Tỷ phú tôm cá, nuôi tận gốc bán tận ngọn bên đầm Cù Mông
Đến đầu cầu Bình Phú trên tuyến đường Quy Nhơn – Sông Cầu, hỏi ông Lâm Xuân Hóa thì mọi người chỉ ngay: “Cái nhà lớn nhất khu này là nhà ông Hóa đấy”. Ông Lâm Xuân Hóa (48 tuổi, ở thôn Hoà Mỹ, xã Xuân Cảnh, TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) là một nông dân tỷ phú với nghề nuôi trồng, kinh doanh hải sản.
Ông Lâm Xuân Hóa trong nhà xe đông lạnh trữ hải sản của gia đình (ảnh: H.P)
Giữa tiết trời oi bức, vậy mà bước vào sân nhà ông Hóa, ai cũng cảm thấy mát rượi. Bởi nhà ông nằm cạnh đầm Cù Mông, lồng lộng trong gió nước. Tuyệt hơn nữa, một dải mặt đầm rộng lớn cạnh nhà lại chính là khu vực nuôi hải sản của gia đình ông Hóa.
“Bè nuôi gần nhà rất tiện cho việc chăm sóc, theo dõi sức khỏe hải sản nuôi. Vả lại, cũng tiện bề đi lại, bảo vệ tài sản dưới nước”, ông Hóa nói.
Ông Hóa đang kiểm tra hồ nuôi cá bớp (ảnh: H.P)
Trước khi đến với nghề nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, ông Hóa đã có gần 10 năm lái xe tải đường dài. “Công việc vất vả nhưng chỉ đủ sống qua ngày. Vừa lái xe, tui vừa suy tính thay đổi công việc mưu sinh, hướng đến khai thác thế mạnh nuôi trồng thủy sản tại quê nhà. Thế là từng bước, tui mua lại ao đìa của người dân trong vùng, vừa làm vừa cật lực học hỏi nâng cao tay nghề nuôi các loại tôm, cá có giá trị”, ông Hóa kể.
Năm 2009, vợ chồng ông Hóa bắt đầu vét vốn, vay mượn mua 1.000m2 đất bãi bồi ven đầm Cù Mông để làm đìa nuôi tôm sú. Khi đó, thửa đất bãi này trị giá 12 cây vàng. Từ kinh nghiệm những người đi trước, ông Hóa xác định, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh là điều quyết định thành bại của nghề nuôi tôm. Thế là ông bắt tay ký kết ngay với các kỹ sư chuyên ngành để đảm trách khâu theo dõi hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh tôm nuôi. Nhờ đó, ngay vụ tôm đầu, gia đình ông Hóa thu lãi 60 triệu đồng.
Ông Hóa giới thiệu sản phẩm cá chẽm nuôi (ảnh: H.P)
“Thế nhưng đó cũng là giai đoạn nghề tôm sú đang lụn bại trên diện rộng. Nhiều chủ nuôi bắt đầu bỏ bê hoặc rao bán đìa tôm. Với dự định chuyển hướng nuôi tôm thẻ và các loại cá biển, vợ chồng tui tiến hành thương thảo mua lại các đìa kề cận. Rồi tui lao vào mở rộng diện tích nuôi, tập trung đầu tư các loại thiết bị máy móc hiện đại. Những vụ nuôi tiếp theo, lợi nhuận cứ thế tăng gấp nhiều lần”, ông Hóa hào hứng.
Bắt đầu có của ăn, của để nhưng ông Hóa vẫn cảm thấy chưa bằng lòng với việc sản phẩm nuôi luôn trong tình trạng “lùng bùng” do tư thương ép giá. “Vợ tui vốn xuất thân nghề nuôn rồi bán hải sản, tui thì gốc lái xe. Thế là vợ chồng bàn nhau tìm cách liên hệ các công ty thủy sản để trực tiếp bán sản phẩm, không thông qua đầu nậu trung gian. Dồn vốn mua chiếc xe đông lạnh đầu tiên, tui tự lái chở sản phẩm đi bán…”, ông Hóa kể.
Video đang HOT
Một thời gian sau, thấy hiệu quả ổn định, ông Hóa sắm dần thêm được 4 xe tải đông lạnh loại 5 tấn. Ngoài bán thủy sản nhà nuôi, vợ chồng tui còn thu mua sản phẩm của bà con trong khu vực. Gia đình tui hiện bán sản phẩm cho nhiều công ty thủy sản uy tín”, ông Hóa cho hay.
Ai bảo nông dân là khổ?
Ông Hóa bên bể bơi gia đình (ảnh: H.P)
Hiện tại, gia đình ông Hóa đang sở hữu 7ha ao đìa nuôi tôm, ốc hương và bè nuôi cá chẽm, cá bớp; mức lợi nhuận từ nuôi thủy sản đạt gần 5 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, công việc đầu mối thu mua, kinh doanh thủy sản của gia đình đạt lợi nhuận 1 – 1,5 tỷ đồng/năm. Hai mảng công việc này đang giải quyết trên 50 lao động thường xuyên, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; cùng khoảng 100 lao động thời vụ, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.
Trò chuyện với PV Báo điện tử DANVIT.VN, ông Hóa bộc bạch: “Cuộc mưu sinh nào mà không cực nhọc, nhất là ban đầu gầy dựng. Thế nhưng vì trách nhiệm với gia đình và người lao động, mình phải liên tục bươn tới. Mạnh dạn đầu tư cho ý hướng, thất bại thì coi lại, sửa sai, lập kế làm tiếp. Thế nhưng tui luôn tìm thấy niềm vui trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hải sản. Lúc này thì chuyện làm ăn đã đi vào nề nếp”.
Từ nghề nuôi cá ,tôm bên đầm Cù Mông, ông Hóa xây dựng được ngôi nhà bề thế, khang trang nhất nhì trong vùng. (ảnh: H.P)
Rồi ông cười nói về cuộc sống gia đình: “Làm ăn thuận lợi thì tất yếu đời sống được cải thiện. Con trai lớn của tui đã lập gia đình, đang theo nghề kinh doanh hải sản; con trai nhỏ đang theo đại học. Nghề kinh doanh luôn bận rộn nhưng mình cũng phải dành thì giờ để thư giãn, hưởng thụ. Lúc này, tui thấy mình chẳng thiếu thứ gì. Ai bảo nông dân là khổ, phải không hè?”.
Ông Lê Văn Cảnh – Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh nhận xét: “Gia đình anh Hóa hiện là một trong những hộ làm ăn kinh tế hàng đầu ở xã này. Có tầm nhìn và tính toán bài bản, vợ chồng anh liên tục gặt hái thành công ở mảng nuôi trồng và mua bán hải sản. Cơ sở kinh doanh của anh Hóa đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài việc đóng góp thuế đầy đủ, vợ chồng anh hiện cũng là những người làm từ thiện xã hội hiệu quả tại địa phương, mỗi năm từ 30 – 40 triệu đồng. Vừa qua, gia đình anh Hóa còn góp trên 250 triệu đồng để xây dựng đường liên thôn”.
Trong phòng ăn gia đình (ảnh: H.P)
Còn ông Huỳnh Văn Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên ghi nhận: “Anh Hóa là người giàu bản lĩnh làm ăn, giỏi nắm bắt thị trường. Nhờ đó, các mô hình nuôi trồng của gia đình anh luôn có sự chắc chắn, hiệu quả cao. Anh Hóa còn có tư duy kinh doanh lớn khi tự tìm hợp đồng đầu ra để bán sản phẩm của chính mình và các hộ nuôi trong vùng. Cơ sở kinh doanh của anh đã và đang có nhiều đóng góp phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Năm 2014, anh Hóa còn là nhà tài trợ cho Giải bóng chuyền nông dân tỉnh Phú Yên”.
Với những thành tích đóng góp đầy ý nghĩa, ông Lâm Xuân Hóa đã nhiều lần được các cấp ngành của tỉnh Phú Yên tuyên dương, tặng Bằng khen, giấy khen. Vừa qua, ông Hóa đã được bình chọn là 1 trong 63 gương mặt nông dân trên cả nước xứng đáng nhận danh hiệu “ Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″. Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019″ sẽ được tổ chức trọng thể vào trung tuần tháng 10 sắp tới tại Thủ đô Hà Nội.
Theo Danviet
Đại gia chân đất ở Yên Bái với trang trại 300ha, doanh thu 30 tỷ/năm
Về xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái) nhắc đến cái tên Ngô Thành Đông có lẽ ai cũng biết, bởi lẽ ông là một người nông dân có nhiều đất đồi rừng (300ha), tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Riêng bưởi mỗi năm ông Đông bán ra 1.200 tấn; chanh xuất khẩu hơn 1.000 tấn.
