Ức chế nhà phát hành, game thủ “đì” Dragon Age II
Chỉ vì gọi nhà phát hành EA là “quỷ dữ”, một game thủ đã bị mất trắng game Dragon Age II mà mình vừa mua. Thế nhưng, các game thủ cũng chẳng phải tay vừa.
“Have you sold your souls to the EA devil?” (tạm dịch: BioWare các anh đã bán linh hồn của mình cho quỷ dữ EA rồi à?) là thứ khiến thành viên v_ware – một người dùng trên forums của BioWare – bị nhà sản xuất “khai tử”. Nực cười là mặc dù tài khoản trên forums của v_ware đã bị cấm sử dụng trong 72 tiếng, nhưng anh ta cũng không thể kích họat được game Dragon Age II mới mua của mình, cũng như không thể kích họat được bản DLC của Dragon Age II mà người này đã mất $70 để mua.
Trả lời thắc mắc của v_ware, Stanley Woo, mod của BioWare đã đem ra hai Điều khoản sử dụng dịch vụ được áp dụng cho trường hợp này: 1) BioWare có quyền cấm người dùng sử dụng forums ít nhất 24 tiếng, nhưng không ảnh hưởng tới các tựa game người dùng này có 2) EA có quyền cấm người dùng, và sẽ ảnh hưởng tới tựa game và DLC của người dùng này.
Vì BioWare hiện đang thuộc EA, nên không có gì đáng thắc mắc khi EA cấm một người dùng khi anh ta nói xấu về BioWare. Vụ việc này hiện đang làm rùm beng các cộng đồng mạng lớn như 4chan hay Reddit, bởi lẽ EA đã đi quá tay trong hành động này, ví von như cướp trắng trợn $70 chỉ vì người dùng này phát ngôn phật ý EA.
Câu truyện này khiến chúng ta nhớ tới Spore, một tựa game phát hành bởi EA năm 2008. Do chế độ DRM quá ngớ ngẩn của Spore mà bao nhiêu gamer than thở trên diễn đàn của game, khiến EA, cảm tưởng như “tức phát khóc”, đã dọa sẽ ban tài khoản game Spore của bất cứ người nào còn nhắc tới DRM của game nữa.
Dragon Age II cũng đang là đề tài gây nhiều tranh cãi xoay quanh chất lượng của game. Mặc dù nhìn chung, người dùng khen ngợi Dragon Age 2 có lời thoại tốt và cuộc “phiêu lưu tình ái” thú vị, nhưng cảm tưởng như chất lượng của Dragon Age 2 không xứng đáng với tiếng tăm của một studio hạng A như BioWare. Dragon Age 2 có những khu vực như các hang động và tòa nhà thiết kế quá giống nhau và lặp đi lặp lại.
Chưa kể đến việc Dragon Age II còn có nhiều bug cho cả 3 hệ máy PC, PS3 và Xbox 360, như lỗi “farm” tiền và điểm kinh nghiệm vô hạn. Bản PS3 còn bị báo lỗi treo game ngẫu nhiên, và bản Xbox 360 thì làm một số người chơi không đăng nhập được vào tài khoản khác. Nực cười là trong khi game còn nhiều bug đáng sợ như vậy, nhưng Dragon Age 2 đã có ngay một bản DLC rồi (Exile Prince), giá tầm $7.
Câu trả lời cho những hiện tượng suy giảm chất lượng này nằm ở thời gian phát triển gấp rút của game, được công bố vào hè năm ngoái, nhưng đã có mặt ngay trong quý 1 năm 2011. Người duy nhất dám công nhận rằng Dragon Age 2 ra đời quá gấp gáp là Inon Zur, nhà soạn nhạc của game. Trong cuộc phỏng vấn với IGN, ông đã nói rõ rằng mình đã phải soạn nhạc nền cho Dragon Age 2 rất gấp rút do EA muốn tranh thủ sức nóng của Dragon Age: Origins (“EA really wanted to capitalize on the success of Origins”).
Video đang HOT
Các game thủ cũng chẳng vừa. Hiện nay, số điểm của Dragon Age 2 do người dùng bình chọn trên Metacritic đã tụt xuống mức tệ hại, còn 4.1 và vẫn còn đang tiếp tục giảm khi liên tục bị các game thủ “dìm hàng”. Chỉ một câu truyện trên thôi cũng đã thấy sự đáng sợ của các tập đoàn game lớn ngày nay, và v_ware cũng không sai khi ví EA với quỷ dữ.
