Úc sắp trả cho Ấn Độ tượng cổ bị đánh cắp
Hai bảo tàng lớn ở Úc hôm 27.3 cho hay họ đã đưa những bức tượng nữ thần Hindu ngàn tuổi ra khỏi phòng trưng bày và sẽ trả lại cho chính phủ Ấn Độ.
Bức tượng nữ thần Shiva Nataraja được trưng bày trong Bảo tàng nghệ thuật quốc gia Úc – Ảnh: NGA
Bảo tàng Quốc gia Úc (NGA) ở thủ đô Canberra và Bảo tàng nghệ thuật New South Wales (AGNSW) ở thành phố Sydney đã hành động như vậy theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ, chiếu theo Đạo luật bảo vệ di sản văn hóa di động của UNESCO mà Úc là một thành viên ký kết.
NGA đã mua bức tượng đồng nữ thần Shiva Nataraja khiêu vũ có 900 năm tuổi với giá 5 triệu USD từ cửa hàng đồ cổ Art Of The Past ở quận Manhattan, thành phố New York (Mỹ) vào tháng 2.2008.
Đây là một trong 22 cổ vật mà NGA đã mua tại đây từ năm 2002 – 2011.
Chủ cửa hàng Art Of The Past là ông Subhash Chandra Kapoor, 62 tuổi, và quản lý cửa hàng là ông Aaron Freedman, 42 tuổi.
Cũng từ cửa hàng này, hồi năm 2004, AGNSW đã mua được bức tượng Ardhanariswara bán nam bán nữ – hiện thân của nữ thần Shiva và phu quân Parvati – bằng đá biến chất granulite. Giá tiền bức tượng này không được công bố.
Cả hai bức tượng này thuộc triều đại Chola, từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 13, ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ.
Cổ vật bị đánh cắp
Cảnh sát Ấn Độ hồi tháng 8.2008 đã được báo về việc bức tượng nữ thần Shiva bằng đồng bị lấy cắp khỏi bảo tàng ở làng Sripuranthan thuộc bang Tamil Nadu.
Và đường dây buôn lậu cổ vật quốc tế mà hai ông Kapoor và Freedman tham gia, được nói trị giá đến 35 triệu USD theo hãng tin AP, đã bị phát hiện.
Tượng thần Shiva bán nam bán nữ Ardhanariswara tại Bảo tàng Nghệ thuật New South Wales – Ảnh: AGNSW
Video đang HOT
Văn phòng công tố quận Manhattan đã đưa hai ông này ra Tòa án tối cao quận với cáo buộc đồng lõa với tội phạm và sở hữu trái phép đồ cổ bị đánh cắp.
Ông Kapoor đã bị bắt giam ở Ấn Độ, đang chờ ngày ra tòa với tội danh điều hành cửa hàng bán đồ cổ lấy trộm trị giá đến 100 triệu USD.
“Cho đến nay, Kapoor là tay buôn lậu lớn nhất mà chúng tôi từng biết, xét về số lượng cổ vật bị đánh cắp mà y sở hữu và giá trị thị trường của chúng”, chuyên viên James Hayes Jr của Cơ quan quản lý hải quan và xuất nhập cảnh thuộc Bộ Nội vụ Mỹ nhận định.
Tuy vậy, ông này phủ nhận tất cả các cáo buộc, và nói rằng bức tượng nữ thần Shiva là do ông mua được từ phu nhân một quan chức ngoại giao.
Còn ông Freedman hồi tháng 12.2013 đã nhận tội hỗ trợ việc vận chuyển cổ các vật lấy trộm từ Ấn Độ, Afghanistan, Pakistan và Campuchia tại tòa án Manhattan.
“Trả lại cho Ceasar”
Trong một thông cáo trên website của mình, NGA cho biết họ đã tìm hiểu về bức tượng Shiva mất một năm trước khi quyết định mua nó theo đúng các thủ tục quốc tế đối với các bảo tàng.
“Nếu các cáo buộc chống lại ông Kapoor được chứng minh là đúng thì rõ ràng bảo tàng của chúng tôi và nhiều bảo tàng khác trên thế giới đã trở thành nạn nhân của một hành động lừa đảo kì bí nhất”, thông cáo NGA viết.
