Tuyên chiến với nạn “độ” xe cho “quái xế”
Hàng loạt cửa hàng sửa xe tại TP.HCM vừa đồng loạt treo biển “nói không với độ xe cho quái xế”. Tuy nhiên, “nạn độ xe” vẫn có dấu hiệu hoành hành dữ dội.
Mấy năm trở lại đây, trên địa bàn TP.HCM đã có rất nhiều những “lò” chuyên nâng độ xe, nhằm phục vụ nhu cầu của những “quái xế” có sở thích đam mê tốc độ. Dân “quái xế” muốn những con “chiến mã” của mình phải trông thật “ngầu” và “hoành tráng” để thể hiện đẳng cấp với người khác. Cuộc chiến “nói không với độ xe cho quái xế” vừa được nhiều cửa hàng tham gia nhưng dường như chưa phải là “nói để làm”.
Một thợ sửa xe tại tiệm Thành Huy (Q. Thủ Đức) đang “độ” lại chiếc xe Wave cho một “quái xế”. Ảnh: Trần Thắng
“Miệng nói không, tay bảo có”!
Theo thông tin từ một vài tờ báo, việc cấm độ xe cho những quái xế, không chỉ được người dân hưởng ứng mà ngay cả những thợ sửa xe cũng đồng loạt ký vào bản cam kết “không nâng độ xe gắn máy”. Thông tin đó mới nghe có vẻ đã làm cho người dân “nức lòng”, khi những người hưởng lợi từ việc giúp sức cho dân đua xe cũng đã từ bỏ lợi nhuận của mình mà góp thêm niềm vui cho nhiều người. Nhưng thực tế thì các tiệm sửa xe đã làm đúng như những gì họ nói chưa? Theo thông tin của PV Người đưa tin, chỉ có một số nhỏ giữ lời, còn tất cả chỉ “miệng nói có, tay nói không”.
Đi một vòng TP.HCM, những con đường có nhiều tiệm sửa xe nổi tiếng như con hẻm nhỏ đường Cống Quỳnh (Q.1) được giới quái xế xem như là một phố “phù thuỷ” độ xe tay ga và môtô dạng “khủng”. Trong con hẻm này, giới độ xe đặc biệt “kính nể” ông trùm độ xe tên là K.. Giá tiền mà K. độ mỗi xe tay ga không dưới 50-60 “chai” (triệu đồng), riêng môtô chi phí lên đời 100 – 200 “chai” cũng là chuyện bình thường. Dù lò độ của K. không bảng hiệu, không hoành tráng nhưng mọi ngày, tiếng gầm rú của môtô “khủng” thường xuyên gây ồn ào, náo động cả con hẻm nhỏ. Nhiều người dân ở đây cũng không bằng lòng nhưng cũng không dám nói, bởi K. cũng là “tay chơi”. Vì quen với dân quái xế, mối quan hệ với những thành phần bất hảo nhiều nên việc “làm ăn” của K. cứ gọi là “xuôi chèo mát mái”.
Quanh đường Bùi Hữu Nghĩa (Q.Bình Thạnh) có rất nhiều thợ sửa xe lôi kéo, mời mọc độ xe. Khu vực này có đến gần 50 cửa hàng, tiệm sửa chữa xe máy các loại, đồng thời cũng là chợ “luộc” xe có tiếng. Đáng lưu ý hơn, những thợ sửa xe “luộc” xe để lấy đồ độ xe cho các quái xế, bởi những xe còn “zin” thường có đồ chất lượng nên được dân quái xế ưa chuộng. Mỗi khi các quái xế cần phụ tùng để “tút tát” cho “xế cưng” của mình, địa chỉ quen thuộc nhất là những cửa hàng trên con đường này.
Video đang HOT
H. là chủ tiệm sửa xe H.L, quảng cáo: “Em yên tâm, lò của anh chỉ độ xe cho những tay đua đẳng cấp, có số má… chứ hạng xoàng thì anh cũng chê. Anh độ tất tần tật từ “xế Tàu” cho đến Dylan, SH, @…”. Trong cửa tiệm của L. (vỏn vẹn chừng 20 m2), có gần 10 xe máy cũ treo biển bán, ngoài ra còn hai chiếc Dream và Sirius đang tháo máy để đôn zên, xoáy nòng, độ pít-tông… H. “nổ”: “Mỗi con xe nếu độ chạy tạm được khoảng 10-15 triệu đồng. Nếu để thành chiến mã bách chiến bách thắng thì gấp 2-3 lần giá trị xe”. Khi tôi hỏi: “Nghe nói anh đã viết cam kết không độ xe rồi mà? Sao lại còn làm?”, H. cười nhăn nhó: “Em ơi! Mình phải hứa cho có phong trào thôi, chứ nghề sửa xe mà chờ xe hỏng có ăn cám, phải độ xe mới có tiền, bởi dân độ xe là dân con nhà giàu, ăn chơi không sợ tốn kém, khi chúng nó ưng ý thì có mà hét giá mấy cũng chịu, thậm chí còn bo thêm”.
