U22 Trung Quốc 0-2 U22 Việt Nam: Tiền nhiều có mua được thành công?
Đổ tiền tấn vào giải VĐQG trong nước và hệ thống đào tạo trẻ quy mô, song đến hiện tại, bóng đá Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Bóng đá Trung Quốc đã chi tiêu rất mạnh tay trong vòng một thập kỷ trở lại đây, với mong ước “hóa rồng” ở châu lục cũng như thế giới. Thế nhưng, họ lại thua trước một nền bóng đá “đi lên từ khó khăn” như Việt Nam…
Từ giải vô địch quốc gia…
Chinese Super League (Giải VĐQG Trung Quốc – CSL) được xem như là một trong những giải đấu hàng đầu châu Á, cả về quy mô, độ phủ sóng, cũng như về tiền bạc. Chính những yếu tố đó đã nâng cao chất lượng của giải đấu trong 3-4 năm trở lại đây.
Ban đầu, chỉ những ngôi sao đã qua thời kì đỉnh cao như Drogba, Tevez… mới rục rịch chuyển sang thi đấu đến đất nước tỉ dân. Dần dần, ngay chính những ngôi sao thực thụ, đang ở vào độ chín sự nghiệp cũng tìm đến với Trung Quốc. Có thể nêu ra một vài cái tên như Oscar, Ramires, Cedric Bakambu, Graziano Pelle hay mới đây là Fellaini.
Nói họ sang CSL vì tiền cũng có một phần đúng, nhưng như Pelle đã phát biểu: “CSL là một giải đấu có nền tảng để trở thành một giải đấu tầm cỡ quốc tế”. Mà nền tảng đó, đến từ chính những đồng tiền của những tỉ phú, những ông trùm bất động sản có máu làm bóng đá.
Trong khi đó, giải VĐQG Việt Nam ( V.League) vốn đã nhuốm màu tiêu cực trong quá khứ. Các đội bóng không có đủ tiềm lực tài chính thi nhau giải thể, một số ông bầu “chán” bóng đá” và bỏ mặc CLB trong đống hoang tàn.
Ở bối cảnh ấy, các học viện bóng đá trẻ ra đời, với mục tiêu là rèn giũa một lực lượng, đủ sức kế cận lớp đàn anh.
Nói về kinh tế, Việt Nam chẳng bằng một phần trăm của người Trung Quốc, vậy thì sao có thể so bì được giải VĐQG? Từ quy mô giải đấu, tiền bạc, cho đến mức độ truyền thông, chúng ta đều thua họ.
…cho đến chất lượng các đội tuyển
Quay trở lại Chinese Super League (CSL), mặc dù sở hữu toàn những “sao số”, nhưng ban tổ chức lại có một điều luật đặc biệt đó là: Chỉ được phép đăng kí 4 ngoại binh trong danh sách, và tối đa 3 người được thi đấu trên sân. Ngoài ra, đội hình xuất phát phải có ít nhất 1 cầu thủ dưới 23 tuổi đá chính (U23).
Oái oăm nhất, đó là điều luật vừa mới bổ sung đầu mùa giải 2019: Thủ môn các CLB tham dự giải phải là người Trung Quốc! Có nghĩa là những Petr Cech, Gianluigi Buffon hay Iker Casillas sẽ chẳng bao giờ có cơ hội đặt chân lên đất Trung Quốc để chơi bóng!
Những điều luật kì quặc và độc đáo kể trên được LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đặt ra, đều hướng đến mục đích cuối là nhằm “nâng tầm” các cầu thủ bản địa. Và tất nhiên, người hưởng lợi không chỉ là các thủ môn nội.
Tuy nhiên, vài năm dốc sức đầu tư tiền bạc và tâm sức vừa qua vẫn chưa thể giúp Trung Quốc nhanh chóng “thay da đổi thịt”.
Ở giải U23 châu Á năm 2018, U23 Trung Quốc bị loại ngay từ vòng bảng, dù được thi đấu trên sân nhà. Ở các giải trẻ châu lục, Trung Quốc cũng không có được thành tích tốt khi đều phải dừng chân sớm, thậm chí còn không qua được vòng loại như giải U16 châu Á năm 2018.
