Ukraine đạt được thỏa thuận sơ bộ cơ cấu lại khoản nợ hơn 20 tỷ USD
Ngày 22/7, Ukraine thông báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với các chủ nợ quốc tế để cơ cấu lại khoản nợ hơn 20 tỷ USD của chính phủ.
Cảnh tàn phá do xung đột tại Izyum thuộc vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 20/2/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cuộc xung đột nổ ra từ tháng 2/2022 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Ukraine và chính phủ nước này đã phải dựa vào viện trợ quốc tế để trang trải cho cả các chi tiêu quân sự, cũng như chi tiêu công. Gần đây, chính quyền Kiev cũng phải chật vật tìm cách xoay sở khi thỏa thuận tạm dừng các khoản thanh toán đối với một loạt trái phiếu quốc tế hết hạn vào ngày 1/8 tới.
Trong báo cáo gửi Sở giao dịch chứng khoán London, Chính phủ Ukraine cho biết đã “đạt được thỏa thuận về nguyên tắc” về việc tái cơ cấu nợ. Theo đó, các chủ nợ gồm BlackRock, Pimco và các tổ chức đầu tư lớn khác, xóa hàng tỷ USD giá trị nợ danh nghĩa và chấp thuận lịch trình thanh toán mới với các điều khoản có lợi hơn cho Kiev. Với việc được giảm 37% giá trị nợ danh nghĩa, Ukraine cho biết nước này sẽ tiết kiệm được 11,4 tỷ USD tiền trả nợ trong 3 năm tới.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) – một đối tác quan trọng của Ukraine, hoan nghênh thông tin trên, đánh giá đây là nỗ lực lớn của Ukraine nhằm xử lý vấn đề nợ một cách bền vững.
Theo IMF, chiến lược và các biện pháp tái cơ cấu của Chính phủ Ukraine là cần thiết để đưa nợ công của Ukraine trở lại mức có thể thanh toán, qua đó tạo điều kiện cho Kiev thực hiện các khoản chi tiêu thiết yếu và hỗ trợ tăng trưởng.
Nhóm các chủ nợ cũng vui mừng vì đã đạt được thỏa thuận nhanh chóng và mang tính xây dựng. Trong tháng 6, nhóm này đã từ chối đề nghị giảm nợ của Ukraine, với mức giảm lớn hơn. Trong vài tuần tới, các trái chủ sẽ bỏ phiếu về đề xuất này. Nếu thuận lợi, Chính phủ Ukraine sẽ phát hành trái phiếu mới. Theo đề xuất, một số trái phiếu mới phát hành sẽ bắt đầu trả mức lãi suất 1,75% từ năm tới, với các khoản thanh toán tăng dần lên tới 7,75% từ năm 2034.
Ukraine tránh được nguy cơ vỡ nợ vào phút cuối
Hãng Bloomberg ngày 22/7 đưa tin, Ukraine đã đạt được thỏa thuận với các chủ nợ tư nhân nước ngoài để cơ cấu lại khoản nợ quốc tế hơn 20 tỷ USD, điều này sẽ giúp Ukraine tránh được tình trạng vỡ nợ vào tháng 8.
Một thỏa thuận với các trái chủ quốc tế cho phép Ukraine tạm dừng thanh toán sau khi bùng nổ xung đột tại nước này vào năm 2022 sẽ hết hạn trong tháng này.
Xung đột với Nga đang khiến Ukraine gánh khoản nợ lớn. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Thủ tướng Ukraine Denis Shmygal và Bộ Tài chính nước này cho biết đã đạt được các thỏa thuận cơ bản với Ủy ban những người nắm giữ trái phiếu châu Âu (Eurobond) của Ukraine, gồm Amundi, BlackRock, Amia Capital, cũng như các nhà đầu tư khác, những người cùng nắm giữ khoảng 25% lượng trái phiếu. Ít nhất 2/3 trong số họ sẽ phải thông qua thỏa thuận để hoàn tất thương vụ cơ cấu lại nợ. Thỏa thuận quy định rằng trái phiếu châu Âu hiện tại sẽ được đổi lấy một gói trái phiếu châu Âu mới với giá trị nợ danh nghĩa giảm 37%. Ủy ban từ bỏ yêu cầu đòi bồi thường số tiền 8,67 tỷ USD. Ngày đáo hạn của trái phiếu châu Âu sẽ được gia hạn: đợt hoàn trả đầu tiên với số tiền 1,172 tỷ USD sẽ diễn ra năm 2029.
Trang mạng Hromadske lưu ý nếu không tái cơ cấu, số nợ gốc sẽ phải trả trong giai đoạn 2024-2029. Theo Thủ tướng Shmygal, thỏa thuận này sẽ giúp tiết kiệm 11,4 tỷ USD tiền nợ trong ba năm tới và 22,75 tỷ USD khác cho đến năm 2033. Thủ tướng cho biết, nhờ đó Ukraine sẽ có thể có thêm các nguồn lực cho quốc phòng, an sinh xã hội và tái thiết.
Đầu tháng 6, Ukraine đã không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ về việc tái cơ cấu. Báo Financial Times cho biết vấn đề là Ukraine muốn xóa 60% giá trị nợ.
Thay vào đó, các chủ nợ đề nghị giảm 22%, nhưng Bộ Tài chính Ukraine cho biết điều đó sẽ không đạt được các mục chính về nợ. Ngày 18/7, Verkhovna Rada (Quốc hội) Ukraine đã thông qua dự luật cho phép chính phủ tạm thời ngừng thanh toán nợ nước ngoài nếu cần thiết. Quyền này được áp dụng đến ngày 1/10 để đảm bảo quá trình ký kết thỏa thuận tái cơ cấu nợ diễn ra suôn sẻ.
Thâm hụt tài chính - thách thức với một số nước châu Âu Những "cơn ác mộng" tài chính từng gây khó khăn cho châu Âu trước đây đang quay trở lại, ảnh hưởng đến Italy, Pháp và các nước châu Âu khác. Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: IRNA/TTXVN Ngân hàng Mỹ (Bank of America) cảnh báo về thâm hụt quá mức không thể tránh khỏi đối với Italy, Pháp và các nước khác,...