Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, vốn nước ngoài ở các địa phương còn thấp
Dù tình hình được cải thiện song tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn nước ngoài ở các địa phương còn thấp, nếu không có giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn thì đến cuối năm tỷ lệ vẫn sẽ không tăng nhiều.
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà tại Hội nghị với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 8 tháng đầu năm 2020, do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay (31/8) tại Hà Nội.
Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P)
Theo báo cáo của Bộ Tài chính thì đến ngày 27/8, con số này đã tăng lên mức 21,86% dự toán được các địa phương giao (tăng 9,14% so với số liệu đã báo cáo tại thời điểm Hội nghị giải ngân ngày 25/6/2020). Đối với nguồn vốn trung ương cho các địa phương vay lại, tỷ lệ giải ngân 8 tháng cũng mới chỉ đạt 29,3% dự toán được các địa phương giao.
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà nguyên nhân của việc giải ngân thấp, qua rà soát với các cơ quan chủ quản, các địa phương, các chủ dự án, các cơ quan tổng hợp, Bộ Tài chính thấy rằng các nguyên nhân là do việc không tiếp nhận được thiết bị, chuyên gia từ nước ngoài do đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, giải ngân kế hoạch vốn 2019 được chuyển nguồn kéo dài song song với giải ngân kế hoạch vốn 2020. Cùng với đó, công tác thực hiện đầu tư như giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu thầu kéo dài; dự án đầu tư liên tục phải điều chỉnh, thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay; chậm hoàn chứng từ từ tài khoản đặc biệt, các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, phụ thuộc vào kết quả đầu ra, xác nhận kiểm đếm của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến chấp thuận của Ngân hàng Thế giới … Đặc biệt, đến nay, Bộ Tài chính đã ghi nhận được thông tin có 05/62 địa phương đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng số là 1.617, 2 tỉ đồng, trong đó vốn cấp phát là 953,4 tỉ đồng, vốn vay lại là 663,8 tỷ đồng.
“Với thời gian còn lại của năm 2020, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của Chính phủ đặt ra còn rất nhiều, là thách thức cho tất cả các Bộ, ngành, địa phương. Nếu các Bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như năm 2019 sẽ ảnh hưởng lớn đến các nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội của giai đoạn trung hạn 2016- 2020″, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhận định.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các điểm cầu tại các tỉnh thành phố (Ảnh: M.P)
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, để có thể hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, các địa phương cần khẩn trương phân bổ chi tiết dự toán còn lại đến từng dự án, đảm bảo sát tiến độ, nhu cầu giải ngân của dự án. Trường hợp không có nhu cầu phân bổ tiếp số vốn còn chưa phân bổ hoặc trả lại số vốn không sử dụng, cần báo cáo ngay Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển kế hoạch vốn. Đối với các dự án giải ngân theo kết quả đầu ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương làm việc chặt chẽ với các cơ quan chủ quản chương trình, dự án (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng) để tiến hành kiểm đếm ngay cho từng dự án, từng địa phương đã có khối lượng hoàn thành; không chờ toàn bộ các địa phương tham gia chương trình, dự án ô hoàn thành mới tiến hành kiểm đếm. Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, cần có các giải pháp đồng bộ và quyết liệt của toàn thể hệ thống chính trị, của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương. Đối với các vấn đề phát sinh thuộc phạm vi trách nhiệm, Bộ Tài chính đã và sẽ tiếp tục chủ động phối hợp triển khai các biện pháp để giải quyết. Bộ Tài chính mong muốn các địa phương với tư cách là cơ quan chủ quản cần theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời các chủ dự án giải quyết các vướng mắc nhằm đạt được kết quả giải ngân năm 2020./.
Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công: Thừa vốn, khó tiêu
Các nơi đều xin vốn nhưng đến lúc có vốn lại không làm đến nơi đến chốn, thậm chí có đơn vị, địa phương xin giảm, cắt, đó là thực trạng bức tranh giải ngân vốn đầu tư công hiện nay. Mặc dù không ít đơn vị, địa phương phát động, coi như một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tuy nhiên, trong văn bản vừa báo cáo Thủ tướng về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã nêu rõ ước tính đến hết tháng 6, có tới 34 bộ, ngành và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công tạo ra những hiệu ứng gây lãng phí, ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế, thậm chí còn kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Trong số liệu của Bộ Tài chính cũng thắng thắn chỉ ra 4 cơ quan T.Ư có tỷ lệ thanh toán vốn đầu tư công 0% hay nói cách khác là chưa tiêu được đồng vốn đầu tư công nào, gồm: Văn phòng Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn DN Nhà nước.
Ngoài ra, Văn phòng T.Ư Đảng được phân bổ 222,8 tỷ đồng nhưng trong 6 tháng qua mới thanh toán được hơn 1 tỷ đồng, chiếm 0,47% tổng vốn được giao; Bộ Ngoại giao mới thanh toán được 1,75%... Đáng lưu ý, có bộ được giao đi kiểm tra tình hình thực hiện vốn đầu tư công những lại có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp như Bộ KH&ĐT mới thanh toán được 74,8 tỷ đồng trong tổng số 1.108 tỷ đồng được giao, chiếm 6,75%; Bộ Tài chính cũng chỉ đạt 20,8%. Trong danh sách hàng loạt các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 15% có Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước...
Giải ngân đầu tư công đang được xem là chìa khóa để kích cầu hiệu quả khi Nhà nước đóng vai trò hộ chi tiêu, thúc đẩy nền kinh tế sau đại dịch. Mặc dù việc này hiện đang đứng trước không ít thách thức, đặc biệt là phải thực hiện thận trọng khi đưa tiền vào nền kinh tế, đẩy lùi suy thoái nhưng không tạo ra áp lực lạm phát, không vì đẩy nhanh tiến độ mà làm ảnh hưởng đến chất lượng từng dự án được giao vốn. Tuy nhiên cũng cần phải nhấn mạnh đến căn bệnh trầm kha trong nhiều năm qua đó là việc ban hành văn bản chậm, phân bổ vốn chậm, thậm chí dù đã hết 6 tháng nhưng có đơn vị chưa phân bổ được vốn kế hoạch năm 2020. Bên cạnh đó là những yếu tố về ràng buộc vướng mắc trong giải ngân dự án, phân bổ vốn đầu tư cho dự án, "vốn mồi" của Nhà nước giải ngân ít ảnh hưởng đến thu hút các nguồn đầu tư xã hội...
Dù bất kỳ nguyên nhân nào thì việc giải ngân chậm cũng đều tạo ra những hiệu ứng gây lãng phí, ảnh hưởng tới các mục tiêu kinh tế, thậm chí còn kéo dài trong nhiều năm sau đó. Nỗ lực trong việc thu hút vốn đầu tư nhưng vấn đề giải ngân cũng đặt lên cấp thiết. Trong nhiều cuộc họp gần đây, Thủ tướng Chính phủ và không ít đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế không khỏi sốt ruột trước thực trạng trên. Thậm chí tới đây, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh đến việc sẽ đưa ra chế tài mạnh, sẽ có biện pháp với những người đứng đầu địa phương trong việc chậm giải ngân. Đó là việc làm cần thiết để bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế không chỉ trong năm nay mà còn của những năm tiếp theo.
Tháng 8, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020 Tổng cục Thống kê cho biết, với quyết tâm vừa đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình. Tốc...