Tỷ nợ xấu vay đóng tàu theo Nghị định 67 là 33%
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại về chủ trương cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, khi nhiều tàu vỏ thép đang nằm bờ, nợ xấu cao, ngư dân bỏ cuộc.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho rằng, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo động lực cho ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, nhiều tàu vỏ thép dừng hoạt động, nhiều tàu không bảo dưỡng, không đăng kiểm trở lại khi đến hạn, nợ xấu, nợ quá hạn gia tăng. Đại biểu đề nghị làm rõ nguyên nhân của tình trạng, đề nghị Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng nêu rõ giải pháp nào để các ngân hàng thu được nợ, tránh trục lợi chính sách.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay hiện nay tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 khoảng 10.500 tỷ đồng và nợ xấu hiện nay là 33%.
Từ cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng có chỉ đạo các bộ, ngành, cùng với các địa phương liên quan để triển khai các biện pháp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong thẩm quyền của mình tiến hành các giải pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế hỗ trợ để chuyển đổi chủ tàu.
Tuy nhiên, trước những diễn biến tình hình nợ xấu còn tiếp tục phát sinh, cuối tháng 10/2019, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng để chỉ đạo các bộ, ngành, trước hết là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tới đây sẽ phải tham mưu cho Chính phủ để phối hợp với các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển tàu cá gắn với nguồn lợi thủy sản, các nhóm nghề và ngư trường khai thác, hướng dẫn ngư dân và các địa phương để tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Video đang HOT
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng đã có từ cuối năm 2018. Trong đó, tập trung phối hợp với ngành ngân hàng để rà soát các trường hợp. Những trường hợp bất khả kháng thì tiếp tục hỗ trợ để cùng với ngành ngân hàng cơ cấu lại nợ. Những trường hợp khác có biểu hiện ỷ lại, chây ỳ thì cũng phối hợp với ngành ngân hàng để tiến hành thu hồi nợ.
“Đối với ngành ngân hàng, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt, có các giải pháp để xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của chủ tàu cũ ở thời điểm bàn giao. Hướng dẫn bổ sung các giải pháp để hỗ trợ lãi suất đối với chủ tàu mới khi nhận lại toàn bộ khoản nợ vay, bao gồm cả nợ quá hạn và nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Các giải pháp này đòi hỏi các bộ, ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố và ngành ngân hàng sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới để triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu./.
Nguyễn Hoàng
Theo Baochinhphu.vn
Nợ xấu "tàu 67" lên tới 33%, Thống đốc đề nghị địa phương phối hợp xử lý con nợ chây ỳ
Trả lời "chia lửa" câu hỏi của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường sáng nay (6/11), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng tỏ ra lo lắng khi nợ xấu cho vay đóng tàu theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) đã ở mức báo động.
Thống đốc Lê Minh Hưng tham gia giải trình về vấn đề hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67
Nghị định 67 triển khai từ năm 2014 trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp đã được nhiều ngân hàng ủng hộ. Tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 67 là 11.511 tỷ đồng, nhờ đó đã có 1.030 tàu đóng mới đi vào hoạt động, trong đó: tàu cá vỏ thép là 358 chiếc (34,7%), tàu vật liệu mới là 98 chiếc (9,5%), tàu vỏ gỗ là 574 chiếc (55,7%).
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, đến thời điểm hiện tại, dư nợ cho vay tàu 67 hiện còn gần 10.500 tỷ đồng, song đáng lo là nợ xấu đã lên tới 33%.
Thực tế, từ cuối năm 2018, khi nợ xấu cho vay 67 ngày càng tăng, NHNN đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ và bàn bạc với các địa phương để tìm giải pháp tháo gỡ. Mới đây nhất, ngày 30/10/2019, sau khi làm việc với các địa phương, Bộ, ngành, NHNN đã báo cáo Thủ tướng và đề nghị các giải pháp căn cơ để triển khai Nghị định 67 một cách bền vững.
