Ukraine bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID cho giáo viên
Ngày 7/10, Ukraine đã ra quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với giáo viên và một số công chức nhà nước trong bối cảnh nước này ghi nhận tỉ lệ lây nhiễm tăng và tiến độ tiêm chủng chậm chạp.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Kiev, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Bộ Y tế Ukraine, giáo viên các trường học, đại học và một số công chức sẽ có 1 tháng để tiêm liều vaccine đầu tiên, nếu không muốn bị đình chỉ công việc mà không được trả lương. Bộ trên cho biết tính đến cuối tháng 9 vừa qua, 46% giáo viên ở nước này đã được tiêm phòng đầy đủ.
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Lyashko nêu rõ: “Quyết định này là nhằm bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của người dân Ukraine”.
Hiện Ukraine đang sử dụng 4 loại vaccine ngừa COVID-19, trong đó có vaccine của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Moderna. Tuy nhiên, chỉ 16% dân số nước này đã hoàn thành tiêm chủng.
Đến nay, Ukraine ghi nhận hơn 2,4 triệu ca mắc COVID-19 và trên 57.000 ca tử vong kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Cũng trong ngày 7/10, Burundi thông báo sẽ bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 sau khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên trong vài tuần tới.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Y tế Burundi Thaddee Ndikumana nêu rõ: “Chúng tôi đã nhận được cam kết từ Liên minh châu Phi (AU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) rằng lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ tới đây trong khoảng thời gian từ ngày 25/10-7/11, nếu mọi chuyện suôn sẻ”.
Video đang HOT
Ông Ndikumana cho biết chương trình tiêm chủng này nằm trong khuôn khổ kế hoạch mới ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng được các đối tác của nước này đề ra, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Burundi cùng với Eritrea và Triều Tiên là những nước cuối cùng trên thế giới chưa tiến hành tiêm chủng phòng COVID-19. Theo số liệu mới nhất được Chính phủ Burundi công bố hồi tháng 6, nước này có 5.723 ca mắc COVID-19, trong đó có 8 ca tử vong.
Thế giới đã ghi nhận trên 236,7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 6/10, thế giới đã có 236.743.254 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và 4.834.453 ca tử vong.
Số người đã bình phục hiện là 213.857.573 trong khi vẫn còn 85.217 ca đang phải điều trị tích cực.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Rio de Janeiro, Brazil. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là ba nước bị ảnh hưởng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ (44.786.258 ca) tương đương 1/5 số ca nhiễm thế giới, trong khi số ca tử vong (724.838 ca) tương đương hơn 1/6 số ca tử vong trên thế giới. Ấn Độ hiện đứng thứ hai về số ca nhiễm (trên 33,8 triệu ca), Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong (trên 598.000 ca).
Tại khu vực châu Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận trong ngày 6/10 có 13 người tử vong và 221 ca mắc mới, trong đó có 9 ca nhập cảnh. Đến nay, Campuchia phát hiện tổng cộng 113.924 ca mắc, trong đó 105.793 người đã khỏi bệnh và 2.431 người tử vong. Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen phát biểu vào ngày 6/10, ngày cuối của mùa Lễ Pchum Ben kéo dài 15 ngày, cho rằng nước này đang trong giai đoạn thử thách để có thể khẳng định đối mặt với đại dịch COVID-19 một cách an toàn hay không sau kỳ nghỉ lễ này.
Theo ông Hun Sen, Lễ Pchum Ben chính là phép thử để xem xét khả năng Campuchia mở cửa hoàn toàn vào cuối năm nay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài. Trong khi đó, tại thủ đô Phnom Penh, chính quyền thành phố này thông báo tiếp tục ngừng các hoạt động và loại hình kinh doanh có nguy cơ làm lây nhiễm dịch bệnh ở mức cao thêm 7 ngày, từ ngày 8 - 14/10, theo đó các hoạt động tụ tập đông người sử dụng đồ uống có cồn tiếp tục bị cấm; các hình thức kinh doanh câu lạc bộ như karaoke, quán bar, sàn nhảy, vườn bia, sòng bạc chưa được hoạt động trở lại; các khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, khu vui chơi giải trí, trung tâm thể dục, thể thao, rạp chiếu phim vẫn phải đóng cửa.
Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng còn ra chỉ thị yêu cầu tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên phải xuất trình thẻ đã tiêm phòng COVID-19 và cha mẹ học sinh từ 6-17 tuổi phải mang theo thẻ vaccine cho con khi vào trường học, chợ, các trung tâm mua sắm, các địa điểm ăn uống và kinh doanh được phép hoạt động trở lại.
Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận 484 ca mắc mới và 1 ca tử vong. Trong số các ca mắc mới có tới 468 ca lây nhiễm cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca lây nhiễm trong cộng đồng khi ghi nhận 206 ca mới. Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào là 26.462 ca, trong đó có 23 người tử vong. Trong một nỗ lực nhằm sớm mở lại các trường học, Bộ Y tế Lào vừa yêu cầu các quan chức giáo dục trên cả nước làm việc với chính quyền địa phương để nắm được số lượng học sinh từ 12-17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng để thúc đẩy chiến dịch tiêm phòng cho học sinh.