Tại các cấp độ ĐTQG, mọi chuyện cũng chẳng khá hơn. Vòng loại World Cup 2018, Trung Quốc xếp gần chót bảng vòng loại cuối cùng, chỉ hơn được Qatar và thua cả ĐT Syria ngay trên sân nhà.
Video đang HOT
Đến Asian Cup 2019, mặc dù Trung Quốc cũng vào tới tứ kết, nhưng màn trình diễn của thầy trò HLV Marcelo Lippi là khá nhạt nhòa. Họ cũng nhận không ít chỉ trích sau khi để thua 0-3 trước Iran ở tứ kết.
Vậy, tiền nhiều có thể mua được thành công?
Tỉ phú người Nga – Roman Abramovich, ông chủ của CLB Chelsea từng chia sẻ một câu nói bất hủ: “Cái gì không thể mua được bằng tiền, thì sẽ mua được bằng… rất nhiều tiền!”. Song nếu nhìn sang hai nền bóng đá Trung Quốc và Việt Nam, có lẽ ông sẽ phải suy nghĩ lại.
Nền bóng đá Việt Nam đã thực sự xuống đáy trong giai đoạn 2012-2013, khi mà từ ĐTQG đến U23 đều không qua được vòng bảng AFF Cup và SEA Games. Cho đến khi lứa cầu thủ trẻ của lò đào tạo HAGL – Arsenal JMG “ra ràng” với những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… thì phong trào phát triển đào tạo trẻ, cũng như bóng đá học đường dần dần được phổ biến. Có thể kể ra những lò đào tạo trẻ ưu tú như Hà Nội, PVF, hay Viettel…
Chẳng cần phải vung ra quá nhiều tiền để làm lũng đoạn thị trường cầu thủ, giải VĐQG Việt Nam (V.League) vẫn dần lấy lại được vị thế, mang đến các trận cầu với chất lượng chuyên môn ngày một cải thiện, thu hút được số lượng khán giả đến sân ngày một khởi sắc hơn.
Những yếu tố đó, chính là tiền đề tạo ra những quả ngọt trong hai năm 2018 và 2019.
Bắt đầu từ giải U23 châu Á năm 2018 diễn ra trên chính đất Trung Quốc, U23 Việt Nam đã khiến những nhà lãnh đạo bóng đá của đất nước tỉ dân cảm thấy xấu hổ. Sau chiếc HCB ở giải trẻ châu lục, với lứa cầu thủ đầy tài năng này, chúng ta đã bổ sung thêm những chiến tích: Bán kết ASIAD 2018, tứ kết Asian Cup 2019.
Đặc biệt, chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm chờ đợi là một sự khẳng định không thể thuyết phục hơn của một nền bóng đá “đi lên từ đống tro tàn”.
Những thành công vang dội ở mọi đấu trường từ trẻ đến lớn cho thấy rằng, mọi thành tích chỉ có thể được xảy ra nếu như chúng ta biết cách đầu tư đúng đắn và phù hợp (không đồng nghĩa phải tốn rất, rất nhiều tiền).
Mới đây, CLB Hà Nội với lực lượng nòng cốt cho ĐTQG đã lập kì tích là đội bóng Việt Nam đầu tiên lọt vào một trận chung kết liên khu vực AFC Cup. Dần dà, sự khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian, khác hẳn với bộ mặt trái ngược của bóng đá Trung Quốc.
Và ngày hôm qua, chiến thắng 2-0 của U22 Việt Nam trước U22 Trung Quốc, dù chỉ là một trận giao hữu, nhưng đã cho thấy sự khác biệt quá xa giữa hai nền bóng đá.
Ngày xưa, chúng ta thường thi đấu lép vé trước những cầu thủ to cao của “người hàng xóm phương Bắc”. Nhưng ngày nay, nhìn cái cách mà Tiến Linh cùng các đồng đội áp đảo hoàn toàn so với đội chủ nhà, thì có thể khẳng định rằng, vị thế của hai nền bóng đá đã hoàn toàn đảo ngược.
