Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%
Sáng 22-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng quý III-2020.
Quang cảnh buổi họp báo.
Tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 7-2020, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 1.113,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó 7 tháng của năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng.
Về cơ bản, các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt; qua đó, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; chất lượng quản trị điều hành từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế; các tổ chức tín dụng đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật; tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống đã được xử lý có hiệu quả…
Bà Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, kết quả xử lý nợ xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (tháng 6-2017) của Quốc hội, việc xử lý nợ xấu đã được thực hiện hiệu quả hơn, theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, khách hàng đã chủ động hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng.
Video đang HOT
Trong những tháng đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ Ngân hàng Nhà nước; giảm 0,6-0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5,0%/năm, để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Đối với hỗ trợ tín dụng cho người dân, doanh nghiệp theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến ngày 14-9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng.
Các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 đến 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23-1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.
Về điều hành tỷ giá, từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù một số giai đoạn chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và biến động trên thị trường quốc tế, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định vĩ mô, thị trường, hỗ trợ phục hồi nhanh kinh tế.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và củng cố dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục triệt nhằm tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay tiếp sức cho nền kinh tế, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng…
Xử lý nợ xấu: Rao bán ồ ạt nhưng vẫn ế
Để xử lý nợ xấu, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã ráo riết thu hồi nợ xấu bằng việc bán tài sản mà các doanh nghiệp thế chấp. Tuy nhiên, lượng tài sản rao bán thì nhiều nhưng số lượng người mua lại rất ít.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dịch Covid-19 hoành hành trong nhiều tháng qua đã gia tăng nợ xấu toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 6 vừa qua ước khoảng 1,8%.
Cũng theo đơn vị này, năm 2019, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2020 đã xử lý được 56,96 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Dựa trên các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2020 khoảng 4%, NHNN ước tính, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối năm 2020 ở mức 2,41%. Trong trường hợp GDP tăng khoảng 5%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ ở mức 2,16% (tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm 2019).
Các chuyên gia kinh tế dự báo, thời gian tới, dịch bệnh sẽ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội. Điều này sẽ khiến cho mục tiêu đưa tổng nợ xấu về dưới 3% trong năm 2020 trở nên khó thực hiện.
Còn theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, đến cuối năm nay, mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp.
Các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu. (Ảnh minh họa: KT)
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng sẽ vào khoảng 4%, cao gấp đôi so với cuối năm ngoái. Nợ xấu cộng gộp gồm: nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho Công ty Mua bán nợ VAMC và nợ xấu tiềm ẩn khác, cuối năm nay sẽ là 6% tổng dư nợ, cao gấp rưỡi so với cuối năm 2019.
Kinh tế thế giới và trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó, những tác động bất lợi từ dịch tả lợn châu Phi, thiên tai, dịch bệnh... đã đặt ra thách thức không nhỏ đối với mục tiêu kiểm soát nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu tăng.
Để xử lý nợ xấu, thời gian qua, hàng loạt ngân hàng đã ráo riết thu hồi nợ xấu bằng việc bán tài sản mà các doanh nghiệp thế chấp, trong đó phần lớn là bất động sản.
Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, việc phát mãi tài sản đảm bảo là bất động sản để thu hồi nợ xấu của các ngân hàng không hề dễ dàng. Có những ngân hàng rao bán nhiều lần vẫn ế. Do đó, tốc độ xử lý nợ xấu phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường và nhu cầu của người mua.
Ông Hiếu cũng cho hay, hiện tại, các ngân hàng đang tìm cách xử lý tài sản bảo đảm với mong muốn có thể thu hồi lại nợ, vì họ biết rằng, giá trị của tài sản bảo đảm càng ngày càng đi xuống nếu tài sản đó được thu giữ mà không thể thanh lý được nhanh chóng. Những tài sản như: bất động sản, xe ô tô hay tài sản bảo đảm khác tại thời điểm này đang giảm giá mạnh vì sự suy yếu của nền kinh tế. Mặc dù lượng tài sản rao bán của các ngân hàng khá nhiều nhưng lượng người mua lại rất ít.
Kinh tế khó khăn, thu nhập giảm sút, nhu cầu mua sắm bị chững lại. Thực tế đó khiến các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thanh lý tài sản bảo đảm.
"Theo tôi, chỉ có cách tiếp tục hạ giá tài sản bảo đảm, ngân hàng có lẽ phải đứng giữa hai sự lựa chọn, hoặc là chịu thiệt hại thấp hoặc là chịu thiệt hại cao. Việc thanh lý tài sản bảo đảm để thu hồi lại nợ trong bối cảnh hiện nay đang là điều rất khó. Bước sang năm 2021, có thể nền kinh tế sẽ còn suy yếu hơn và giá trị của tài sản bảo đảm sẽ xuống thấp hơn nữa. Thành ra, phương pháp và tốt nhất hiện tại là chấp nhận một mức lỗ nào đó và thanh lý tài sản bảo đảm càng sớm càng tốt", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Vì sao nợ xấu đang lớn dần? Việc nhiều ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Thông tư 01 khiến tỷ lệ nợ xấu hiện nay chưa được phản ánh đúng. Báo cáo tài chính quý II/2020 của các ngân hàng cho thấy, mặc dù lợi nhuận tăng nhưng tỷ lệ nợ xấu đang lớn dần do đại dịch...