Tỷ giá nổi sóng, vàng tăng giảm thất thường
Sau mấy phiên tăng nóng, giá vàng rơi vào trạng thái tăng giảm thất thường nhưng vẫn đứng giá cao hơn so với giá vàng thế giới quy đổi 1 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm hôm nay bất ngờ tăng thêm 10 đồng/ USD so với phiên ngày hôm qua.
Lúc 10h hôm nay 19.7, giá vàng SJC tại Hà Nội được một số doanh nghiệp vàng lớn niêm yết giao dịch ở mức 36,57 triệu đồng/lượng (mua vào) – 36,73 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 36,58 triệu đồng triệu đồng/lượng – 36,71 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
Trước đó, mở cửa thị trường, giá vàng miếng SJC giảm 20.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, xuống còn 36,53 triệu đồng/lượng – 36,73 triệu đồng/lượng. Sau đó, giá nhích tăng trở lại bằng đúng mức giá đóng cửa thị trường hôm qua.
Tỷ giá bất ngờ nổi sóng, giá vàng tăng giảm thất thường
Tại TPHCM, giá vàng SJC được một số doanh nghiệp vàng niêm yết giao dịch ở mức 36,42 triệu đồng/lượng – 36,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á đang có biên độ tăng 1,5 USD, giao dịch ở mức 1.330 USD/ounce. Phiên giao dịch đêm qua, giá vàng giao ngay giảm khoảng 0,7%, xuống 1.328,5 USD/ounce trong khi giá vàng giao tháng 8 tăng 1,8 USD, lên 1.329,2 USD/ounce. Hiện giá vàng thế giới quy đổi là 35,8 triệu đồng/lượng, vẫn thấp hơn giá trong nước gần 1 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng giảm bởi thị trường chứng khoán đi lên trong bối cảnh lo ngại của nhà đầu tư lắng dịu khi mà đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ không thành. Tuần qua, giá vàng giao ngay giảm 2%, ghi nhận tuần giảm đầu tiên trong 7 tuần qua khi giới đầu tư đổ tiền vào tìa sản rủi ro hơn.
Video đang HOT
“Những cơn sốt vàng đã dần đi vào quá khứ, thay vào đó là diễn biến khá phẳng lặng ở thời điểm hiện tại. Các nhà đầu tư hầu hết đứng ngoài để định hình lại xu hướng, số lượng phát sinh không đáng kể, chủ yếu là khach hàng nhỏ lẻ. Bởi vậy, thị trường đã phản ánh một bức tranh tổng thể với những giao dịch khá èo uột trầm lắng”, bản tin vàng của DOJI nhấn mạnh.
Đến với thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm của VND và USD áp dụng cho ngày hôm nay 19.7 theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 21.883 VND/USD. So với hôm qua, tỷ giá trung tâm tăng 10 VND. Một trong những nguyên nhân khiến tỷ giá trung tâm tăng là đồng USD trên thị trường quốc tế đi lên.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại vẫn giữ nguyên giá USD so với những ngày trước. Cụ thể, Vietcombank và BIDV để là 22.260 VND (mua vào) – 22.330 VND (bán ra); Eximbank giao dịch ở mức 22.250 VND – 22.330 VND; Tehcombank niêm yết ở mức 22.250 VND – 22.350 VND…
Việc các ngân hàng thương mại không phản ứng hoặc điều chỉnh ngược chiều với tỷ giá trung tâm diễn ra khá thường xuyên trong thời gian gần đây. Tuần qua, trong khi tỷ giá trung tâm tăng nhẹ 4 VND, lên mức 21.868 VND/USD thì tỷ giá giao dịch bình quân tại các ngân hàng thương mại giảm 2 VND, về mức 22.302 VND/USD.
Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặc dù có diễn biến tương đối bình ổn trong sáu tháng đầu năm nhưng BVSC đánh giá diễn biến tỷ giá trong 6 tháng còn lại của năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
“Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN”, BVSC bình luận.
Ngoài ra, tình trạng xuất siêu cũng chưa thật sự bền vững khi không xuất phát từ việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh mà chủ yếu do nhập nhập khẩu giảm bớt. Theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, biến động thị trường tiền tệ thế giới cùng cộng hưởng tại một thời điểm.
“Năm nay cũng không phải là ngoại lệ khi sự kiện Brexit vừa qua được dự báo sẽ còn có ảnh hưởng lâu dài, gây tác động mạnh tới giao dịch của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới. Ngoài ra, xu hướng tăng trở lại khá rõ nét của lạm phát trong hai quý cuối năm cũng có thể là một trong những nhân tố gây sức ép lên tỷ giá”, BVSC bình luận.
Theo tính toán của BVSC, mặc dù tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa vẫn nằm trong vùng an toàn, nhưng tỷ giá hữu hiệu thực đã tăng lên vùng “đáng lưu ý” đối với khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN.
“Nếu NHNN không hành động kịp thời, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực và từ đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế. Trong kịch bản trung bình, chúng tôi dự báo VND sẽ giảm giá khoảng 2-3% so với USD trong năm 2016″, BVSC ước tính.
Theo Danviet
Tỷ giá trung tâm tăng vọt sau sự kiện Brexit
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái đầu tiên đối với tỷ giá sau sự kiện Brexit, đó là điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng vọt lên 21 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Theo đó, ngày 27.6, NHNN đã công bố giá tỷ giá trung tâm là 21.866 VND/USD, tăng 21 đồng so với ngày 25.6 (21.845 VND/USD). Với biên độ /-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các NHTM sẽ mua bán là 22.521 VND/USD và giá sàn là 21.210 VND/USD.
Quyết định điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm cho thấy NHNN đã bắt đầu phản ánh tác động của sự kiện Brexit vào tỷ giá. Nhiều chuyên gia cũng nhận định, sự kiện Brexit sẽ tác động tới tỷ giá VND/USD. Sự tác động này không chỉ từ việc đồng Bảng Anh và đồng EUR giảm giá, mà còn là hiệu ứng domino từ việc giảm giá của các đồng bản tệ khác.
Vì sau Brexit tình hình tài chính toàn cầu sẽ trở nên diễn biến khó lường và theo chiều hướng tiêu cực nhiều hơn. Từ đó, nhiều quốc gia sẽ tiếp tục phá giá đồng tiền bản tệ của họ để hỗ trợ cho nền kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu. Cho nên, tỷ giá VND/USD sẽ bị ảnh hưởng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên nhằm tránh gây thiệt hại cho xuất khẩu.
Trước mắt, theo nhiều chuyên gia, sự mất giá của đồng EUR khiến hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang các nước châu Âu sẽ trở nên đắt đỏ, có thể buộc Trung Quốc phải hạ giá đồng Nhân dân tệ. Như vậy giá trị của VND với Nhân dân tệ sẽ tăng lên, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng, đồng thời hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam sẽ tăng cao.
Giới chuyên gia cũng cho rằng NHNN nên phá giá VND và nên duy trì quan đồng tiền yếu, bởi điều này sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu.
"Việc phá giá tiền VND sẽ làm cho doanh nghiệp tốt lên. Cần hạn chế nhập khẩu. "Nhập khẩu để làm gì? Quan trọng nhất là vấn đề giá trị gia tăng thu được và vùng nguyên liệu trong nước. Việc cản trở nhập khẩu sẽ tốt cho sản xuất trong nước", TS. Huỳnh Thế Du, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế trường Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh.
Theo Danviet
Brexit tác động thế nào tới tỷ giá VND/USD? NHNN có thể sẽ có động thái đầu tiên với tỷ giá trung tâm vào sáng nay (27.6) sau sự kiện Brexit. Sự kiện ngày 24.6, người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi Liên minh Châu Âu (Brexit) đã làm rúng động nền kinh tế toàn cầu. Quyết định này khiến đồng Bảng Anh mất giá 8% chỉ trong một ngày...