Còn quá sớm để có thể kết luận được tất cả chỉ sau một trận đấu giao hữu. Nhưng đã đến lúc, các ông chủ làm bóng đá ở Trung Quốc có lẽ nên suy nghĩ lại. Tiền nhiều đúng là có thể mua được tất cả, nhưng chưa chắc đã có thể tạo ra được một ĐTQG mạnh.
Mà ĐTQG mới chính là bộ mặt đại diện cho nền bóng đá, chứ không phải là những siêu sao triệu đô kia!
Theo UTC (Goal/VN)
U22 Trung Quốc thua U22 Việt Nam không phải kết quả bất ngờ
Trận thua trước U22 Việt Nam ngay trên sân nhà càng lột tả được sự xuống cấp của bóng đá Trung Quốc sau thời gian ham thành công nhờ tiền bạc.
Trước World Cup 2018, trang Economist có bài viết với dòng title "Tại sao một quốc gia giỏi bóng đá" nhằm tìm ra công thức chung cho thành công ở môn thể thao vua.
Bóng đá tuyệt đối không phải trò chơi chịu ảnh hưởng bởi tiền bạc. Nếu không, Mỹ hẳn sẽ vô địch World Cup trong vài thập kỷ. Bóng đá cũng không thể chịu ảnh hưởng bởi dân số. Nếu không, Trung Quốc sẽ thống trị môn thể thao vua trong cả trăm năm.
Hơn 1 năm sau bài báo đó của Economist, tính bất quy tắc ấy của bóng đá lại được thể hiện qua trận thua của U22 Trung Quốc trước U22 Việt Nam ở chính sân nhà. Đó có thể là một kết quả nhỏ và "không mang nhiều ý nghĩa" như lời HLV Park Hang-seo nói, nhưng với chính nền bóng đá Trung Quốc, đó là một thất bại đáng lưu tâm.
U22 Trung Quốc thua Việt Nam 0-2 trong thế trận bị lép vế hoàn toàn. Ảnh: IC Photo.
Cú đấm của U22 Việt Nam
Những CĐV không theo dõi trực tiếp trận đấu mà chỉ nhìn vào tỷ số 2-0 có lẽ không hiểu được khoảng cách thực sự về trình độ giữa U22 Việt Nam và Trung Quốc trong 90 phút trên sân Vũ Hán.
U22 Việt Nam đã chơi trên chân so với đội chủ nhà Trung Quốc. Sự đồng bộ giữa tuyến trẻ và ĐTQG khiến CĐV Việt Nam không còn bất ngờ trước cách mà thầy trò HLV Park triển khai thế trận trước khi dứt điểm kết liễu đối thủ.
Song với CĐV Trung Quốc, chừng đó ấn tượng vẫn là quá áp đảo so với sự nghèo nàn về mặt lối chơi cũng như tâm lý của các cầu thủ U22 nước này. Trên mạng xã hội Trung Quốc xuất hiện nhan nhản những lời ca thán kiểu như: "Việt Nam biết chơi bóng đá. Đó là cách để chiến thắng trước đội tuyển Trung Quốc vì chúng ta là tập hợp những cầu thủ không biết đá bóng".
U22 Trung Quốc chỉ sút trúng khung thành Việt Nam 2 lần trong cả trận đấu. Ảnh: IC Photo.
Trận thua này của U22 Trung Quốc tiếp tục là đón giáng đau vào tham vọng dự Olympic 2020. LĐBĐ Trung Quốc đã chi đậm để mời nhà cầm quân kỳ cựu Guus Hiddink về chỉ để làm việc với đội U23 nhằm có mặt tại Tokyo vào mùa hè sang năm. HLV trưởng đội tuyển Trung Quốc là Marcello Lippi lẫy lừng.
