Ukraine đã nhận được bom chùm của Mỹ
Tướng Oleksandr Tarnavskyi, chỉ huy Chiến dịch Lực lượng Liên hợp Tavria (Ukraine) xác nhận ngày 13/7 rằng nước này đã nhận được bom, đạn chùm từ Mỹ.
Theo kênh CNN ngày 13/7, Chuẩn tướng Tarnavskyi nói trong cuộc phỏng vấn: “Chúng tôi vừa nhận, chúng tôi chưa sử dụng nhưng bom chùm có thể thay đổi hoàn toàn chiến trường. Đối phương cũng hiểu rằng khi có được số bom đạn này, chúng tôi sẽ có lợi thế. Đối phương sẽ từ bỏ khu vực có địa hình có thể sử dụng bom chùm”.
Ông Tarnavskyi cho biết lãnh đạo cấp cao Ukraine sẽ quyết định sử dụng bom chùm ở các khu vực nào, nhấn mạnh rằng đây là một vũ khí rất mạnh mẽ.
Ông Tarnavskyi cho biết sử dụng bom chùm có các hạn chế khi bị cấm dùng ở các khu vực đông dân cư, ngay cả nếu khu vực đó do Nga kiểm soát.
Trước đó, Mỹ tuyên bố họ đã có văn bản đảm bảo từ Ukraine rằng nước này sẽ không sử dụng bom chùm ở những khu vực có dân thường và sẽ theo dõi việc sử dụng bom chùm để thực hiện rà phá bom mìn sau này.
Mỹ cho biết quyết định cung cấp bom chùm cho Ukraine là do Ukraine không còn nhiều đạn pháo tiêu chuẩn. Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan, việc cung cấp bom chùm chỉ mang tính tạm thời. Ngày 11/7, ông Sullivan nói rằng khi sản xuất đạn đủ cho nhu cầu của Ukraine thì không cần phải cung cấp cho nước này bom chùm nữa.
Bom, đạn chùm là những hộp chứa hàng chục đến hàng trăm quả bom nhỏ hơn, nổ tung bên trên mục tiêu đã định, làm phân tán các quả bom nhỏ trên khu vực đó. Bom chùm phát nổ gần hoặc trên mặt đất, phát tán các mảnh đạn để tiêu diệt binh sĩ hoặc hạ gục các phương tiện bọc thép như xe tăng.
Các loại vũ khí này đã bị hơn 100 nước cấm bởi vì những quả bom nhỏ mà chúng phân tán rơi xuống một khu vực rộng lớn, gây nguy hiểm cho những người không tham chiến.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố cho rằng quyết định của Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine là một hành động nhằm kéo dài cuộc xung đột tại nước này. Theo hãng tin TASS, người phát ngôn Maria Zakharova nhấn mạnh quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục cho thấy đường lối chống Nga của Mỹ nhằm kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu lưu ý rằng Nga có bom chùm hiệu quả hơn nhiều so với của Mỹ, phạm vi tấn công rộng hơn và đa dạng hơn. Ông Shoigu nói với các phóng viên ngày 11/7 khi đến thăm các nhà máy quân sự ở Tatarstan: “Nếu Mỹ cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine, Lực lượng vũ trang Nga sẽ buộc phải sử dụng vũ khí tương đương để chống lại lực lượng Ukraine, như một cách đáp trả”.
Ông Shoigu cho biết cũng giống như Mỹ và Ukraine, Nga không phải là một bên tham gia Công ước về Bom, đạn chùm. Tuy nhiên, Nga đã hạn chế sử dụng kho vũ khí này của mình trong cuộc xung đột hiện tại, nhận thức được mối đe dọa mà loại vũ khí đó gây ra cho dân thường.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã lên tiếng phản đối Mỹ quyết định cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine. Động thái này làm dấy lên làn sóng chỉ trích cả trong nước Mỹ và trên thế giới.
Hai thượng nghị sĩ Patrick Leahy và Jeff Merkley của đảng Dân chủ Mỹ đã gọi đây là quyết định sai lầm nghiêm trọng và có thể dẫn đến nhiều bi kịch hơn.
