Tuyên bố chính trị không thay thế được văn kiện pháp lý
Không thể giải quyết mọi mâu thuẫn nội tại của khối, cộng đồng hay liên minh bằng ý chí chính trị chủ quan, mà phải dựa trên cơ sở pháp lý.
LTS: Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra tại Vientiane, Lào thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là dự thảo tuyên bố chung sẽ nhắc đến Biển Đông như thế nào.
Vậy những tuyên bố chính trị như dự thảo tuyên bố chung của ASEAN có ý nghĩa như thế nào trong mối quan hệ với phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được Hội đồng Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 tuyên hôm 12/7?
Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xoay quanh vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Chưa bao giờ ASEAN phải đối mặt với những áp lực như hiện nay về Biển Đông, sau khi Hội đồng Trọng tài, còn gọi là Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ra phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Phần lớn quan điểm của giới nghiên cứu quốc tế lẫn các nhà ngoại giao ASEAN đều cho rằng khối đang phải đối diện với khó khăn, áp lực lớn chưa từng có trong việc thống nhất thể hiện lập trường chính thức về vấn đề Biển Đông.
Cụ thể là chống quân sự hóa và khuyến khích giải quyết tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm cả tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Băn khoăn của dư luận
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng, Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN diễn ra ngay sau khi Tòa Trọng tài ra Phán quyết hôm 12/7/2016 thì ASEAN “nói gì cũng khó, có khi không nói gì còn đỡ khó hơn” như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường trao đổi với BBC tiếng Việt ngày 24/7/2016.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN đang diễn ra tại Vientiane, Lào. Ảnh: WSJ.
Tiến sĩ Trường thừa nhận, từ năm 2010 trở lại đây, Trung Quốc sử dụng “ngoại giao kim tiền” đặc biệt hiệu quả để can thiệp và làm cho ASEAN không thể thống nhất được lập trường trong vấn đề Biển Đông. Lần này Trung Quốc phải chi nhiều tiền hơn.
Dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần này không thể cứ nhắc lại những nguyên tắc chung như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Hoa Kỳ tại Sunnylands, nhưng nói kỹ hơn thì “khó” cho một số nước đồng minh, bạn bè “chí cốt” của Trung Quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, phần về Biển Đông trong dự thảo Tuyên bố chung để trống (theo thông tin từ hãng AFP) “cũng là phải”.
Theo ông, trong ngoại giao, “bỏ trống” một đoạn trong tuyên bố chung như thế cũng là cách biểu đạt thái độ.
Trong khi các nhà ngoại giao ASEAN đang cảm thấy bế tắc và cần họp bàn tìm kiếm một sự thay đổi về nguyên tắc hoạt động của ASEAN mà một số hãng truyền thông quốc tế nói là từ đồng thuận sang thiểu số phục tùng đa số, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhận định ngược lại, ông không nghĩ ASEAN bị bế tắc.
Ông nhận định, việc đưa nội dung liên quan đến Phán quyết trọng tài vào dự thảo Tuyên bố chung là “khó quá”, bởi Philippines “thắng đậm” trên cả 5 nhóm nội dung. Vấn đề đặt ra là đưa nhóm nội dung nào vào dự thảo Tuyên bố chung, không nên đưa nhóm nội dung nào vào.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân bên lề Hội nghị cũng nói với báo chí, ASEAN nên chống lại “sự can thiệp từ bên ngoài” vào vấn đề hợp tác khu vực, nhưng chính Trung Quốc lại đang can thiệp vào ASEAN.
Dư luận cộng đồng quốc tế vẫn mong muốn ASEAN vượt qua sức ép, có tiếng nói đoàn kết, nếu không nói được đầy đủ thì cũng phải nói được những vấn đề mang tính nguyên tắc.
Như vậy, còn nhiều nhận thức khác nhau xung quanh việc ASEAN có ra Tuyên bố chung về Biển Đông sau Phán quyết Trọng tài hay không và nếu có, thì Tuyên bố chung sẽ đề cập đến Phán quyết Trọng tài như thế nào.
Điều này khiến dư luận các nước liên quan, đặc biệt là dư luận Việt Nam cảm thấy băn khoăn, lo lắng trước sự bành trướng của Trung Quốc, khả năng thực thi Phán quyết Trọng tài cũng như vị thế, vai trò của ASEAN trong những vấn đề tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh khu vực như Biển Đông.
Trong khuôn khổ bài viết này, cá nhân tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về mối quan hệ giữa các tuyên bố chính trị với các văn kiện pháp lý quốc tế.
Trong trường hợp này là Tuyên bố chung của ASEAN với Phán quyết vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, ngõ hầu cung cấp một cách tiếp cận từ góc độ pháp lý, để cùng dư luận có cái nhìn thấu đáo hơn.
Tuyên bố chính trị không thay thế được văn kiện pháp lý
Phán quyết về thẩm quyền được Tòa Trọng tài công bố ngày 29/10/2015 cũng như phán quyết nội dung vụ kiện ngày 12/7/2016 vừa qua đều khẳng định rõ:
Video đang HOT
Tòa đã bác bỏ lập luận nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc rằng Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) ngăn Philippines khởi kiện trọng tài.
Tòa cho rằng Tuyên bố trên là một thỏa thuận chính trị và không ràng buộc về pháp lý, không định ra một cơ chế giải quyết tranh chấp một cách ràng buộc, không loại trừ các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, và do đó không hạn chế thẩm quyền của Tòa theo Điều 281 hay Điều 282.
Phán quyết của Tòa Trọng tài cho chúng ta thấy rõ, mọi tuyên bố chính trị không có tác động nào đến hiệu lực, giá trị của Phán quyết Trọng tài nói riêng, các văn bản pháp lý quốc tế, điều luật và thông lệ quốc tế nói chung.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh: Hồng Thủy.
Trước những diễn biến phức tạp của thời kỳ hậu Phán quyết, điều này rất có ý nghĩa để chúng ta có thể phân biệt rạch ròi hơn ý nghĩa, giá trị của 2 loai văn kiên này:
Thứ nhất, Trung Quốc dường như có thói quen chính trị hóa các vấn đề pháp lý quốc tế, chỉ thích giải quyết vấn đề dựa trên thỏa thuận chính trị thay vì căn cứ vào luật pháp quốc tế, hoặc diễn giải luật pháp quốc tế theo ý họ.
Năm 1933 khi đó Cộng hòa Pháp đại diện cho Nhà nước Việt Nam, đã đề nghị Trung Quốc đưa tranh chấp chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra Tòa án Quốc tế vì Công lý, nhưng Trung Quốc từ chối.
Trong các cuộc tiếp xúc, đàm phán giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, Trung Quốc thường đề cao khẩu hiệu “vì đại cục”, “lấy đại cục làm trọng”.
Thứ hai, Trung Quốc tung ra đủ thứ tài liệu lịch sử, “bằng chứng lịch sử” để chứng minh họ có “chủ quyền lịch sử” đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Nhưng căn cứ để xem xét các “bằng chứng lịch sử” có giá trị hay không, chính là hệ thống luật pháp và thực tiễn quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ, họ lại hoàn toàn không nhắc tới.
Thứ ba, những năm gần đây Trung Quốc thường xuyên tuyên truyền về công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và một số tài liệu, sách báo, phát biểu của cá nhân một số quan chức để nói rằng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từng thừa nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc.
Đây cũng là một cách suy diễn mang nặng màu sắc chính trị. Bởi vì, họ đã cố tình phớt lờ Công pháp quốc tế có liên quan đến vai trò của các chủ thể trong các quan hệ quốc tế vào thời điểm sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương được ký kết.
Bởi lẽ những tài liệu này là các tuyên bố chính trị, không có giá trị pháp lý. Mặt khác, nội dung Tuyên bố của Trung Quốc mà công thư năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề cập, chỉ là qui định về yêu sách “lãnh hải 12 hải lý” chứ không phải yêu sách chủ quyền, lãnh thổ.
Thứ tư, cho đến nay Trung Quốc vẫn tuyên truyền lập trường “3 Không” với Phán quyết Trọng tài, mà lập luận chính là họ cho rằng nội dung vụ kiện của Philippines là tranh chấp chủ quyền và phân định biển.
Lập luận này đã được Tòa Trọng tài bác bỏ một cách đầy thuyết phục từ Phán quyết về thẩm quyền ngày 29/10/2015.
Nói như vậy để chúng ta thấy rằng, trước mỗi cái bẫy ngôn từ, thủ đoạn tuyên truyền của phía Trung Quốc, là nước có liên quan trực tiếp, chúng ta cần hiểu rất rõ bản chất các tranh chấp là gì, giải quyết dựa trên các nguyên tắc và thực tiễn pháp lý quốc tế nào, các tuyên bố chính trị có thay thế được các văn kiện, điều ước pháp lý quốc tế hay không?
Chỉ có như vậy chúng ta mới không mắc mưu Trung Quốc.
Muốn công lý được thực thi, phải phát huy vai trò của “Tòa án công luận”
Quay trở lại câu chuyện ASEAN đang phải đấu tranh trong nội bộ để ra một Tuyên bố chung về Biển Đông.
Đầu tiên, cần phải khẳng định rằng, Tuyên bố chung của ASEAN có đề cập đến Biển Đông hoặc Phán quyết Trọng tài hôm 12/7/2016 hay không, cũng không thể làm thay đổi nội dung Phán quyết đã được Tòa tuyên ngày 12/7/2016, không làm giảm giá trị pháp lý của nó.
Thứ hai, trong tình hình hiện nay, Tuyên bố chung của ASEAN có nhắc đến Biển Đông hay không và nhắc đến ở mức độ nào chỉ có ý nghĩa phản ánh nhận thức của cả khối đối với tính cấp bách, hệ trọng của một vấn đề tác động trực tiếp đến an ninh khu vực, hòa bình và ổn định ở Biển Đông, cũng như vai trò chính trị của ASEAN ngay tại sân nhà, hay ở phạm vi rộng hơn là châu Á – Thái Bình Dương.
Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên khi kỳ họp này, nhiều nhà ngoại giao các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia, đang đấu tranh đòi sửa đổi nguyên tắc đồng thuận của ASEAN, một nguyên tắc đã lỗi thời với thực tiễn quốc tế.
Nhiều nhà ngoại giao và học giả quốc tế nhận định, nguyên tắc này cản trở ASEAN trong tiến trình thúc đẩy giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình ở Biển Đông, đảm bảo cho sự ổn định, tăng trưởng và phồn vinh của khu vực.
Như vậy cá nhân tôi hoàn toàn chia sẻ với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường trên hai điểm, một là Trung Quốc đang sử dụng “ngoại giao kim tiền” một cách hiệu quả để can thiệp vào nội bộ, chia rẽ thao túng ASEAN.
Hai là dư luận khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng mong muốn ASEAN có thể sớm vượt qua những rào cản này, ra được Tuyên bố chung thể hiện sự nhất trí trong lập trường của khối đối với vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên tôi cho rằng, không thể nói thời điểm sau Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông 12/7/2016, ASEAN “nói gì cũng khó, có khi không nói gì còn đỡ khó hơn”.
Nội dung mà các nhà ngoại giao Việt Nam, Philippines, Indonesia và có thể là cả Malaysia, Brunei đang đấu tranh để đưa vào dự thảo Tuyên bố chung liên quan đến Biển Đông chỉ có 2 điểm: Chống quân sự hóa; Giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Tôi cho rằng trong tình hình quan hệ chính trị hiện nay của ASEAN, đề cập như thế là khá phù hợp, thể hiện thái độ thượng tôn pháp luật cũng như thiện chí giải quyết mọi tranh chấp ảnh hưởng đến an ninh, hòa bình và ổn định khu vực bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên pháp luật.
Nếu chỉ với nội dung như thế mà còn không thống nhất được thì thử hỏi những thách thức khác lơn lao hơn sẽ được giải quyết như thế nào trong tương lai?
Bài học nhãn tiền về sự tồn vong của các tổ chức khu vực, quốc tế dưới các hình thức là cộng đồng, khối, liên minh, hiệp hội… đã chứng minh một thực tế khách quan rằng, không thể giải quyết mọi mâu thuẫn nội tại của khối, cộng đồng hay liên minh bằng ý chí chính trị chủ quan, mà phải dựa trên cơ sở pháp lý.
Chính cơ sở pháp lý mới tạo được “niềm tin chiến lược” giữa các quốc gia có trình độ phát triển, có thể chế, cơ chế, kinh tế, chính trị khác nhau.
Cá nhân tôi thiết nghĩ, ASEAN sẽ phải tự điều chỉnh để vượt qua những thách thức hiện tại và trong tương lai, phấn đấu thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng chung ASEAN vững mạnh. Muốn làm điều này, duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông là vô cùng quan trọng.
Muốn làm điều này, bản thân ASEAN phải giữ được tính độc lập và thế chủ động của mình trong những vấn đề nội tại như Biển Đông, không thể để bất kỳ quốc gia thứ 3 nào lái ASEAN theo ý đồ ích kỷ, hẹp hòi của họ thông qua một nước thứ 3.
Tuy nhiên quá trình này cũng đòi hỏi sự tham gia của dư luận các nước có liên quan, bao gồm Việt Nam. Chúng ta hoan nghênh mọi tuyên bố chính trị mang ý nghĩa tích cực cho Phán quyết Tòa Trọng tài, cho dù các tuyên bố đó chưa phải là tuyên bố chung, tiếng nói chung.
Bởi vì, không có một tiêu chuẩn cụ thể nào để đánh giá giá trị của các tuyên bố chính trị, ngoại trừ nội dung mà chúng đã được thể hiện có phù hợp với trào lưu tiến bộ của nhân loại không.
Vì vậy, trong tình hình hiện nay, liệu có nhất thiết phải có một Tuyên bố chung không hay chỉ cần một tuyên bố của các nước liên quan trực tiếp như đề xuất của thẩm phán Tòa tối cao Philippines, ông Antonio Carpio trên BBC tiếng Việt ngày 25/7 cũng là điều nên tính đến.
Do đó việc tuyên truyền, giải thích về luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, hệ thống luật pháp và thực tiễn về thụ đắc lãnh thổ, phán quyết trọng tài Biển Đông ngày 12/7/2016 cho dư luận là việc hết sức quan trọng.
Chúng ta có hiểu và nắm chắc điều này, thì mới hy vọng vận động, giải thích và tìm kiếm sự ủng hộ từ bạn bè quốc tế, cũng như sự thống nhất trong khu vực.
Bên cạnh đó cũng phải đấu tranh kiên quyết loại bỏ những rào cản gây chia rẽ, phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong ASEAN, mà một trong những rào cản ấy đến từ nội bộ.
Theo Giáo Dục Việt Nam
Ứng xử ở Biển Đông cần rõ ràng nhưng đúng luật, kẻo sẽ tiếp tay cho Trung Quốc
Ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo...
LTS: Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông xung quanh việc Việt Nam nên phản ứng ra sao trước những diễn biến mới nhất trên Biển Đông, đặc biệt là tuyên bố của Hoa Kỳ sẽ tuần tra tự do hàng không hàng hải phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa. Để rộng đường dư luận, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này của ông.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ.
Những ngày gần đây Biển Đông lại nóng lên bởi thông tin Mỹ sắp triển khai tuần tra bảo vệ tự do hàng không, hàng hải trên vùng biển, vùng trời quốc tế vùng biển quốc tế bán kính 12 hải lý xung quanh một số đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp, xây dựng bất hợp pháp trên 7 rặng san hô, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, bãi đá ở Trường Sa mà nước này xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam từ năm 1988, 1995 đến nay.
Dư luận không chỉ quan tâm đến những phản ứng võ mồm của Trung Quốc, mà còn chú ý đến thái độ, phản ứng của chính Việt Nam chúng ta.
Bên cạnh luồng quan điểm mong mỏi hoạt động bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế trên Biển Đông do Mỹ tiến hành sớm diễn ra, vẫn còn những quan điểm tỏ ra hoài nghi, lo ngại động thái này. Thậm chí có quan điểm còn viện dẫn Luật Biển Việt Nam, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để đòi Mỹ phải "xin phép" Việt Nam trước khi tiến hành tuần tra xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng và bồi lấp, xây dựng trái phép.
Vậy nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào dưới góc độ pháp lý? Nó có tác động và ảnh hưởng ra sao trong bối cảnh hiện nay?
Báo điện tử Đất Việt ngày 16/10 đã đăng tải một bài viết có tiêu đề: "Mỹ điều tàu áp sát đảo nhân tạo: Vai trò của Việt Nam". Bài báo này đã dẫn một số thông tin có liên quan đến Luật biển quốc tế và luật biển Việt Nam để nhận xét, đánh giá động thái nói trên của Hoa Kỳ, trong đó có nhấn mạnh:
"Theo quy định của Luật biển Việt Nam mọi hoạt động của tàu quân sự của nước ngoài trong lãnh hải của Việt Nam đều phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam."
"Theo đó, tàu thuyền, máy bay nước ngoài trước khi có hoạt động trong vùng biển của Việt Nam cần tìm hiểu kỹ để thực hiện đúng quy định của Công ước 1982 của LHQ về Luật biển và Luật biển CHXHCN Việt Nam."
"Luật Biển Việt Nam quy định, "việc đi qua không gây hại trong lãnh hải không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam, trật tự an toàn trên biển"".
Những lập luận này thiếu cơ sở, chưa nắm được Luật Biển Việt Nam cũng như UNCLOS, hoặc là chưa nắm được các hoạt động của Hoa Kỳ nên những ý kiến như trên đưa ra lại đang là những gì Trung Quốc mong muốn, bởi lẽ: 7 thực thể mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp của Việt Nam và nay bồi lấp thành đảo nhân tạo là những rặng san hô, bãi cạn lúc nổi lúc chìm nên hoàn toàn không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý theo Điều 13, Mục 2, Phần II của UNCLOS.
Những bãi cạn lúc nổi lúc chìm và các công trình nhân tạo trên biển chỉ có một vùng an toàn bán kính tối đa 500 mét. Vì vậy, các giàn khoan mà Trung Quốc hạ đặt trái phép hay các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp bất hợp pháp ở Biển Đông chỉ có vùng an toàn bán kính 500 mét.
Tất nhiên chúng ta chưa bàn tới vấn đề chủ quyền vì đó là câu chuyện khác. Như vậy, bên ngoài phạm vi bán kính 500 mét xung quanh các thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng là vùng biển, vùng trời quốc tế mà các nước chứ không riêng gì Hoa Kỳ có quyền qua lại, tự do hàng không hàng hải.
Bãi Vành Khăn gồm những rặng san hô ngập dưới mặt nước đã bị Trung Quốc hủy hoại và biến nó thành đảo nổi với đủ cầu cảng, sân bay.
Còn phạm vi vùng biển, vùng trời quốc tế này đến đâu sẽ còn phụ thuộc vào cả các thực thể khác ở Trường Sa do các bên đóng giữ, nhưng chắc chắn đó không thể là "lãnh hải" của 7 thực thể Bắc Kinh đã bồi lấp thành đảo nhân tạo.
Cá nhân tôi tin rằng người Mỹ rất hiểu luật, họ đang tìm cách bảo vệ luật pháp quốc tế và vô hiệu hóa chủ trương giành sự công nhận trên thực tế những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông.
Dù còn những tranh cãi, nhận thức khác nhau về tính chất pháp lý của 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng là những rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển, hay một số trong 7 thực thể là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm, hay có thực thể nào là những mỏm đá nhổ lên mặt nước biển khi thủy triều lên để áp dụng các quy chế pháp lý theo UNCLOS, nhưng chắc chắn chúng không phải "đảo" theo định nghĩa của UNCLOS, không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý.
Trong vụ kiện của Philippines họ xác định, ít nhất là 3 bãi Vành Khăn, Xu Bi, Ga Ven là những bãi cạn nửa nổi nửa chìm và hoàn toàn không thể có quy chế lãnh hải 12 hải lý.
Các quan chức Mỹ cũng nói với tờ The Wall Street Journal rằng công việc tuần tra đảm bảo tự do, an ninh hàng không hàng hải ở Trường Sa sẽ chỉ thực hiện đối với các thực thể vốn là những bãi cạn lúc nổi lúc chìm hoặc rặng san hô ngập hoàn toàn dưới mặt nước biển trước khi Trung Quốc bồi lấp.
Như vậy có thể thấy hoạt động của Mỹ là hợp pháp, đáng hoan nghênh, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc đang ra sức hiện thực hóa quy chế lãnh hải 12 hải lý cho 7 thực thể này, mà theo UNCLOS chúng không thể có.
Với tư cách là một bên liên quan trực tiếp, có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và bị đe dọa bởi hành vi leo thang của Trung Quốc trong việc xâm lược, chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa 7 thực thể ở Trường Sa thành đảo nhân tạo có 3 đường băng quân sự dài trên 3000 mét và nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ mục đích quân sự, hơn ai hết, Việt Nam chúng ta cần phải nắm rõ cục diện, tính chất pháp lý của các thực thể ở Trường Sa cũng như hoạt động của các bên để có phản ứng phù hợp.
Cũng xin nhấn mạnh rằng, Mỹ chỉ bảo vệ tự do hàng không hàng hải, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông nói chung, Trường Sa nói riêng. Nói cách khác, Mỹ chỉ bảo vệ lợi ích hợp pháp của Mỹ, nhưng trong trường hợp này lợi ích của Mỹ trùng với lợi ích của Việt Nam và khu vực.
Đó là Mỹ chống lại âm mưu bành trướng, hiện thực hóa đường lưỡi bò mà Trung Quốc đang thực hiện, bắt đầu từ việc thay đổi cấu trúc vật lý 7 thực thể ở Trường Sa, tiến đến thay đổi quy chế pháp lý đòi 12 hải lý lãnh hải, thậm chí còn hơn thế nữa là có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý cho chúng.
Trong khi chúng ta đang công khai chủ trương yêu cầu mọi hoạt động trong Biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và đang cố gắng triển khai thực hiện chủ trương đúng đắn đó, tại sao chúng ta không ủng hộ hành động hợp pháp, bảo vệ lẽ phải của Hoa Kỳ mà lại đặt vấn đề ngược lại? Tất nhiên chúng ta không hoan nghênh và kiên quyết phản đối bất kỳ hành động nào theo kiểu "đục nước béo cò".
Kể cả Việt Nam có đang đóng giữ 7 thực thể này thì vẫn có những thực thể không đủ điều kiện hưởng quy chế 12 hải lý và Mỹ hay các nước khác hoàn toàn có quyền qua lại theo đúng tinh thần UNCLOS.
Đúng là: "Việt Nam luôn hoan nghênh tất cả các nước có sự quan tâm, chia sẻ, có tiếng nói và việc làm ủng hộ, góp phần việc bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông nhưng phải dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế. Việt Nam không hoan nghênh bất cứ nước nào đi vào khu vực này nhằm mục đích làm căng thẳng thêm, phức tạp thêm tình hình tranh chấp tại Biển Đông...".
Tuy nhiên, về luật pháp quốc tế hay cả Luật Biển Việt Nam, không có điều khoản nào cho thấy 7 thực thể Trung Quốc đang chiếm đóng, bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa bất hợp pháp ở Trường Sa là "có lãnh hải 12 hải lý". Nếu không làm rõ vấn đề này, phát biểu, bình luận không đúng không trúng nội dung những tuyên bố của phía Hoa Kỳ là vô hình trung có lợi cho Trung Quốc, đúng những gì Bắc Kinh đang ra sức tuyên truyền và mong muốn đạt được, nên nó lợi bất cập hại.
Do đó với tư cách là một người nghiên cứu về Luật Biển Việt Nam, UNCLOS cũng như đã từng tham gia đàm phán, hoạch định biên giới với Trung Quốc và các nước liên quan, trên bộ cũng như trên biển, cá nhân tôi cho rằng ứng xử với các tình huống trên Biển Đông như khả năng tuần tra của Mỹ là một ví dụ, chúng ta cần hiểu rõ luật pháp, nếu không sẽ vô tình tiếp tay, nối giáo cho Trung Quốc bành trướng Biển Đông.
Ts Trần Công Trục
Theo giaoduc
Tìm hiểu vụ Philippines kiện Trung Quốc và Phán quyết của PCA Chuyên gia Trần Công Trục phân tích vụ Philippines kiện Trung Quốc, phán quyết của PCA và những hệ quả pháp lý của vụ kiện này. LTS: Ngày 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài của Tòa Trọng tài Thường trực đã ra Phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Để bạn đọc hiểu rõ hơn và có hệ thống vụ...