Úc “kịch liệt phản đối” hành động đơn phương trên biển Đông
Trước chuyến thăm Indonesia vào hôm nay 4.6, Thủ tướng Úc Tony Abbott cho biết Úc “kịch liệt phản đối” những hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông.
Thủ tướng Úc Tony Abbott
Ông Abbott đưa ra phát ngôn trên, được cho là ám chỉ Trung Quốc, trước khi lên đường đến gặp Tổng thống Indonesia Bambang Yudhoyono tại đảo Batam của Indonesia. Chuyến công du này nhằm mục đích cải thiện quan hệ hai nước, vốn đang bị tổn hại do vụ Úc nghe lén lãnh đạo Indonesia và chính sách nhập cư cứng rắn từ Canberra, theo AFP.
Căng thẳng leo thang ở biển Đông kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam trái phép và tàu Trung Quốc còn ngang ngược đâm húc, bắn vòi rồng vào tàu của các lực lượng chấp pháp Việt Nam.
Trong những tháng gần đây, Indonesia đã hai lần phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý tại quần đảo Natuna của Indonesia trên biển Đông.
Video đang HOT
Tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, mới đây bày tỏ sự bất bình trước việc Trung Quốc cho rằng quần đảo Natuna là một phần trong tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” nuốt trọn gần hết biển Đông của Bắc Kinh, theo tờ The Sydney Morning Herald (Úc) ngày 4.6.
Thủ tướng Abbott cho biết ông và Tổng thống Yudhoyono sẽ cùng bàn luận về tình hình biển Đông và biển Hoa Đông.
Bình luận về việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Natuna, Thủ tướng Abbott nói Úc “kịch liệt phản đối” những hàng động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông, theo The Sydney Morning Herald.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston cho rằng tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và Hoa Đông là mối quan ngại lớn đối với Úc, nhưng cho rằng nước này không về phe nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Ngày 2.6, một quan chức cao cấp khác của Bộ Quốc phòng Úc là ông Dennis Richardson cũng lên tiếng cảnh báo có nguy cơ xung đột xảy ra tại biển Đông.
Tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la (Singapore) ngày 31.5, các bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Úc, Nhật Bản và Việt Nam đều lên tiếng chỉ trích những hành động đơn phương gây bất ổn của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, theo tờ Wall Street Journal (Mỹ).
Theo Thanh Niên
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rất quan tâm tình hình ở Biển Đông
Sau khi nghe đại diện Việt Nam thông báo việc Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Phó Tổng Thư ký LHQ Jeffrey Feltman khẳng định Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rất quan tâm đến tình hình Biển Đông.
Chiếc tàu to lớn của Trung Quốc trong đội tàu hộ tống giàn khoan Hải dương 981 đang phun vòi rồng vào tàu Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc
Ngày 2-6, tại Trụ sở HQ ở New York, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, đã gặp ông Jeffrey Feltman, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, để tiếp tục thông báo với LHQ về những diễn biến tới nay liên quan đến việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Đại sứ Lê Hoài Trung cũng thông báo với ông Jeffrey Feltman việc Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự và máy bay, đến hoạt động tại vị trí hạ đặt giàn khoan; và các tàu Trung Quốc đã chủ đích đâm va, uy hiếp, dùng vòi rồng công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ chỉ là tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương.
Đại sứ Lê Hoài Trung nhấn mạnh những việc làm trên của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, Thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đe doạ hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Đại sứ nêu những cơ sở pháp lý, lịch sử cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Xuất phát từ chính sách nhất quán của Việt Nam là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế và mong muốn gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, Việt Nam hết sức kiềm chế, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và đề nghị Trung Quốc sớm cùng Việt Nam đi vào đối thoại, thương lượng để giải quyết các khác biệt.
Đại sứ đề nghị LHQ cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ các đề nghị thiện chí của Việt Nam, kêu gọi việc không có các hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực.
Phó Tổng Thư ký LHQ Jeffrey Feltman hoan nghênh chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông Feltman khẳng định Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon rất quan tâm đến tình hình hiện nay ở Biển Đông. Ông Phó Tổng thư ký chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng của Biển Đông đối với thế giới, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, khẳng định các bên cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hoà bình khác phù hợp với Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế.
Theo Người Lao Động
Mang theo '4 vết thương', tàu Cảnh sát biển 2016 trở về an toàn Bị 2 cú đâm va chí mạng và 4 lỗ thủng trong khi làm nhiệm vụ tại điểm nóng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tàu CSB 2016 đã trở về an toàn mang theo các phóng viên, nhà báo vừa tác nghiệp tại đây. Sau chuyến công tác có nhiều bão gió, nhiều lần bị tàu Trung Quốc cản trở,...