Tượng nữ thần Uma Parameshvari được trưng bày trang trọng trong Bảo tàng Văn minh châu Á của Singapore – Ảnh: ACM
“Nếu đúng, vụ lừa đảo này cũng liên quan đến hành vi làm giả tinh vi các giấy tờ chứng nhận đồ cổ bởi một chủ cửa hàng nghệ thuật nổi tiếng của New York với lịch sử gần 40 năm buôn bán với các bảo tàng hàng đầu thế giới”, thông cáo nói thêm.
Và NGA đã kiện ông Kapoor, cửa hàng Art of the Past và người quản lý Freedman ra Tòa án tối cao New York với cáo buộc những người này đã “khuyến dụ một cách lừa lọc” bằng những giấy chứng nhận giả về nguồn gốc và tính chân thực của bức tượng, khiến bảo tàng này đã mua nó với giá 5 triệu USD.
Theo sau đơn kiện của NGA, chính phủ Ấn Độ đã chính thức gửi thư cho chính phủ Úc, yêu cầu hai bảo tàng trả lại hai bức tượng quý “đã bị đưa ra khỏi Ấn Độ trái với luật sở di sản văn hóa” vào đúng hôm nay, 28.3.2014, Văn phòng Tổng chưởng lý Úc cho báo chí biết.
Thông cáo của NGA cũng cho biết: “Bảo tàng chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để tính toán về về mọi khả năng có thể. Quy trình trả lại những cổ vật văn hóa nước ngoài sẽ được thực hiện ở cấp chính phủ-với-chính phủ”.
Trong khi đó, AGNSW nói với hãng tin Reuters hôm 27.3 rằng họ “hợp tác toàn diện với chính phủ Úc và các cơ quan chức năng liên quan để đi đến giải pháp cuối cùng”.
Singapore cũng là “nạn nhân” Trong khi hai bảo tàng lớn của Úc phải đưa những bức tượng quý ra khỏi sự chiêm ngưỡng của công chúng và dự định trả lại cho Ấn Độ, thì Bảo tàng văn minh châu Á (ACM) của Singapore cũng lâm vào tình thế tương tự. Hồi năm 2007, ACM cũng mua tại cửa hàng của ông Kapoor ở New York bức tượng nữ thần Hindu Uma Parameshvari bằng đồng 1.000 tuổi được với giá 650.000 USD. Theo báo The Hindu, bức tượng Uma Parameshvari bị lấy trộm từ một đền thờ Hindu ở quận Ariyalur, cũng thuộc bang Tamil Nadu hồi năm 2006. Tượng được chuyển về Singapore trong năm 2007 và được trưng bày trang trọng trong ACM như một báu vật mà bảo tàng tự hào sưu tập được. Hồi tháng 12.2013, sau khi ông Freedman nhận tội ở Tòa án New York, ACM đã thừa nhận họ đã mua tượng từ cửa hàng của ông Kapoor, nhưng quả quyết không làm điều gì sai trái. “Nguồn gốc và tiểu sử của mọi cổ vật đều được truy kiểm từ nguồn dữ liệu quốc tế về cổ vật bị đánh cắp hoặc hôi của trước khi việc mua bán diễn ra”, thông cáo của ACM khẳng định. Tuy vậy, bảo tàng này cũng nói thêm họ đang theo dõi diễn biến các vụ án và “sẽ có hành động cần thiết dựa trên thông lệ và quật pháp quốc tế”. Bức tượng sau đó cũng đã được đưa ra khỏi nơi trưng bày.
Theo TNO
Interpol mở trung tâm nghiên cứu tội phạm tại Singapore
Trung tâm kỹ thuật hiện đại sẽ khai trương tại Singapore vào năm 2015 để tăng cường sự hiện diện và hoạt động của tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) tại châu Á.
Bà Julia Viedma (giữa) cho biết Interpol đang tăng cường sự hiện diện ở châu Á - Ảnh: Thục Minh
Có tên gọi Tổ hợp Interpol toàn cầu về cải tiến (IGCI), trung tâm này tọa lạc ở khu Tanglin, cạnh một loạt đại sứ quán các nước lớn như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc.
Hiện đang được xây dựng và sẽ chính thức khai trương vào ngày 13.4.2015, IGCI là một tòa nhà 4 tầng với khoảng 300 nhân viên và những thiết bị hiện đại nhất, bà Julia Viedma, Giám đốc hợp tác và phát triển quốc tế của Interpol, cho biết tại cuộc họp báo ngày 26.3 ở Singapore.
Thông cáo của Interpol cũng nói rằng: "IGCI là cơ sở bổ sung cho Tổng hành dinh tọa lạc tại thành phố Lyon, Pháp, nhằm tăng cường sự hiện diện của Interpol ở châu Á".
