Tuyển Đức vẫn chưa thể quên Klose
Sáu năm đã trôi qua từ ngày Miroslav Klose chia tay tuyển quốc gia, đội Đức vẫn chưa thể tìm thấy chân sút đích thực như cựu tiền đạo sinh năm 1978.
Tuyển Đức bắt đầu chiến dịch UEFA Nations League 2020 với 2 điểm sau 2 trận gặp Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Như Toni Kroos thừa nhận, đây là kết quả “đặc biệt thất vọng”.
Vấn đề lớn của tuyển Đức cũng lộ ra sau các kết quả này. Đó là hàng công cùn mòn khi trung phong Timo Werner vẫn chưa cho thấy sự sắc bén.
Werner gây thất vọng tràn trề trong trận hòa giữa Đức với Thụy Sĩ tại Nations League. Ảnh: Reuters.
Trong nỗi nhớ Klose
Werner đã ghi bàn trong trận hòa 1-1 của Đức trước Tây Ban Nha ở lượt đấu đầu tiền. Đó là pha làm bàn thể hiện những tố chất đặc biệt của tiền đạo này khi anh vặn người vượt qua Torres, trước khi ra chân cực nhanh đưa bóng đi chìm đánh bại De Gea.
Trong khoảnh khắc ấy, người ta thấy hình bóng sát thủ vùng cấm ở Werner. Song kỳ vọng này nhanh chóng bị dập tắt khi chân sút sinh năm 1996 liên tục bỏ lỡ các cơ hội đối mặt với khung thành Tây Ban Nha.
Tới trận gặp Thụy Sĩ, mọi thứ càng trở nên tệ hơn khi Werner không tung ra cú sút trúng đích nào trong cả trận. Tuyển Đức ghi bàn nhờ pha sút bóng ngoài vùng cấm của tiền vệ Ilkay Guendogan.
Sự sắc bén của Klose vẫn là điều người Đức tìm kiếm ở những tiền đạo thời nay. Ảnh: Getty.
Bất chấp việc ghi 34 bàn cho Leipzig ở mùa giải trước, Werner chưa bao giờ được coi là mẫu sát thủ vùng cấm sút bách phát bách trúng. Điểm mạnh nhất của tiền đạo này là tốc độ cùng khả năng khai thác khoảng trống.
Trong hệ thống của tuyển Đức lúc này và Leipzig trước kia, Werner được giao vai trò tiền đạo liên tục gây sức ép lên hàng phòng ngự đối phương bằng kỹ năng di chuyển linh hoạt giữa các tuyến. Chelsea chịu bỏ gần 60 triệu bảng chiêu mộ Werner cũng vì điều này.
Anh là mẫu tiền đạo hiện đại, còn trẻ và thích hợp với phong cách chiến thuật theo xu hướng đề cao di chuyển không bóng.
Video đang HOT
Song dù giải mã theo cách nào, người ta vẫn có quyền nghi ngờ Werner khi anh liên tục bỏ lỡ các cơ hội ngon ăn trong các tình huống đối mặt khung thành đối phương.
Sự cùn mòn của Werner càng khiến CĐV thêm nhớ Miroslav Klose. Huyền thoại của tuyển Đức chưa từng có mùa giải nào ghi 34 bàn như Werner, song mỗi khi có cơ hội trong vùng cấm, Klose hiếm khi khiến khán giả thất vọng.
Tuyển Đức nương tựa vào kỹ năng săn bàn đó của Klose trong 12 năm. Ngoại trừ giải đấu EURO 2004, Đức với Klose làm mũi nhọn chưa từng dừng bước trước vòng bán kết ở bất kỳ giải đấu lớn nào trong thời gian này.
Tại World Cup 2014, Klose ở tuổi 36 vẫn ghi 3 bàn giúp Đức vô địch, chính thức khép lại kỷ nguyên của mình tại “Die Mannschaft” từ đó tới giờ.
Tại EURO 2016, giải đấu lớn đầu tiên không có Klose, Đức dù ép sân Pháp ở bán kết, sút 11 lần về phía khung thành Hugo Lloris, nhưng không thể ghi bàn vì thiếu đi sự sắc bén. Tới World Cup 2018, mọi chuyện có lẽ không cần nhắc lại.
So sánh về kỹ năng chơi bóng đơn thuần, Klose khó có thể vượt Werner ở các kỹ năng bổ trợ như tốc độ, cách di chuyển hay có thể là cả chuyền bóng. Song chỉ tính ở kỹ năng dứt điểm, yếu tố quan trọng nhất của tiền đạo, chân sút sinh năm 1996 vẫn ở đẳng cấp thấp hơn nhiều so với Klose.
Vấn đề của bóng đá Đức
Bất chấp việc ĐT Đức bị loại khỏi World Cup 2018 từ vòng bảng, nền bóng đá nước này vẫn là hình mẫu ở khả năng đào tạo, phát triển và cả xuất khẩu nhân tài.
Ở vị trí nào, Đức cũng đang có những cái tên sáng giác bậc nhất. Họ vừa xuất khẩu thành công tiền vệ công Kai Havertz tới Chelsea với giá 72 triệu bảng. Leon Goretzka vụt sáng thành tiền vệ con thoi hay bậc nhất thế giới sau khi cùng Bayern vô địch Champions League.
Gnabry và Sane đều đang là những cầu thủ tấn công biên tốp đầu thế giới với tốc độ cùng sự bùng nổ. Ở hàng phòng ngự, người Đức có Sule, Kimmich, Gonsens, Tah.
Tuyển Đức có thể trông chờ Havert hay Werner ở những trận cầu cân não? Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, tiền đạo vẫn là nỗi nhức nhối quá lớn. Việc đào tạo quá tốt các kỹ năng căn bản cho các tiền đạo ở lò đào tạo khiến những nhân tố trẻ quên mất việc trui rèn các ngón đòn tạo ra khác biệt.
Các chân sút như Werner giỏi đều các kỹ năng, nhưng không nổi bật lên hẳn ở khía cạnh nào vì lẽ đó.
Vì sao Klose là chuyên gia không chiến hàng đầu lịch sử? Chắc chắn không phải vì anh suốt ngày tập bứt tốc, chuyền bóng và phối hợp cùng đồng đội. Chân sút sinh năm 1978 đã bỏ ra nhiều thời gian để tập luyện, rèn ngón đòn đánh đầu trên sân tập và trở thành người giỏi nhất.
Khoảng trống Klose bỏ lại đã ám ảnh tuyển Đức suốt hơn nửa thập niên. Việc không có chân sút sở hữu khả năng chuyển hóa cơ hội thành bàn thắng theo cách đều đặn khiến Đức thường xuyên thất thế trong các trận đánh lớn.
Dàn hỏa lực ở biên của Die Mannschaft rất mạnh với Leroy Sane, Serge Gnabry hay chính Werner, song ở trong những cuộc chiến cân não, chỉ cú đá sắc lẹm từ tiền đạo cắm là có thể giải quyết trận đấu.
Điều này Đức lại không có, và chừng nào họ chưa giải quyết được, “Die Mannschaft” vẫn sẽ đứng trong cái bóng của đội hình vô địch World Cup 2014, dù lứa cầu thủ hiện tại có tài năng đến mức nào.
Đội hình dự kiến của tuyển Đức có giá hơn nửa tỷ euro
Đội hình tuyển Đức chuẩn bị đối đầu Tây Ban Nha ở Nations League có nhiều ngôi sao đắt giá như Kai Havertz, Leroy Sane và Timo Werner.
Đội hình dự kiến của đội tuyển Đức và giá trị của từng cầu thủ theo đánh giá của Transfermarkt. Đồ họa: Minh Phúc.
Timo Werner: Sau khi các tiền đạo đẳng cấp như Miroslav Klose, Thomas Muller... chia tay tuyển Đức, Werner nổi lên là phương án số một ở hàng công "Die Mannschaft". Tiền đạo sinh năm 1996 có màn ra mắt đội tuyển năm 2017 và ghi 11 bàn sau 29 trận tính đến nay. Ở kỳ chuyển nhượng mùa hè này, anh chuyển đến Chelsea sau mùa giải thành công với Leipzig.
Leroy Sane: Tiền vệ người Đức không được HLV Joachim Loew triệu tập cho chiến dịch World Cup 2018. Song, sau thất bại ở giải đấu đó, chiến lược gia sinh năm 1960 quyết định thực hiện một cuộc trẻ hóa. Sane là một trong những ngôi sao hàng đầu của đội hiện tại. Anh có 21 lần ra sân và ghi 5 bàn thắng cho "Die Mannschaft".
Julian Brandt: Tiền vệ sinh năm 1996 thi đấu trưởng thành trong màu áo Borussia Dortmund với lối chơi tốc độ và khả năng dứt điểm từ xa quyết đoán. Brandt bắt đầu sự nghiệp ở vị trí tiền vệ trái. Tuy nhiên, trong mùa giải vừa qua, anh chủ yếu chơi tiền vệ trung tâm, ghi dấu ấn với 7 bàn và 13 pha kiến tạo cho Dortmund. Cầu thủ này đã có 33 lần khoác áo tuyển Đức.
Kai Havertz: Tiền vệ người Đức chuẩn bị trở thành bản hợp đồng đắt giá nhất lịch sử Chelsea sau khi trải qua mùa giải thành công với Bayer Leverkusen. Havertz chủ yếu chơi ở vị trí tiền vệ công, nhưng có thể thi đấu tại cánh phải hoặc đá cắm. Ở mùa giải năm ngoái, anh ghi 18 bàn và có 9 pha kiến tạo cho Bayer Leverkusen. Tiền vệ sinh năm 1999 mới có 7 lần ra sân cho đội tuyển và ghi dấu ấn với một pha lập công.
Toni Kroos: Tiền vệ khoác áo Real Madrid là một trong những trụ cột của đội tuyển được gọi lên tập trung lần này. Sau khi Muller, Mats Hummels, Jerome Boateng bị HLV Loew tuyên bố không còn nằm trong kế hoạch của đội tuyển, Kroos vẫn trụ lại nhờ duy trì phong độ đỉnh cao trong màu áo CLB. Ở mùa giải vừa qua, anh ra sân 45 trận cho Real Madrid. Tính đến nay, tiền vệ này cũng có tới 96 lần khoác áo tuyển quốc gia.
Ilkay Gundogan: Việc thi đấu 50 trận cho Man City mùa giải vừa qua, ghi 5 bàn và có 5 pha kiến tạo, giúp Gundogan được HLV Loew triệu tập lên tuyển Đức ở đợt tập trung lần này. Kinh nghiệm của anh và Kroos sẽ giúp "Die Mannschaft" tự tin đối đầu đội chơi thiên về kiểm soát bóng như Tây Ban Nha tại Nations League.
Robin Gosens: Đây là lần đầu tiên hậu vệ sinh năm 1994 được triệu tập lên tuyển quốc gia. Ở mùa giải vừa qua, Gosens là trụ cột của Atalanta với 43 lần ra sân trên mọi đấu trường, ghi 10 bàn và có 8 pha kiến tạo. Anh chủ yếu đá tiền vệ trái, nhưng cũng được đẩy lùi xuống chơi hậu vệ. Cầu thủ này góp công lớn giúp đại diện Italy vào tới tứ kết Champions League 2019/20.
Niklas Sule: Hậu vệ người Đức có màn ra mắt đội tuyển năm 2016, nhưng chưa từng là sự lựa chọn số một ở hàng thủ. Anh mới có 24 lần ra sân cho "Die Mannschaft". Sau quãng thời gian dài đối mặt chấn thương dây chằng, Sule trở lại đội hình Bayern Munich và được đưa vào sân ở một số trận đấu quan trọng. Anh được HLV Loew đặt niềm tin ở đợt tập trung lần này.
Antonio Rudiger: Rudiger không phải sự lựa chọn số một ở hàng thủ Chelsea, nhưng lại được HLV Loew tin dùng trong hành trình tái thiết tuyển Đức. Anh là một trong những cầu thủ góp mặt trong đội hình đăng quang World Cup 2014. Tính đến nay, Rudiger đã có 30 lần khoác áo "Die Mannschaft" và ghi một bàn thắng.
Thilo Kehrer: Hậu vệ sinh năm 1996 ra sân tổng cộng 21 trận cho PSG ở mùa giải vừa qua. Anh đá trọn 90 phút trong trận lượt về vòng 16 đội, tứ kết, bán kết và chung kết Champions League 2019/20. Tuy nhiên, Kehrer vẫn cần thời gian để hoàn thiện bản thân. Cầu thủ này ra mắt đội tuyển năm 2018 và mới có 7 lần khoác áo "Die Mannschaft".
Bernd Leno: Thủ thành khoác áo Arsenal mới có 6 lần ra sân cho tuyển Đức vì không thể cạnh tranh vị trí với Manuel Neuer và Marc-Andre ter Stegen. Tuy nhiên, ở đợt tập trung lần này, cả hai người đàn anh đều không được gọi lên tuyển. Leno đứng trước cơ hội chứng tỏ bản thân sau khoảng thời gian điều trị chấn thương dây chằng. Trong mùa giải vừa qua, anh ra sân 32 trận cho "Pháo thủ", để thủng 41 bàn và giữ sạch lưới 9 lần.
Bayern Munich CHÍNH THỨC đón Miroslav Klose trở lại Miroslav Klose trở lại Bayern Munich Tiền đạo Miroslav Klose có 4 năm chơi bóng cho Bayern Munich (từ năm 2007 đến năm 2011), trong khoảng thời gian này anh ghi 53 bàn sau 149 lần ra sân. Ngôi sao người Đức cùng "Hùm xám" giành 2 chức vô địch Bundesliga và 2 cúp QG Đức. Miroslav Klose gia nhập thành phần BHL...