Tường tận siêu pháo phản lực KN-09 300mm của Triều Tiên
Quân đội Triều Tiên vừa tiến hành cuộc bắn thử đầu tiên siêu pháo phản lực KN-09 300mm được cho là có tầm bắn lên tới 80km.
Truyền thông Triều Tiên mới đưa tin, hôm 4/3, Quân đội Triều Tiên đã lần đầu tiên bắn thử hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ 300mm thế hệ mới. Cuộc bắn có sự góp mặt, theo dõi sát sao của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un.
Quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với Tân Hoa Xã qua điện thoại rằng, cuộc bắn pháo phản lực 300mm diễn ra trong khoảng từ 6h50 tới 8h theo giờ địa phương.
Theo một số nguồn tin, loại pháo phản lực này được định danh là KN-09, xuất hiện lần đầu trong cuộc duyệt binh ngày 10/10/2015 ở Bình Nhưỡng. Ảnh: Đạn phản lực 300mm rời bệ phóng tự hành.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, thiết kế pháo phản lực KN-09 300mm của Triều Tiên có khả năng ảnh hưởng không chỉ pháo phản lực 300mm của Nga-Trung Quốc, nhưng có lẽ cũng tương tự pháo phản lực có điều khiển 227mm GMLRS (Mỹ) và loại 239mm Chunmoo K-MLRS của Hàn Quốc.
Đạn phản lực 300mm KN-09 không giống như đạn của BM-30 Smerch – hệ thống pháo phản lực nổi tiếng của Nga, mà gần giống với đạn rocket dẫn đường GMLRS M31 của Mỹ. “Đạn rocket của Mỹ có 4 cánh nhỏ gắn ở gần đầu mũi đạn, dấu hiệu tương tự cũng tìm thấy trên đạn của Triều Tiên (qua các bức ảnh). Vì vậy, đạn rocket KN-09 có lẽ cũng sử dụng hệ thống dẫn đường dựa trên định vị vệ tinh để giảm tối đa sai số lệch mục tiêu”, chuyên gia Kim Min-seok nói với truyền thông.
Theo báo cáo của Quân đội Hàn Quốc, pháo phản lực cỡ 300mm của Triều Tiên có thể là đạt tầm bắn vượt quá 100km. Nếu đây là thông tin chính xác, pháo phản lực KN-09 trở thành một trong những hệ thống pháo có tầm bắn xa nhất thế giới, so sánh với pháo phản lực tầm bắn 120km GMLRS của Mỹ.
Video đang HOT
Các hình ảnh khoảng khắc viên đạn 300mm rơi trúng mục tiêu lô cốt chứng minh phần nào nhận định của chuyên gia Kim.
Khả năng rất cao Triều Tiên phát triển được đạn phản lực cỡ 300mm dẫn đường vệ tinh.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, ít có khả năng Triều Tiên sử dụng được hệ thống GPS (Mỹ phát triển) để trang bị cho đạn rocket KN-09. Vì đơn giản, trong chiến tranh, Mỹ – Hàn Quốc hoàn toàn có các biện pháp vô hiệu hóa GPS để đối phương không sử dụng được. “Tôi nghi ngờ Triều Tiên có thể sử dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc hoặc GLONASS của Nga”, chuyên gia Choi Hyun-ho cho biết.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cười tươi trên vọng quan sát trong cuộc bắn thử KN-09 cỡ 300mm.
Ngay sau cuộc bắn, ông Kim Jong-un đã xuống tận nơi bắn động viên, khích lệ tinh thần binh sĩ.
Các chuyên gia tin rằng, bệ phóng trang bị cho pháo phản lực 300mm này là mẫu xe ZZ2257N5857A HOWO 6×6 bánh do Tập đoàn xe tải hạng nặng quốc gia Trung Quốc sản xuất.
Các chuyên gia cũng nhận ra rằng, cabin xe đã được sửa đổi so với lần xuất hiện trong cuộc duyệt binh 2015, khi cabin được bổ sung thêm giáp bảo vệ.
Pháo phản lực KN-09 được trang bị hai pod với 4 ống phóng chứa đạn/pod. Đây cũng là thiết kế cải tiến so với hệ thống pháo phản lực 240mm của Triều Tiên, vì trong quá trình tái nạp người ta chỉ cần gỡ các pod đã hết đạn và thay bằng pod mới, thay vì phải nạp từng quả vào ống phóng.
Theo_Kiến Thức
Liệu Triều Tiên có vũ khí hạt nhân để sẵn sàng sử dụng?
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước các mối đe doạ. Tuy nhiên liệu nước này thực sự có đủ khả năng đó?