LĐBĐ Trung Quốc chấp nhận chi 4 triệu euro/năm chỉ để mời Hiddink về làm HLV cho đội trẻ nhằm phục vụ một giải đấu diễn ra vào năm sau. Chưa bàn tới việc Hiddink là ai và có thể làm được gì, việc chi đậm cho những ngôi sao trên ghế huấn luyện cho thấy Trung Quốc không thiếu tiền nhưng hoàn toàn thiếu phương hướng sử dụng.
Ở những nền bóng đá tiên tiến tại châu Âu, việc dùng 2 HLV khác nhau ở cấp độ ĐTQG và lứa trẻ là không hiếm. Song với một quốc gia bị cho là "không có nền tảng bóng đá như Trung Quốc", việc tốn tới 24 triệu euro/năm cho 2 HLV già cỗi như Lippi và Hiddink quả thực là sự lãng phí.
CFA trả lương 4 triệu euro/năm cho HLV Guus Hiddink chỉ để dẫn dắt đội U23. Ảnh: Sina.
Lứa trẻ và ĐTQG không có được sự đồng bộ cần thiết. Việc phát triển lệch này càng khiến khoảng cách giữa ĐTQG và các lứa trẻ thêm xa vời. Và kết quả dẫn tới chính là những trận thua như trước U22 Việt Nam.
Tại Asian Cup 2019, đội tuyển Trung Quốc đã thua trắng Iran 0-3 và bị loại ở tứ kết. Trước đó, đội tuyển ở quốc gia tỷ dân chỉ có thể thắng Thái Lan chật vật ở vòng 1/8.
Ở vòng bảng, Trung Quốc cũng thua Hàn Quốc. Thậm chí, chiến dịch thất bại này dẫn tới nghi án bán độ của một số cầu thủ trụ cột. HLV Lippi được cho là đã biết vụ việc và động thái bỏ đi của "Gã đầu bạc" cho thấy phản ứng bất lực của ông.
Marcello Lippi từ chức HLV ĐT Trung Quốc vào tháng 1/2019 sau khi bị loại khỏi Asian Cup và có thông tin các học trò bán độ. Ông trở lại vào tháng 5 cùng yêu cầu Trung Quốc phải sử dụng cầu thủ nhập tịch. Ảnh: Getty.
Hồi tháng 3, U23 Trung Quốc được dự đoán sẽ vượt qua vòng loại U23 châu Á dễ dàng khi chỉ phải đối đầu với Lào, Philippines và Malaysia. Song U23 Trung Quốc phải nhờ tới pha lập công của Jiang Shenglong chỉ 6 phút trước khi hết giờ thì mới có thể cầm hòa được Malaysia ở lượt đấu cuối và đi tiếp nhờ hiệu số.
Hồi tháng 5, Trung Quốc tổ chức giải đấu Panda Cup tại Thành Đô với 3 khách mời là U18 Hàn Quốc, Thái Lan và New Zealand. Kết quả là U18 Trung Quốc đứng bét, thua cả 3 trận, thậm chí không ghi được bàn nào.
Thảm họa từ công tác quản lý
Trên BXH các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á, Chinese Super League (CSL) của Trung Quốc đứng vững vàng ở ngôi vị số một. K.League của Hàn Quốc hay J.League của Nhật Bản không so được về độ mạnh với CSL.
Luận điểm giải VĐQG mạnh tạo ra đội tuyển mạnh hoàn toàn sai ở Trung Quốc. Việc các CLB quá dư dả tiền bạc, và được LĐBĐ Trung Quốc cổ súy việc vung tiền mua ngôi sao khiến CSL tràn ngập những ông sao ngoại quốc nhận lương kếch xù và chiếm chỗ của cầu thủ bản địa.
Carlos Tevez nhận lương cao nhất thế giới tại Trung Quốc (41,5 triệu bảng/năm) nhưng chỉ thi đấu chưa đầy 1 năm. Ảnh: Getty.
Gervinho hay Carlos Tevez là những ngôi sao tiêu biểu nhận lương khủng ở Trung Quốc nhưng không hề đá bóng. Tevez thậm chí còn trải qua ác mộng tại CSL khi bị một số cầu thủ Trung Quốc dọa phải chia bớt tiền lương thì mới chuyền bóng cho. Gervinho thì khẳng định mình phải làm theo yêu cầu này.
Sau thời gian chứng kiến những ngôi sao ngoại quốc tràn ngập, LĐBĐ Trung Quốc (CFA) đưa ra chính sách hạn chế ngoại binh và tăng cường sử dụng cầu thủ trẻ. Năm 2019, CFA quyết định áp luật một CLB phải sử dụng số cầu thủ U23 đá chính bằng số ngoại binh.
Dẫu vậy thì các đội bóng chấp nhận mất 1 quyền thay người còn hơn là sử dụng cầu thủ U23. Hồi cuối tháng 6, CLB Tianjin Tianhai thay người khi trận đấu chỉ mới diễn ra được vỏn vẹn 15 giây. Cầu thủ bị thay ra là Wen Junjie, 22 tuổi. Anh này cũng không hề bất ngờ khi phải rời khỏi sân dù chưa hề chạm bóng.
Đội bóng Trung Quốc chống chế luật bằng việc thay cầu thủ chỉ sau 15 giây. Ảnh: Weibo.
Khi những trò hề lách luật như thế vẫn diễn ra phổ biến thì CFA tiếp tục tạo ra tâm điểm khi chấp nhận nhập tịch cầu thủ để hướng tới giấc mơ World Cup. Những cầu thủ có gốc gác Trung Quốc được mời chào bỏ quốc tịch cũ để trở thành người của quốc gia tỷ dân. Nico Yennaris trưởng thành từ lò đào tạo của Arsenal, chơi cho các lứa trẻ của Anh nhưng từ bỏ hết để khoác áo Trung Quốc với cái tên Li Ke.
Hồi cuối tháng 8, Trung Quốc còn nhập tịch cho cả một cầu thủ không dính dáng gì đến nước này như Elkesson. Lý do là bởi Elkesson chơi bóng ở Trung Quốc trong 6 năm, ghi tới 134 bàn nhưng chưa một lần khoác áo Brazil.
Tân Chủ tịch CFA, Chen Xuyuan, trong buổi lễ nhậm chức diễn ra hôm 23/8 còn thừa nhận Trung Quốc có thể dùng 9 cầu thủ nhập tịch trong đội hình xuất phát để hiện thực giấc mơ World Cup, mặc kệ những tài năng bản địa.
Sự bất chấp và ấu trĩ này từ CFA khiến bóng đá Trung Quốc lâm vào tình cảnh không lối thoát dù xét về cơ sở vật chất, những học viện bóng đá trẻ tại Trung Quốc không hề thua kém châu Âu, và bóng đá học đường cũng được phổ biến rộng rãi ở quốc gia này.
Elkesson trở thành công dân Trung Quốc và có thể thi đấu cho ĐTQG dù mang 100% dòng máu Brazil. Ảnh: Getty.
HLV Jose Antonio Camacho lừng danh từng tự tin nhấn mạnh khi tới dẫn dắt Trung Quốc: "Trung Quốc hiện là cường quốc thể thao, đứng tốp đầu về huy chương tại các kỳ thế vận hội. Tôi thấy không có lý gì chúng ta lại không tìm được 22 cầu thủ bóng đá tốt trong số 1,3 tỷ người". Camacho đã thất bại. Trung Quốc dưới tay ông từng thua Thái Lan đến 1-5.
6 năm sau ngày Camacho cúi mặt rời Trung Quốc, tình thế dường như không khác là bao với bóng đá ở quốc gia tỷ dân.
Theo Zing
Quang Hải và Văn Hậu đứng trước nguy cơ quá tải trong năm 2019 Do phải vừa thi đấu ở vòng loại World Cup, vừa phải tham dự SEA Games, vừa phải làm nhiệm vụ ở VCK giải U23 châu Á, nhiều cầu thủ trong lứa tuổi 22, hiện đang là tuyển thủ quốc gia đứng trước nguy cơ quá tải, số này đáng chú ý có Quang Hải và Đoàn Văn Hậu. Chuyện cầu thủ ở...