Tỷ lệ sinh tại Italy năm 2020 ở mức thấp nhất trong 160 năm
Tỷ lệ sinh tại Italy năm 2020 ở mức thấp nhất kể từ khi nước này thống nhất vào năm 1861, tiếp tục chuỗi giảm 12 năm liên tiếp trong xu hướng dự kiến sẽ kéo dài.
Nhân viên y tế chăm sóc em bé sơ sinh tại bệnh viện ở Rome, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/ TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn số liệu do Cơ quan thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 14/12, cho biết trong năm 2020 tại nước này có 404.892 trẻ em được sinh ra, giảm 15.192 trẻ so với năm 2019. Xu hướng giảm tiếp tục trong năm 2021, theo đó dữ liệu sơ bộ trong 9 tháng đầu năm cho thấy số trẻ em được sinh ra ít hơn 12.500 trẻ so với cùng kỳ năm 2020, nguyên nhân có thể do đại dịch COVID-19. Tháng 1/2021 là tháng có tỷ lệ sinh thấp nhất từ trước đến nay, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ISTAT, số con trung bình của mỗi phụ nữ Italy giảm xuống 1,24 trong năm 2020 so với mức trung bình 1,17 và đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất trên thế giới. Ngoài ra, có sự khác nhau về con số trung bình này giữa miền Bắc và miền Nam Italy. Chẳng hạn ở thành phố Bolzano, gần biên giới với Áo, con số trung bình là 1,71, trong khi ở đảo Sardinia cực Nam Italy, con số này là 0,97. Độ tuổi trung bình mà phụ nữ Italy sinh con đầu lòng đã tăng lên mức cao kỷ lục 32,7 vào năm 2020, tăng 3 tuổi so với năm 1995.
Cũng theo ISTAT, tỷ lệ sinh tại Italy đã giảm 30% chỉ trong hơn một thập kỷ, với số trẻ được sinh ra vào năm 2020 giảm 171.167 trẻ so với năm 2008. Trong khi đó, số người qua đời trong năm 2020 là 746.146 người, tăng 112.000 người so với năm 2019, theo đó, dân số Italy giảm xuống còn 59,3 triệu người.
Italy quy định các nhóm bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, sắc lệnh mới của chính phủ Italy về phòng, chống COVID-19 quy định lực lượng quân đội, cảnh sát, và giáo viên, nhân viên trường học bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 kể từ ngày 15/12.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại bệnh viện ở Cailungo, San Marino, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Nội vụ Italy nêu rõ: "Việc thực hiện nghĩa vụ tiêm chủng vaccine COVID-19 bắt đầu từ ngày 15/12 bao gồm việc hoàn thành chu kỳ tiêm chủng và các liều nhắc lại phải được thực hiện theo đúng chỉ định và thời hạn trong thông tư của Bộ Y tế".
Ngoài ra, những trường hợp không chấp hành sẽ bị đình chỉ công tác, không hưởng lương; với lực lượng vũ trang thu hồi tạm thời thẻ, bảng tên, vũ khí cá nhân... Những trường hợp phát hiện không tiêm chủng vẫn làm việc sẽ chịu mức phạt từ 600-1.500 euro. Trong khi đó, hình phạt từ 400-1.000 euro cũng áp với người quản lý không thực hiện kiểm tra nhân viên vi phạm.
Với nhân viên y tế, việc tiêm chủng vẫn được xác định là điệu kiện cần thiết và bắt buộc, và trường hợp không chấp hành sẽ bị đình chỉ hành nghề. Việc triển khai tiêm vaccine liều 3 với lực lượng y bác sĩ cũng được triển khai từ ngày 15/12.
Theo quy định, y bác sĩ bắt buộc phải tiêm liều cuối cùng không muộn hơn 6 tháng kể từ ngày 15/12/2021. Những trường hợp được miễn hoặc hoãn tiêm chủng khi xác định nguy hiểm đến sức khỏe có xác nhận của bác sĩ đa khoa.
Sắc lệnh mới được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại Italy. Ngày 14/12, Italy ghi nhận 20.677 ca mắc COVID-19, tăng mạnh so với ngày 13/12 (12.712 ca). Trong khi đó, số ca tử vong là 120 ca, mức cao nhất kể từ ngày 28/5.
Biến thể Omicron chiếm 2,9% số ca mắc tại Mỹ Ngày 14/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết, chỉ tính riêng trong thời gian từ 4-11/12 vừa qua, biến thể Omicron hiện chiếm gần 3% các trường hợp mắc COVID-19 trong nước, cho thấy biến thể mới đang bắt đầu gia tăng ở Mỹ. Nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại bệnh viện ở...