Những lò độ ở đường Nguyễn Chí Thanh và chợ phụ tùng xe máy Tân Thành (Q.5) đa phần núp bóng trong tiệm sửa xe, việc độ xe chỉ thông qua giới thiệu của các quái xế. Bởi vậy ở đây xuất hiện lực lượng “cò” chuyên níu kéo, mồi chài… các quái xế để ăn hoa hồng từ các lò độ. Theo quy luật, mỗi “cò” có một nhóm hoặc một vài quái xế ruột để làm ăn và “cò” này không được tiếp cận với các khách hàng quen của “cò” khác. Quy định đó như “luật bất thành văn”, nhưng cũng theo chúng tôi tìm hiểu được biết thì có đôi lúc những “cò” cũng xích mích với nhau, thương trường là chiến trường, huống chi cái việc làm ăn ngoài vòng pháp luật, không lĩnh vực nào không có mâu thuẫn, sau những “hiểu nhầm” thì được các “cò” giải quyết âm xuôi. Để thấy rằng việc “độ xe” cũng có thị trường của nó, không phải cứ biết độ là có khách hàng, muốn làm ăn lĩnh vực này cũng cần bản lĩnh và mánh khoé.
Thanh, một chủ lò có thâm niên gần 15 năm trong nghề, bộc bạch: “Ban đầu, các lò độ chỉ là tiệm sửa xe thông thường. Một số dân chơi choai choai nhờ tiệm “lên đời” xe của mình chạy nhanh hơn nhằm đi “bão” rồi dần dần lan truyền đến các quái xế khác, tiệm trở thành các lò độ chuyên nghiệp”. Tôi cũng thắc mắc là tại sao lại không chịu từ bỏ độ xe như đã hứa, Thanh thanh minh: “Cũng là do cuộc sống cả, ai muốn mình phạm pháp đâu, mà vì cuộc sống cả thôi, bây giờ mình làm việc này quen rồi, mối manh nhiều, bỏ thì uổng lắm”.
Đi vòng quanh các con đường ở Q.8, tuy bên ngoài các tiệm sửa xe thì vẫn rất “yên bình”, những khách lạ hỏi thì các chủ tiệm vẫn nói không với độ xe. Nhưng khi có khách quen, nhất là những tay dân chơi đã từng độ “có tiếng tăm” thì vẫn được nhiệt tình “tiếp đãi”, miễn là có tiền. Những tay quái xế dạo này cũng hoạt động “cầm chừng” hơn, sau những lần đi “bão” lại độ xe, nhưng do công an kiểm soát gắt gao, hình phạt lại nặng hơn nên những quái xế “tầm tầm” tạm thời “dạt” để được yên ổn.
Các tiệm sửa xe dù nói không với “độ” xe, nhưng vẫn lén lút độ xe cho khách. Ảnh: Trần Thắng
Có xóa nổi các lò “độ” xe?
Mới đây, đã có gần 100 chủ tiệm sửa xe trên địa bàn Q.8 đăng ký và gắn bảng cam kết “không nâng độ xe gắn máy” cho các quái xế. Qua tìm hiểu, biết các “quái xế” thường hay “đôn” nòng xe để tăng tốc độ và nghe tiếng nổ oai hơn khi đua xe, nên các cán bộ Đoàn Q.8 phối hợp cùng các ban ngành trong quận đến từng tiệm sửa xe vận động không “đôn” xe. “Mới đầu vận động cũng khó khăn lắm vì công việc đó là miếng cơm của họ mà. Nhưng khi chúng tôi nói về hậu quả của tai nạn giao thông do các “quái xế” gây ra thì đa số chủ tiệm sửa xe đều nhìn nhận việc “độ” là không đúng. Rồi sau đó họ đồng ý cho mình gắn bảng “Không độ xe” ngay trước cửa tiệm”, Vũ Yến Oanh, phó bí thư Quận đoàn 8, cho biết.
