Tượng vàng của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi ở Đức
Bức tượng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan xuất hiện trong một triển lãm nghệ thuật ở Đức đã vấp phải hàng loạt ý kiến trái chiều từ những người ủng hộ và phản đối ông Erdogan.
Tượng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức (Ảnh: AFP)
Ngày 27/8, tại thành phố thủ phủ của bang Hessen, Wiesbaden, bức tượng vàng của ông Erdogan xuất hiện tại một quảng trường, trong khuôn khổ triển lãm nghệ thuật quy mô lớn Wiesbaden được tổ chức 2 năm một lần, dự kiến kết thúc vào ngày 2/9 tới.
Bức tương nặng khoảng 2,75 tấn, màu vàng được đưa tới trưng bày vào ngày 27/8. Ngay sau khi xuất hiện, bức tượng đã gây ra hàng loạt tranh cãi.
Video đang HOT
Ngày 28/8, những người ủng hộ và người phản đối ông Erdogan đã tới trước bức tượng và đấu khẩu nảy lửa giữa hai phe đã xảy ra. Phía cảnh sát cho biết hai bên chủ yếu cãi cọ, tranh luận nhưng không xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, báo Wiesbadener Kurier trích lời người đứng đầu bộ phận quản lý trật tự công cộng địa phương Oliver Franz cho biết những màn đấu khẩu có thể leo thang thành bạo lực vì phía cơ quan này phát hiện một số người đã mang theo vũ khí.
Ngay ngày đầu tiên xuất hiện, bức tượng đã bị bôi bẩn và phá hoại bằng sơn. Sự xuất hiện của bức tượng đã gây ra những cuộc tranh luận không dứt trên mạng xã hội với những thông điệp ủng hộ cũng như chỉ trích chính sách của ông Erdogan.
Mặc dù vậy, ban đầu chính quyền thành phố Wiesbaden quyết định vẫn giữ bức tượng trưng bày cho tới hết ngày 2/9 vì bức tượng không nhằm tuyên truyền chính trị và vẫn nằm trong phạm vi “tự do nghệ thuật”. Giới chức thành phố thừa nhận rằng trước đó họ đã cấp phép trưng bày bức tượng hình người, nhưng bất ngờ khi biết đó là ông Erdogan. Người tổ chức triển lãm thừa nhận, ông cố tình không đề cập tới ông Erdogan khi nộp hồ sơ xin phép trưng bày tượng.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi rõ rệt sau vụ đảo chính thất bại ở Ankara hồi tháng 7/2016. Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Đức đã cấp quyền tị nạn chính trị cho những người chủ mưu cuộc đảo chính, còn Berlin lại chỉ trích việc Ankara bắt giữ nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền Đức ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Đức Hoàng
Theo Dantri/ Sputnik
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chọn con rể làm Bộ trưởng Tài chính
Sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thêm 1 nhiệm kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan đã bổ nhiệm con rể làm Bộ trưởng Tài chính nước này.
Ông Recep Tayyip Erdogan (trái) và con rể Berat Albayrak (Ảnh: Sputnik)
Theo BBC, ông Berat Albayrak, người từng giữ chức Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2015 và là con rể ông Erdogan, trở thành Bộ trưởng Tài chính của nước này bắt đầu từ ngày 9/7, sau lễ nhậm chức của cha vợ.
Sau khi tuyên thệ tại quốc hội, ông Erdogan phát biểu trước các quan khách tại dinh tổng thống rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ đang trong khởi đầu mới. Chúng ta sẽ bỏ lại phía sau một hệ thống khiến cho đất nước chúng ta phải trả giá đắt khi lâm vào khủng hoảng chính trị và kinh tế"
Ông Erdogan chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng trước với 53% phiếu bầu, sẽ tiếp tục nắm giữ chức Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 năm tới. Ông cam kết sẽ thúc đẩy Ankara "tiến về phía trước".
Bắt đầu nhiệm kỳ mới, ông Erdogan đã tiến hành bổ nhiệm một số vị trí quan trọng trong chính quyền. Ông đã chỉ định ông Fuat Oktay, cựu giám đốc điều hành hãng hàng không Turkish Airlines, giữ chức Phó Tổng thống. Ông Hulusi Akar, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng. Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu vẫn giữ nguyên vị trí đứng đầu bộ ngoại giao.
Trong gần 100 năm qua, Ankara là nước cộng hòa nghị viện với quyền lực tập trung ở quốc hội. Bắt đầu từ ngày 9/7, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước cộng hòa tổng thống. Kể từ nhiệm kỳ này, ông Erdogan sẽ có quyền chỉ định các bộ trưởng, phó tổng thống và có thể can thiệp vào hệ thống luật pháp. Theo BBC, với sự thay đổi quyền lực này, ông Erdogan sẽ trở thành tổng thống có quyền tối cao khi chức vụ Thủ tướng trong bộ máy bị bãi bỏ. Đây là sự thay đổi có tính chất bước ngoặt của một hệ thống vốn đã tồn tại 95 năm qua kể từ khi nhà nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại được thành lập.
Theo ông Erdogan, quyền lực tập trung trong tay tổng thống có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc gia, trong bối cảnh sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 và bảo vệ Ankara khỏi những mối đe dọa từ các cuộc chiến tranh ở Nam Syria và Iraq.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Thổ gom hàng vạn phiến quân, mưu cướp Idlib trước mắt SAA? Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn nhóm phiến quân đối lập mới với 35.000 quân để mở chiến dịch quân sự thứ 3 để giành giật tỉnh Idlib với Quân đội Syria. Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự mới ở Syria Theo báo cáo của cơ quan tin tức Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm...