Tỷ phú Elon Musk đang tích cực giúp ông Trump tranh cử thế nào?
Tỷ phú Elon Musk đang cố gắng giúp ông Donald Trump tranh cử tổng thống Mỹ thông qua ảnh hưởng với mạng xã hội X và hàng chục triệu USD quyên góp trực tiếp.
Tỷ phú Elon Musk là người ủng hộ nhiệt thành của ông Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Tuần trước, sau khi công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk lần đầu thu hồi thành công tầng đẩy tên lửa Starship, phe Cộng hòa nhanh chóng tìm cách gắn chiến dịch tranh cử của mình với sự kiện này.
“Tôi tin rằng vận mệnh của đất nước chúng ta là chinh phục những vì sao”, ứng viên phó tổng thống J.D. Vance viết trên mạng xã hội X. “Dù bạn đánh giá quan điểm chính trị của Elon thế nào, đây là điều có thể truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta”.
Trong một sự kiện vận động tranh cử hồi đầu tháng 10, cựu Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố muốn thấy con người đặt chân lên sao Hỏa trước khi nhiệm kỳ thứ hai của ông kết thúc – nếu ông đắc cử. “Elon đã hứa với tôi sẽ làm điều này”, ông Trump nói.
Trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, Elon Musk là cái tên đáng chú ý nhất trực tiếp tham gia vận động cho phe Cộng hòa. Tuy nhiên, tác động của vị tỷ phú tới cuộc bầu cử vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
“Kể cả đối với những người nghĩ ông ấy là thiên tài liên quan tới AI, công nghệ và chinh phục không gian, điều đó không ảnh hưởng tới chiến dịch tranh cử tổng thống”, ông David Nasaw, tác giả hàng loạt cuốn sách về các doanh nhân hàng đầu tại Mỹ, nói với CNBC. “Nếu họ không tin ông Trump, liệu họ có đột nhiên về phe ông vì Musk nói ông ấy đúng hay không?”.
Mạng xã hội X
Sự ủng hộ của Elon Musk đối với ông Trump được thể hiện rõ nhất trên mạng xã hội X (tiền thân là Twitter), nền tảng được Elon Musk mua lại với giá 44 tỷ USD năm 2022.
Tài khoản của Elon Musk có hơn 200 triệu người theo dõi. Ông thậm chí từng yêu cầu đội ngũ kỹ sư tăng độ phủ của các bài đăng của ông – giờ đây, thuật toán giúp Elon Musk nổi trội hơn những người dùng khác, khiến nhiều người nhìn thấy bài đăng của ông hơn. Chính Elon Musk đã quyết định mở lại tài khoản của ông Trump cuối năm 2022 sau quãng thời gian bị cấm dưới thời chủ sở hữu cũ.
Bài đăng tuyên bố ủng hộ ông Trump của Elon Musk hôm 13/7 thu hút 2,3 triệu lượt thích. Hồi đầu tháng 8, hai người cũng livestream hơn hai tiếng đồng hồ trên nền tảng X, trong đó ông Trump đưa ra ít nhất 20 tuyên bố có nội dung sai lệch, theo CNN.
Video đang HOT
Khi ngày bầu cử đến gần, Elon Musk liên tục tán dương ông Trump và đả kích bà Harris. Theo Guardian, tỷ lệ không nhỏ bài đăng của vị tỷ phú khuếch tán các thông tin sai lệch. Tài khoản của ông cũng tương tác với nhiều tài khoản có xu hướng cực hữu. Grok, nền tảng tạo ảnh từ trí tuệ nhân tạo của Musk, trở thành nguồn gốc hàng đầu của các nội dung deepfake liên quan tới bầu cử.
Hồi đầu tháng 8, Trung tâm Chống thù ghét trên nền tảng số (CCDH) cho biết các tuyên bố sai lệch của Elon Musk đã được xem 1,2 tỷ lần.
Bất chấp thường xuyên tuyên bố ủng hộ “quyền tự do ngôn luận tuyệt đối”, Elon Musk còn sử dụng X để giúp đỡ ông Trump theo cách khác: Hạn chế các tin tức bất lợi với phe Cộng hòa.
Hồi đầu tháng 10, phóng viên Mỹ Ken Klippenstein đăng tải loạt hồ sơ về ứng viên phó tổng thống J.D. Vance, có được từ một vụ tấn công nhằm vào chiến dịch của ông Trump nghi liên quan đến Iran. Theo New York Times, phe Cộng hòa đã đề nghị X ngăn thông tin lan tỏa rộng rãi. X đã tuân thủ yêu cầu này, chặn các đường dẫn liên quan và tạm khóa tài khoản của ông Klippenstein.
Khoản chi mạnh tay
Không chỉ kêu gọi ủng hộ ông Trump trên mạng xã hội, Elon Musk cũng đã chi số tiền lớn phục vụ chiến dịch tranh cử của vị cựu tổng thống.
Theo hồ sơ được Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ (FEC) công bố hôm 15/10, ông Musk đã quyên góp khoảng 75 triệu USD trong 3 tháng vừa qua cho America PAC – ủy ban hành động chính trị thân Cộng hòa do chính ông thành lập.