Ngay cả các nước đồng minh của Mỹ cũng lo ngại. Anh, Canada, Tây Ban Nha đã bày tỏ quan ngại trước quyết định trên của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles khẳng định, nước này có cam kết chắc chắn về việc sẽ không gửi một số loại vũ khí và bom nhất định tới Ukraine. Trong khi đó, Chính phủ Canada đặc biệt lo ngại về tác động tiềm ẩn của những quả bom con được giải phóng ra khỏi bom mẹ và chưa nổ sau khi rơi xuống mặt đất, đặc biệt là đối với trẻ em.
Những rủi ro khi Mỹ đồng ý cấp bom chùm cho Ukraine
Tổng thống Joe Biden đã đồng ý cung cấp bom chùm của Mỹ cho Ukraine và số bom chùm này được lấy từ kho của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Một quả bom chùm tại thành phố tiền tuyến Avdiivka, Ukraine vào ngày 23/3. Ảnh: Getty Images
Theo tờ Washington Post ngày 6/7, động thái này sẽ bỏ qua luật của Mỹ về cấm sản xuất, sử dụng hoặc chuyển giao bom chùm có tỷ lệ không phát nổ hơn 1% và được đưa ra trong bối cảnh lo ngại tiến độ chậm chạp trong cuộc phản công của Ukraine.
Động thái của Mỹ diễn ra sau nhiều tháng tranh luận trong nội bộ chính quyền về việc có nên cung cấp các loại vũ khí gây tranh cãi vốn bị hầu hết các quốc gia trên thế giới cấm hay không.
Vũ khí chính đang được xem xét cấp cho Ukraine là đạn pháo M864 được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1987, được bắn từ lựu pháo 155mm - loại Mỹ và các nước phương Tây khác đã cung cấp cho Ukraine. Trong ước tính công khai gần đây nhất là hơn 20 năm trước, Lầu Năm Góc đã đánh giá rằng đạn pháo M864 có tỷ lệ không nổ là 6%, nghĩa là ít nhất 4 trong số 72 quả đạn con mà mỗi quả đạn mang theo sẽ không phát nổ trên một khu vực có diện tích khoảng 22.500 mét vuông.
Lầu Năm Góc hiện cho biết họ có các đánh giá mới, dựa trên thử nghiệm gần đây nhất vào năm 2020, với tỷ lệ không nổ chỉ dưới 2,35%. Mặc dù vượt quá giới hạn 1% do Quốc hội quy định hàng năm kể từ năm 2017, nhưng các quan chức đang lựa chọn cẩn thận các loại đạn dược có tỷ lệ không nổ 2,35% hoặc thấp hơn để chuyển đến Ukraine.
Không có điều khoản miễn trừ nào trong giới hạn 1% mà Quốc hội Mỹ đã đặt ra về tỷ lệ không nổ của bom chùm.
Mặc dù Mỹ đã sử dụng bom chùm trong mọi cuộc chiến tranh lớn kể từ chiến tranh Triều Tiên, nhưng không có loại bom chùm mới nào được sản xuất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, còn tới 4,7 triệu quả đạn, tên lửa, rocket và bom chùm, chứa hơn 500 triệu quả bom, đạn con vẫn còn trong kho quân sự của Mỹ.
Vũ khí chùm phát nổ trên không bên trên một mục tiêu, bắn ra hàng chục đến hàng trăm quả bom, đạn con nhỏ hơn trên một khu vực rộng lớn.
Quyết định cuối cùng của Mỹ về việc cung cấp loại vũ khí này cho Ukraine lần đầu tiên được hãng tin AP đưa tin ngày 6/7.
Trên 120 quốc gia đã tham gia công ước cấm sử dụng bom chùm, coi sử dụng bom chùm là vô nhân đạo và bừa bãi, phần lớn là do tỷ lệ không nổ cao khiến các khu vực tràn ngập bom, đạn con chưa nổ và gây nguy hiểm cho cả quân đội và dân thường trong nhiều thập kỷ sau khi xung đột kết thúc. Mỹ, Ukraine và Nga không phải là các bên tham gia công ước trên. Tám trong số 31 thành viên của NATO đã không phê chuẩn công ước cấm bom chùm.