Tại Malaysia, hãng hàng không giá rẻ AirAsia Group Berhad cho biết sẽ chỉ cho phép những người trưởng thành đã tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 có mặt trên các chuyến bay. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh AirAsia Malaysia đang chuẩn bị nối lại các chuyến bay nội địa và quốc tế sau khi phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo hãng trên, quy định bắt buộc này chỉ áp dụng cho những người trưởng thành và sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Với những người dưới 18 tuổi chưa tiêm chủng đầy đủ, họ sẽ cần có những thành viên khác trong gia đình đã được tiêm chủng đầy đủ đi theo.
Ấn Độ ghi nhận 18.833 ca mới và 278 ca tử vong. Số ca mới đang ở mức thấp nhất và tỷ lệ hồi phục đạt mức cao nhất (97,94 %) kể từ đợt bùng phát vào tháng 3/2020 tại nước này. Tính đến nay, Ấn Độ ghi nhận 33,87 triệu ca mắc, 449.538 ca tử vong và hiện đang còn 246.687 ca dương tính. Theo thống kê của Bộ Y tế nước này, đã có hơn 920 triệu liều vaccine được tiêm trên toàn quốc. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm, 100% người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại một bệnh viện ở Mulhouse, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, Nga ghi nhận 929 ca tử vong, số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người không qua khỏi ở nước này lên hơn 212.000 ca. Số ca mắc mới tiếp tục tăng trong ngày thứ 5 liên tiếp với trên 25.000 ca, đưa tổng số ca nhiễm của nước này lên trên 7,6 triệu ca. Đặc biệt, thủ đô Moskva có gần 3.600 ca mới, thành phố St. Peterburg có trên 2.100 ca mới.
Trong khi đó, Ba Lan ghi nhận 2.085 ca mắc mới, tăng khoảng 70% so với một tuần trước. Con số này cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 sẽ nghiêm trọng. Thứ trưởng Y tế Waldemar Kraska nhận định: "Số liệu của hôm nay là một cảnh báo đỏ". Thứ trưởng Kraska cho biết Chính phủ Ba Lan không có kế hoạch tái áp đặt các quy định hạn chế với quy mô lớn như trong các đợt bùng phát trước. Theo quan chức này, "nếu phải áp đặt bất cứ hạn chế nào về kinh tế, sẽ chỉ là ở quy mô nhỏ hơn như phạm vi quận, thị trấn".
Ủy ban quốc gia về điều phối hoạt động tiêm chủng ngừa COVID-19 (CNCAV) của Romania cảnh báo số ca mắc và tử vong ở nước này có thể lên mức cao kỷ lục. Tính theo tuần, hiện Romania đang có số ca mắc mới và tử vong cao nhất Liên minh châu Âu (EU) và đứng thứ 6 trên toàn thế giới, với hơn 11.000 ca mắc mới mỗi ngày, vượt xa mức trung bình của cả châu Âu và thế giới.
Tỷ lệ tử vong tại nước này cũng cao hơn 2,65 lần so với mức trung bình của châu Âu và 6,34 lần so với mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định làn sóng lây nhiễm thứ 4 này có thể kéo dài ít nhất cho đến giữa tháng 11 và tác động lớn hơn những đợt trước. Hiện Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất EU. Theo dữ liệu của CNCAV, trong khi 52% tổng số người châu Âu được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, thì tại Romania, con số này chỉ là 28%.
Trước bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại các nước, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã đưa ra cảnh báo về làn sóng tử vong mới tại châu lục này. ECDC cho rằng trong 2 tháng tới các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp tại châu Âu sẽ chứng kiến "sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19, số ca nhập viện và tỷ lệ tử vong do sự lây lan virus SARS-Cov-2 tại đây rất cao". ECDC nhấn mạnh ngay cả những người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh và tiến triển nặng. Hiện chỉ 61% tổng dân số Liên minh châu Âu (EU) đã tiêm chủng và tỷ lệ này còn thấp ở khu vực Đông và Nam Âu.
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại khu vực Trung Đông, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tuyên bố đã vượt qua cuộc khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, đồng thời thông báo ghi nhận số ca mắc mới trong một tháng thấp nhất kể từ mùa hè 2020. Theo giới chức UAE, 7 tiểu vương quốc ghi nhận chưa đến 200 ca mắc mới trong tháng qua và đây cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020. Hiện cuộc sống tại UAE gần như đã trở lại bình thường nhưng một số quy định phòng dịch vẫn được áp dụng như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Đến nay, UAE ghi nhận khoảng hơn 737.000 ca COVID-19, trong đó có 2.104 ca tử vong.
Bộ Y tế Israel cũng cho biết tình hình dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu khả quan và chính phủ sẽ thận trọng xem xét việc nới lỏng thêm các biện pháp giãn cách xã hội. Cụ thể, số ca mắc mới và ca tử vong tại Israel đều giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/8. Tỷ lệ dương tính trong tổng số trường hợp xét nghiệm giảm còn 2,32%. Hệ số lây nhiễm tiếp tục được thu hẹp. Theo Bộ Y tế Israel, đồ thị dịch COVID-19 tại nước này đang đi xuống là nhờ có thêm nhiều người được tiêm phòng.
Rào cản kìm hãm đà phục hồi kinh tế thế giới Sau hơn một năm rưỡi lún sâu vào suy thoái do tác động tàn phá của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu phục hồi. Những tiến bộ trong hoạt động tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và kiểm soát dịch trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc dỡ bỏ dần các hạn chế...