America PAC đang làm công tác kêu gọi cử tri đi bầu tại các bang chiến địa. Trong đó, trọng tâm hoạt động là bang Pennsylvania, New York Times cho biết. Elon Musk đang lên kế hoạch triển khai hàng loạt sự kiện ở bang này sau khi lần đầu xuất hiện cùng ông Trump ở Butler – nơi ứng viên Cộng hòa từng bị ám sát hụt – hồi đầu tháng 10.
Tiền của Elon Musk không chỉ được dùng để thuyết phục cử tri đi bầu. Ông cũng quyên góp cho Building America’s Future, tổ chức bảo thủ đề nghị thưởng tiền cho những người có bằng chứng gian lận bầu cử. Building America’s Future cũng chuyển tiền cho một tổ chức chuyên đăng tải các đoạn quảng cáo tấn công bà Harris và chồng, ông Doug Emhoff.
Cách tiếp cận của Elon Musk khác với các tỷ phú khác – vốn thường chia làm 2 nhóm, theo ông Benjamin Soskis, chuyên gia về lịch sử từ thiện tại Viện Urban. Nhóm đầu tiên – như Bill Gates – tỏ ra không đứng về đảng nào, cả vì mục đích chiến lược lẫn cá nhân. Nhóm thứ hai – như George Soros hay anh em nhà Koch – ủng hộ một phe nhất định nhưng vẫn rất thận trọng và kín tiếng.
“Ông ấy rõ ràng muốn được chú ý, khác với nhiều nhân vật siêu giàu tham gia chính trị nhưng muốn ở sau hậu trường”, ông Larry Noble, cựu tổng cố vấn của FEC, nói. “Ông ấy muốn tên mình xuất hiện rõ. Tôi nghĩ ông ấy muốn được ngưỡng mộ”.
Tỷ phú Elon Musk và ông Trump cùng xuất hiện trong một cuộc vận động tranh cử tại Butler, bang Pennsylvania, hôm 5/10 (Ảnh: Bloomberg).
Động cơ của ông Musk
Elon Musk và ông Trump từng có lúc không ưa nhau: Elon Musk từng tuyên bố ông Trump “quá già” để tiếp tục tranh cử, trong khi vị cựu tổng thống gọi đối phương là “vớ vẩn”. Tuy vậy, 2 người dần trở nên gần gũi nhau hơn. Guardian nhận định điểm chung giữa 2 người là đều không thích các cơ chế điều tiết của chính phủ.
Trong những năm qua, hàng loạt dự án của Elon Musk bị chính quyền liên bang điều tra hay xử phạt. Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) hồi tháng trước nghi ngờ tên lửa của SpaceX vi phạm các quy tắc an toàn. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) điều tra SpaceX với nghi ngờ xả nước thải, trong khi Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho rẳng Neuralink vi phạm phúc lợi động vật.
Nếu ông Trump trở thành tổng thống, nguồn lực và quyền hành của các cơ quan trên có thể bị cắt giảm, theo Guardian. Bản thân Elon Musk cũng tuyên bố lý do lớn nhất để ủng hộ ông Trump là mong muốn “điều tiết hợp lý”, Financial Times cho biết.
“SpaceX có thể chế tạo một tên lửa khổng lồ nhanh hơn chính phủ xử lý quy trình cấp phép. Thật điên rồ”, Elon Musk tuyên bố. “Nếu xu thế điều tiết quá mức vẫn bóp nghẹt chúng ta, chúng ta sẽ không tới được sao Hỏa”.
Tuy nhiên, mục tiêu của Elon Musk khi ủng hộ ông Trump có thể không dừng lại ở lợi ích kinh doanh. Trong thời gian qua, Elon Musk cũng thúc đẩy quan hệ với hàng loạt lãnh đạo cánh hữu trên thế giới như Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hay Tổng thống Argentina Javier Milei.
Ông Trevor Traina, một nhân vật ủng hộ ông Trump và từng là đại sứ Mỹ tại Áo, nhận định động lực của Elon Musk có thể đến từ lý do cá nhân.
“Là người giàu nhất thế giới, Elon không cần gì. Ông ấy chỉ muốn tham gia”, ông Traina nói.
Hiệu quả còn bỏ ngỏ
Bất chấp những nỗ lực của Elon Musk, vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu các khoản đầu tư của ông dành cho ông Trump có phát huy hiệu quả hay không.
Business Insider nhận định những thành tựu của SpaceX và quan hệ giữa Elon Musk và ông Trump có thể giúp ứng viên Cộng hòa có thêm sự ủng hộ từ các cử tri đến nay vẫn phân vân. Tuy nhiên, ông Pete Loge, giáo sư tại Trường Truyền thông và Quan hệ công chúng thuộc Đại học George Washington (Mỹ), cho rằng đa số cử tri “không để ý” tới những thành công của Elon Musk trong chinh phục vũ trụ.