Bà Mary Wareham thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: "Thật thất vọng khi chứng kiến tiêu chuẩn 1% bom chùm chưa nổ đã được thiết lập từ lâu bị hủy bỏ vì điều này sẽ dẫn đến nhiều vụ nổ hơn, đồng nghĩa với mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn đối với dân thường".
Một người dân Ukraine mang một quả rocket đạn chùm ra khỏi một cánh đồng gần các làng Smolyanka và Olyshivka vào ngày 3/4/2022. Ảnh: AP
Tỷ lệ không nổ là vấn đề quan trọng cả về mặt đạo đức và pháp lý để cung cấp vũ khí này.
Năm 2008, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đã ban hành chỉ thị cấm sản xuất, sử dụng hoặc chuyển giao bom, đạn chùm có tỷ lệ không nổ hơn 1% và áp đặt thời hạn 10 năm để phá hủy các vũ khí hiện có vượt quá tỷ lệ đó.
Chính quyền của ông Donald Trump vào năm 2017 đã đảo ngược cả giới hạn không nổ và thời hạn phá hủy các loại bom, đạn chùm nào vượt quá giới hạn đó. Sau đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm mọi khoản tài trợ cho việc sử dụng, sản xuất hoặc chuyển giao bom, đạn chùm với tỷ lệ không nổ hơn 1%.
Trong một cuộc phỏng vấn trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết việc có được nguồn cung cấp vũ khí đáng kể đã trở nên quan trọng đối với cuộc phản công đang diễn ra.
Mỹ và các nhà tài trợ phương Tây khác đã gửi hàng triệu quả lựu pháo không phải dạng chùm tới Ukraine, nhưng kho dự trữ đang cạn kiệt và việc sản xuất không thể đáp ứng kịp nhu cầu.
Nói về bom chùm, ông Reznikov cho biết: "Vì những loại bom đạn này có hiệu quả, chúng sẽ giúp chúng tôi tạo ra sự khác biệt". Ông nói Ukraine sẽ chỉ dùng bom chùm ở những nơi có cánh đồng, không gây hại cho dân thường và cam kết không sử dụng bom chùm trước khi sơ tán thành phố.
Ngoài nguy cơ dân thường nhặt phải những quả bom chưa nổ rất lâu sau cuộc chiến, bom chùm còn có thể gây nguy hiểm tức thời hơn cho lực lượng triển khai chúng. Một cựu sĩ quan pháo binh của Lục quân Mỹ nói: "Chắc chắn có rất nhiều rủi ro chiến thuật khi sử dụng các loại vũ khí này. Nó hạn chế khả năng cơ động nhanh chóng bởi vì phải dọn sạch một đống vật liệu chưa nổ. Vũ khí này sẽ làm chậm bước tiến".
Một số binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong và sau Chiến tranh vùng Vịnh do đạn dược chưa nổ. Theo một báo cáo của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ năm 1993, Lục quân Mỹ đã không tổ chức đào tạo trên toàn lực lượng này về cách nhận biết bom, đạn con trên mặt đất trước Chiến tranh vùng Vịnh.
Cựu sĩ quan nói trên cho biết: "Ai đó trong Bộ Quốc phòng Mỹ biết tỷ lệ không nổ thực tế và tôi hy vọng điều đó sẽ được thông báo một cách trung thực và chính xác tới các đơn vị Ukraine nhận được các loại vũ khí này".
Tổ chức theo dõi nhân quyền cảnh báo Mỹ gửi bom chùm đến Ukraine Không chỉ gây sát thương trên phạm vi rộng, bom, đạn chùm chưa nổ, còn tồn lưu sẽ gây ra đau khổ, rủi ro lâu dài cho dân thường sau cuộc chiến. Trong một tuyên bố hôm 6/7, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) phi chính phủ đã đưa ra cảnh báo sau khi truyền thông phương Tây loan tin, chính phủ...