Không chỉ là những tấm bảng gắn trước cửa tiệm, các chủ tiệm còn cam kết sẽ không “độ” xe, kèm theo đó là sự giám sát chặt chẽ của các ban ngành, cơ quan chức năng… trên địa bàn quận 8 nhằm hiện thực hóa một chủ trương đáng hoan nghênh mà Đoàn thanh niên vừa là tác giả vừa là người thực hiện. Anh Lương Ngọc Sang, chủ tiệm sửa xe Ngọc Sang, bày tỏ: “Khi được Đoàn thanh niên vận động tôi hưởng ứng ngay, vì cũng rất sợ những tay đua có thể gây ra tai nạn cho bất kỳ ai trên đường”. Có thể nhận thấy rằng, hiện tại lực lượng chức năng chỉ mới “hớt phần ngọn” là những kẻ quậy phá liều lĩnh giữa đường, còn cái gốc của nó là sự “tài trợ” từ các lò “độ” cho các cuộc đua trái phép trên đường phố để quảng bá thương hiệu thì ít bị phát hiện và xử lý.
Trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Đặng Nghiên, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, để xử lý vấn đề này rất khó, bởi đứng về phương diện khách quan, những người sửa xe đã làm đúng nghề nghiệp của mình vì lợi ích phục vụ cuộc sống cho họ. Sẽ xử lý được những trường hợp giữa khách hàng và chủ tiệm “độ” xe, sửa xe có sự bàn bạc thỏa thuận từ trước để “độ” thành một chiếc xe mang đi đua thì đây sẽ là tội “tòng phạm” và sẽ bị xử lý theo pháp luật. Muốn làm được điều này phải có những điều khoản ràng buộc về mặt hình sự để truy nguyên vụ việc. Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp toàn diện giữa chính quyền với các cơ quan đoàn thể và người dân.
Bên cạnh đó, hầu hết chính quyền địa phương cấp phường, xã đều buộc các lò độ xe từng bị phát hiện làm cam kết không tái phạm, đồng thời tuyên truyền, vận động các tiệm sửa xe gắn máy cần “nói không” với độ xe. Tuy nhiên, nhìn chung công tác này vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức nên việc vi phạm và tái phạm của các lò độ xe là rất thường thấy. Mặt khác, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định xử phạt về việc tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước xe nhưng người bị xử lý ở đây là các chủ phương tiện chứ không phải là người đã làm ra nó (các tiệm sửa xe). Đây cũng chính là bất cập dẫn đến việc xử lý các lò “độ” hiện nay là chưa đủ sức để răn
Nói vậy không phải là tiệm sửa xe nào cũng sẵn sàng “độ” xe. Quay lại với bậc thầy về tốc độ một thời Mã Kim So – một cao thủ trong giới xe “độ”, mặc dù bây giờ tuổi đã cao, gia đình chủ yếu sống bằng nghề sửa xe nhưng anh vẫn khẳng định: “Mỗi khi khách hàng đến sửa xe, tôi phải xem xét kỹ mục đích của khách hàng là gì, có phải muốn “độ” xe để quậy phá hay không. Nếu thấy biểu hiện muốn “độ” xe thì nhất quyết không làm, cho dù trả với giá nào. Những loại phụ tùng bán cho khách chỉ là những thứ thông dụng, bảo hành về mặt chất lượng sửa chữa và giá cả hợp lý nên khách hàng tìm đến rất đông”.
Theo NDT
Gần 100 tiệm sửa xe "miễn tiếp" quái xế
Đã có gần 100 chủ tiệm sửa xe trên địa bàn quận 8 (TP.HCM) đăng ký và gắn bảng cam kết "không nâng độ xe gắn máy" cho các quái xế.
Anh Lương Ngọc Sang (phải), chủ tiệm sửa xe Ngọc Sang, cam kết "không nâng độ xe gắn máy" -Ảnh: K.Anh
Bắt đầu được thực hiện từ Tháng thanh niên - tháng 3-2012, "vận động các chủ tiệm sửa xe từ chối "độ" xe cho các tay đua xe" là một trong những giải pháp mà Quận đoàn 8 áp dụng trong việc thực hiện chủ đề năm của TP.HCM - Năm an toàn giao thông.