Như đã hẹn trước, PV Báo điện tử DANVIET.VN có mặt tại gia đình ông Ngô Thành Đông, có địa chỉ tại thôn Đức An, xã Đông An, huyện Văn Yên (Yên Bái). Trong khuôn viên rộng hàng chục nghìn mét vuông, 2 ngôi nhà 3 tầng hiện lên nổi bật, cạnh đó là khu nhà xưởng chế biến tinh dầu quế, khu tập kết nguyên liệu với hàng trăm công nhân đang miệt mài sản xuất.
Ấn tượng đầu tiên về người đàn ông sinh năm 1970 này là giọng nói trầm vang, quyết đoán cùng những góc cạnh của sự từng trải và cương trực. Sau chén nước, dăm ba câu làm quen, giới thiệu, chúng tôi được đưa đi thăm mô hình trang trại đồi rừng rộng mênh mông trên chiếc xe bán tải 2 cầu và 1 lần tăng bo bằng xe máy.
Vượt qua hơn 3km đường đồi rừng, chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi hàng trăm ha đất cằn cỗi đã được phủ xanh bằng các giống quế, bưởi, cam, chanh...Dừng chân tại một ngôi nhà sàn được dùng làm lán cho người lao động ăn nghỉ, sinh hoạt, chúng tôi bắt gặp hơn 10 công nhân đang tranh thủ bọc túi lưới bảo vệ những chùm bưởi trĩu cành. Anh Nguyễn Văn Lợi, quê Yên Lập, Phú Thọ cho biết: "Tôi gắn bó ở đây đã hơn 6 năm vì việc đều quanh năm và thu nhập ổn định. Khu vực này trồng bưởi 5 năm nay đã bắt đầu cho thu hoạch, còn bên kia làm cam và trên kia là quế".
300ha đất đồi rừng của gia đình ông Đông đã được phủ kín bằng quế và các loại cây ăn quả. Ảnh: Hoàng Hữu
Thấy PV Báo điện tử DANVIET.VN hỏi chuyện nhân công, ông Đông xen vào: "Đây là giống bười Đông Yến" (tên 2 vợ chồng ông) rồi tủm tỉm cười. Qua câu chuyện, tôi biết ông không chỉ nói vui như vậy, bởi dự tính của ông là sẽ xây dựng thương hiệu riêng cho các loại cây ăn quả có trong vườn, mà trước hết là bưởi. Ông Đông cho biết, hiện nay riêng bưởi bình quân mỗi năm gia đình thu 1.200 tấn quả.
Ông Đông hướng dẫn nhân công chăm sóc và chọn chanh quả xuất khẩu. Ảnh: Hoàng Hữu
Trên đường ra, chúng tôi vượt con dốc cao dựng đứng lên khu lán số 2. Lúc này, hơn 50 nhân công đang nghỉ ăn trưa, không khí vui tươi, ấm cúng như đại gia đình. Anh Nguyễn Văn Lợi cho biết: "Hôm nay còn ít đấy, có hôm cả trăm người làm, mà ông Đông cho nhân công làm cỏ thủ công chứ không phun thuốc gì đâu. Chính vì vậy, cả trăm người làm cả năm cũng không hết việc. 300ha rừng, làm chưa xong đồi này thì đồi khác lại có việc rồi, đấy là chưa kể vào mùa thu hoạch còn lên đến vài trăm người...".
Với hàng chục ha chanh thì mỗi năm trang trại của ông Đông xuất khẩu được 1.000 tấn quả tươi. Ảnh: Hoàng Hữu
Theo quan sát của PV Báo điện tử DANVIET.VN, khu vực này được ông Đông dành phần đa diện tích để trồng chanh tứ quý xuất khẩu. Quả được chọn lọc kỹ càng rồi đóng vào thùng xốp ướp lạnh chờ đủ số lượng là chở thẳng sang Trung Quốc. Theo tính toán, với hàng chục ha chanh tứ quý thì mỗi năm trang trại của ông Đông xuất khẩu được 1.000 tấn quả tươi, thu về hàng tỷ đồng. Được biết, hiện nay ông Đông có khoảng 300ha đồi rừng, trong đó 146ha ông dùng để trồng quế, 150ha trồng cây ăn quả bao gồm bưởi, cam, chanh, còn lại là các cây trồng khác.
