Úc hỗ trợ nâng cao thu nhập cho nông dân nghèo vùng Tây Bắc
Chính phủ Úc đã tài trợ 1,4 triệu USD cho một dự án giúp nông dân trồng cây ăn quả quy mô nhỏ ở các tỉnh Tây Bắc có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện sinh kế từ việc tiêu thụ sản phẩm ở những thị trường hoa quả có tiềm năng.
Dự án “Cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân nhỏ tại vùng cao Tây Bắc Việt Nam thông qua tăng cường tính cạnh tranh và tiếp cận thị trường khu vực của các sản phẩm trái cây ôn đới và bán ôn đới” là một dự án 4 năm (2014-2018) với kinh phí gần 1,4 triệu USD, được tài trợ thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR).
Dự án sẽ được triển khai tại 3 tỉnh Lai Châu, Lào Cai và Sơn La, nhằm cải thiện tình hình sản xuất và thị trường cây ăn quả ôn đới tại 3 tỉnh này. Hội thảo khởi động dự án vừa được tổ chức sáng 16/9 tại Hà Nội với sự tham gia của Đại sứ Úc tại Việt Nam Hugh Borrowman, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Lê Quốc Doanh.
Đại sứ Úc tại Việt Nam Hugh Borrowman (giữa) tham dự lễ khởi động dự án (Ảnh: B.C)
Phát biểu tại hội thảo khởi động dự án, Ngài Hugh Borrowman, Đại sứ Úc tại Việt Nam nhấn mạnh sự gắn kết, cùng nhau hợp tác là động lực để đưa kết quả nghiên cứu trở thành hiện thực phát triển cải thiện cuộc sống cho người dân.
“Dự án hướng tới cải thiện thu nhập cho nông dân, đặc biệt là phụ nữ và nông dân thuộc các dân tộc thiểu số thông qua sự tham gia tích cực và bài bản hơn của khối tư nhân,” ông nói.
Tây Bắc là khu vực nghèo nhất tại Việt Nam, trong đó tỉ lệ nghèo của tỉnh Lai Châu xếp thứ nhất, tỉnh Sơn La xếp thứ 3 và tỉnh Lào Cai xếp thứ 4 trên cả nước. Hiện tại, khoảng 40- 60% dân số tại các tỉnh trên đang sinh sống dưới mức chuẩn nghèo. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới năm 2012, tỉ lệ này vượt quá xa tỉ lệ nghèo của quốc quốc gia (là 11%).
Mặc dù trong những năm qua, vùng cao Tây Bắc đã nhận được nhiều đầu tư của Nhà nước và các tỏ chức nước ngoài nhằm cải thiện kinh tế và đời sống nhân dân trong khu vực, nhưng người nông dân trong khu vực chưa phát huy được hiệu quả của các nguồn đầu tư. Phát triển cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới tại khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi không chỉ nỗ lực của Nhà nước, chính quyền các cấp từ trung ương tới địa phương, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ của người sản xuất và khối tư nhân.
“Thực tế và các kết quả nghiên cứu đã cho thấy, người nông dân vùng cao Tây Bắc đang thiếu và yếu trong việc nắm bắt các thông tin thị trường cũng như hạn chế trong việc tiếp nhận và áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác và quản lý sau thu hoạch,” Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhận định.
Video đang HOT
Mận Sơn La là một trong 4 loại quả ôn đới được dự án hỗ trợ phát triển thị trường (Ảnh minh họa)
Do vậy, dự án này hướng tới gắn kết sản xuất và thị trường, thu hút các nguồn đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận cho ngành sản xuất quả ôn đới ở vùng cao Tây Bắc, thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ địa phương, nhà nghiên cứu cấp quốc gia, đội ngũ khuyến nông và khối tư nhân.
Dự án sẽ tìm kiếm các giải pháp kinh tế cho các mắt xích yếu trong chuỗi giá trị để kết nối nông dân với thị trường, tạo cơ hội cho người trồng cây ăn quả ôn đới và bán ôn đới nâng cao thu nhập. Các hoạt động Dự án sẽ tập trung vào các sản phẩm thế mạnh của vùng Tây Bắc là đào, lê, mận, hồng.
Nguyên An
Theo Dantri
Xây dựng Nông thôn mới: Một số nơi còn ỷ lại vào Nhà nước
"Mục tiêu của Chương trình Xây dựng Nông thôn mới (XDNTM) là phát huy nguồn lực của nhân dân nhưng một số nơi còn ỷ lại vào Nhà nước. Đây là chương trình mới nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm."
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Ban Chỉ đạo Trung ương (BCĐ) Mục tiêu Quốc gia về XDNTM khẳng định khi trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Thứ Trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Ban Chỉ đạo Trung Ương Mục tiêu Quốc gia về XDNTM
Chương trình XDNTM đã được thực hiện hơn 3 năm nay. Xin ông cho biết các kết quả đạt được trong thời gian vừa qua?
Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay Chương trình đã trở thành một phong trào thiết thực, có sức lan tỏa rộng và được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nét nổi bật trong thời gian qua là nhận thức của cán bộ, Đảng viên và nhân dân có sự thay đổi rõ nét. Vấn đề phát huy dân chủ cơ sở được tăng cường. Vai trò chủ thể của người dân được quan tâm chú ý và thực sự đã được phát huy ở nhiều địa phương. Chính vì vậy, chương trình có sự lan tỏa rất nhanh chóng, sâu, rộng ở tất cả các nông thôn kể cả ở miền núi, đồng bằng và ven biển.