Hoạt động quan trọng nhất của IGCI sẽ là nghiên cứu và phát triển các công cụ mà cảnh sát sẽ dùng để nhận diện, phòng và chống tội phạm.
IGCI cũng sẽ nghiên cứu chế tạo các thiết bị cứu hộ khẩn cấp và kỹ thuật giám định pháp y để nhận diện nạn nhân trong các vụ thảm họa.
Bên cạnh đó là hoạt động đào tạo, huấn luyện chuyên môn, xây dựng năng lực cho lực lượng cảnh sát của 190 quốc gia thành viên Interpol.
Phác thảo bên ngoài của Tổ hợp Interpol toàn cầu về cải tiến sẽ khánh thành năm 2015 ở Singapore - Ảnh: Interpol
"Trong một khu vực năng động như châu Á, sự di chuyển qua biên giới ngày càng nhiều, các loại tội phạm ngày càng tăng và xuất hiện những hình thức ngày càng tinh vi, IGCI cũng sẽ có một bộ phận túc trực 24/7 để theo dõi và phối hợp với các quốc gia thành viên xử lý các vấn đề an ninh, tội phạm nẩy sinh tại chỗ", bà Viedma cho biết.
Tuy nhiên, IGCI không trực tiếp nhận tin báo tội phạm hay sự vụ từ công chúng, bởi "nguyên tắc hoạt động của Interpol là không xâm phạm chủ quyền của các quốc gia thành viên".
"Vì vậy, giả sử bạn thấy nhà hàng xóm có hành vi phạm tội, đừng gọi cho IGCI, mà hãy gọi cho cảnh sát Singapore chẳng hạn hoặc văn phòng đại diện Interpol ở quốc gia thành viên gần nhất. Khi nào cảnh sát một quốc gia thành viên nhận định đây là loại tội phạm quốc tế và yêu cầu chúng tôi phối hợp giải quyết thì chúng tôi mới vào cuộc", bà Viedma giải thích.
Về mặt nhân sự, do đây là trung tâm nghiên cứu chuyên sâu, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao, nên phần lớn nhân sự sẽ là những chuyên viên đã làm việc nhiều năm cho Interpol.
Bên cạnh đó, do tính chất hỗ trợ và hợp tác, IGCI cũng sẽ nhận nhân viên từ lực lượng cảnh sát các quốc gia thành viên trong khu vực gửi đến.
Đặc biệt, bà Viedma cho biết Interpol sẽ tăng cường hợp tác với những công ty an ninh tư nhân để tận dụng kinh nghiệm, sự linh hoạt và cả công nghệ của các đơn vị kinh tế này.
Hội nghị và triển lãm Interpol
Cũng tại cuộc họp báo ngày 26.3, bà Viedma cho biết Interpol sẽ tổ chức lần đầu tiên hội nghị và triển lãm về an ninh quốc tế (gọi tắt là Interpol World) tại Singapore từ ngày 14-16.4.2015, dưới sự hỗ trợ của Bộ Nội vụ nước chủ nhà.
"Interpol World sẽ kết nối bộ máy an ninh nhà nước và các công ty an ninh tư nhân để phát triển và triển khai các sáng kiến cho các vấn đề an ninh hiện tại và tương lai", theo thông cáo của Interpol.
Toàn bộ chương trình hội gồm các hội thảo mở, đối thoại kín giữa quan chức an ninh, chính quyền các nước và chuyên gia, triển lãm thiết bị và công nghệ... sẽ xoay quanh 4 vấn đề lớn là: an ninh mạng, thành phố an toàn, quản lý biên giới và an ninh chuỗi cung cấp hàng hóa.
Dự kiến có khoảng 250 công ty chuyên nghiên cứu, sản xuất và phân phối thiết bị an ninh cộng cộng, và 8.000 khách thương mại và chuyên gia tham dự Interpol World lần đầu này.
Interpol World về sau sẽ được tổ chức mỗi hai năm một lần.
Theo TNO
Bầu cử kỳ thú ở Indonesia Các cuộc bầu cử quan trọng sắp tới của Indonesia tạo điều kiện cho sự xuất hiện của những ứng viên "đặc dị", khiến cử tri vô cùng hào hứng. Sulaiman (trước) chờ khách với chiếc xe dán thông điệp tranh cử - Ảnh: The Straits Times Cuộc bầu cử tổng thống mới cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ...