Tuyên bố mới nhất của Mỹ về việc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo
Một mặt bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên, một mặt Mỹ khẳng định duy trì cách tiếp cận ngoại giao và tiếp tục kêu gọi Triều Tiên tham gia đối thoại.
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, tại Seoul ngày 4/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo hãng tin Reuters của Anh, trong tuyên bố mới nhất ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hành động của Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ). Tuy nhiên, bộ trên đồng thời khẳng định Washington cam kết duy trì cách tiếp cận ngoại giao và hối thúc Bình Nhưỡng đối thoại.
Sau vụ phóng tên lửa sáng 6/10 của Triều Tiên, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) đã họp khẩn dưới sự chủ trì của Cố vấn An ninh quốc gia Kim Sung-han. NSC để ngỏ khả năng có các phản ứng phù hợp với các diễn biến mới, đồng thời nhấn mạnh củng cố quan hệ đồng minh Hàn – Mỹ, phối hợp hành động và thúc đẩy hợp tác an ninh 3 bên Hàn – Mỹ – Nhật.
Các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản cũng đã bày tỏ quan ngại về các diễn biến gần đây trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Kim Gunn – đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên – đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Mỹ Sung Kim và người đồng cấp Nhật Bản Takehiro Funakoshi.
Trong một thông cáo báo chí cùng ngày, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ cho biết các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không gây ra mối đe dọa tức thời nào đối với Mỹ hoặc với các đồng minh. Thông cáo báo chí nhấn mạnh tới các cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn sáng 6/10 là vụ phóng tên lửa thứ 6 của Triều Tiên trong vòng chưa đầy 2 tuần qua. Vụ phóng diễn ra trong bối cảnh ngày 5/10, một số nước thành viên LHQ, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, đã ra tuyên bố chung về Triều Tiên, sau khi HĐBA LHQ không đạt được thỏa thuận về các biện pháp trừng phạt bổ sung hoặc thông qua tuyên bố chính thức phản đối Triều Tiên. Theo tuyên bố, các vụ phóng của Bình Nhưỡng đã “vi phạm nhiều nghị quyết của HĐBA” và kêu gọi các nước thành viên LHQ hối thúc Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược, đồng thời tham gia các hoạt động ngoại giao hướng tới phi hạt nhân hóa.
Trong khi đó, ngày 6/10, Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã ra thông cáo báo chí phản đối các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, coi đây là hành động gây leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Thông cáo cũng cho biết nước này đang theo sát việc Mỹ tái triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan ở các vùng biển phía Đông Bán đáo Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc: Triều Tiên có thể chuẩn bị phóng tên lửa đạn đạo mới
Ngày 29/8, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, ông Lee Jong-sup cho biết Triều Tiên dường như đang tiếp tục chuẩn bị cho một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) hoặc tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) mới, và đã sẵn sàng cho một vụ thử hạt nhân song chưa có dấu hiệu "cụ thể" nào cho thấy vụ thử sắp xảy ra.
Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa - trung đất đối đất Hwasong 12 tại một địa điểm bí mật. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh có những lo ngại rằng Triều Tiên có thể đáp trả cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên Lá chắn Tự do Ulchi (UFS), vốn bị Bình Nhưỡng coi là một cuộc diễn tập xâm lược. Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, Bộ trưởng Lee cho biết: "Tình hình an ninh vẫn nghiêm trọng, Triều Tiên đang tăng cường khả năng hạt nhân, tên lửa và đã hoàn tất việc chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7".
Theo Bộ trưởng Lee, Triều Tiên có thể thử hạt nhân dưới lòng đất tại Đường hầm 3 của bãi thử Punggye-ri, nhưng chưa có dấu hiệu bất thường cho thấy bất kỳ vụ thử nào sắp xảy ra. Đường hầm 3 nằm trong số 4 đường hầm được biết đến tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân. Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên tại Đường hầm 1 vào năm 2006, trong khi Đường hầm 2 được sử dụng cho 5 vụ thử hạt nhân dưới lòng đất tiếp theo.
Bình luận về kết quả của cuộc tập trận USF, Bộ trưởng Lee nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao năng lực của Hàn Quốc trong việc xử lý các tình huống chiến tranh toàn diện và củng cố khả năng phối hợp chung của hai nước đồng minh, cũng như đặt ra các điều kiện cho việc chuyển giao quyền kiểm soát hoạt động thời chiến "có hệ thống và ổn định" từ Washington sang Seoul.
Nga nhất trí phối hợp với Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên Hãng thông tấn RIA ngày 25/3 dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Moskva và Bắc Kinh đã nhất trí phối hợp chặt chẽ về tình hình Bán đảo Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới. (Ảnh do Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên đăng phát): Tên lửa đạn đạo...