UBND TP HCM nhận trách nhiệm vì các dự án ‘treo’
Trước việc dự án treo tràn lan gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, lãnh đạo TP HCM đã nhận khuyết điểm và trách nhiệm, đồng thời cam kết sẽ rà soát toàn bộ dự án treo để gỡ khó cho người dân.
Sáng 5/10, kỳ họp HĐND TP HCM tiếp tục với phiên chất vấn của đại biểu với Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Tài nguyên – Môi trường về xử lý và giải pháp xóa quy hoạch “treo”. Nhiều đại biểu cho rằng, việc tràn lan các dự án “treo” như hiện nay có nguyên nhân do chủ đầu tư yếu kém, không đủ khả năng thực hiện dự án. Song, hiện chưa có cơ chế ràng buộc nên khi ngưng hoặc thu hồi dự án thì phần thiệt thuộc về người dân.
Đại biểu Trần Trọng Dũng (quận 8) cho rằng, nhiều dự án bị “treo” quá lâu, người dân không được sử dụng đất bị nhiều thiệt hại, trong khi chủ đầu tư lại không bị chế tài. “Cần buộc chủ đầu tư ký quỹ 10 – 20 tỷ đồng để nếu dự án chậm tiến độ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và cuộc sống của người dân thì lấy để bồi thường”. Kiến nghị này nhận được sự đồng tình của đại biểu Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố.
Theo các đại biểu, cần buộc chủ đầu tư ký quỹ khi thực hiện dự án để có tiền bồi thường khi gây thiệt hại cho dân. Ảnh: H.C.
Trả lời chất vấn, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết, để buộc chủ đầu tư đền bù thì chỉ có thể dựa theo Điều 38 Luật Đất đai, song căn cứ vào quy định này, thời gian xác định rất lâu, thậm chí khi đã thẩm định xong chủ đầu tư không đồng ý nên rất khó thực hiện.
“Ý kiến buộc chủ đầu tư ký quỹ rất hay. Ràng buộc bằng cách ký quỹ thì chủ đầu tư có bỏ chạy, nhà nước vẫn có tiền để đền bù thiệt hại cho dân. Vấn đề đặt ra là số tiền bao nhiêu là đủ?”, ông Kiệt nói và cho rằng, buộc chủ đầu tư ký quỹ coi như họ bị chôn một số vốn nên giải pháp này cần phải được cân nhắc kỹ. Sắp tới Sở sẽ trình UBND thành phố xem xét.
Cho rằng người dân hiện thiếu thông tin, đại biểu Lâm Thiếu Quân đề nghị cần công khai thông tin quy hoạch, những dự án đã được phê duyệt, thậm chí cả các dự án chậm tiến độ, chưa triển khai được cũng cần công khai cho người dân rõ.
Về vần đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến Trúc Trần Chí Dũng chia sẻ, theo quy định, đồ án đã phê duyệt đều được công khai trong vòng 30 ngày. Những hồ sơ cấp thành phố cũng đã công khai, và sắp tới sẽ tăng cường các tuyến quận, huyện để cung cấp thông tin quy hoạch cho người dân.
Video đang HOT
Lãnh đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc và Tài nguyên – Môi trường trả lời chất vấn. Ảnh: H.C.
Cuối phiên chất vấn, Phó chủ tịch Nguyễn Hữu Tín đã thay mặt UBND thành phố “xin nghiêm túc tiếp thu”, nhận khuyết điểm và trách nhiệm vì đã để xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Ông Tín cho biết, ngay sau cuộc họp sẽ kiểm tra các dự án Bình Quới – Thanh Đa, tứ giác Nguyễn Cư Trinh, Bến xe Miền Tây… trên tinh thần “xử lý được sẽ cho làm ngay” để gỡ khó người dân.
Cũng theo ông Tín, khi có quy hoạch nhưng Nhà nước chưa thu hồi, người dân vẫn được sử dụng đất để kinh doanh, ở theo nguyên trạng của mình. Ngoài ra, người dân cũng có thể chuyển mục đích sử dụng mới nhưng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, chính quyền địa phương cần hướng dẫn cho người dân hiểu. “Địa phương nào hiểu chưa đúng, làm chưa đúng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của dân cần sửa ngay”, ông Tín lưu ý.
Trước đề nghị của Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Quyết Tâm về việc cần đề ra giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch “treo”, ông Tín cho biết, đến trước 31/12 sẽ phải rà soát tất cả những dự án còn bị “treo”. Dự án nào đã giải tỏa, bồi thường 100% mà vẫn chưa thực hiện được thì phải truy lỗi do các sở ngành hay do địa phương để thúc đẩy làm ngay.
“Với những dự án đã đền bù được trên 50%, sẽ cho các nhà đầu tư tiếp tục thực hiện nhưng phải cam kết thực hiện nghiêm túc và thời gian tối đa không quá 12 tháng. Còn đối với những dự án không thể đền bù được, UBND thành phố sẽ cho thu hồi và hủy quyết định giao đất ngay”, ông Tín khẳng định.
Sau phiên chất vấn và thông qua nghị quyết, kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM khóa VIII đã bế mạc.
Theo VNE
Bức xúc những khu quy hoạch "treo" cả một thế hệ
"Hai mươi năm sống "treo" trong quy hoạch đã bằng thời gian cho một thế hệ lớn lên rồi. Đề nghị TP coi có làm được thì làm ngay, còn không thì thôi, tháo bỏ giùm cái quy hoạch, trả lại hiện trạng đất trước kia cho người dân an cư làm việc".
Cử tri Đặng Văn Chuốc (P.28, Q.Bình Thạnh) đã bức xúc phát biểu như trên trong phiên thảo luận HĐND TP.HCM chiều nay (4.10).