Phải chăng nếu các hãng game lớn đừng “vắt sữa” người chơi cho những bản DLC của một tựa game chưa hoàn thiện, thì các game thủ cũng không ghét cay ghét đắng đến thế. Dragon Age II có nội dung ngắn hơn phần đầu, tuy nhiên, nó sẽ có nhiều bản DLC hơn. Thông tin này đã được nhà sản xuất xác nhận từ một thời gian trước. Thế nên, cái giá 60$ cho một trò chơi không còn đúng với giá trị của nó nữa. Để mua tất cả các bản mở rộng và DLC của Dragon Age: Origins thì bạn phải mất tời gần 150 USD.
Theo PLXH
Dragon Age II - Game hay khó bỏ trong tháng 3
Đây là một trò chơi sở hữu tính lôi cuốn cao, ngay cả khi đặt tay cầm xuống bạn vẫn sẽ phải trăn trở vì sao cả nhóm mình lại tử nạn một cách dễ dàng như vậy trong những trận đấu trùm.
Một số người có thể chê Dragon Age II là một tựa game RPG casual quá dễ chơi nhưng những thay đổi mà BioWare áp dụng trong phần 2 của loạt game này đã giúp nó có mặt trong top 15 sản phẩm được đặt hàng nhiều nhất trên Amazon tuần vừa rồi. Thậm chí, phiên bản Xbox 360 của Dragon Age II còn có mặt trong top 6. Đây là một trò chơi phù hợp với số đông và nếu bạn đang tìm kiếm một trò chơi để có thể tập trung mày mò lục lọi trong tháng 3 thì Dragon Age II là một lựa chọn đặc biệt thích hợp.
Nội dung của phần 2 sẽ kéo dài khoảng 30 tiếng, một thời lượng khiêm tốn so với 80 tiếng của phiên bản Dragon Age: Origins. Tuy nhiên, nó vẫn sở hữu một cốt truyện đáng khen ngợi và có những lý do riêng khiến Dragon Age II ngắn hơn phần đầu. Khi theo chân nhân vật Hawke - nhân vật human duy nhất mà bạn được chọn trong game, người chơi sẽ được chứng kiến một câu chuyện trải dài suốt 10 năm trong thành phố Kirkwall kể từ khi gia đình anh ta mới chỉ là những người tị nạn vượt biển để chạy trốn cuộc chiến tranh với loài Dark Spawn ở Ferelden.
Việc giới hạn thân phận của nhân vật chính tạo điều kiện để nhà sản xuất đi sâu vào những lựa chọn về đạo đức hơn để kể một câu chuyện mang tính cá nhân, khiến người chơi dễ dàng đồng cảm với nhân vật mà mình đang đóng vai. Từ đó, khoảng 30 tiếng trong game của bạn sẽ tập trung quanh những chủ đề chính như các cuộc săn lùng quỷ dữ, mối quan hệ xung đột của phe Templars và Chantry với các pháp sư (bị gọi là Apostage), cuộc chiến ngay trong những bức tường của Kirkwall giữa loài người với chủng tộc Qunari...
Dragon Age II sử dụng chia game thành các màn chơi nhỏ và mỗi khi chuyển cảnh, bạn có thể chọn thẳng một vị trí trên bản đồ để đến đó ngay sau một màn hình loading. Việc này hạn chế rất nhiều thời gian "chạy qua chạy lại" của bạn trong game và giúp những người chơi thiếu kiên nhẫn luôn bám sát mạch truyện và các nhiệm vụ mình cần phải làm. Nếu muốn, bạn có thể chẳng cần đọc codex mà vẫn biết cần tới đâu, gặp ai để giải quyết một quest nào đó.
Nói về hệ thống thoại, chi tiết chính tạo nên giá trị nhập vai trong Dragon Age, tựa game này sử dụng hệ thống thoại tối giản giống của Mass Effect 2. Nó có mang đến một vài điều thú vị nhưng vẫn "lợi bất cập hại". Điểm tốt ở hệ thống này là bạn sẽ kiểm soát được thái độ của nhân vật chính qua các lựa chọn như thù địch, ranh ma hay trung thực. Bạn có thể chẳng cần phải chú ý đến từng câu thoại một và chọn một thái độ phù hợp với tâm lý của mình rồi cứ thế các đoạn thoại sẽ diễn ra rất tự nhiên.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người chơi cũng có được câu trả lời mình muốn. Đôi khi thái độ ranh ma lại chẳng giúp bạn tán tỉnh được ai mà chỉ khiến mọi thứ tệ hơn khi lỡ miệng nói ra một câu nào đó. Đây có thể được coi là yếu tố bất ngờ trong game, nó khiến nhân vật chính Hawke trở nên có cá tính hơn. Tuy nhiên, nếu bạn không save game thường xuyên thì đôi lúc sẽ phải chịu oan trong việc để mất lòng những người bạn đồng hành của mình.