Rời khu trang trại trồng cây, chúng tôi trở về xưởng chế biến tinh dầu quế của ông Đông. Dù đã quá trưa nhưng các kíp công nhân vẫn miệt mài sản xuất cho ra những mẻ tinh dầu quế vàng óng. Ông Đông cho biết: "Xưởng chế biến tinh dầu quế của chúng tôi hoạt động 3 ca liên tục trên ngày với công suất khoảng 20.000 tấn lá quế một năm".
Xưởng chế biến tinh dầu quế hoạt động 3 ca liên tục trên ngày với công suất khoảng 20.000 tấn lá quế một năm. Ảnh: Hoàng Hữu
Qua trao đổi, ông Đông cho PV Báo điện tử DANVIET.VN biết, ngoài việc duy trì ổn định các diện tích cây trồng và xưởng chế biến tinh dầu quế, thời gian tới ông ấp ủ xây dựng các chuỗi siêu thị mini rau quả sạch, có nguồn gốc xuất xứ và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm rõ ràng. Các sản phẩm từ nông trại và của người dân được qua xử lý hữu cơ hoàn toàn không có chất bảo quản đồng thời đưa vào nhà lạnh nếu chưa xuất đi tiêu thụ.
Cùng với đó, ông Đông cũng đưa ra các giải pháp để quảng bá, giới thiệu sản phẩm; liên kết thu mua nông sản của người dân và người có nhu cầu phân phối sản phẩm cũng như thuê mặt bằng để lắp đặt các trang thiết bị để mở siêu thị.
Ông Đông cho biết: "Sắp tới tôi trồng thêm 20ha rau sạch kết hợp với việc đăng ký chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc cho các loại quả của trang trại tiến tới mở chuối siêu thị mini trong tỉnh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, cái khó khăn nhất hiện nay là thiếu nguồn lực, mặt bằng để triển khai cũng như cơ sở pháp lý để thực hiện".
Chân dung ông Ngô Thành Đông, xã Đông An, huyện Văn Yên, Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu
Theo đánh giá của Hội Nông dân xã Đông An, mô hình trang trại trồng cây ăn quả, trồng quế kết hợp xưởng chế biến tinh dầu quế của gia đình ông Đông hàng năm cho tổng thu nhập khoảng 30 tỷ đồng/năm đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm người với mức thu nhập bình quân 5 - 7 triệu đồng/tháng.
Đánh giá về vị "Vua rừng" này, ông Hoàng Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Đông An, huyện Văn Yên cho biết: "Anh Đông là người năng động, luôn đi tắt đón đầu và áp dụng các kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Không chỉ hoạt động, sản xuất hiệu quả, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao dộng địa phương, anh Đông còn tham gia tích cực trong các hoạt động xóa đói giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa tại địa phương".
Ông Hoàng Xuân Long, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái cho biết: "Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là 1 trong 3 phong trào trọng tâm của các cấp hội. Tại tỉnh Yên Bái hằng năm có từ 50% số hộ hội viên nông dân đăng ký hội viên sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.
Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế điển hình trong nhiều lĩnh vực, trong các gương điển hình đó tiêu biểu là hộ hội viên Ngô Thành Đông, thôn Đức An, xã Đông An, huyện Văn Yên. Qua mô hình này có thể khẳng định nông dân nếu đã dám nghĩ dám làm, mạnh dạn đầu tư thì sẽ tạo ra hiệu quả trong sản xuất theo hướng liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, từ đó thành lập các HTX, các doanh nghiệp và liên kết với các doanh nghiệp khác để sản xuất ra các sản phẩm đủ tiêu chuẩn từ đó tham gia và tạo thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm".
Ông Hoàng Xuân Long, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu
Với những gì đã, đang làm được, ông Nguyễn Thành Đông đã vinh dự được Hội đồng Bình chọn chung khảo bình chọn là một trong 63 "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10/2019.
Theo Danviet
Nuôi gà chọi lai tít trên đỉnh đồi, cho gà ăn phải đi "cáp treo" Người xưa có câu "một nghề thì sống, đống nghề thì chết", nhưng với trường hợp ông Vũ Văn Thính (thôn Thái Võ, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) lại không như vậy. "Ôm" cả đống nghề - từ nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây ăn quả, trồng rừng đến buôn bán con giống, ông Thính đã "phất lên" thành...