Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh: Cảnh báo rủi ro lạm phát
“ Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh là một chỉ báo rủi ro cần phải kiểm soát để không gây lạm phát như đã từng xảy ra trong năm 2008 và 2010″, SSI cảnh báo.
T ỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh: Cảnh báo rủi ro lạm phát
Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa công bố báo cáo tài chính tiền tệ tháng 9/2018.
Về tăng trưởng tín dụng, SSI cho biết trong những năm gần đây, tín dụng tăng nhanh đã đẩy dư nợ tín dụng lên mức 7 triệu tỷ đồng, tương đương 130% GDP so với mức 100% GDP vào cuối năm 2014. Chênh lệch giữa tín dụng và GDP (Credit-to-GDP ratio) đã liên tục tăng từ mức âm trong năm 2014 lên 30% trong năm 2018.
“Tỷ lệ tín dụng/GDP tăng nhanh là một chỉ báo rủi ro cần phải kiểm soát để không gây lạm phát như đã từng xảy ra trong năm 2008 và 2010″, SSI cảnh báo.
Video đang HOT
Trong bối cảnh CPI 9 tháng 2018 tăng 3,2% so với cuối năm 2017, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, SSI cho rằng rủi ro lạm phát chi phí đẩy là đã rõ trong môi trường lãi suất và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng.
“Giá dầu thô đã tăng 60% chỉ trong 1 năm và tỷ giá diễn biến khó lường là những nhân tố bên ngoài rất khó kiểm soát nên chính sách ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát trong nước cần phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu. Tăng trưởng tín dụng vì vậy cần được kiểm soát chặt nhằm giảm bớt lượng sức ép thanh khoản, thu hẹp chênh lệch tín dụng/GDP và giữ lạm phát ở mức hợp lý”, SSI nhận mạnh.
Mặc dù không thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2018, NHNN đã đưa ra những thông điệp hướng tới việc kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn, bằng cách ban hành Chỉ thị 04 với điều khoản không điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
SSI nhìn nhận, định hướng này phù hợp với khuyến nghị của IMF rằng cần phải hạ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống dưới 17% và hướng tới giảm xuống dưới 14% nhằm củng cố sự ổn định vĩ mô.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm ước đạt 9,52%, khá thấp so với mức tăng 12,16% cùng kỳ năm 2017 và thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng tín dụng hiện vào khoảng 14% , mức thấp nhất kể từ năm 2015. Mức tăng trưởng hiện tại, theo đánh giá của SSI, là phù hợp với định hướng hạn chế nới lỏng chính sách tiền tệ để kích thích kinh tế.
Nhận định về diễn biến tỷ giá trong tháng 9, SSI cho hay, nhờ sự ổn định trên thị trường thế giới, tỷ giá USD/VND trong nước dao động quanh ngưỡng 23.260/23.340 trong gần hết tháng 9. Tỷ giá bắt đầu tăng vào cuối tháng cùng những tín hiệu tăng của đồng USD và lợi suất Trái phiếu Kho bạc Mỹ. Tỷ giá USD/VND kết thúc tháng 9 ở mức kỷ lục mới 23.310/23.390, tăng 50 đồng so với tháng 8. Trong khi đó, tỷ giá tự do giảm khá mạnh về 23.400 sau đó lại tăng trở lại ngang mức cuối tháng 8 là 23.470/23.500.
SSI cho biết, biến động lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng khá nhạy với tỷ giá. Chênh lệch lãi suất VND-USD được kéo giãn đã giúp tỷ giá hạ nhiệt từ giữa tháng 7.
“Trong thời gian này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành thị trường tiền tệ để duy trì lãi suất VND qua đêm ở mức 4%, trong khi lãi suất liên ngân hàng USD vẫn khá ổn định ở mức 2%. Chênh lệch 2% là mức khá an toàn để không gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, lãi suất VND giảm trở lại về sát 2% vào nửa cuối tháng 9, khiến chênh lệch lãi suất được thu hẹp, tỷ giá cũng có xu hướng tăng trở lại trong thời gian này”, SSI cho hay.
Theo đánh giá của SSI, giao dịch thị trường mở tháng 9 khá ổn định và nhịp nhàng thể hiện quan điểm rất thận trọng của NHNN. NHNN đã hút ròng 10.196 tỷ đồng trong tháng 9. Thanh khoản dồi dào đã đưa lãi suất VND liên ngân hàng về khoảng 2,6%, cao hơn khoảng 0,6 điểm% so với lãi suất USD.
“Nhìn chung, diễn biến tỷ giá tháng 9 chịu tác động chủ yếu từ các yếu tố thị trường trong khi các cân đối vĩ mô vẫn cho những tín hiệu tích cực”, SSI nhận định.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance.vn
Tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 3 năm
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tăng trưởng tín dụng đạt 8,18% trong 8 tháng đầu năm.
Đây là mức tăng thấp nhất của dư nợ tín dụng trong 3 năm trở lại đây, khi cùng kỳ các năm 2017 tăng trưởng 10,8%; năm 2016 là 9,64% và năm 2015 là 10,21%; đồng thời cách khá xa so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 17%.
Trong khi đó, NHNN cho biết, tính đến ngày 22/8/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,3%, huy động vốn tăng 8,72%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,54% so với cuối năm 2017.
Việc tín dụng tăng nhanh hơn so với tổng phương tiện thanh toán chỉ diễn ra kể từ đầu tháng 7 đến nay khi NHNN chủ động rút bớt thanh khoản ra khỏi hệ thống ngân hàng nhằm giảm sức ép lên tỷ giá.
Theo đó, chênh lệch giữa phần tăng thêm của cung tiền M2 và phần tăng thêm của tín dụng đã giảm từ mức 238 nghìn tỷ đồng vào thời điểm 20/06/2018 xuống chỉ còn 124 nghìn tỷ đồng vào thời điểm 22/08/2018.
Ở phương diện lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 có mức tăng nhẹ 0,45% so với tháng 7, đưa mức CPI bình quân 8 tháng đầu năm tăng 3,52% so với cùng kỳ năm ngoái, bám sát mục tiêu dưới 4% của Chính phủ.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), rủi ro lạm phát trong 4 tháng còn lại của năm nay hiện vẫn khá khó lường, nhất là trong bối cảnh giá mặt hàng thịt lợn trong nước và giá dầu thế giới vẫn neo ở mức cao.
Do vậy, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của NHNN sẽ tiếp tục theo hướng thận trọng nhưng linh hoạt, tuỳ theo diễn biến thực tế của lạm phát cũng như nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Ngân Giang
Theo infonet.vn
Thống đốc: Tăng trưởng tín dụng sẽ về đích như kế hoạch Theo Thống đốc NHNN, tín dụng 10 tháng đã tăng hơn 13% và từ nay đến cuối năm, tín dụng sẽ tăng phù hợp với nền kinh tế, đảm bảo không gây áp lực đến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát. Chiều ngày 16/11, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV bước vào chất vấn và trả lời chất...