Tỷ giá khó biến động lớn
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, tỷ giá những tháng cuối năm khó biến động, tín dụng khó tăng cao.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam.
Ông đánh giá thế nào về tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam?
Covid-19 đã được kiểm soát ở Việt Nam, nhưng các nước trên thế giới vẫn đang phải đối mặt, nhất là Mỹ. Kinh tế Mỹ suy thoái và nước này tiếp tục đưa ra các gói cứu trợ khiến USD suy yếu. Điều này phần nào có tác động đến thị trường Việt Nam, song theo tôi là không quá lớn. Ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ sẽ chuyển sang nhập hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn.
Tuy nhiên, tổng thể cầu tiêu dùng của thế giới giảm chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam, dù ít hay nhiều. Mặt khác, các doanh nghiệp Mỹ không chỉ chọn mỗi Việt Nam để nhập hàng khi không còn lấy hàng hóa từ Trung Quốc nhiều như trước, mà có thể chuyển sang các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á…
Hiện nay, nguồn nguyên liệu chính phục vụ sản xuất vẫn từ Trung Quốc, nếu chuyển hướng sang lấy nguyên liệu ở các quốc gia khác để thay thế, thì có áp lực về chi phí thanh toán không, thưa ông?
Đúng là khi nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc bị hạn chế và doanh nghiệp không lấy nguồn nguyên liệu từ thị trường này, thì phải tìm thị trường khác để thay thế, trong đó có Hàn Quốc. Nhưng đây cũng là áp lực đối với doanh nghiệp Việt Nam, vì giá cả đầu vào sẽ tăng so với nguồn nguyên liệu trước đây. Để giảm được chi phí, về lâu dài, chúng ta phải tăng được nguồn nguyên liệu trong nước hoặc nguồn nguyên liệu ở các nước có chi phí thấp.
Nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp và tỷ giá từ giờ đến cuối năm sẽ ra sao?
Video đang HOT
Cầu về ngoại tệ của khách hàng doanh nghiệp trong gần 2 quý đầu năm nay chậm hơn so với cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, tình hình cũng dần được cải thiện kể từ tháng 5, tháng 6 vừa rồi. Nếu nhìn vào tăng trưởng xuất nhập khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ( FDI) tăng chậm, thì chắc chắn, tình hình ngoại hối cũng sẽ giảm. Nhưng theo tôi, tỷ giá tiền đồng từ nay đến cuối năm tiếp tục ổn định.
Ông nhận xét gì về sức hấp thụ vốn của nền kinh tế và sức khỏe doanh nghiệp?
Trong các doanh nghiệp tốt, cũng có doanh nghiệp vay vốn, song vốn vay sẽ không tăng cao so với trước đây. Còn những doanh nghiệp yếu kém nếu có nhu cầu vốn trong lúc này, cũng không dễ được đáp ứng, bởi các ngân hàng cũng thận trọng kiểm soát rủi ro nợ xấu, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Ngân hàng chỉ hỗ trợ vốn cho những doanh nghiệp khó khăn, nhưng có khả năng hồi phục để phát triển trong thời gian tới.
Trong đợt dịch vừa qua, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng khách hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Với những doanh nghiệp lớn, có sức chống chọi tốt, họ không có nhu cầu vốn vay, bởi đầu ra của sản phẩm gặp khó khăn do dịch bệnh.
Nhu cầu về tín dụng trong nước sẽ thế nào trong nửa cuối năm nay, thưa ông?
Tín dụng năm nay sẽ tăng chậm do tác động của Covid-19, doanh nghiệp không đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nên chưa có nhu cầu về vốn. Điều này cũng được chứng minh qua thực tế tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin mới đây, với dư nợ chỉ tăng 3,26% trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chắc chắn sẽ đẩy tín dụng lên mức khoảng 10% trong năm nay và tôi cho rằng, có khả năng đạt được mức này.
Theo ông, lãi suất có giảm thêm trong thời gian tới?
Tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất sẽ ổn định và khó giảm sâu, vì thực tế cho thấy, trong hệ thống ngân hàng, lãi suất đã xuống mức thấp. Lãi suất qua đêm liên ngân hàng xuống gần bằng 0-0,1%. Thanh khoản của các ngân hàng khá dồi dào, thậm chí dư thừa vốn. Nhưng quan trọng hơn là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp hiện nay chậm, nên mặt bằng lãi suất khó có thể tăng.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng khó có thể giảm lãi suất xuống thấp để ồ ạt đẩy vốn. Ngược lại, do lo ngại nợ xấu tăng trong bối cảnh dịch bệnh, các ngân hàng sẽ phải kiểm soát chặt rủi ro và chỉ cung ứng vốn cho những khách hàng đáp ứng được các điều kiện tín dụng.
