Úc nêu quan ngại về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị ASEAN
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop ngày 4/8 cho biết bà sẽ nêu quan ngại về tình trạng căng thẳng gia tăng tại Biển Đông ở Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN ở Malaysia, bất chấp những hành động cản trở của Trung Quốc.
Ngoại trưởng Bishop (Ảnh AFP)
Phát biểu trước khi tham dự cuộc họp cấp ngoại trưởng giữa ASEAN và các đối tác chiến lược, Ngoại trưởng Bishop khẳng định: “Tôi sẽ tập trung vào các thách thức chính trị và an ninh quốc gia khẩn cấp mà khu vực đang phải đối mặt, bao gồm chủ nghĩa khủng bố cực đoan và các vấn đề về hàng hải”.
Trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng không nên đưa các hoạt động cải tạo đảo của nước này tại Biển Đông ra hội nghị. Ông cảnh báo việc các nước đề cập tới vấn đề này chỉ “gây ra phản ứng trái chiều” và làm “gia tăng căng thẳng”.
Tuy nhiên, Mỹ và Philippines đã tuyên bố họ sẽ bác bỏ yêu cầu trên của Ngoại trưởng Trung Quốc và kêu gọi chấm dứt hoạt động cải tạo đảo, quân sự hóa các vị trí và những hành động hung hăng khác của nước này ở Biển Đông.
Video đang HOT
Tới nay, Úc vẫn chưa thể hiện thái độ ủng hộ rõ bên nào trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông kể từ khi Trung Quốc tiến hành hoạt động cải tạo đảo hồi năm ngoái. Tuy nhiên, căng thẳng trong khu vực đang là ưu tiên an ninh hàng đầu của Úc.
Trong khi đó, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia về Biển Đông của Đại học New South Wales, cho rằng quan ngại của các nước ASEAN về hoạt động cải tạo đảo đang ngày càng trở nên rõ ràng và một số quốc gia cũng cảm thấy mất dần kiên nhẫn với quá trình thảo luận tiến tới ký bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Bishop sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc tại Kuala Lumpur. Bên cạnh các vấn đề an ninh, hai bên sẽ thảo luận về cách thức tiến hành truy tố những người có trách nhiệm trong vụ tai nạn của máy bay MH17.
Ngọc Anh
Theo Dantri/AFP
Biển Đông nóng bỏng tại hội nghị ASEAN
Ngoại trưởng các nước ASEAN nhất trí cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của hiệp hội trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.
Đại diện các nước ASEAN và Tổng thư ký Lê Lương Minh chụp hình lưu niệm tại AMM 48 - Ảnh: AFP
Bất chấp phản đối của Trung Quốc về việc đưa tranh chấp Biển Đông vào chương trình nghị sự, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 đã "thảo luận một cách bao quát" vấn đề này tại phiên họp hôm qua 4.8, theo Ngoại trưởng nước chủ nhà Malaysia Anifah Aman.
"Chúng tôi cũng thảo luận cách giải quyết sự xói mòn lòng tin giữa các bên liên quan sau những diễn biến gần đây ở Biển Đông, bao gồm hoạt động bồi đắp cũng như leo thang căng thẳng trên thực địa", ông Anifah nói với các phóng viên tại cuộc họp báo sau khi kết thúc phiên họp.
Tại hội nghị, Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario đã lên án điều mà ông gọi là "hoạt động bồi đắp khổng lồ" của Bắc Kinh, vốn "hủy hoại hòa bình, an ninh và ổn định". "Ngay lúc này, chúng ta không hề thấy sự hạ nhiệt từ các hoạt động đơn phương và gây hấn của nước láng giềng phương Bắc ở Biển Đông", ông Del Rosario ám chỉ đến Trung Quốc.
Các ngoại trưởng ASEAN cho rằng tình hình Biển Đông ngày càng nghiêm trọng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, các nước nhất trí tăng cường đoàn kết, trách nhiệm và vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề Biển Đông.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị ASEAN cần phát huy sự chủ động và vai trò chủ đạo của hiệp hội, thúc đẩy các bên tuân thủ nguyên tắc về kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi vào thảo luận thực chất để sớm đạt được Bộ quy tắc ửng xử ở Biển Đông (COC) có hiệu quả.
Trả lời báo chí bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong cũng nêu ý kiến về vấn đề Biển Đông: "Các bên cần thực hiện đầy đủ DOC. Đối với COC, nhóm làm việc của các quan chức cấp cao đã có bản dự thảo. Tuy nhiên, khó trả lời khi nào có văn bản chính thức vì nó phụ thuộc vào sự quan tâm của các bên có thực sự muốn giải quyết vấn đề đó không".
Cũng tại hội nghị, Ngoại trưởng Malaysia Anifah cho biết, năm 2014 đầu tư trong khu vực ASEAN đã đạt 136 tỉ USD, tăng trưởng hằng năm xấp xỉ 15,7%. Thương mại đạt được 2,5 tỉ USD, dự đoán sẽ tăng trưởng hơn 4,9% trong năm nay. "Với tốc độ này, ASEAN sẽ phát triển trên mọi lĩnh vực và trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 trên thế giới trong năm 2050", ông khẳng định.
Các ngoại trưởng cũng nhất trí trao cho Na Uy quy chế nước đối tác của ASEAN, đồng thời nhất trí xem xét đề nghị trở thành đối tác ASEAN của một số nước khác.
Dự kiến trong năm nay, hoạch định tầm nhìn sau 2015 và lộ trình của ASEAN trong vòng 10 năm tới sẽ được thông qua. Theo chương trình, hôm nay 5.8 sẽ tiếp tục diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các nước đối tác của ASEAN.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur)
Theo Thanhnien
Hồng Lỗi la làng: Có nước "bắt cóc" ASEAN?! Truyền thông nhà nước Trung Quốc tưởng rằng cứ lập lờ đánh lận con đen như thế là có thể lôi kéo được Việt Nam về phía họ hoặc chí ít cũng reo rắc hoài nghi... Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ảnh: Reuters. Reuters ngày 28/4 đưa tin, Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc...