U18 Việt Nam thua Campuchia: HLV Hoàng Anh Tuấn bỏ sót nhân tài?
Cùng một lứa cầu thủ nhưng HLV Graechen xây dựng lối chơi kỹ thuật, còn U18 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn chơi khá… tối.
Lịch sử bóng đá Việt Nam chưa bao giờ phải nhận thất bại trước Campuchia ở cấp độ các ĐTQG nhưng trang sử ấy đã thay đổi dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn. U18 Việt Nam thua U18 Campuchia 1-2 ngay tại sân Thống Nhất, qua đó rời giải U18 Đông Nam Á 2019 ngay từ vòng bảng.
Dưới góc độ thất bại của U18 Việt Nam trước Campuchia, có lẽ cần có một cái nhìn tổng quát để tìm ra nguyên nhân thay vì nghĩ rằng bóng đá Việt Nam đang tụt lại so với các đối thủ ở khu vực.
Hôm qua, sân Thống Nhất chứng kiến một hiện tượng lạ với nhiều lần khán giả ồ lên, vỗ tay tán thưởng các cầu thủ Campuchia. Vì họ nhìn thấy một thứ bóng đá hồn nhiên, tự tin và đậm chất kỹ thuật trong các lần phản công U18 Việt Nam. Hình ảnh này có lẽ gợi nhớ về lứa Công Phượng trong quá khứ.
Ngược lại, điều đáng thất vọng là các cầu thủ U18 Việt Nam không dám cầm bóng đột phá hay có những mảng miếng phối hợp bài bản để xuyên phá hàng thủ Campuchia. Liệu U18 Việt Nam có kém cỏi đến thế so với Campuchia?
Năm ngoái, U17 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam đánh bại Campuchia với cách biệt 5-0. Đáng nói, U18 Campuchia đã dùng chính nòng cốt lứa cầu thủ thảm bại trước U17 Việt Nam để đánh bại thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
Tháng 3 năm nay, U18 Việt Nam (đội tuyển chọn) được dẫn dắt bởi HLV Graechen đã giành chức vô địch U18 Quốc tế một cách thuyết phục. Lúc đó, U18 Việt Nam chơi phóng khoáng, tấn công nhịp nhàng, cầm bóng và dám chơi bóng trên nền tảng kỹ thuật chứ không phải đá theo kiểu rình rập, hay phất bóng dài.
Vậy điều gì khiến cho U18 Việt Nam thăng hoa dưới thời HLV Graechen thì bất ngờ chơi sa sút đến mức để cho “bại tướng” Campuchia đánh bại ngay tại sân nhà vào chiều ngày hôm qua?
HLV Hoàng Anh Tuấn đã từ chức sau khi U18 Việt Nam thua U18 Campuchia.
Sự khác biệt này cần nói đến thành phần được HLV Hoàng Anh Tuấn chọn lựa có những thay đổi so với HLV Graechen. Người hâm mộ có lẽ nhận ra điều đáng thất vọng là nhiều cầu thủ U18 Việt Nam thiếu kỹ thuật cơ bản đến khó tin với những pha đỡ bóng bước 1 không tốt. Rất nhiều pha khống chế bóng bị lỗi dẫn đến các pha tấn công của U18 Việt Nam bị Campuchia ngăn chặn.
Như vậy, vấn đề nằm ở con người, không có những cá nhân tốt thì HLV trưởng rất khó thành công. Nhưng bóng đá Việt Nam nếu nhìn từ U17 dưới thời HLV Đinh Thế Nam và U18 được HLV Graechen dẫn dắt thì rõ ràng không hề thiếu nhân tài, chỉ khác biệt ở cách HLV Hoàng Anh Tuấn chọn người và lối chơi.
Nhà vô địch U17 Quốc gia là U17 Thanh Hóa có quyền đặt dấu hỏi: Vì sao Vua phá lưới Nguyễn Văn Tùng không được trao cơ hội? Hay U17 HAGL về thứ 3 chỉ có 1 cầu thủ trụ lại U18 Việt Nam, ngay đến nhạc trưởng Thanh Khôi cũng bị gạch tên…
Video đang HOT
U18 Việt Nam rời vòng bảng trong sự thất vọng.
Tất nhiên, HLV Hoàng Anh Tuấn là người “cầm lái” thì được toàn quyền quyết định chọn ai, gạch ai. Nhưng ít nhất bản danh sách chọn lựa của nhà cầm quân người Khánh Hòa có những tranh cãi. Không phải vì U18 Việt Nam thua Campuchia nên mới bị mổ xẻ, câu chuyện “quân anh, quân tôi” từng tranh cãi với việc U19 Đồng Tháp vô địch U19 Quốc gia nhưng không có cầu thủ nào được chọn vào U19 Việt Nam.
Hồi đó, HLV U19 Đồng Tháp nói đầy cảm thán: “U19 Việt Nam không có cầu thủ nào của Đồng Tháp thì cũng kỳ”. Người hâm mộ Đồng Tháp cũng không hài lòng với cách chọn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn.
Bản danh sách cho các ĐTQG luôn là chủ đề tranh cãi nhưng HLV phải thuyết phục được bằng kết quả. Ngược lại, một sự thảm bại thì HLV phải chịu trách nhiệm về việc chọn quân. Thế nên, HLV Hoàng Anh Tuấn rút lui là một điều hợp lý, vì ít nhất HLV Graechen đã làm tốt hơn ở cấp độ U18 trong việc xây dựng lối chơi trên nền tảng các cầu thủ có kỹ thuật.
Theo SaoStar
U18 Việt Nam thất bại và điểm yếu chí mạng ở tâm lý
Trận thua 1-2 trước Campuchia không chỉ biến U18 Việt Nam trở thành kẻ ngoài cuộc trên chính sân nhà, mà còn lột tả toàn bộ điểm yếu của lứa trẻ dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn.
Trước Campuchia trong bối cảnh buộc phải thắng, U18 Việt Nam đã lao lên tấn công ngay từ tiếng còi khai cuộc. Tuy nhiên, vấn đề lớn mà U18 Việt Nam phải đối mặt từ đầu giải là dứt điểm kém đã khiến mọi nỗ lực của thầy trò Hoàng Anh Tuấn đổ sông đổ bể.
Sự nghèo nàn trong cách triển khai tấn công
Không khó để thấy rằng U18 Việt Nam rất cố gắng trong việc đẩy nhanh tốc độ ngay từ tiếng còi khai cuộc. Song sự thiếu chính xác ở những pha bóng thuộc 1/3 cuối sân khiến hàng công của đội chủ nhà không thể làm gì Campuchia, đội bóng đã thủng lưới 12 bàn sau 4 trận.
Những pha dứt điểm của U18 Việt Nam
Những bài tấn công của U18 Việt Nam không mới. Bóng luôn được luân chuyển xuống hai biên trước khi được tạt vào vùng cấm cho Nguyên Hoàng hoặc Kim Nhật dứt điểm. Những pha không chiến thành công trong chiến thắng 3-0 trước Singapore có thể là thang đo để khiến HLV Hoàng Anh Tuấn tiếp tục tin tưởng vào lối đá cơ bản này.
Trên thực tế, việc đưa bóng xuống khu vực hành lang trong (half-space) trước khi thực hiện các đường căng ngang, hoặc tạt bóng bổng/sệt vào vùng cấm là bài tấn công rất hiện đại, ngay cả với những đội bóng hàng đầu thế giới. Song việc U18 Việt Nam triển khai liên tục ở các trận đấu trước (và cũng không quá thành công) đã khiến Campuchia có phương án chuẩn bị trước.
Trong tâm lý thoải mái do đã bị loại, U18 Campuchia đã không mắc phải những sai lầm như Singapore từng làm. Đội khách luôn kiểm soát được quân số trong vùng cấm. Nhờ lượng cầu thủ đông đảo này mà U18 Campuchia luôn làm chủ được tình hình, bất chấp thủ môn Sa Lim có điểm yếu là bắt bóng bổng.
Trung phong Nguyên Hoàng không thắng dù chỉ một pha tranh chấp bóng bổng trong vùng cấm Campuchia. Đội khách ép số 11 của U18 Việt Nam phải dùng chân và toan tính này tỏ ra rất hiệu quả khi Nguyên Hoàng cho thấy khả năng liên lạc không tốt với các vệ tinh xung quanh như Mạnh Quỳnh, Công Đến hay Kim Nhật.
Xuân Tạo đưa bóng vào lưới U23 Campuchia trong hiệp một, nhưng bị trọng tài từ chối vì lúng túng để bóng chạm tay. Ảnh: Quang Thịnh.
Chiến thuật bóng đá từ lâu vẫn được coi là "tấm chăn hẹp". Cố huyền thoại Johan Cruyff khi sinh thời từng khẳng định: "Tấn công là phương án phòng ngự tốt nhất".
Một CLB dồn nhiều lực cho tấn công thì dĩ nhiên khó có thể đảm bảo trọn vẹn công tác phòng ngự. Song nếu tấn công đủ tốt, thì chính áp lực tạo tới đối thủ ấy mới là công cụ phòng ngự tốt nhất.
Hàng công của U18 Việt Nam đã gặp quá nhiều vấn đề về khả năng căn chỉnh thước ngắm, và vì thế hàng phòng ngự phải đối mặt với những pha phản công của Campuchia. Bàn thua là điều khó tránh khỏi.
Tâm lý yếu tạo ra thất bại
Việc phải dừng bước ngay tại vòng bảng giải U18 Đông Nam Á không phải điều lạ gì với HLV Hoàng Anh Tuấn. Trong 3 giải U18 Đông Nam Á gần nhất, những đội U18 Việt Nam dưới quyền chỉ đạo của HLV này đều nói lời tạm biệt với cuộc chơi ngay sau vòng bảng.
Năm 2017, U18 Việt Nam thua Indonesia và Myanmar. Năm 2018, đội bóng trẻ của Việt Nam có thành tích kém hơn Indonesia và Thái Lan. Năm nay, họ tụt lại phía sau Australia và Malaysia. Ai có thể đảm bảo rằng trong năm tiếp theo tham dự, U18 Việt Nam (trong trường HLV Hoàng Anh Tuấn vẫn tại vị) sẽ không tiếp tục bị loại từ vòng bảng?
Đội U18 Việt Nam với HLV Hoàng Anh Tuấn có năm thứ ba liên tiếp bị loại khỏi giải U18 Đông Nam Á từ vòng bảng. Ảnh: Quang Thịnh.
Điểm yếu lớn nhất của U18 Việt Nam trước Campuchia thực tế nằm ở tâm lý của từng cầu thủ chứ không chỉ ở khả năng dứt điểm. Các cầu thủ U18 Việt Nam thường xuyên tỏ ra nóng vội trong các tình huống có thể xử lý đơn giản.
Chính tinh thần thiếu ổn định này khiến các pha xử lý cơ bản như đỡ một chạm, chuyền bóng và sau cùng là dứt điểm không thể chính xác. Bàn thua cuối cùng của trận đấu đến từ tình huống như thế.
Phạm Xuân Tạo đã không thể chạy theo một pha chuyền bóng trong tư thế thoải mái của đồng đội ở bên phần sân Campuchia. Đội khách có pha ném biên nhanh và lưới của Y Êli Niê rung lên sau đó vài chục giây.
Ngay cả chính HLV Hoàng Anh Tuấn dường như cũng không giữ được sự bình tĩnh. Ông thay hai người chỉ sau 45 phút đầu tiên, một dấu hiệu cho thấy kế hoạch đặt ra từ đầu không đủ tốt và ông cũng thiếu sự tin tưởng nhất định ở các học trò.
Mô típ sai lầm cá nhân xuất phát từ tâm lý này gợi cho các CĐV bóng đá Việt Nam tới hình bóng quen thuộc của đội tuyển Việt Nam trước thời HLV Park Hang-seo.
Các cầu thủ Việt Nam khi ấy thường xuyên tỏ ra căng cứng trong những trận đấu mà mình nắm lợi thế để rồi tự bắn vào chân mình với những sai lầm ấu trĩ lẫn khó hiểu.
HLV Park Hang-seo đã làm quá tốt công tác tâm lý cho các cầu thủ ĐTQG Việt Nam và lứa U23, nhưng lứa U18 không thấm nhuần được tâm lý của HLV người Hàn Quốc. Ảnh: Minh Chiến.
Thành công lớn của HLV Park ở cấp độ ĐTQG và U23 là việc tạo ra thứ tâm lý vững vàng cho từng cầu thủ. Chúng ta có thể yếu hơn và thua đối thủ, nhưng không phải vì những sai lầm xuất phát từ tâm lý của từng cá nhân.
Thứ tâm lý "không biết sợ" mà thầy Park truyền cho các cầu thủ chính là bản lề cho hơn một năm thành công vang dội vừa qua của bóng đá Việt Nam.
Song thứ tâm lý ấy dường như không tồn tại ở cấp độ U18 này, hoặc chí ít ở giải đấu U18 Đông Nam Á diễn ra trên chính sân nhà. Đội U18 Việt Nam đã thua Campuchia và bị loại bởi lẽ đó.
Về lực lượng, U18 Việt Nam không hề kém cỏi, nhưng tâm lý yếu đã tạo ra một tập thể không thể đi xa hơn.
Theo Zing
HLV Hoàng Anh Tuấn từ chức sau thất bại của U18 Việt Nam Ngay sau thất bại của U18 Việt Nam trước Campuchia, HLV Hoàng Anh Tuấn đã xin từ chức và được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chấp thuận. Thất bại 1-2 khiến U18 Việt Nam bị loại khỏi giải Đông Nam Á lần thứ ba liên tiếp. Trong phòng họp báo, việc từ chức được phóng viên nhắc đến. Đáp lại, HLV Hoàng...