Với chủ đề "Công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị", những khu quy hoạch "treo" trở thành điểm "nóng" được đại biểu (ĐB) HĐND đặt ra thảo luận.
Sống "treo" trong quy hoạch
Tổng hợp các kiến nghị của cử tri TP.HCM, ông Phạm Văn Hải, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, đánh giá: Hiện TP tồn tại không ít quy hoạch "treo" đến cả 10 năm, 20 năm vẫn chưa thấy thực hiện gây bức xúc trong nhân dân.
Có thể kể đến các khu quy hoạch "treo" lâu đời như: khu phố 8, ấp Doi, P.15, Q.Gò Vấp, có diện tích hơn 40 hecta, "treo" 14 năm khu Bình Qưới - Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh) "treo" 12 năm dự án hồ sinh thái Vĩnh Lộc (H.Bình Chánh) "treo" 14 năm,...
ĐB Nguyễn Thành Nhân (Q.Bình Tân) cho rằng chính quyền phải nghĩ đến vấn đề trả thiệt hại cho người dân sống hàng chục năm trong quy hoạch "treo" - Ảnh: Nguyên Mi
Không chỉ thế, thực tế còn tồn tại cả tình trạng dự án "treo" mới chồng lên dự án "treo" cũ. Hiện nay, khu vực các phường 19, 22, Q.Bình Thạnh vốn đã bị dự án xây dựng khu đô thị thanh niên Văn Thánh "treo"... 20 năm chưa xóa thì lại mới bị "treo" chồng thêm dự án khu bờ tây sông Sài Gòn.
"Các khu vực này đang trong quá trình lựa chọn dự án nên không ai trả lời được câu hỏi của người dân ở đây và cả những nơi khác cũng có quy hoạch "treo", là bao giờ quy hoạch được triển khai thực hiện?", ông Hải bức xúc.
Còn ĐB Nguyễn Thành Nhân (Q.Bình Tân) nói."Người dân của chúng ta quá hiền! Người dân chỉ cần hết "treo" quy hoạch là mừng, còn chưa tính đến vấn đề thiệt hại trong suốt thời gian sống trong quy hoạch "treo".
Theo ĐB Nhân, chính quyền phải nghĩ đến vấn đề trả thiệt hại cho người dân và có mức đền bù cũng như cách đền bù hợp lý, thỏa đáng.
Một giải pháp được ĐB Nhân đề nghị là Nhà nước, đơn vị đầu tư cần phải trả tiền đền bù cho người dân ngay khi đã được giao - nhận dự án, được quy hoạch để người dân có kế hoạch an cư.
"Chuyện khi nào dự án đó được thực hiện là chuyện của nhà đầu tư. "Treo" dự án lâu, kéo dài, lỗ thì nhà đầu tư phải chịu chứ không thể để người dân bị "treo", sống 10 - 20 năm mà không có quyền được làm gì trên mảnh đất của mình thì quá thiệt hại!", ĐB Nhân nêu ý kiến.
Đề nghị thu hồi quy hoạch "treo"
"Đề nghị TP phải có quy hoạch chi tiết, không để quy hoạch tràn lan, đụng đâu cũng thấy đóng dấu quy hoạch nhưng lại hỏng vốn, lấy đất nhưng không triển khai dự án", ĐB Phan Thanh Hải (H.Hóc Môn) nói.
Đồng thời, ông Hải cũng đề nghị TP thu hồi lại quy hoạch khu cụm công nghiệp Khánh Đông (H.Hóc Môn) "để địa phương có đất mà làm chuyện khác" vì nhà đầu tư đền bù theo kiểu "da beo", chỗ đền bù chỗ không, gây bức xúc trong nhân dân và cũng không tuân thủ các quy định.
Bị quy hoạch "treo", đường vào khu C30 (nay thuộc tổ 1, 2, khu phố 1, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM) lầy lội, ngập nước mỗi khi trời mưa vì không được sửa chữa - Ảnh: Đình Sơn
Bên cạnh đó, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Ánh cho rằng giá đất nông nghiệp thuần để tính bồi thường cho người dân còn thấp so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường tại thời điểm hiện nay. Điều này gây bức xúc đối với người dân có đất bị thu hồi và chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn khi triển khai thực hiện.
Để tháo gỡ những khó khăn trong quy hoạch, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Nguyễn Văn Hải đề nghị UBND TP.HCM rà soát tất cả đồ án quy hoạch đã lập trước đây về nội dung và chất lượng.
Theo đó, quy hoạch nào không còn giá trị thực tế thì nhanh chóng điều chỉnh, thu hồi để trả lại chức năng ban đầu. Đối với việc thực hiện các dự án đã được phê duyệt thì cần kiểm tra lại tiến độ và sớm có quyết định giao đất hoặc thay đổi chủ đầu tư đối với những chủ đầu tư không có năng lực, để quá lâu không làm. Đồng thời, UBND TP cần rà soát các quy định hiện hành không còn phù hợp, kiến nghị Trung ương tháo gỡ để giải tỏa bức xúc cho người dân.
Trước nhiều kiến nghị của cử tri về tình trạng các dự án, quy hoạch treo, HĐND TP đã quyết định dành buổi sáng mai (5.10) để UBND và các sở, ngành có liên quan trả lời chất vấn về quy hoạch "treo" và giải pháp tháo gỡ.
Theo TNO
Phần lớn các dự án "treo" thuộc nguồn vốn ngân sách Phần lớn các dự án "treo" (dự án có tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai chậm) là dự án thuộc nguồn vốn ngân sách. Đó là báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP.HCM Đào Anh Kiệt trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, HĐND TP.HCM khóa VIII vào sáng nay (4.10)....