea mà ở cả miền đông Ukraine.
Video đang HOT
Ông Obama đã kêu gọi lực lượng Nga rút về căn cứ ở Crimea và không can thiệp ở bất kỳ nơi nào. Ông cũng cảnh báo ông Putin, Nga đối mặt với cô lập lớn hơn về kinh tế, chính trị.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm qua cho hay Nga đã phái 30 xe bọc thép chở quân và thêm 6.000 lính vào Crimea nhằm giúp những chiến binh ủng hộ thân Nga giành thêm độc lập khỏi giới lãnh đạo mới ủng hộ thân EU ở Kiev.
Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsya cũng đã đệ lên NATO “yêu cầu xem xét mọi lựa chọn để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine”.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã họp khẩn cùng với 28 đại sứ vào 0h ngày hôm nay 2/3, trong khi Ngoại trưởng Anh dự kiến tới Kiev cũng vào ngày hôm nay để đàm phán với Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov.
Pháp, Canada gia nhập cùng Mỹ cảnh báo bỏ G8
Sau khi Nhà Trắng cho biết nhiều khả năng Tổng thống Obama và các lãnh đạo châu Âu không tham gia hội nghị thượng đỉnh G8 vào tháng 6 tới ở Sochi, Nga, do Nga can thiệp vào Ukraine, Pháp và Canada là những nước tiếp theo có những động thái tương tự.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm nay đã kêu gọi chuẩn bị ngưng Hội nghị G8 vì “leo thang quân sự” của Nga ở bán đảo Crimea của Ukraine. “Pháp muốn công tác chuẩn bị cho Thượng đỉnh G8 Sochi bị ngưng cho đến khi các đối tác Nga trở lại những nguyên tắc thích hợp với G7 và G8″. Ngoại trưởng Pháp cũng lên án “leo thang quân sự của Nga” trên đài phát thanh Pháp.
Thủ tướng Canada Stephen Harper ngày 1/3 cũng dọa có thể gia nhập cùng với Washington, bỏ hội nghị G8 ở Nga vì xâm nhập quân sự của Nga ở Ukraine. Canada đã triệu đại sứ của mình ở Mátxcơva về nước.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Putin đề nghị quốc hội Nga cho phép triển khai quân ở Ukraine
Tổng thống Nga Putin hôm nay 1/3 đã đệ yêu cầu lên Thượng viện Nga, đề nghị phê chuẩn việc sử dụng lính Nga ở Ukraine. Trong khi đó Ukraine cáo buộc Nga đã đưa thêm 6.000 quân vào Crimea
Những binh lính không rõ danh tính đang kiểm soát nhiều trụ sở quan trọng ở Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine
"Liên quan đến tình hình bất thường ở Ukraine và mối đe dọa đối với công dân Nga...tôi đã đệ trình Hội đồng Liên bang đề nghị cho phép sử dụng các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga trên lãnh thổ Ukraine cho đến khi tình hình chính trị ở nước này trở lại bình thường", Điện Kremlin dẫn lời ông Putin cho biết.
Thượng viện Nga đã triệu tập một phiên họp bất thường vào ngày hôm 1/3, nhằm thảo luận về yêu cầu của ông Putin. Phái viên của ông Putin, ông Grigory Karasin, dự kiến trình bày trước Thượng viện về việc cần thiết phải sử dụng lính Nga ở Ukraine.
Thông tin về yêu cầu của ông Putinn được đưa ra sau khi Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crimea của Ukraine kêu gọi sự giúp đỡ của ông Putin để lập lại hòa bình tại khu vực này. Kremlin ngay sau đó đã "đáp lời" yêu cầu và cam kết sẽ giúp phục hồi lại sự yên bình ở điểm nóng Crimea, bất chấp cảnh báo phải "trả giá" của Washington.
Ông Putin cũng cho biết Nga cần phải bảo vệ quân nhân ở Hạm đội Hắc Hải đang đóng tại bán đảo Crimea của Ukraine "theo đúng hiệp ước quốc tế".
