Tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai hoạt động trở lại
Do nước lũ sông Hồng đã rút, tuyến đường sắt qua địa bàn Yên Bái không còn ngập, ngành đường sắt đã cho các chuyến tàu vận hành trở lại.
Tuyến đường sắt qua TP Yên Bái bị ngập hôm 20/8, khiến các chuyến tàu chở khách phải tạm dừng. Ảnh: Báo Yên Bái
Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, cho biết 4h sáng 21/8, nước sông Hồng đã rút. Qua kiểm tra cho thấy những đoạn đường sắt bị ngập vẫn an toàn nên các chuyến tàu chở khách từ Lào Cai về Hà Nội và ngược lại đã hoạt động.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Dianmu, ngày 20/8, mực nước sông Hồng tại Yên Bái dâng cao, gây ngập một số điểm trên tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái, thuộc địa phận Công ty cổ phần Đường sắt Yên Lào quản lý. Để bảo đảm an toàn, từ 11h đến 15h10 ngày 20/8, Công ty Yên Lào đã cấm đường tại 5 vị trí thuộc TP Yên Bái và huyện Trấn Yên.
Các chuyến tàu chiều và tối qua vì thế không thể chạy thông suốt. Công ty CP Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội phải huy động ôtô đưa hành khách di chuyển tránh chỗ ngập, đảm bảo đúng hành trình.
Video đang HOT
Dianmu hình thành từ áp thấp trên khu vực bắc biển Đông chiều 17/8. Trưa 19/8, bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hải Phòng – Thái Bình với cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-12. Bão gây thiệt hại không đáng kể ở những địa phương đi qua vì tốc độ di chuyển nhanh. Tuy vậy, khi bão suy yếu thành áp thấp trên khu vực tây Bắc Bộ, mưa lớn đã gây ngập úng, sạt lở đất.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 21/8, mưa lũ đã làm 7 người chết (trong đó Yên Bái 2 người, số còn lại ở các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Sơn La). Ngoài ra, có 2 người ở Bắc Giang và Lào Cai bị mất tích, 8 người khác bị thương.
Phương Sơn
Theo VNE
7 người chết, cả nghìn ngôi nhà bị hư hỏng do mưa lũ
Ảnh hưởng của bão Dianmu, ba ngày qua các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa lớn, gây thiệt hại nặng với 7 người chết, cả nghìn ngôi nhà bị ngập, sập và hư hỏng.
Hoàn lưu bão số 3 Dianmu khiến hàng loạt tỉnh thành có mưa lớn, như: Sơn La, Hà Giang, Bắc Kạn, Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Phú Thọ và Thanh Hóa, Nghệ An. Lũ sông suối lên cao, nhất là sông Hồng qua Lào Cai, Yên Bái. 9h sáng nay lũ sông Hồng tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 31,93 m, bằng với mức báo động nguy hiểm nhất; tại Phú Thọ ở dưới báo động 2.
Theo Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng 21/8, mưa lũ đã làm 7 người chết (trong đó Yên Bái 2 người, số còn lại ở các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Bắc Giang, Sơn La). Ngoài ra, có 2 người ở Bắc Giang và Lào Cai bị mất tích, 8 người khác bị thương.
Về cơ sở vật chất, hơn 40 ngôi nhà tại các địa phương bị sập và cuốn trôi, khoảng 600 nhà khác bị tốc mái và hư hỏng; hơn 1.500 nhà khác bị ngập nước. Có 5 cầu nhỏ, ngầm tràn bị cuốn trôi, nhiều tuyến đường bị ách tắc do ngập sâu, sạt lở, như quốc lộ 15C huyện Mường Lát (Thanh Hóa), đường 12B, ĐT438B, ĐT446... Hòa Bình, đường DT261 Thái Nguyên.
Lượng mưa lớn khiến hơn 3.000 ha lúa ở Hà Nội bị ngập úng, buộc thành phố phải điều động 200 trạm bơm hoạt động hết công suất. Tại Vĩnh Phúc, 2.600 ha bị ngập trong đó hàng trăm ha đã xác định mất trắng. Cùng với thiệt hại về nông nghiệp, hàng nghìn con gia cầm và gia súc bị nước cuốn trôi...
Lũ làm ngập cục bộ tạ một số tuyến đường ở thành phố Yên Bái. Ảnh: Ngọc Thành.
Mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến hệ thống đê điều. Tại Bắc Giang, tuyến đê tả Cầu ở huyện Việt Yên xảy ra hai sự cố sạt lở mái đê phía sông có kích thước 5 m, chiều dài và độ rộng 2 m. Tại Hải Dương, đê hữu Kinh Thầy sạt dài 6 m, sâu một m, lấn sâu vào mặt đê một m; đê tả Lạch Tray cũng bị sạt dài 4 m. Tại Ninh Bình, hai tuyến kè trên đê hữu Đáy ở huyện Yên Khánh đã bị sạt lở nghiêm trọng với tổng chiều dài 390 m.
Mưa bão khiến 22 lộ đường dây 110 kV bị sự cố; 115 đường dây thuộc lưới điện phân phối gặp trục trặc, chủ yếu ở Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc. Đến sáng nay, sự cố mất điện lưới vẫn đang xảy ra tại ba tỉnh, trong đó Lạng Sơn có hơn 4.000 khách hàng chưa có điện; Quảng Ninh hơn 200 và tỉnh Hòa Bình 3.500. Trước đó chiều 20/8 lưới điện 500kV, 220kV, 110kV đã khôi phục vận hành, 8 tỉnh bị ảnh hưởng gồm Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Sơn La, Hưng Yên, Yên Bái được khắc phục.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa giảm dần, lũ trên các sông ở thượng lưu sẽ giảm nhanh, diện ngập lụt vì thế thu hẹp, nhưng nguy cơ sạt sở đất vẫn có thể xảy ra tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa. Lũ hạ lưu đồng bằng Bắc Bộ sẽ lên chậm, đêm nay mực nước các sông Lục Nam, Thương, Cầu, Bưởi, Mã sẽ trên báo động 1, dưới báo động 2.
Chiều 19/8, bão Dianmu đổ bộ vào đất liền các tỉnh Hải Phòng - Thái Bình với sức gió cấp 8-9, giật cấp 10-12. Bão gây thiệt hại không đáng kể ở những địa phương đi qua vì tốc độ di chuyển nhanh và nhanh chóng giảm cấp. Nhưng hoàn lưu trước và sau bão gây mưa to, khiến lũ sông suối lên cao.
Hải Bình
Theo VNE
Người dân Yên Bái bì bõm sơ tán tài sản Hơn 100 nhà bị úng ngập, thiệt hại ban đầu khoảng 30 tỷ đồng khi nước lũ dâng sau bão Dianmu và tràn vào thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Do ảnh hưởng của cơn bão Dianmu, Yên Bái có mưa lớn khiến nước sông dâng cao tràn vào thành phố. Lúc cao điểm, có nơi nước ngập hơn một mét khiến...