Tuyển Việt Nam đón cầu thủ Việt kiều: Khó có Đặng Văn Lâm thứ 2
Filip Nguyễn được nhắc đến như cái tên có thể giúp ích cho HLV Park Hang Seo ở tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, bóng đá Việt không dễ có Đặng Văn Lâm thứ 2…
1. Vừa qua, việc Filip Nguyễn chọn tuyển Czech, thay vì hướng đến tuyển Việt Nam trong lúc chờ nhập tịch khiến người hâm mộ tiếc nuối, bởi xem đó như sự bổ sung tốt cho đội hình HLV Park Hang Seo.
Tuy nhiên, hi vọng nhen trở lại, bởi trong trận thua trước Scotland vào đêm 8/9, Filip Nguyễn chỉ ngồi dự bị, có nghĩa vẩn có thể quay lại chọn tuyển Việt Nam nếu muốn, dựa theo luật của FIFA.
Hi vọng này thêm lớn khi cầu thủ mang 2 dòng máu Việt – Czech khó có cơ hội ra sân ở các trận đấu kế tiếp bởi vị trí người gác đền không dễ thay đổi chỉ sau một thất bại và người bắt chính là Mandous mắc lỗi trong bàn thua đầu.
Filip Nguyễn còn nguyên vẹn cơ hội quay trở lại khoác áo tuyển Việt Nam
2. Sau gần 30 năm, kể từ thời điểm quay trở lại hội nhập với bóng đá quốc tế, bóng đá Việt đã chào đón rất nhiều các cầu thủ sinh sống, trưởng thành ở nước ngoài nhưng có gốc gác Việt Nam quay trở về.
Thế nhưng, trong hàng chục trường hợp tìm về nguồn cội ấy đến lúc này mới chỉ có Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân đủ sức khoác áo tuyển Việt Nam, còn lại đều là… hàng thải (dù được đánh giá rất cao, giới thiệu có tiềm năng…) hoặc không đủ điều kiện dù năng lực rất cao như Lee Nguyễn chẳng hạn.
Ngay cả một số cầu thủ đang trụ lại ở V-League như Martin Lò, Adriano Schmidt, Tiêu Exal… nếu đánh giá một cách công bằng dường như cũng không hơn gì (nếu chẳng muốn nói kém) so với các cầu thủ trưởng thành ở Việt Nam, dù cũng được ngợi ca rất nhiều.
3. Có thể thấy, không phải cầu thủ Việt kiều nào cũng xuất sắc, hoặc đủ năng lực phục vụ tuyển Việt Nam. Thế nên, việc Filip Nguyễn lựa chọn khoác áo tuyển Czech về cơ bản cũng chẳng có gì phải quá bận tâm, khi chuyên môn cũng mới… nghe nói, hay qua băng hình là chính.
nhưng chắc chắn tuyển Việt Nam không phải thiên đường với các cầu thủ Việt kiều, khi mới chỉ chứng kiến một vài trường hợp thành công như Văn Lâm chẳng hạn
Video đang HOT
Cụ thể hơn nữa, nguồn cầu thủ Việt kiều chắc chắn không phải là sự kỳ vọng hay nền tảng cho sự phát triển của cả nền bóng đá hay thành công ở một giai đoạn nào đó. Và cái gốc suy cho cùng vẫn nằm ở hệ thống đào tạo trẻ, giải VĐQG… tức tự cường mà thôi, thay vì chờ vào nguồn lực từ nước ngoài.
Tất nhiên, nói như thế không hẳn bóng đá hay tuyển Quốc gia bỏ qua nguồn lực từ các cầu thủ có gốc gác Việt Nam. Nhưng đến lúc này chúng ta cần những người có chất lượng đồng thời khao khát phục vụ thực sự hơn là… đánh tiếng quay về khi nhìn thấy thành công từ Đặng Văn Lâm, Mạc Hồng Quân.
Vì sao ông Park không gặp Filip Nguyễn ở châu Âu?
Không hề vô lý khi Alexander Đặng chứ không phải Filip Nguyễn là cầu thủ Việt kiều duy nhất HLV Park Hang-seo tìm gặp trong chuyến đi châu Âu một năm về trước.
Filip Nguyễn là một tài năng lớn. Việc anh được đội tuyển CH Czech triệu tập dù chỉ lên đội hình B đã chứng minh điều đó. Những cầu thủ Việt kiều ở châu Âu như Filip là nguồn lực quý giá mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và HLV Park Hang-seo khao khát để tăng cường sức mạnh đội tuyển.
Nhưng đó cũng là nguồn lực khó sử dụng hơn cả với bóng đá Việt Nam.
Filip Nguyễn có gì khác Đặng Văn Lâm?
Cầu thủ Việt kiều là người gốc Việt sinh sống và chơi bóng tại nước ngoài. Dựa trên lịch sử, chúng ta có thể phân những cầu thủ này thành hai nhóm chính. Nhóm một có đại diện tiêu biểu là Filip Nguyễn. Nhóm hai là Đặng Văn Lâm. Thật thú vị, họ đều là thủ môn, là những người sẽ cạnh tranh trực tiếp vị trí với nhau nếu Filip Nguyễn được gọi lên tuyển quốc gia.
Nhóm Việt kiều đầu tiên là những người được ăn tập chuyên nghiệp từ nhỏ, sở hữu đẳng cấp bóng đá cao, thi đấu cho các CLB mạnh tại nước ngoài. Nhóm này chủ yếu xuất hiện trong vài năm trở lại đây, sau thành công rực rỡ của U23 và tuyển Việt Nam. Những tên tuổi nổi bật của nhóm này có Filip Nguyễn, Alexander Đặng, Jason 'Quang Vinh' Pendant...
Nhóm thứ hai chủ yếu chơi ở các đội trẻ hoặc bán chuyên, thậm chí trưởng thành từ bóng đá học đường như Đặng Văn Lâm, Keven Nguyễn, Adriano Schmidt, Martin Lo... Nhóm này có trình độ vừa phải, thường dưới mức sàn V.League. Họ về Việt Nam tìm cơ hội thi đấu cho các CLB trong nước trước khi mơ về màu áo tuyển quốc gia.
Đương nhiên, vẫn có những trường hợp đặc biệt như Lee Nguyễn lớn lên từ bóng đá học đường nhưng là siêu sao V.League. Tuy nhiên, ngoại lệ ấy không xuất hiện nhiều.
Thống kê cho thấy trình độ của Filip Nguyễn. Đồ họa: Minh Phúc.
Nói tóm lại, nhóm Việt kiều thứ nhất chơi bóng tại châu Âu là nguồn lực chất lượng cao hơn và là nhóm tuyển Việt Nam thực sự cần tới.
Vấn đề của VFF là phần lớn cầu thủ Việt kiều muốn lên tuyển đều không thuộc nhóm một. Những tài năng thực sự đang chơi bóng tại nước ngoài thường không muốn về V.League. Họ không sẵn sàng đánh đổi sự nghiệp ở châu Âu vì tuyển Việt Nam. Những cầu thủ đó dành ưu tiên lớn hơn cho đội tuyển bản địa mà họ lớn lên. Lee Nguyễn với tuyển Mỹ hay chính Filip với tuyển CH Czech là những ví dụ.
Những cầu thủ Việt kiều thuộc nhóm hai đều có trình độ kém hơn. Đa số hiểu nhầm về trình độ V.League. Họ trở về trong kỳ vọng nhưng chật vật để khẳng định mình ở môi trường bóng đá Việt Nam. Chỉ một phần nhỏ trong số này thành công và được lên tuyển Việt Nam như Đặng Văn Lâm. Nhưng khi đã được triệu tập, họ có nhiều cơ may trụ lại tuyển Việt Nam hơn cầu thủ ở nhóm một.
Lịch sử chứng minh tất cả cầu thủ Việt kiều từng lên tuyển Việt Nam đều đang chơi bóng tại V.League. Ngoài Văn Lâm, Mạc Hồng Quân, Đặng Văn Robert, Martin Lo là những ví dụ. Sau thời gian thi đấu ở V.League, cầu thủ thuộc nhóm này có lợi thế hơn hẳn những Việt kiều ở châu Âu bởi sự thấu hiểu văn hóa, ngôn ngữ và lối sống.
Keven Nguyễn (trái) chỉ là một trong nhiều cầu thủ Việt kiều không lường được sự khắc nghiệt của V.League. Ảnh: Minh Chiến.
Cái khó của cầu thủ Việt kiều ở châu Âu
So với các cầu thủ Việt kiều đang chơi tại V.League, Filip Nguyễn hay những cầu thủ khác sau này đều sẽ đối mặt với rào càn lớn mang tên quốc tịch. Quy định về nhập quốc tịch yêu cầu người nhập tịch phải trực tiếp có mặt, phải cư trú tại Việt Nam. Trong thời điểm dịch bệnh, điều đó càng khó thực hiện gấp bội.
Chính Filip Nguyễn và bố anh đều thừa nhận việc không thể có mặt tại Việt Nam để làm thủ tục là khó khăn bậc nhất của thủ môn này. Một chuyến đi từ châu Âu tới châu Á, việc thực hiện cách ly 14 ngày có thể giết chết sự nghiệp của Filip ở châu Âu. Đó là khó khăn đầu tiên của Filip nói riêng và các cầu thủ Việt kiều đang thi đấu tại châu Âu nói chung.
Nhưng đó chưa phải khó khăn duy nhất.
Bóng đá là môn thể thao tập thể, nơi sự xuất sắc cá nhân không quan trọng bằng tính tổ chức của toàn đội. Filip Nguyễn chơi ở hàng thủ, tuyến vốn đòi hỏi sự ăn ý, gắn kết cao độ. Sẽ thế nào nếu một thủ môn không thể chỉ huy hay tương tác với hậu vệ? Sẽ thế nào nếu anh ta không thể chỉnh nổi rào chắn, không tổ chức được những pha chống phạt góc? Không phải vô lý mà HLV Park Hang-seo từng nhắc đi nhắc lại yếu tố "hòa hợp" khi nói về khả năng sử dụng cầu thủ Việt kiều.
Chính Đặng Văn Lâm ngày mới về Hải Phòng cũng gặp rắc rối trong việc chỉ huy hàng thủ. Đó cũng sẽ là vấn đề của Filip bởi anh không biết tiếng Việt và chắc chắn có rất ít thời gian chơi bóng cùng đồng đội mới.
Vấn đề khác của Filip là sự khác biệt giữa hệ thống bóng đá châu Âu và châu Á. Mùa giải châu Á thường diễn ra từ đầu năm tới khoảng tháng 10, trước khi khép lại cho các giải đấu cấp đội tuyển. Mà giai đoạn cuối năm ấy mới là thời điểm khốc liệt nhất của bóng đá châu Âu. Nếu Filip Nguyễn lên tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo nhiều khả năng không thể có anh tại AFF Cup, giải đấu vẫn là quan trọng nhất với bóng đá Việt Nam. Ông sẽ chỉ có Filip trong các sự kiện theo lịch FIFA Day.
Năm ngoái, chúng ta từng thấy tuyển Việt Nam lo lắng thế nào khi Đoàn Văn Hậu hay Nguyễn Công Phượng phải tuân thủ hệ thống FIFA Day. Quãng đường di chuyển quá xa, thời gian nghỉ ngơi quá ngắn, khác biệt về múi giờ, đó là những vấn đề chung của cầu thủ châu Á chơi bóng tại châu Âu. Với Filip, vấn đề càng phức tạp hơn vì anh không hề quen thuộc với tuyển Việt Nam như Văn Hậu hay Công Phượng.
Việc chỉ có thể về nước theo lịch FIFA Day sẽ hạn chế cơ hội hòa nhập của Filip Nguyễn. Bởi tuyển Việt Nam vốn vận hành dựa trên các đợt tập trung dài hạn, chơi bóng trên sự ăn ý và thấu hiểu của một nhóm cầu thủ chủ chốt đã gắn bó cùng nhau qua nhiều giải đấu.
Alex Đặng là cầu thủ Việt kiều ở châu Âu duy nhất mà HLV Park Hang-seo đã gặp và xem thi đấu trực tiếp. Ảnh: Getty.
Ông Park cần tiền đạo hay thủ môn?
Vài năm trở lại đây, tuyển Việt Nam duy trì nhịp độ 10 tới 15 trận/năm. Nếu tuân thủ các quy định về FIFA Day, ông Park Hang-seo sẽ chỉ có Filip Nguyễn trong khoảng 40% số trận. Ông vẫn cần một phương án thủ môn khác những khi Filip vắng mặt. Đòi hỏi kép ấy cho vị trí thủ môn, vốn đề cao sự ổn định, sẽ mang tới khó khăn cho thầy Park.
Hai năm qua, vị trí thủ môn cũng không mang tới nhiều suy tư cho ông Park.
Kể từ AFF Cup 2018, vị trí thủ môn đã được đóng khung cho Đặng Văn Lâm. Thủ thành sinh năm 1993 đang ở độ tuổi đẹp nhất sự nghiệp, được chơi bóng tại CLB hàng đầu Thái Lan là Muangthong. Hơn hai năm qua, anh chơi ổn định, không bỏ một trận đấu quan trọng nào và cho thấy sự chuyên nghiệp cả trong lẫn ngoài sân cỏ.
Những hạn chế khách quan của Filip Nguyễn, Văn Lâm đều khắc phục được bằng kinh nghiệm chinh chiến dày dạn tại V.League. Anh cũng đã tạo được mối liên kết bền chặt, ăn ý với các trụ cột khác ở hàng thủ như Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh... Đó là chưa kể tới các dự bị chất lượng như Trần Nguyên Mạnh, Nguyễn Tuấn Mạnh hay thủ môn trẻ Nguyễn Văn Toản.
Sự vững tin trong khung gỗ có lẽ là lý do ông Park chỉ đi châu Âu một lần, chỉ gặp duy nhất Alexander Đặng mà không hề tìm tới Filip Nguyễn. Ông thầy người Hàn Quốc đã lên đường để bổ sung nhân sự cho tuyến yếu nhất của đội tuyển Việt Nam. Đó là vị trí tiền đạo chứ không phải thủ môn. Hơn hai năm qua, chúng ta hiếm khi thấy ông kêu ca về sự thiếu hụt trong khung gỗ.
Filip Nguyễn rất tài năng. Nhưng anh có thực sự là người ông Park Hang-seo cần? Sử dụng anh thế nào cho phù hợp với đội tuyển Việt Nam? Đó không phải những câu hỏi dễ với VFF và HLV Park.
Văn Lâm kẹt ở Thái Lan, Filip Nguyễn khó về, HLV Park Hang Seo chọn ai thay thế? Nếu không thể đưa Đặng Văn Lâm về dự AFF Cup 2020, HLV Park Hang Seo sẽ phải đau đầu với vị trí thủ môn của đội tuyển Việt Nam. HLV Park Hang Seo sẽ phải chuẩn bị cho kịch bản Đặng Văn Lâm không thể tham gia vào hành trình bảo vệ ngôi vương khu vực do Thai League không nghỉ tránh...