Đề nghị triển khai quân ở Ukraine của ông Putin được đưa ra dựa trên cơ sở điểm "G" của phần đầu điều 102 Hiến pháp Nga, cho phép sử dụng binh sỹ Nga bên ngoài biên giới đất nước.
Ngoài ra không có thông tin chi tiết thêm về tuyên bố của Kremlin và ông Putin chưa phát biểu trước công chúng về tình hình Ukraine kể từ khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất vào tuần trước.
Động thái của ông Putin được thực hiện sau khi lãnh đạo của cả thượng và hạ viện Nga vào ngày hôm nay kêu gọi ông có biện pháp đối với tình hình ở Ukraine và đặc biệt là ở bán đảo Crimea, nơi đa phần người dân ủng hộ thân Nga.
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko trước đó cho biết có khả năng Nga "gửi một lượng giới hạn quân để đảm bảo an ninh Hạm đội Hắc Hải và công dân Nga".
Trong khi đó, chủ tịch Duma Quốc gia Nga, tức Hạ viện, ông Sergei Naryshkin, nhân danh tất cả các nghị sỹ, đã đọc bản yêu cầu ông Putin dùng "mọi khả năng" để phục hồi sự ổn định ở Crimea.
6.000 lính Nga đã được đưa vào Crimea?
Trong khi đó, chính quyền mới ở Kiev, Ukraine, hôm nay cáo buộc Nga đã phái thêm hàng ngàn binh sỹ tới Kremlin.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Igor Tenyukh cho biết trong cuộc họp nội các đầu tiên của chính phủ mới rằng các lực lượng vũ trang Nga đã phái 30 xe bọc thép chở quân và thêm 6.000 binh sỹ vào Crimea, trong động thái giúp chiến binh ủng hộ Kremlin ở khu vực giành thêm độc lập khỏi các lãnh đạo ủng hộ thân châu Âu ở Kiev.
Ông Tenyukh cáo buộc Nga bắt đầu phái quân tới Crimea từ ngày thứ sáu "mà không cảnh báo và không có sự cho phép của Ukraine".
Bộ trưởng Quốc phòng cũng cho rằng hàng chục binh lính vũ trang ủng hộ thân Nga đã tuần tra bên ngoài tòa nhà quốc hội tại thủ phủ Simferopol của Crimea. Những binh lính tương tự đã chiếm các tòa nhà chính quyền vào ngày thứ năm và chiếm quyền kiểm soát sân bay ở Simferopol cũng như một căn cứ quân sự gần đó vào ngày thứ sáu.
Lính biên phòng Ukraine cũng cáo buộc khoảng 300 nam giới có vũ trang trang "tận răng" đã tìm cách chiếm trụ sở chính của cơ quan này ở thành phố cảng Sevastopol của Crimea, theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Bán đảo nằm bên bờ Biển Đen này, là nhà của Hạm đội Hắc Hải Nga, với phần đa là người dân tộc Nga, đã bị chia cắt hoàn toàn với phần còn lại của Ukraine.
Sân bay quốc tế ở Simferopol đã không hoạt động từ cuối ngày thứ sáu và binh lính được trang bị súng trường không rõ danh tính đã lập một trạm kiểm soát tại đầu đường cao tốc chính của Crimea.
Theo AFP, khu vực như đang ở ngưỡng cửa của một cuộc đối đầu kiểu chiến tranh Lạnh giữa phương Tây và Nga.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Ẩn họa ly khai, căng thẳng sắc tộc đe dọa Ukraine Nguy cơ tan rã của Ukraine lớn dần sau khi miền đông muốn tiếp nhận lực lượng chống bạo động vừa bị chính phủ tạm quyền giải tán. Lực lượng Berkut vừa bị giải tán ở Ukraine - Ảnh: Reuters Theo RIA-Novosti, quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov ngày 26.2 tuyên bố lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut bị...