U23 Việt Nam vs Triều Tiên: Đừng chờ đợi, hãy tự làm nên chiến thắng
Trước khi chờ đợi sự sòng phẳng từ Jordan hay UAE, U23 Việt Nam phải tự quyết định số phận của mình bằng cách đánh bại Triều Tiên ở lượt trận cuối bảng D U23 châu Á tối 16/1.
Đầu năm 2018, Jorn Andersen nhận được một cuộc gọi bí ẩn.
“Họ hỏi tôi có muốn trở thành HLV trưởng một đội tuyển tại châu Á. Tôi hỏi đội nào thế? Họ bảo tôi chờ. Lần đầu nói chuyện, họ không hề nói về việc họ là người nước nào, họ tới từ đâu. Sau vài cuộc trao đổi, họ mới nói điều đó với tôi”, BBC dẫn lời Andersen nhớ lại.
Những cuộc đàm phán mất tới cả tháng trời vì Liên đoàn Bóng đá Triều Tiên kiên quyết giữ lối làm việc kỳ lạ của họ. Cuối cùng, đôi bên gặp nhau tại Munich và Andersen ký hợp đồng 8 tháng. Một trong những điều khoản đặc biệt của hợp đồng là ông phải làm việc toàn thời gian ở CHDCND Triều Tiên.
Andersen đồng ý. Và kể từ năm 2011, ông trở thành HLV nước ngoài đầu tiên ở một đội tuyển Triều Tiên.
Tiến Dũng (phải) và Quang Hải là những niềm hy vọng của U23 Việt Nam. Đồ họa: Minh Phúc.
Bên trong thế giới bí ẩn của bóng đá Triều Tiên
“Tôi đã vô cùng bất ngờ khi lần đầu tới đây. Mọi thứ rất sạch sẽ, rất thanh bình. Đất nước không có quá nhiều ôtô. Cuộc sống tại đây rất dễ dàng, không có áp lực từ báo chí, không có nhiều người hỏi về bóng đá”.
Vấn đề là CHDCND Triều Tiên có luật lệ rất riêng và Andersen “phải” học rất nhanh. Không như các đội tuyển quốc gia khác chỉ tập trung vài lần, không như các HLV khác chỉ gặp cầu thủ vài chục ngày trong năm, Andersen gặp họ suốt ngày.
Bóng đá Triều Tiên không có giải vô địch quốc nội, khả năng tồn tại các CLB thực thụ cũng rất thấp. Họ chỉ có một loạt các giải đấu ngắn ngày kéo dài 1 tới 2 tháng. “Liên đoàn Bóng đá Triều Tiên bảo tôi tới xem giải đấu và lựa chọn tuyển quốc gia từ đó. Có thời kỳ, tôi xem tới 60 trận, 2 trận một ngày, dài liên tục trong một tháng”. Ở Việt Nam, cường độ bóng đá ấy chỉ tồn tại ở thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.
Ông Andersen ngày còn ở Triều Tiên. Ảnh: Getty.
Video đang HOT
Những nỗ lực thuyết phục Andersen kể nhiều hơn về bóng đá Triều Tiên của BBC không mang tới thành công. Đó cũng là điều dễ hiểu thôi khi chính Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) từng thất bại trong cố gắng tương tự.
Năm 2002, Chủ tịch FIFA khi đó là Sepp Blatter có chuyến thăm chính thức tới đất nước Đông Á này. Trợ lý của Blatter năm ấy, Jerome Champagne, chưa quên cảm giác khi đặt chân xuống Bình Nhưỡng: “Giống như thể bạn ngồi máy bay 2 tiếng và bay ngược trở về 50 năm trước, tôi cảm thấy mình như vừa vùa du hành thời gian. Liên lạc với người Triều Tiên khó vô cùng kể cả khi họ vừa dự World Cup. Liên đoàn của họ có số fax đấy, bạn có thể đánh điện cho họ. Đôi khi, họ cũng có trả lời”.
Những tư liệu về Triều Tiên rất khó tìm thấy trên Internet. Những cầu thủ nước ngoài từng tới thi đấu hay tập huấn ở Triều Tiên kể rằng họ không thể báo về gia đình rằng mình rất khỏe. 3G ở Triều Tiên có tồn tại nhưng rất khó mua, giá rất cao và dung lượng dữ liệu thì “tí hon” cho việc sử dụng mạng. Cuối năm ngoái, lãnh đạo CLB Hà Nội từng nói không tìm nổi thông tin về Triều Tiên là khó khăn bậc nhất khi đối đầu Apirl 25 tại chung kết liên khu vực AFC Cup 2019.
Cầu thủ Triều Tiên hát quốc ca trước một buổi tập. Ảnh: Minh Chiến.
Một nền bóng đá đang đi xuống
Lần cuối cùng bóng đá Triều Tiên tạo được dấu ấn lớn là tại World Cup 2010. Từ đó tới nay, đội tuyển của họ vắng mặt ở mọi kỳ World Cup. Ở Asian Cup, họ dừng bước sau vòng bảng trong 3 kỳ tổ chức gần nhất.
Với các đội tuyển trẻ, tình hình cũng tương tự. Họ từng giành á quân Asian Games 2014 trên đất Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở Á vận hội kế tiếp, họ chỉ tới tứ kết. Hai kỳ U23 châu Á gần nhất, U23 Triều Tiên cũng về nước từ vòng bảng.
Đối đầu Triều Tiên vài lần gần nhất cũng mang tới niềm vui cho bóng đá Việt Nam. Hai lần giao hữu với tuyển quốc gia Triều Tiên hồi 2016 và cuối 2018 đã kết thúc với tỷ số 5-2 và 1-1 cho Việt Nam. Sau sự tiến lên không ngừng dưới thời HLV Park, Triều Tiên không còn là đối thủ xứng tầm của Việt Nam. Chia sẻ trong cuộc họp báo trước giải, HLV trưởng Ri Yu-il thừa nhận: “Bóng đá Triều Tiên những năm nay không tốt”.
Ở U23 châu Á 2020, Triều Tiên đã dừng bước sớm sau 2 trận thua UAE và Jordan. Đối đầu Việt Nam, đội bóng của HLV Ri không còn động lực thi đấu nào ngoài danh dự. Ở chiều ngược lại, U23 Việt Nam không còn quyền tự quyết. Thầy trò ông Park Hang-seo phải thắng đối thủ đồng thời hy vọng một kết quả thắng bại rõ ràng từ cặp đấu của UAE và Jordan.
Thất bại của Triều Tiên trong thời gian qua cũng là điều dễ hiểu khi họ đã duy trì một lối đá, một cách làm cũ kỹ. Sau khi Andersen rời đi hồi 2018, bóng đá Triều Tiên trở lại với các HLV nội.
Bản đồ hoạt động của hai cầu thủ Triều Tiên Choe Ok-Chol và Jang Song-Il ở trận gặp U23 Jordan cho thấy lối chơi bám biên tuyệt đối. Ảnh: AFC.
Đội U23 Triều Tiên ở U23 châu Á chơi thứ bóng đá theo kiểu “kick and rush” (sút và chạy). Họ chạy khỏe, sút tốt, chơi bóng cực kỳ đơn giản và gọn gàng. Cầu thủ Triều Tiên không có những khái niệm hiện đại như đảo cánh, xuyên tuyến. Với Triều Tiên, tiền vệ phải chỉ đá cánh phải, tiền vệ trái chỉ đá biên trái. Cầu thủ Triều Tiên có bóng trong chân thì cực khó cản lại. Hai trận với UAE và Jordan, họ chạy suốt 90 phút, chơi mạnh mẽ, đầy ý chí.
Cầu thủ Triều Tiên được huấn luyện theo kiểu nhà binh, kỷ luật, khuôn phép và tập trung cao độ. Andersen từng nói: “Ở Italy, Thụy Sĩ, Áo, Đức, bạn nói với cầu thủ ‘làm ơn nào, hôm nay chúng ta sẽ tập cái này, cái kia, hãy cố gắng nhé’. Ở đây, nếu bạn bảo họ chạy, họ sẽ chạy ngay lập tức. Tôi thích cái tinh thần ấy ở quốc gia này. Họ làm mọi thứ bạn bảo”.
Trong buổi tập hôm 8/1, hai ngày trước khai mạc, cầu thủ Triều Tiên mặc trang phục thi đấu, bỏ áo trong quần. Họ bước ra sân, xếp hàng ngay ngắn và tập hát quốc ca. Dụng cụ phát nhạc là chiếc loa nhỏ.
Binh có thể bại nhưng quân lệnh phải nghiêm. Khi ai đó nói rằng họ sẽ thi đấu hết mình trong một trận cầu thủ tục, bạn có thể không tin. Nhưng nếu đó là Triều Tiên, lời khẳng định ấy trọng lượng hơn hẳn.
Đội hình dự kiến U23 Việt Nam gặp Triều Tiên. Đồ họa: Minh Phúc.
Chờ kỳ tích đột phá cực hạn
Khác với Triều Tiên, thầy trò HLV Park Hang-seo vẫn còn hy vọng dù là mong manh. U23 Việt Nam phải hoàn thành 2 điều kiện, một là thắng đối thủ, hai là hy vọng trận UAE – Jordan có tỷ số thắng bại, hoặc chỉ hòa 0-0.