Nợ xấu liệu có tăng do tác động của dịch bệnh đối với sức khỏe doanh nghiệp?
Trước ảnh hưởng của Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã sớm ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các ngân hàng cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng. Các ngân hàng được phép cho khách hàng kéo dài thời gian trả nợ đến hết tháng 9/2020. Do đó, nợ xấu của ngân hàng được dự báo sẽ tăng do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa phản ánh được, bởi các doanh nghiệp đang được cơ cấu lại nợ và giãn thời gian trả nợ các khoản vay.
Chuyên gia: 'Lãi suất năm 2020 được dự báo nhiều khả năng sẽ ổn định'
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, lãi suất năm 2020 được dự báo nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với năm 2019.
Mặt bằng lãi suất của Việt Nam như hiện tại vẫn cao so với lạm phát.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng nhìn chung, năm 2019, mặt bằng lãi suất biến động theo chiều hướng tăng. Cụ thể, trong 3 quý đầu năm, lãi suất huy động, chủ yếu là lãi suất huy động dài hạn được các ngân hàng điều chỉnh theo chiều hướng tăng, tất nhiên mức tăng không phải là quá lớn, do các ngân hàng đứng trước áp lực cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II và thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2019, NHNN đã đồng loạt điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,2 - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm.
Năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định. Bởi trước hết, hiệu ứng của việc NHNN hạn chế tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn, cũng như áp lực nâng cao năng lực tài chính (theo chuẩn Basel II) đã phản ánh trong năm 2019 rồi.
Thứ hai, năm 2020, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại so với năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn. Cùng với đó, một số lĩnh vực như bất động sản có thể vẫn tiếp tục xu hướng chững lại của năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho một số lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản cũng không quá mạnh trong năm 2020.
Thứ ba, nếu như nhìn tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2019 cũng đã có dấu hiệu chững lại, không còn tăng mạnh như những năm trước, nên sức ép lên lãi suất cũng sẽ không lớn.
Thứ tư, về yếu tố tỷ giá, trong cả năm 2019, tỷ giá được giữ tương đối ổn định. Năm 2020, nhiều khả năng tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nên sức ép tỷ giá lên lãi suất không nhiều.
Thứ năm, về yếu tố lạm phát, năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79%. Năm 2020, nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn một chút, tôi dự báo, lạm phát năm nay nằm trong khoảng 3,5%. Với mức lạm phát này vẫn nằm dưới ngưỡng 4%, nên tác động của yếu tố lạm phát đến lãi suất cũng không phải là quá mạnh.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất của Việt Nam như hiện tại vẫn cao so với lạm phát. Bởi, nếu với mức lạm phát dưới 4%, trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 năm trở lên có lãi suất khoảng 8%, thì mức lãi suất thực dương 4% không phải là nhỏ, cho thấy lãi suất vẫn đang neo ở mức khá cao", ông Độ nói.
Chuyên gia cũng cho rằng lãi suất cho vay phục vụ nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trong thị trường 1 (thị trường giữa các ngân hàng thương mại với các tổ chức kinh tế và cá nhân). Vì vậy, nếu người dân vẫn chủ yếu gửi tiền kỳ hạn ngắn thì lãi suất cho vay, nhất là vay dài hạn rất khó giảm.
Cuối năm 2019, NHNN đã thực hiện một số chính sách nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay như hạn chế trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm lãi suất điều hành. Khi NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn được kỳ vọng sẽ khuyến khích người dân chuyển sang gửi tiền kỳ hạn dài nhiều hơn.
Mặc dù vậy, tác động của chính sách này mạnh tới mức nào thì còn cần theo dõi thêm, nhất là trong bối cảnh người dân vẫn chưa thật sự tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế đất nước trong trung, dài hạn, nên cũng rất khó để có thể thay đổi thói quen gửi tiền ngắn hạn của người dân.
PV
Theo TBTC
Dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD, vẫn không lơ là kiểm soát tỷ giá Dự trữ ngoại hối 80 tỷ USD là tấm đệm giúp Việt Nam chống đỡ với các cú sốc từ bên ngoài trong năm nay. Tuy nhiên, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn phải rất thận trọng khi mua vào, bán ra ngoại tệ. Tỷ giá trong năm nay được dự báo chỉ biến động ở mức 1 - 2%. Ảnh:...