Tuyên án vụ “cướp than” tại Mạo Khê
Hôm qua – 22/9, sau 3 ngày xét xử, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên án đối với 39 bị cáo tham gia vào vụ trộm cắp than lớn nhất từ trước tới nay ở tỉnh này.
Nhiều cán bộ của Công ty TNHH Một thành viên Than Mạo Khê (gọi tắt là Cty Than Mạo Khê, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam – TKV) đã tiếp tay cho các đối tượng bên ngoài vào khai thác than trái phép (xảy ra liên tục từ ngày 12 đến 19/2/2010) tại huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.
Cán bộ tiếp tay cho “ than tặc”
Theo cáo trạng, vụ việc xảy ra đúng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Dần 2010, khi hàng chục xe ủi, máy xúc, xe tải hạng nặng được huy động để khai thác than tại 13 điểm thuộc quyền quản lý của Cty Than Mạo Khê. Được sự tiếp tay của cán bộ Cty Than Mạo Khê, các đối tượng “than thổ phỉ” đã khai thác trái phép trên 28.000 tấn than nguyên khai trị giá hơn 16,6 tỉ đồng.
Sau khi vụ việc bị vỡ lở, lãnh đạo Cty Than Mạo Khê biện minh rằng đây là một vụ “ cướp than” trắng trợn của những đối tượng giang hồ, do lực lượng bảo vệ của công ty quá mỏng nên không ngăn chặn được.
Các bị cáo tại tòa.
Video đang HOT
Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã xác định bản chất của vụ án không phải là trộm cướp than mà đã có sự thông đồng, móc ngoặc giữa các đối tượng khai thác than trái phép với một số cán bộ của Cty Than Mạo Khê. Trong số này, nguyên Trưởng và Phó phòng Bảo vệ quân sự Cty Than Mạo Khê là Lê Khắc Hùng (54 tuổi) và Phạm Duy Nghĩa (40 tuổi) được xác định là đã mở cửa cho “than tặc” đưa máy móc vào khai thác than trái phép trong khu vực thuộc quyền quản lý của công ty. Hùng khai đã nhận tiền của “than thổ phỉ” để tiếp tay cho chúng.
Ngoài ra, 5 bị cáo là lãnh đạo chủ chốt của Cty Than Mạo Khê gồm Giám đốc Lê Viết Ngự (53 tuổi, Giám đốc Cty than Mạo Khê) và 4 Phó Giám đốc gồm: Trần Văn Thiện (48 tuổi), Uông Hồng Hải (48 tuổi), Nguyễn Văn Tuân (32 tuổi), Phạm Văn Khôi (41 tuổi) bị xác định có hành vi buông lỏng công tác quản lý. Các đối tượng này đã có biểu hiện che giấu tiêu cực bằng cách chỉ đạo cho san lấp, hoàn nguyên hiện trường bị khai thác. Tổng số 7 bị cáo nguyên là cán bộ Cty Than Mạo Khê bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, riêng bị cáo Lê Khắc Hùng bị xét xử thêm về tội “Nhận hối lộ”.
Ngoài ra còn có 24 bị cáo bị xét xử về tội “Vi phạm các quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên”, 8 bị cáo bị xét xử về tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Bất cập trong việc quản lý tài nguyên than
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, hầu hết các bị cáo đều chối tội và phủ nhận trách nhiệm. Các bị cáo nguyên là cán bộ Cty Than Mạo Khê cho rằng đã làm hết trách nhiệm của mình khi sự việc xảy ra, đã báo cáo sự việc mất than lên cấp trên và chính quyền địa phương.
Bị cáo Nguyễn Viết Ngự cho rằng bản thân không có tội mà chỉ có thiếu sót trong công tác quản lý, để xảy ra sự việc mất than là do chế tài trong việc quản lý tài nguyên than còn nhiều bất cập. Cụ thể, Cty Than Mạo Khê chỉ quản lý tài nguyên ở dưới đất còn người dân sinh sống phía trên. Khi xảy ra vụ “cướp than”, chính quyền còn không ngăn chặn được, thì phía Cty càng không thể ngăn nổi.
Sau khi xem xét và đánh giá các chứng cứ, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt bị cáo Lê Khắc Hùng 5 năm tù giam về hai tội “Nhận hối lộ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Các bị cáo Lê Viết Ngự, Trần Văn Thiện bị tuyên phạt án tù bằng đúng thời gian tạm giam và được trả tự do ngay tại tòa. Uông Hồng Hải, Nguyễn Văn Tuân, Phạm Duy Nghĩa bị tuyên án từ 6-9 tháng nhưng cho hưởng án treo. Phạm Văn Khôi bị phạt cảnh cáo.
Còn lại 32 bị cáo trong vụ án này nhận mức án cao nhất là 18 tháng tù, tuyên phạt án tù bằng đúng thời gian bị tạm giam và trả tự do ngay tại tòa, bị tuyên phạt tù nhưng cho hưởng án treo hoặc phạt tiền về các tội như đã truy tố.
Trách nhiệm của chính quyền ở đâu? Tại phiên tòa, ý kiến của các Luật sư bào chữa cho rằng trách nhiệm bảo vệ tài nguyên, khoáng sản không chỉ thuộc về Cty Than Mạo Khê mà còn thuộc về các cơ quan chức năng, ban ngành tại huyện Đông Triều. Như vậy, cần phải thấy các cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm lớn trong vụ việc Căn cứ theo điều 18, Luật Khoáng sản ban hành năm 2010, quy định về trách nhiệm bảo bệ khoáng sản chưa khai thác của UBND các cấp, có thể thấy rằng việc tổ chức bảo vệ, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép tại địa phương còn thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử lần này chưa thấy đề cập tới trách nhiệm của các cơ quan nêu trên.
Theo PLVN
Phiên tòa sơ thẩm xét xử "tập đoàn cướp than": Góp 3,9 tỉ đồng lên kế hoạch cướp than
Ngày 20.9, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phần thẩm vấn các bị cáo vụ khai thác than trái phép tại khu vực mỏ Mạo Khê dịp Tết Nguyên đán Canh Dần.
Bị cáo Hoàng Minh Lợi trả lời thẩm vấn tại tòa - ảnh: B.N
Theo cáo trạng, từ cuối 2007, do biết khu vực Đồi Sắn thuộc khu Vĩnh Phú, thị trấn Mạo Khê có than, 6 đối tượng gồm Lê Văn Sinh, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Việt, Nguyễn Văn Quỳnh, Trần Hoài Nam, Đỗ Phú Giang đã góp 3,9 tỉ đồng mua đất vườn của 3 hộ dân ở khu Vĩnh Phú, thị trấn Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) nhằm chờ thời cơ thuận lợi để khai thác than. Khu đất này thuộc ranh giới quản lý tài nguyên của Công ty than Mạo Khê. Từ 28 đến ngày 4 Tết Canh Dần, tức là từ 11.2 đến 17.2.2010, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo tại mỏ than, các đối tượng đã vào khai thác than ồ ạt tại hơn 10 điểm trong khu vực Đồi Sắn.
Tại tòa, đa số bị cáo tham gia vụ cướp than đều nhận tội, riêng bị cáo Nguyễn Văn Việt phản đối. Việt cho rằng số tiền 400 triệu mà bị cáo đóng góp vào quỹ chung là để mua đất tại khu Đồi Sắn chứ không có mục đích khai thác than trái phép. Bị cáo Việt nói có một cuốn sổ ghi chép có thể khẳng định Việt không liên quan đến việc cướp than. Thế nhưng, khi đại diện Viện KSND truy thì Việt lại thừa nhận cuốn sổ đó ghi lại con số thống kê có gần 500 xe than đã được lấy đi tại khu Đồi Sắn.
Cũng theo bị cáo Việt, cuốn sổ đó ghi chép rất nhiều thứ phức tạp, liên quan đến nhiều người khác. Đại diện Viện KSND yêu cầu giao nộp cuốn sổ thì Việt quanh co "không biết bây giờ cuốn sổ đó đang ở đâu". Theo đại diện Viện KSND, cuốn sổ ghi chép của bị cáo Việt là tình tiết mới cơ quan điều tra cần làm rõ thêm.
Đại diện Viện KSND tiếp tục thẩm vấn nhóm bị cáo là cán bộ Công ty than Mạo Khê về trách nhiệm quản lý tài nguyên. Bị cáo Trần Hoài Nam khai trong thời gian khai thác than trái phép tại khu Đồi Sắn, có ba lần thấy đoàn kiểm tra đến. Khi phát hiện đoàn kiểm tra từ xa, Nam cho di dời máy móc và bản thân cũng trốn khỏi hiện trường. Khi đoàn kiểm tra đi lại đưa máy khai thác tiếp. Nhóm của Nam chủ yếu làm về đêm, vì ban đêm không có đoàn đi kiểm tra. Đại diện Viện KSND hỏi bị cáo Phạm Văn Cường trong quá trình khai thác tại khu Đồi Sắn có ai đến kiểm tra không? Cường trả lời: "Có đoàn kiểm tra liên ngành của thị trấn vào kiểm tra lập biên bản". "Đoàn kiểm tra có hỏi bị cáo đưa máy xúc vào đây làm gì không?". Cường nói: "Tôi trả lời vào lấy than". "Thế những ngày sau có ai kiểm tra không?". Cường trả lời không có ai kiểm tra, máy móc thiết bị chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm mà không có ai kiểm tra.
Hôm nay, phiên tòa sẽ tiếp tục với phần tranh tụng.
Theo Thanh Niên
Xét xử vụ cướp than tại Mạo Khê: Các bị cáo thi nhau chối tội Sáng qua 19.9, TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm 39 bị cáo trong vụ án bảo vệ Công ty TNHH một thành viên than Mạo Khê (gọi tắt là Than Mạo Khê) mở cửa cho "than tặc" vào khai thác than trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần. Theo cáo trạng, 39 bị cáo trên bị truy tố với 3 nhóm...