UBKT Tỉnh ủy Vĩnh Phúc “trần tình” về vụ Bí thư xã dùng bằng giả
Những ngày qua, đông đảo bạn đọc vẫn quan tâm đến vụ việc ông Đàm Minh Tuấn, Bí thư xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường sử dụng bằng giả đã được chính ông thừa nhận với nhà báo, UBKT Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã lập đoàn kiểm tra.
Tuy nhiên, dù vụ việc “rõ như ban ngày” nhưng sau hơn 2 tháng vẫn không ra được kết luận. Mới đây, trả lời báo chí, thời hạn này được kéo dài tới quí 2/2013.
Theo UBKT Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, ông Bí thư xã Đàm Minh Tuấn đã tự tẩy sửa tấm bằng này
Đủng đỉnh xử lý sai phạm
Ngày 14/5, ông Triệu Đức Soạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, trước khi thực hiện việc kiểm tra, ông đã yêu cầu phải đảm bảo khách quan, cấm cán bộ trong đoàn kiểm tra “không được nhận dù là một xu của ông Tuấn”.
Theo chúng tôi, sở dĩ ông Phó Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy phải nhắc nhở thế là vì ông Đàm Minh Tuấn tuy chưa xứng đáng vai trò của một Bí thư Đảng ủy xã, làm và sử dụng bằng giả, lừa dối Đảng, để tình trạng vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn kéo dài.
Cũng theo ông Soạn, tới ngày 14/5, đoàn kiểm tra đã có kết luận sơ bộ về vụ việc, đặc biệt đã làm rõ việc ông Tuấn đã tự chỉnh sửa bằng THPT của ông Trịnh Huy Truyền, cán bộ tư pháp xã Vĩnh Thịnh, và sử dụng bằng giả này để đi học cao đẳng. Việc sử dụng bằng giả được xác định từ năm 2009 tới nay. Với hành vi này, ông Tuấn đã vi phạm Điểm a, Khoản 2, Điều 9, Quy định 94/2007 của Bộ Chính trị. Ông Triệu Đức Soạn khẳng định: Việc ông Tuấn sai đã rõ, nhưng vẫn chưa thể kết luận và xử lý kỷ luật ông Tuấn là bởi phải làm rõ nguyên nhân dẫn tới sai phạm của ông Tuấn. Đó là, cần làm rõ người cung cấp văn bằng để ông Tuấn làm giả.
Video đang HOT
Theo ông Tuấn giải trình, chính ông Truyền là người đưa bằng của mình cho ông chỉnh sửa. Thế nhưng qua nhiều cuộc làm việc với đoàn kiểm tra, ông Truyền một mực khẳng định mình không cung cấp văn bằng cho ông Tuấn.
Ông Triệu Đức Soạn cho biết, sẽ phải tổ chức đối chất giữa ông Tuấn, ông Truyền để xác định nguồn gốc văn bằng mà ông Tuấn tẩy sửa và sử dụng. “Chúng tôi không bao che. Anh Tuấn có sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, theo đúng quy định”, ông Soạn nói. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng triển khai, cuộc đối chất trong “tầm tay” của đoàn kiểm tra vẫn chưa được thực hiện…
Kế hoạch kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc
Xử lý kiểu “đánh bùn sang ao”?
Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường, ông Lê Chí Quang khi được phóng viên cung cấp thông tin ông Tuấn chính là người tự tay tẩy xóa văn bằng đã nói: “Nếu đúng như vậy thì tình tiết ai đưa văn bằng đã là không quan trọng nữa”. Đây cũng chính là điểm khiến dư luận đặt vấn đề, người sử dụng văn bằng giả đã thừa nhận hành vi của mình, thì tại sao lại cứ kéo dài thời gian kết luận xử lý bằng việc loay hoay đi tìm người cung cấp văn bằng gốc.
Việc ông Tuấn khai ra người cung cấp văn bằng, việc người này một mực phủ định kêu oan, và việc đoàn kiểm tra quyết truy vấn ông Truyền cho bằng được, phải chăng là việc không bình thường? Chúng tôi phải đặt vấn đề như vậy vì khi tiếp xúc với nhóm phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Triển, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Vĩnh Tường bỗng “bật” ra rằng: Báo chí “bới móc” ông Tuấn mà chưa nói đến ông Truyền là không khách quan. Đặc biệt, ông Triển còn “tiết lộ”, qua kiểm tra có một số nhân chứng là cán bộ UBND xã Vĩnh Thịnh xác nhận có biết việc ông Truyền đưa văn bằng của mình cho ông Tuấn sử dụng? Thậm chí, có một Phó Chủ tịch xã đã xác nhận vào hồ sơ để ông Tuấn được đi học?..
Việc một Bí thư Đảng ủy xã không những sử dụng bằng giả mà còn tạo ra văn bằng giả, khai gian trong hồ sơ cán bộ đảng viên suốt từ năm 2009 đến nay, được báo chí phản ánh với chứng cứ rành rành, đáng lẽ phải biểu dương báo chí thì ông Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ sự trong sạch của tổ chức cơ sở Đảng lại cho rằng báo chí “bới móc”.
