Tuyển Đức chạy trốn cái chết sau trận thắng Bồ Đào Nha
Đêm 19/6, thầy trò huấn luyện viên Joachim Loew đã có màn lội ngược dòng ấn tượng khi đánh bại đương kim vô địch Euro Bồ Đào Nha với tỷ số 4-2.
Sau một đêm với 3 trận đấu khá tẻ nhạt và chỉ 3 bàn thắng được ghi, bữa tiệc bóng đá với đầy đủ các cung bậc kịch tính trong 2 trận đấu của “bảng tử thần”.
Bây giờ nó đúng là “bảng tử thần”, khi tất cả bị xới tung lên trong 180 phút ấy, để rồi trận chung kết bảng sẽ là đêm thứ 4, khi Bồ Đào Nha gặp Pháp, còn Đức “chỉ” phải gặp Hungary.
Cristiano Ronaldo không cứu nổi Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters.
Trận đấu hấp dẫn tại Munich
Bữa tiệc của người Đức ở sân Allianz Arena là một đêm hội nhạc rock nặng thực sự, và ai cũng cảm thấy mình hạnh phúc tột độ trong đêm đặc biệt này, trừ các cầu thủ Bồ Đào Nha và cổ động viên của họ, những vị khách đen đủi và yếu ớt đến mức không ai có thể nhận ra.
Lần đầu tiên kể từ World Cup 2014, họ thủng lưới 4 bàn trong một trận (đội làm được điều đó ở vòng bảng World Cup năm ấy chính là Đức). Lần đầu tiên một đội đương kim vô địch Euro thủng lưới nhiều đến thế ở vòng bảng kể từ Euro 2000 (trớ trêu thay, đội đương kim vô địch ngày ấy chính là Đức, và họ thua Bồ Đào Nha 0-3).
Khi Ronaldo ghi bàn thắng ở ngay thứ 15, trong pha phản công thần tốc của Bồ Đào Nha, bàn thứ 3 của anh trong 2 trận liên tiếp, có sự im lặng trong giây lát bao trùm lấy các khán đài của sân Allianz Arena. Nhưng ngay sau đó, các khán đài bừng tỉnh, những cầu thủ áo trắng choàng thức giấc cho cuộc lội ngược dòng đẹp đẽ nhất mà họ từng làm được trong mấy năm qua.
Từ phút thứ 35 đến phút 60, cỗ xe tăng Đức đã nghiền nát nhà đương kim vô địch bằng một thứ bóng đá tốc độ, mạnh mẽ, liên tục khoan sâu vào 2 cánh của Bồ Đào Nha và cuối cùng làm tan chảy hàng thủ chậm chạp và yếu ớt của họ. Ruben Dias, cầu thủ hay nhất Premier League mùa bóng vừa kết thúc, có tên trong danh sách ghi bàn, nhưng là vào lưới nhà, giúp Đức hòa 1-1.
Guerreiro, đồng đội bên cánh trái của anh, giúp Đức có bàn thứ 2 ngay sau đó. Và những cơn sóng dữ liên tục từ hai biên của Đức giúp họ có thêm 2 bàn nữa của Havertz và Gosens. Một bàn gỡ của Jota chỉ để an ủi, không hơn không kém.
Joachim Loew chứng tỏ giá trị
Tuyển Đức đã có chiến thắng trong trận đấu có nhiều bàn nhất giải cho tới lúc này. Tác động của nó quá lớn, bởi Bồ Đào Nha là đội đang giữ Cúp bạc vô địch, và trận thua Pháp đẩy Đức vào hoàn cảnh ngặt nghèo là phải chiến thắng để hy vọng đi tiếp.
Họ đã làm được điều ấy bằng sự quyết tâm vô song, dù ban đầu bị Ronaldo dội một gáo nước lạnh buốt xương. Những chỉ trích của dư luận, của nhiều tên tuổi lớn của bóng đá Đức với Joachim Loew từ trận thua trước vẫn còn ám ảnh. Người ta không muốn nhìn thấy Đức tiếp tục đá 3 trung vệ và chấp nhận việc Loew đẩy Joshua Kimmich lên bám cánh phải trong hàng tiền vệ 4 người.
Video đang HOT
Gosens và Kimmich tham gia vào 4 bàn thắng của tuyển Đức. Ảnh Reuters.
Loew đã bất chấp tất cả và vẫn bố trí sơ đồ 3-4-3 mà người Đức căm ghét ấy ở trận đấu với Bồ Đào Nha. Và ông giành chiến thắng, và Đức chiến thắng trong cuộc chiến này, một thắng lợi để ngẩng cao đầu, để nuôi hy vọng, để chạy trốn tử thần đã gọi tên họ từ trận thua Pháp.
Chỉ trong 90 phút, những nỗi nhục nhã của trận thua Tây Ban Nha 0-6 ở Nations League năm ngoái và trận thua sốc Bắc Macedonia mấy tháng trước ở vòng loại World Cup 2022 tạm tan biến đi.
Cơ hội nào cho Bồ Đào Nha?
Giờ đây, cục diện của “bảng tử thần” thật khó lường trước. Đức đã thắng trong một trận đấu mà thực ra Bồ Đào Nha chỉ chơi hay trong một vài phút ngắn ngủi và khi thua, người ta lại nhìn thấy tuổi tác của Ronaldo và Pepe cũng như hàng loạt vấn đề ở hàng thủ và hàng tiền vệ.
Trong trận trước đó, Bồ Đào Nha cũng đã chơi thiếu thuyết phục với đội chủ nhà Hungary và chỉ chiến thắng ở 10 phút cuối cùng. Giờ đây, Đức, với 3 điểm trong tay và đang đứng trên Bồ Đào Nha nhờ thắng trong đối đầu trực tiếp, có vẻ như đang có một nhiệm vụ dễ dàng hơn trong trận đấu cuối cùng.
Đúng là Hungary đã có một điểm trong trận đấu nghẹt thở tại Budapest, nhưng ở trận cuối, họ sẽ phải bay đến Munich và đá với Đức trên sân Allianz Arena.
Yếu tố sân nhà, động lực lớn của họ, không còn tác dụng nữa, mà lại có ích cho Đức, đội đã hồi sinh mạnh mẽ và mới chỉ thua Hungary có 2 lần trong 12 cuộc gặp gỡ giữa họ trong nửa thế kỷ qua. Đây cũng là trận đấu chính thức đầu tiên giữa Đức và Hungary kể từ trận chung kết World Cup 1954 (mà Đức thắng 3-2).
Ronaldo cùng đồng đội phải căng sức thi đấu với Pháp ở lượt trận tới. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, một Bồ Đào Nha tổn thương sẽ gặp Pháp đang có khá nhiều vấn đề phải xử lý. Hàng công khủng khiếp với những tên tuổi lớn của họ trong 2 trận chỉ ghi được 1 bàn (Griezmann), bàn còn lại là hậu vệ Hummels của Đức tự ghi vào lưới nhà. Benzema, người được Deschamps gọi lại sau mấy năm, tiếp tục gây thất vọng.
Và tinh thần chiến đấu của Hungary đã khiến họ rơi vào những khó khăn lớn lao. Pháp – Bồ Đào Nha, cuộc tái đấu 5 năm sau trận chung kết Euro 2016, có thể sẽ là trận chung kết mang tính sống chết khác. Kể từ đó, Bồ Đào Nha đã gặp Pháp 2 lần ở Nations League và đều không thua. Còn lần này, ai sẽ đi đến gặp thần chết và ai đi vào vòng 1/8, hoặc cả hai cùng vào?
Câu trả lời sẽ có trong những ngày tới, và việc bảng này có thực sự chết chóc hay không còn phụ thuộc một yếu tố nữa: Các đội đứng thứ ba các bảng đá trước (từ A đến E).
Việc 2 trận đấu thứ 3 của bảng F đá ngày cuối cùng vòng bảng giúp cho cả 4 đội trong bảng F nhìn ra được cơ hội, triển vọng cũng như nguy cơ của mình, với khả năng tốt nhất cho Pháp, Bồ Đào Nha và Đức là một trong số họ đầu bảng, khả năng tệ nhất là một trong 3 đội này phải đứng thứ 3 và bị loại, khả năng tốt hơn là dù có đứng thứ 3 vẫn vào vòng 1/8.
Nhưng vẫn còn một khả năng khác: Nếu Hungary thắng đậm Đức trong trận đấu đêm thứ 4, trong khi Pháp thua đậm Bồ Đào Nha, nếu so sánh với các bảng khác có lợi cho họ, họ sẽ vào vòng 1/8 và Đức về nhà.
Thực tế chuyên môn giữa Đức và Hungary khá chênh lệch, khả năng ấy khá nhỏ, nhưng ai biết được, trong cái bảng đã bị xáo trộn tùng phèo thế này, điều gì có thể sẽ xảy ra.
Trước Bồ Đào Nha của Ronaldo, Đức phải thay đổi triệt để
Đức cần ít nhất 1 điểm trước đương kim vô địch Bồ Đào Nha để nuôi hy vọng vượt qua vòng bảng. Muốn thế, ông Joachim Loew phải mạnh dạn thực hiện nhiều sự thay đổi.
Thất bại trước Pháp với tỷ số 0-1 trận đầu ra quân không phải là cái thua bạc nhược với tuyển Đức. Họ đã kết thúc trận đấu với 4 tiền đạo trên sân. Cả trận, ông Joachim Loew sử dụng 6 tiền đạo. Nhà vô địch World Cup 2014 thể hiện tinh thần thi đấu rất tốt, chiến đấu vì nhau, lao lên tấn công trong suốt cả hiệp 2 để tìm kiếm bàn gỡ hòa.
Nhưng sao Đức vẫn thất bại? Vì đội Pháp chủ động đá thấp, không cho đối thủ tạo ra các cơ hội ghi bàn. Khi một đội có tổ chức cao như "Les Bleus" chủ động làm thế, đối thủ nào cũng gặp khó khăn. Và cũng phải nói, Đức thiếu các phương án tấn công linh hoạt.
HLV Joachim Loew cần có những thay đổi trong trận gặp Bồ Đào Nha. Ảnh: Reuters.
3-4-3 là sơ đồ sai lầm
Loew có những sai lầm nhất định trong việc dùng chiến thuật. Sử dụng sơ đồ 3-4-3 khi không có cầu thủ chạy cánh tốt là không nên. Pháp chỉ cần cắt cử cầu thủ bám chặt hai bên cánh là có thể cắt liên lạc giữa 3 tiền đạo của Đức phía trên với toàn bộ đội bóng.
Thật ra, bên cánh trái của Đức có Robin Gosens chơi rất cừ. Nhưng Pháp đã vô hiệu hóa anh từ xa rất thành công. Họ luôn để cho Gosens nhận bóng khi đứng cách xa khung thành Pháp 40 m với 2 bức tường màu xanh chặn trước mặt anh.
Gosens không còn cách nào khác là tạt các đường bóng quá sớm về phía 3 tiền đạo không giỏi không chiến, hoặc nhả lại bóng cho 2 tiền vệ trung tâm. Thomas Muller là cầu thủ biết đánh đầu? Đúng, nhưng Muller chỉ giỏi đánh đầu theo kiểu lẻn ra sau lưng đối phương, ở những pha bóng tranh chấp lộn xộn trong vùng cấm. Muller không có kỹ năng không chiến giỏi như Mario Gomez hay Miroslav Klose.
Chính vì khả năng không chiến hạn chế nên Đức cũng không hiệu quả trong các pha bóng cố định. Đây là món đặc sản truyền thống của họ, được vận dụng tốt trong chiến dịch lên ngôi vô địch World Cup 2014.
Các đường chuyền ở giữa sân của Đức vung vãi xung quanh đội Pháp đã chủ động chơi thấp, không đủ sắc để làm chủ nhịp điệu, không khuấy động hay làm rối được phòng tuyến của đoàn quân áo lam. Pháp cần một nhịp điệu trên sân chậm rãi, và họ đã có điều đó.
Hàng công tuyển Đức vẫn thiếu một tiền đạo mục tiêu. Ảnh: Reuters.
Thiếu một trung phong chủ công
Đức không tạo ra những cơ hội rõ rệt, các đường chuyền quyết định không đến, họ thiếu ý tưởng ở 1/3 đầu sân của Pháp. Đội bóng của ông Loew thiếu một chủ công, người mà bóng luôn hướng đến chỗ đó.
Sử dụng một số 9 ảo như Kai Harvetz là sai lầm. Người họ cần là một mẫu trung phong mồi như Gomez, để tất cả đường bóng hướng đến đó, rơi rụng ra xung quanh thì sẽ có Serge Gnarby hay Muller tận dụng. Kevin Volland hay Timo Werner không phải là người như vậy.
Ở Bundesliga có một tiền đạo như vậy là Nils Petersen đang đá cho Freiburg nhưng ông Loew không trọng dụng. Petersen cùng với Gnarby là đồng vua phá lưới tại Olympic 2016 với 6 bàn. Gnarby là tiền đạo có phong độ tốt nhất đội Đức, không gọi thêm Petersen để họ cùng hỗ trợ nhau quả là lãng phí.