Cơ sở hạ tầng (CSHT) phục vụ cho sản xuất (SX) và sinh hoạt của nhân dân được quan tâm đầu tư, làm chuyển biến bộ mặt của nông thôn. Hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố. An ninh nông thôn được giữ vững. Đời sống văn hóa của nhân dân được khởi sắc.
Về vấn đề SX, các địa phương đã quan tâm đến việc chỉ đạo chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong SX nông nghiệp; XD các mô hình SX, liên kết SX, đảm bảo chất lượng hàng hóa, mang giá trị gia tăng cao.
Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Đội ngũ cán bộ ở cơ sở được nâng lên: Tiếp cận và nắm chắc cơ chế, chính sách về chương trình; năng lực chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình được nâng lên; làm tốt công tác vận động quần chúng.
Cần phát huy nội lực cơ sở
Theo ông, đâu là những khó khăn, thách thức đặt ra trong quá trình thực hiện?
Về khách quan, Chương trình được triển khai thực hiện trong giai đoạn suy thoái kinh tế thế giới, ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, nên việc thực hiện gặp khó khăn. Đây là một chương trình sâu rộng về phát triển nông thôn nên nhiều cơ chế chính sách mới được ban hành, đòi hỏi phải có thời gian để đi vào thực tiễn.
Về yếu tố chủ quan, ở một số địa phương, nhận thức chưa được sâu sắc, chưa hiểu rõ chương trình này là phát huy nguồn lực của nhân dân, vai trò chủ thể của nhân dân, nên một số nơi còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Chương trình đặt ra 19 tiêu chí cho xã đạt chuẩn nông thôn mới, tuy nhiên, tiêu chí về CSHT tầng như điện, giao thông, nước, trường học mặc dù được quan tâm nhiều nhưng nhiều CSHT thiết yếu ở một số vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Quan điểm chỉ đạo là Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, còn lại là phát huy các nguồn lực từ các cộng đồng xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, và các tổ chức ở trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, đến nay nguồn lực vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Đối với những xã vùng cao còn nhiều khó khăn về kinh tế, làm thế nào để hỗ trợ các địa phương này hoàn thành những tiêu chí về giao thông và công trình công cộng trong XDNTM?
Thực tế, BCĐ TƯ đã nhận thấy vấn đề này và đã chỉ đạo cho các bộ, ngành TƯ trên cơ sở thực tế nghiên cứu các cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ cho các địa phương nhất là ở các vùng núi, vùng hải đảo xa xôi còn nhiều khó khăn. Điều quan trọng là cần có giải pháp nhằm phát huy nội lực ở nơi đó: Tập trung vào SX, XD vùng nguyên liệu hàng hóa để kêu gọi sự đầu tư tham gia của các DN để đẩy mạnh SX, nâng cao thu nhập, thúc đẩy đầu tư ở các khu vực khác. Tôi nghĩ rằng khó khăn nhất ở các vùng này là vấn đề SX vì nó liên quan đến CSHT. Bên cạnh đó, mỗi địa phương bằng nhiều cách để huy động XD CSHT nhất là công trình đường, điện và nước sinh hoạt.
Chương trình XDNTM thổi một luồng gió mới đến nông thôn Việt Nam
Đến nay có bao nhiêu xã đạt chuẩn NTM?
Đến nay có 185 xã đạt chuẩn ở 27 tỉnh/thành phố trên cả nước và được tỉnh đề nghị thường công trình phúc lợi trị giá 1 tỷ đồng. Có 49 cá nhân tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình này. Tuy nhiên, còn 34 tỉnh chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, nhưng mỗi tỉnh có một xã có nỗ lực cao trong phong trào này vì đã đạt 13 tiêu chí trở lên, trong đó có 7 tiêu chí tăng thêm trong 3 năm, nhất là tiêu chí về nâng cao thu nhập và giảm nghèo.
XDNTM không chạy theo phong trào
Dựa vào những kết quả đã đạt được, liệu chương trình có đạt được mục tiêu đề ra là đến năm 2015 có 20% và 2020 có 50% số xã đạt chuẩn NTM?
Để đạt được mục tiêu đề ra là rất khó. Tuy nhiên, BCĐ xác định đây là quá trình tập trung chỉ đạo lâu dài, làm đến đâu chắc đến đó, không chạy theo phòng trào. Do đó, mỗi địa phương cần bàn cách để huy động sự đóng góp của tất cả các tầng lớp trong XH.
Thưa ông, xin ông cho biết mục tiêu trọng điểm của XDNTM trong thời gian tới?
Trong thời gian tới cần tập trung chỉ đạo cho phát triển SX nhằm nâng cao đời sống của người dân ở xã NTM, do đó, cần ưu tiên chuyển đối cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở những vùng này để tạo ra những vùng SX hàng hóa nhằm nâng cao giá trị SX và hỗ trợ phát triển bền vững. Ngoài ra, cần tập trung nâng cao trình độ dân trí và tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở, nhất là vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện Chương trình XDNTM.
Xin cảm ơn ông!
Nguyên An
Theo Dantri
"Điện Biên Phủ là bài học về tinh thần tự cường dân tộc" "Đó là bài học về tiến hành chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa chống giặc ngoại xâm, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, dù cho chúng có mạnh tới đâu". Xin giới thiệu toàn văn Diễn văn của Chủ tịch nước...