“Đa số tập trung vào các vấn đề lạm phát, nhập cư, tội phạm và nạo phá thai”, ông Loge nói. “Tôi nghĩ những vấn đề này quan trọng với người dân Mỹ hơn là việc một trong những người ủng hộ (của ông Trump) phóng một tên lửa thành công”.
Dù vậy, cũng theo ông Loge, Elon Musk vẫn hữu ích với ông Trump do khoản tiền tài trợ và ảnh hưởng với mạng xã hội X.
“Ông Trump cần tiền. Chiến dịch của Trump – Vance đang thua kém Harris – Walz về thu hút tài trợ. Phe Dân chủ vừa kiếm nhiều tiền hơn, vừa chi mạnh tay hơn phe Cộng hòa còn Musk thì tiếp cận được với nhiều người có thể ký những tấm séc đắt giá”, vị chuyên gia phân tích.
Ngoài ra, ông Loge cũng đánh giá cao khả năng định hình dư luận của mạng xã hội X. “Mạng xã hội này được sở hữu bởi một phe và được sử dụng để thúc đẩy các quan điểm mang tính phe phái. Điều này sẽ giúp ích cho ông Trump”.
Theo một chiến lược gia Cộng hòa, khả năng Elon Musk sẽ tham gia chính quyền nếu ông Trump đắc cử cũng đem lại lợi thế cho vị cựu tổng thống do người Mỹ thực sự quan tâm tới cách chính phủ vận hành.
Hồi tháng 9, ông Trump hứa sẽ thiết lập một ủy ban nhằm đánh giá và cải thiện hiệu suất của các cơ quan chính phủ nếu đắc cử. Ông Trump tuyên bố Elon Musk sẽ đứng đầu cơ quan này.
“Elon Musk, người rất thành công trong lĩnh vực tư nhân, là người mong muốn thành công trong chính quyền liên bang”, chiến lược gia Cộng hòa nói. “Trong cuộc đua có thể được quyết định với chỉ chưa đầy 11.000 phiếu bầu ở một số bang – giống như những gì chúng ta đã chứng kiến bốn năm về trước – mọi vấn đề đều quan trọng”.
Mỹ hoãn kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng
Mỹ sẽ lùi kế hoạch đưa phi hành gia trở lại Mặt Trăng từ năm 2025 sang năm 2026.
Hình ảnh mô phỏng tàu đổ bộ Blue Moon của công ty Blue Origin, có sứ mệnh đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng theo chương trình Artemis. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố được người đứng đầu Tổ chức hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson đưa ra ngày 9/1 trong bối cảnh cơ quan này đang đối mặt nhiều thách thức về kĩ thuật và trì hoãn.
Kế hoạch Artemis, được Mỹ chính thức thông báo hồi năm 2017, là một phần trong kế hoạch của NASA nhằm duy trì sự hiện diện lâu dài ở Mặt Trăng, để từ đó rút kinh nghiệm cho một sứ mệnh tương lai đến Sao Hỏa. Theo đó, Artemis 1 - sứ mệnh đầu tiên bay thử nghiệm tới Mặt Trăng và trở lại, đã được thực hiện vào năm 2022 sau nhiều trì hoãn.
Phát biểu với báo giới, ông Nelson cho biết sứ mệnh Artemis 2, với một phi hành đoàn nhưng không hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, đã bị hoãn từ kế hoạch ban đầu vào cuối năm nay đến tháng 9/2025. Trong khi đó, Artemis 3, với phi hành gia là nữ và da màu đầu tiên, dự kiến sẽ đáp xuống bề mặt cực Nam Mặt Trăng dự kiến diễn ra vào tháng 9/2026.
Ông Nelson khẳng định an toàn mục tiêu hàng đầu của NASA, và việc lùi thời gian này sẽ cho phép sứ mệnh Artemis có thêm thời gian để giải quyết các thách thức.
Thông báo của NASA được đưa ra trong bối cảnh hãng hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk, hãng Lockheed Martin và nhiều nhà thầu khác đang gặp nhiều khó khăn. Trước đó, SpaceX đã giành được hợp đồng cung cấp hệ thống hạ cánh cho Artemis 3 dựa trên phiên bản tên lửa Starship nguyên bản của bản. Tuy nhiên, cả hai thử nghiệm bay quỹ đạo của SpaceX đến nay đều đã thất bại. Trong khi đó, sứ mệnh Artemis 1 cũng cho thấy nhiều vấn đề kĩ thuật cần phải giải quyết, như với tấm chắn nhiệt, hệ thống điện và pin trên tàu vũ trụ Orion.
SpaceX tạo kỳ tích cho ngành vũ trụ Chuyến bay thử nghiệm tên lửa Starship lần thứ 5 của SpaceX ngày 13.10 đã thu hút sự chú ý và vô số lời khen ngợi, khi khoảnh khắc "tóm lấy" tên lửa đẩy quay về bệ phóng được xem như cột mốc quan trọng cho tham vọng chinh phục vũ trụ. Tờ The Guardian đưa tin khi tên lửa đẩy 2 tầng...