Đức kết thúc trận gặp Pháp với 4 tiền đạo, nhưng thật tệ khi thấy Leroy Sane đứng ở trung tâm còn số 9 đích thực Volland lại chơi ở cánh. Sane là cầu thủ giỏi trong các pha phản công, đưa anh vào sân khi Pháp đã khóa chặt các khoảng trống phía sau chỉ là một hành động thay người tuyệt vọng của ông Loew.
Mạnh dạn gạt bỏ công thần
Đừng kỳ vọng nhiều vào việc Đức hạ Bồ Đào Nha. Từ Euro 2016 cho đến nay, sau 5 năm, Đức chỉ 2 lần đánh bại các đội bóng lớn trong 90 phút. Đó là trận giao hữu thắng Anh 1-0 đầu năm 2017 và trận vòng loại Euro thắng Hà Lan 3-2 đầu năm 2019. Tháng 11 năm ngoái, họ thua Tây Ban Nha 0-6 tại Nations League.
Bồ Đào Nha không giỏi lắm trong tấn công. Đừng để tỉ số 3-0 của họ trước Hungary làm hỏng các suy đoán. Đến phút 84, Bồ Đào Nha mới chọc thủng lưới Hungary bàn đầu tiên, kết quả của việc đưa cầu thủ Renato Sanches vào khuấy đảo Hungary ở phút 81.
Nhưng Bồ Đào Nha giỏi trong phòng thủ. Hãy xem họ phòng thủ để giành cúp vô địch Euro 2016 thế nào. Họ sẵn sàng hài lòng với kết quả hòa trước Đức. Họ có khả năng "copy" lối chơi của Pháp để đối phó với Đức.
Nhưng nếu Bồ Đào Nha ghi bàn trước vào lưới từ một pha phản công bằng việc đưa bóng lên cho Cristiano Ronaldo và sau đó tiếp tục chơi với đội hình thì làm sao? Sẽ lại là một sự bất lực nữa cho Đức như trước Hàn Quốc tại Nga cách đây 3 năm?
Đức phải chủ động thay đổi, chuyển sang dùng sơ đồ 4 hậu vệ. Kéo Goosens lui xuống bên cánh trái. Lukas Klostermann chưa thể thi đấu thì dùng Niklas Sule hoặc Matthias Ginter vào cánh phải. Đưa Joshua Kimmich vào tuyến giữa. Chơi với một trung phong đích thực, thời điểm này Werner kém phong độ thì hãy tin dùng Volland.
HLV Loew cần mạnh dạn loại bỏ công thần ra khỏi đội hình chính. Gundogan chơi rất mờ nhạt ở trận gặp Pháp, Toni Kroos cũng chậm chạp trong việc luân chuyển bóng. Giải đấu Kroos chơi hay nhất đã cách đây 7 năm, tại World Cup 2014.
Tại giải đó, Loew cũng loại Schweinsteiger ra khỏi đội hình chính vài trận và đến cuối giải anh chơi rất tốt. Schweinsteiger khi đó hệt như Kroos bây giờ, tương đồng về tuổi tác, địa vị trong đội, sự kỳ vọng đặt lên vai cũng như phong độ chưa tốt. Nên có khi bây giờ tạm loại Kroos ra khỏi đội hình chính vừa tốt cho anh, vừa tốt cho đội.
Dựa vào số cầu thủ hiện có, Đức sẽ khó chơi kiểu 4-4-2, 4-3-3 hay 4-3-1-2. Tốt nhất là sơ đồ 4-2-3-1. Nếu Đức chơi với sơ đồ 4-2-3-1 thì lý tưởng nhất lúc này là để Leon Goretzka cùng Kimmich ở giữa sân, phía trên là Gnarby, Sane, Muller hỗ trợ cho Volland.
Bi kịch Euro 2004 có lặp lại với tuyển Đức? Nếu không thể có được kết quả tốt trong 2 trận đấu còn lại ở vòng bảng Euro 2020, tuyển Đức sẽ phải rời giải đấu này trong nỗi thất vọng tột cùng. Kịch bản cũ lặp lại. Trận thua trước tuyển Pháp cho thấy đội quân của HLV Joachim Loew trong năm 2021 dễ bị đánh bại hơn bình thường. Leroy Sane...