Trong khi đó, người bị ông Tuấn “tố” đã cung cấp văn bằng để ông làm giả và sử dụng là đảng viên Trịnh Huy Truyền thì kêu oan, thậm chí làm văn bản khẳng định ông Tuấn vu khống, nhưng ông Triển lại cứ muốn báo chỉ phải “nói đến” thì mới khách quan. “Nói đến” là “nói” thế nào? Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã “nói đến” ông Truyền, nhưng là nói đúng sự thật đang diễn ra: ông Truyền có văn bản kêu oan. Phải chăng, ông Triển muốn báo chí phải khẳng định ông Truyền là thủ phạm cung cấp văn bằng cho ông Tuấn làm giả (dù không có chứng cứ) thì mới “khách quan”!?
Bênh vực ông Tuấn tới mức xúc phạm cả cơ quan báo chí, ông Triển, Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Vĩnh Tường đã tự bộc lộ dấu hiệu không khách quan của mình.
Một dấu hỏi khác. Sự việc ông Bí thư xã dùng bằng giả đã được nhiều cán bộ xã biết. Huyện ủy hẳn cũng rõ hơn ai hết ông Tuấn không có bằng cấp 3. Chính ông Tuấn thừa nhận với phóng viên, rằng trước năm 2009 trong lý lịch ông đều ghi rõ mình chưa học hết cấp 3. Thế nhưng, đùng một cái, ông Tuấn bỗng dưng bổ sung văn bằng cao đẳng vào hồ sơ cán bộ đảng viên của mình mà Huyện ủy Vĩnh Tường vẫn chấp nhận mà không hề kiểm tra? Sự việc chỉ được làm rõ khi báo chí vào cuộc. Phải chăng công tác kiểm tra, quản lý hồ sơ lý lịch cán bộ đảng viên của Huyện ủy Vĩnh Tường đang có “lỗ hổng”, hay chỉ “hổng” trong trường hợp ông Đàm Minh Tuấn?
Thông tin mới nhất mà UBKT Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết, sẽ có kết luận vụ việc trong quý 2/2013. Trước đó, cũng chính UBKT này thông tin cho báo giới: Sẽ có kết luận chậm nhất là vào ngày 7/5/2013. Nhưng ngày này đã qua đi mà kết luận vẫn bỏ ngỏ? Sự “bỏ ngỏ” này có bất thường và có hay không dấu hiệu bao che cho những sai phạm của Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Thịnh? Dư luận đang chờ câu trả lời chính thức từ tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo Dantri
Hà Nội: Cụ ông thất thập đầu thú sau 25 năm trốn nã
Không thu hồi được nợ công, ông Bàn cùng vợ bỏ trốn, để lại cậu con trai duy nhất. Sau 25 năm sống trong dằn vặt tội lội, ông đã được cậu con trai đưa đến cơ quan công an đầu thú.
Ngày 9/4, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm - CATP Hà Nội cho biết vừa vận động ông Đỗ Văn Bàn (SN 1938, ở thôn Hoa Đường, xã Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội) ra đầu thú.
Ông Bàn ra đầu thú mong hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Theo cơ quan công an, năm 1989, ông Bàn là Chủ nhiệm HTX Tín dụng xã Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Tây (cũ). HTX đã cho nhiều người ở địa phương vay nợ. Song, thời gian này, tình trạng vỡ hụi xảy ra nhiều, trong đó có nhiều người nợ tiền của HTX.
Cuối năm 1989, do không thu hồi được nợ, phải chịu trách nhiệm số tiền 20 triệu đồng thất thoát, ông Bàn đã bỏ trốn cùng vợ, để lại câu con trai duy nhất. Hai vợ chồng ông Bàn lưu lạc hết Quảng Ninh, vào Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh với đủ thứ nghề làm thuê để tồn tại.
Không giấy tờ tùy thân, sống chui lủi suốt 25 năm, ông Bàn và vợ cắt đứt liên lạc với họ hàng, không dám về quê.
Biết ông Bàn đang sống chui lủi và thỉnh thoảng vẫn liên lạc với cậu con trai giờ đã thành đạt và đang làm ăn, sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã đã tìm gặp con trai ông Bàn để vận động anh khuyên nhủ bố mình đầu thú.
Cuối cùng, sau 25 năm sống trốn nã, ông Bàn được người con trai duy nhất đưa ra đầu thú. Ở tuổi 75, sức khỏe giờ đã yếu, ông Bàn được hưởng sự khoan hồng, không bị giam cứu.
Cơ quan công an đang hoàn tất hồ sơ vụ án do ông Bàn gây ra.
Theo Dantri
Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông chậm tiến độ Ngày 5-4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội đã làm việc với các chuyên gia tham vấn về chương trình, sách giáo khoa (CT-SGK) phổ thông. Báo cáo của Thường trực Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội sau khi khảo sát về giáo dục phổ thông ở các địa phương cho thấy...