Dragon Age II có những nhân vật đặc biệt cá tính và hầu hết những gã "hay ho" nhất đều là các Rogue. Trong đó phải kể đến Varric - "hoàng tử con buôn" của Kirkwall, một kẻ sinh ra trong một gia đình quý tộc ở Ostagar nhưng lại phải sớm sống cảnh lưu vong. Tuy nhiên, sự trưởng thành với tư cách một đứa con thứ giữa một thành phố đầy rẫy gian trá lừa lọc lại giúp Varric nhìn thấy nhiều cơ hội hơn trong các cuộc làm ăn. Hắn có một cái lưỡi còn sắc hơn dao găm nhưng lại đồng thời là một thương nhân nghiêm túc và trọng tình bạn.
Isabella - một nữ cướp biển, chính xác hơn là một thuyền trưởng đã mất tàu thì lại sở hữu một quá khứ với đầy những phi vụ mờ ám mà đôi khi không dám nói ra. Cô ta sở hữu một khiếu hài hước tuyệt vời, hơi có phần tục tĩu nhưng lại là một cặp bài trùng với Varric trong những câu chuyện dọc đường. So với những Mage hay Warrior còn lại thì họ là hai nhân vật đáng chú ý hơn cả.
Bạn cũng nên chọn một nhóm có những người bạn cùng chí hướng với mình. Nếu không thì những lựa chọn đạo đức khó khăn trong game sẽ khiến bạn được lòng người này và mất lòng người kia lúc nào không hay. Game không đặt nặng yếu tố Friendship, bạn vẫn có thể để một nhân vật ghét mình tới cực độ rồi trở thành Rival. Tuy nhiên, nếu bạn có được lòng tin của một nhân vật nào đó thì cũng mở khóa được một kĩ năng có lợi cho mình hơn so với khi họ là Rival.
Mặc dù đã bỏ đi góc nhìn rộng, cho phép người chơi bao quát chiến trường như trong phiên bản Dragon Age: Origins nhưng phần 2 không phải vì thế mà mất đi toàn bộ tính chiến thuật. Nếu bạn chơi ở độ khó Normal thì... chẳng có gì để nói, Dragon Age II lúc đó giống một trò chơi chặt chém và hành động phiêu lưu hơn là một game nhập vai tỉ mỉ. Tuy nhiên, ở độ khó Hard thì mọi thứ bắt đầu thay đổi, đó là còn chưa kể đến việc đồng đội của bạn sẽ bị lãnh đòn đau nếu họ lỡ nằm trong phạm vi tấn công của người khác trong Nightmare.
Ở phần chơi Normal, một số kĩ năng cấp cao của nhân vật chính sẽ bị cắt bớt. Thế nên, những người chơi thích thử thách ít nhất nên bắt đầu cuộc hành trình của mình ở độ khó Hard. Ở cấp độ này thì một số trận chiến với những con trùm lớn cũng đã tỏ ra rất khó chịu. Nếu chơi ở Nightmare thì nhiều người còn phải kêu trời, nói rằng cả nhóm của họ tử nạn chỉ còn đúng 1 pháp sư và họ phải chạy vòng quanh rồi kite nó trong vài chục phút vì có chơi lại thì kết quả cũng... vẫn thế.
Khi chơi ở các cấp độ khó cao hơn thì việc đảm bảo yếu tố an toàn cho cả nhóm vẫn là ưu tiên hàng đầu. Bạn nên đầu tư vào một nhân vật tank với đủ mọi kĩ năng phòng thủ, trang bị cho Rogue những kĩ năng ẩn mình và thoát thân nhanh gọn nhất, còn lại, cố gắng đừng để các Mage hay Archer của mình tử nạn. Việc build các nhân vật theo toàn những kĩ năng sát thủ chỉ phù hợp với độ khó Normal. Bạn sẽ nhanh chán lối sống nhàn hạ đó bởi game sẽ chẳng còn chút hấp dẫn nào hết.