Qua tìm hiểu, biết các "quái xế" thường hay "đôn" nòng xe để tăng tốc độ và nghe tiếng nổ oai hơn khi đua xe, nên các cán bộ Đoàn quận 8 phối hợp cùng các ban ngành trong quận đến từng tiệm sửa xe vận động không "đôn" xe. "Mới đầu vận động cũng khó khăn lắm vì công việc đó là miếng cơm của họ mà. Nhưng khi chúng tôi nói về hậu quả của tai nạn giao thông do các "quái xế" gây ra thì đa số chủ tiệm sửa xe đều nhìn nhận việc "độ" là không đúng. Rồi sau đó họ đồng ý cho mình gắn bảng "Không độ xe" ngay trước cửa tiệm"- bạn Vũ Yến Oanh, phó bí thư Quận đoàn 8, cho biết.
Không chỉ là những tấm bảng gắn trước cửa tiệm, các chủ tiệm còn cam kết sẽ không "độ" xe, kèm theo đó là sự giám sát chặt chẽ của các ban ngành, cơ quan chức năng... trên địa bàn quận 8 nhằm hiện thực hóa một chủ trương đáng hoan nghênh mà Đoàn thanh niên vừa là tác giả vừa là người thực hiện. Anh Lương Ngọc Sang, chủ tiệm sửa xe Ngọc Sang, bày tỏ: "Khi được Đoàn thanh niên vận động tôi hưởng ứng ngay, vì cũng rất sợ những tay đua có thể gây ra tai nạn cho bất kỳ ai trên đường".
Song song với việc vận động các chủ tiệm sửa xe, Quận đoàn 8 còn chú trọng việc vận động chính đối tượng trẻ tham gia giao thông. Đoàn thanh niên quận 8 đã triển khai đến tất cả các Đoàn phường kế hoạch phối hợp với lực lượng công an, vận động người trẻ trong quận cam kết không vi phạm Luật an toàn giao thông. Không như cách làm hình thức xưa nay - chỉ đăng ký miệng theo phong trào - các bạn phải đăng ký bằng giấy phép lái xe hẳn hoi, cam kết rõ ràng nếu vi phạm an toàn giao thông sẽ có hình thức kỷ luật nặng, sẽ bị đem ra kiểm điểm công khai ở khu dân cư, trong chi đoàn...
Nhưng kỳ tích nhất chính là việc vận động các bạn trẻ từng bị phạt vì vi phạm Luật an toàn giao thông ra đăng ký cam kết không tái phạm. Chỉ bằng việc rủ rỉ rù rì, các "chuyên viên vận động" đã thuyết phục được không ít cựu "quái xế" ra đăng ký cam kết sẽ "rửa tay gác kiếm". Tại buổi ký cam kết của bạn trẻ phường 6 đã có hai bạn trẻ từng vi phạm an toàn giao thông với "tiền án" lạng lách, đánh võng... đến tham gia.
"Sau khi được mấy anh công an và các anh chị bên Đoàn phường rủ rê tham gia hoạt động tình nguyện hè, hôm nay tôi đã phần nào bỏ được cái tật... mắc cỡ vì từng vi phạm luật lệ giao thông để lên sân khấu ký cam kết. Tôi tự hứa sẽ không bao giờ tái vi phạm nữa đâu"- bạn H. chia sẻ.
Sau năm tháng thực hiện cuộc vận động khá đặc biệt của mình nhằm làm giảm bớt tai nạn giao thông, Quận đoàn 8 vẫn là đơn vị duy nhất hiện nay của hệ thống Đoàn TP thực hiện mô hình này. Liệu mô hình này sẽ đi được đến cùng mục tiêu đề ra hay sẽ hụt hơi giữa đường? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng hiện tại các đoàn viên thanh niên của Quận đoàn 8 đang dốc hết sức để phủ sóng ngày càng dày đặc mô hình này trên toàn quận.
Theo Tuổi Trẻ
Truy tìm "bảo bối" chống bắn tốc độ của "quái xế" đường dài Thiết bị công nghệ cao này vừa cảnh báo từ xa và phá sóng sung bắn tốc độ của cảnh sát giao thông. Nhằm hạn chế tai nạn, cũng như những hiểm nguy rình rập khi đi xe với tốc độ cao, các nhà khoa học đã phát minh ra súng bắn tốc độ. Thiết bị này giúp cảnh sát có đủ bằng...