Theo đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho người vay (thực tế hầu hết các khoản nợ cho vay tàu 67 đã được các ngân hàng cơ cấu nợ), ưu tiên thu hồi nợ gốc. Dù vậy, nợ xấu vẫn tiếp tục phát sinh mạnh.
Vì vậy, NHNN đề nghị Bộ NN&PTNT rà soát phát triển tàu cá gắn với phát triển nguồn lợi thủy sản, tổ chức lại hoạt động khai thác trên biển theo hướng bền vững hơn.
Thống đốc cũng cho biết, NHNN đã kiến nghị Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh tập trung phối hợp với ngành ngân hàng rà soát lại các trường hợp nợ xấu liên quan đến tàu 67. Theo đó, với các trường hợp khó trả nợ do hoàn cảnh bất khả kháng, ngân hàng và Chính phủ tiếp tục hỗ trợ. Tuy nhiên, với các trường hợp cố tình chây ì, UBND các tỉnh cần tích cực phối hợp với ngành ngân hàng để đẩy mạnh thu hồi nợ.
Ngoài ra, NHNN cũng đang phối hợp tích cực với Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế chuyển đổi chủ tàu 67, hướng dẫn các chính sách bổ sung về hỗ trợ lãi suất với chủ tàu mới. Hiện nay, nhiều ngân hàng muốn thanh lý tàu 67 để thu hồi nợ nhưng chưa có quy định nên không thể tiến hành.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tại một số tỉnh, hiện nợ xấu cho vay tàu 67 đã lên tới 80-100%, nghĩa là tất cả khoản vay đóng tàu 67 đều rơi vào nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu liên quan đến tàu 67 thời gian tới còn nhiều khó khăn, vì vậy, Thống đốc đề nghị các bộ, ngành, nhất là UBND các tỉnh hỗ trợ ngành ngân hàng hơn nữa để triển khai.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP mang tính đột phá, đồng bộ, phù hợp với tâm tư nguyện vọng của đông đảo ngư dân. Mục tiêu về hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được: Có trên 50% là tàu đóng mới vỏ thép, vỏ vật liệu mới, với khoảng 50% tàu có công suất từ 800CV trở lên được trang bị hiện đại.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, việc thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đạt được theo mục tiêu của Nghị định, ngân sách bố trí để thực hiện chính sách này còn hạn chế; các công trình hạ tầng nghề cá bị xuống cấp, quá tải. Nợ quá hạn, nợ xấu (chủ yếu là các tàu vỏ thép) đang tồn tại. Có 62% tàu cá xa bờ tham gia chính sách bảo hiểm và 56% ngư dân đi khai thác trên biển được hưởng chính sách bảo hiểm.
Mặt khác, có 115 tàu cá vỏ thép không thực hiện công tác đăng kiểm khi tàu hết hạn đăng kiểm (chiếm 32% tàu vỏ thép). Có trên 60% tàu cá vỏ thép không thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng tàu cá theo quy trình duy tu bảo dưỡng dẫn đến nhiều trường hợp tàu cá bị gỉ sét, xuống cấp ảnh hưởng đến tuổi thọ hoạt động của tàu. Số tàu cá được đóng theo Nghị định "67" hiện ngừng hoạt động sản xuất là 55 tàu, chiếm 5,2% tổng số tàu đóng mới, trong đó tàu vỏ thép là 36 chiếc (chiếm 3,5%).
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Nợ xấu tàu cá chương trình 67 lên đến trên 103 tỉ đồng Trong số 288,47 tỉ đồng đã giải ngân, đến cuối tháng 9/2019, các ngân hàng chỉ mới thu được 25,95 tỉ đồng nợ gốc, dư nợ 262,51 tỷ đồng, nợ xấu 103,24 tỷ đồng, tỉ lệ 39,24%. Báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam- Chi nhánh tỉnh Khánh Hòa, cho biết, thực hiện chính sách tín dụng đóng mới,...