Hệ thống chiến đấu của Dragon Age II tuy đơn giản nhưng lại có chiều sâu. Nó thậm chí còn sở hữu nhiều chi tiết vượt trội so với phần 1. Đầu tiên phải kể đến sự chuyên biệt hóa về vai trò của các lớp nhân vật. Warrior với khả năng trang bị giáp dày là lựa chọn số một cho vai trò bia đỡ đạn. Cho dù bạn có muốn Hawke trở thành một chiến binh với khả năng sử dụng kiếm hai tay, một cú vụt gây sát thương cho vài đối thủ thì cũng nên đảm bảo trong nhóm có một tank nếu chơi ở những độ khó cao.
Rogue là class đóng vai trò rút máu đối phương nhanh nhất nhưng cần được bảo vệ bởi lượng máu thấp. Khi làm việc theo nhóm thì bạn nên quan tâm đến việc làm sát để Rogue sống lâu nhất thay vì trang bị cho họ những kĩ năng damage cao nhưng chỉ có giá trị tạm thời. Mage tuy không còn quá hùng mạnh nhưng là lớp nhân vật sở hữu các đòn AoE và khả năng hỗ trợ tốt nhất.
Khi lên cao, người chơi còn có thể để nhân vật của mình học những kĩ năng của một Specialization mới, tuy nhiên, chỉ Hawke là có nhiều lựa chọn nhất ở phương diện này. Anh ta có hẳn 2 Specialization để chọn ở Level 7 và 14. Một số bất công khác còn tồn tại ở mảng giáp trụ khi phần lớn các trang bị chỉ có thể sử dụng cho Hawke trong khi main tank của bạn - một nhân vật khác - lại cần gear tốt để có thể chống chọi với một con rồng khổng lồ.
Dragon Age II mang tới một yếu tố mới - cross class combo. Giải thích một cách đơn giản, mỗi class có thể gây "choáng" với đối phương bằng một hiệu ứng riêng. Hiệu ứng này chỉ tồn tại trong một vài class và một vài kĩ năng nhất định. Tuy nhiên, khi nó xuất hiện thì hai class còn lại sẽ có thể tận dụng thời điểm đó và thực hiện những chiêu kết liễu với sức sát thương mạnh hơn tới vài lần. Bạn nên quan tâm tới điều này và nên nhớ ra nó chỉ bắt đầu phát huy vai trò của mình khi nhóm của bạn có level trung bình là 10 trở lên.
Đồ họa trong game chỉ dừng lại ở mức khá. Thậm chí, phiên bản console còn có nhiều chi tiết với texture "bèo bọt". Mặc dù vậy, có thể coi đó là việc trả giá để xây dựng được những màn chơi rộng lớn. Đáng buồn là một số dungeon trong game lại chỉ là clone của nhau, khi nhận ra sự tương đồng của chúng, bạn sẽ sớm thấy chán nản. Nếu bạn đang sở hữu một cỗ máy PC với cấu hình khủng thì có thể download bản patch nâng chất lượng texture trong game với dung lượng tới tận 1GB trên website của BioWare.
Dragon Age II có thể tự hào về phần lồng tiếng, tuy chưa phải "thượng thừa" nhưng như vậy là đã đủ để thể hiện cảm xúc của các nhân vật mà không tỏ ra gượng gạo. Một số nhân vật cá tính như Varric thì có giọng nói đặc biệt xuất sắc. Nhân vật Hawke nữ thì lại không có được cái uy như của nhân vật nam chính. Thế nên, một số người vẫn thích chọn "gã râu xồm" Hawke đơn giản là bởi thích giọng nói của anh ta trong suốt vài chục tiếng chơi game.
Dragon Age II là một game hay, nó có thể giúp bạn giải trí trong suốt tháng 3 và ngay cả khi đã tắt máy để nghỉ ngơi có thể bạn vẫn phải tiếp tục tìm tòi các hướng dẫn về hệ thống chiến đấu trong game vì quá ham.
Theo PLXH
Game thủ Việt bàn tán gì về bom tấn Dragon Age II? Phiên bản này được lòng fan console nhưng lại "thất sủng" trong mắt những tín đồ PC và các game thủ RPG hardcore. Trong những ngày vừa qua, các phiên bản PC, PS3 và Xbox 360 của Dragon Age II đã bị tuồn lên internet từ nhiều ngày trước khi game được chính thức phát hành. Giới game thủ vốn đã mong chờ...