Nhìn lại thời kỳ HLV Park ở Việt Nam, các đội tuyển của ông thường xuyên gặp khó khăn ở vòng bảng các giải châu lục. Tại Trung Quốc hai năm trước, U23 Việt Nam khổ chiến với Syria, giành 1 điểm quý giá trước khi vào tứ kết. Asian Cup một năm trước, đội tuyển cũng mất quyền tự quyết, thắng Yemen 2-0 đồng thời nín thở chờ kết quả có lợi từ những bảng khác.
Nghĩa là với ông Park và học trò, những thách thức về tinh thần tại sân chơi châu lục đã là điều quen thuộc. Ngay ở SEA Games 30, trước khi lên ngôi vô địch, Quang Hải và đồng đội đã lội ngược dòng 2 lần trước Indonesia và Thái Lan.
Khi vòng bảng chỉ còn 1 trận, rất khó kỳ vọng U23 Việt Nam tạo ra thay đổi lớn về con người hay lối chơi. Ông Park và học trò nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lực lượng, tận dụng mọi thứ mình có và chơi bóng bằng tất cả khả năng. U23 Việt Nam chưa có bàn nào từ đầu giải còn Triều Tiên mới một lần ghi điểm.
U23 Việt Nam không thể ngồi im chờ đợi kỳ tích xuất hiện, chúng ta trước tiên phải tạo ra kỳ tích.
Tất cả đều hy vọng trận đấu thứ ba tại vòng bảng sẽ không phải là trận đấu cuối cùng.
Họ đã nói gì trước trận?
- Ri Yu-il (U23 Triều Tiên): “Chúng tôi đã bị loại, áp lực không phải là vấn đề ở trận đấu cuối nữa. Tuy nhiên, cầu thủ của tôi sẽ cố gắng hết mình. U23 Triều Tiên sẽ rút ra các bài học và chuẩn bị tốt nhất cho trận đấu với Việt Nam”.
- HLV Park Hang-seo (U23 Việt Nam): “Có cơ hội mà không thể tận dụng được thì đành phải chấp nhận. Chúng tôi phải tuân thủ và sẽ nỗ lực ở trận cuối để thắng U23 Triều Tiên”.
Trận đấu giữa U23 Việt Nam và U23 CHDCND Triều Tiên tại lượt trận cuối bảng D U23 châu Á sẽ diễn ra lúc 20h15 ngày 16/1 trên sân Rajamangala tại Bangkok, Thái Lan.
Dự đoán: U23 Việt Nam thắng 1-0
Theo Zing
Thành Chung bất ngờ hé lộ ví trí của 'nhân tố bí ẩn' Trọng Hùng
Trong cuộc phỏng vấn nhanh chiều (30/12), trung vệ Nguyễn Thành Chung hé lộ, Trọng Hùng có thể đá như một tiền vệ phải dù anh có sở trường chơi ở vị trí tiền đạo.
Trong trận giao hữu kín với Becamex Bình Dương, Trọng Hùng đã được HLV Park Hang Seo bố trí chơi bên hành lang cánh phải, trong vai trò một cầu thủ chạy cánh. Đây thực sự là điều khá bất ngờ bởi kể từ khi được gọi lên U23 Việt Nam, cầu thủ này chủ yếu được xếp đá như một tiền đạo.
Việc phải lùi sâu phía dưới để phòng ngự lẫn tham gia mặt trận tấn công có phần khiến cho Trọng Hùng bỡ ngỡ. Theo như Thành Chung chia sẻ: "Nhìn chung Trọng Hùng khá bỡ ngỡ với thử nghiệm của thầy Park, nhưng cậu ấy sẽ chơi tốt trong thời gian tới".
Trung vệ của Hà Nội cũng cho biết, chiến thuật của U23 Việt Nam không có nhiều sự khác biệt so với SEA Games 30, giải đấu mà anh và các đồng đội đã giành tấm HCV. "Theo cá nhân tôi, U23 Việt Nam không có nhiều sự thay đổi trong lối chơi. Sự đặc biệt, nếu có, đó là việc rất nhiều cầu thủ mới nên phải có thời gian thích nghi để hướng tới VCK U23 châu Á 2020.
Từng cá nhân được lựa chọn sang Thái Lan phải cố gắng hết sức để hoàn thành giáo án được đặt ra. Chúng tôi tin, sẽ hoàn thành tốt ý đồ chiến thuật của HLV Park Hang Seo", Thành Chung cho biết.
Theo Bongdaplus.vn
U23 Việt Nam giao hữu trận đầu tại Hàn Quốc: Kết quả thế nào, thầy Park có hài lòng? Trận giao hữu đầu tiên trên đất Hàn Quốc của U23 Việt Nam có kết quả ra sao và cầu thủ nào là người ghi bàn? ĐT U23 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo đang tập huấn tại Hàn Quốc để chuẩn bị cho VCK U23 châu Á 2020 diễn ra vào đầu năm sau tại Thái Lan....