Lầu Năm Góc cho rằng Triều Tiên chưa đủ "trình" để chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân - Ảnh: Reuters
Với chế độ khép kín như tại Triều Tiên thì khó có thể tìm thấy câu trả lời rõ ràng cho vấn đề trên, theo ABC News ngày 4.3. Tuy nhiên, có thể chắc chắn một điều rằng Triều Tiên rất muốn phát triển khả năng về hạt nhân và tên lửa tầm xa.
Theo bản đánh giá mới nhất của Lầu Năm Góc công bố cách đây vài tuần, "Triều Tiên rất muốn phát triển tên lửa tầm xa, gắn đầu đạn hạt nhân, có khả năng đe doạ trực tiếp tới Mỹ". Bản đánh giá cũng nêu rằng công nghệ vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên đang ở mức độ đúng với mục tiêu mà nước này nhắm tới là tấn công vào đất Mỹ.
Tuy vậy, những đánh giá này được cho là không đúng với khả năng thực sự của Triều Tiên. Bằng chứng là những yếu kém về trình độ kỹ thuật được phơi bày sau vụ thử bom nhiệt hạch và phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh vào quỹ đạo mà Triều Tiên tiến hành gần đây.
Vậy thực ra Triều Tiên mạnh đến đâu để có thể "sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân" như lệnh của lãnh đạo Kim Jong-un?
Số lượng vũ khí hạt nhân
Như đã nói ở trên, Mỹ tin rằng Triều Tiên có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân, điều đó được thể hiện qua 4 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006. Tuy nhiên, rất khó để xác định Triều Tiên đã chế tạo được vũ khí hạt nhân thô sơ hay chưa hay chỉ mới có được vài thiết bị dùng cho các vụ thử nghiệm.
Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ hồi tháng 1, các nguồn công khai thường ước tính rằng Triều Tiên đã sản xuất từ 30-40 kg plutonium đã được phân tách, đủ để chế tạo ít nhất nửa chục đầu đạn hạt nhân.
Một số ước tính khác còn đặt con số này ở mức cao hơn. Viện khoa học và an ninh quốc tế (ở thủ đô Washington, Mỹ) hồi năm 2014 đánh giá Triều Tiên có thể chế tạo 10-16 đầu đạn hạt nhân.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân - Ảnh: Reuters
Trường nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Viện Johns Hopkins trong báo cáo năm 2015 nhận định, với việc tiếp tục sản xuất, số lượng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên sẽ tăng từ 10 lên 20 vào năm 2020. Nếu tăng mức sản xuất nhiên liệu tối đa thì có thể đạt con số 100.
Hồi tháng 2, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ James Clapper thông báo trước quốc hội rằng Triều Tiên đã tái khởi động lò phản ứng plutonium tại Yongbyon vốn bị đóng cửa từ năm 2007. Ông Clapper cho hay Triều Tiên có đủ khả năng khôi phục plutonium từ nhiên liệu tại lò phản ứng trong vài tuần hoặc vài tháng. Điều này đồng nghĩa Triều Tiên sẽ sớm có thêm nhiên liệu hạt nhân để sử dụng cho các loại vũ khí.
Liệu Triều Tiên có thể gắn đầu đạn hạt nhân nhỏ vào tên lửa liên lục địa?
Theo ông Clapper, Triều Tiên sở hữu một loại tên lửa tầm xa gọi là KN-08 để hiện thực hoá lời đe doạ tấn công Mỹ bằng tên lửa liên lục địa. Tên lửa này có thể phóng từ các giàn phóng di động khó bị phát hiện. Các quan chức quốc phòng Mỹ lo ngại tên lửa KN-08 hơn là loại tên lửa mà Triều Tiên dùng để phóng vệ tinh, theo ABC News.
Tháng 4.2013, Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) công bố tại một phiên điều trần ở quốc hội rằng Triều Tiên có thể thu gọn một đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để gắn vào tên lửa. Tuy nhiên, độ tin cậy của tên lửa này là rất thấp.
Đánh giá này bị Lầu Năm Góc và ông Clapper phản đối và nói rằng "cả làng tình báo chẳng ai khẳng định như DIA cả".
Người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little quả quyết rằng việc đánh giá chế độ Triều Tiên đã phát triển và thử nghiệm hoàn thành những vũ khí hạt nhân như DIA nói là không chính xác. "Triều Tiên chưa chứng minh được năng lực đầy đủ để chế tạo một tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân", ông Little khẳng định.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Triều Tiên tổng động viên ngay trước cuộc tập trận Mỹ - Hàn Triều Tiên phát lệnh tổng động viên kêu gọi người dân nhập ngũ nhằm tăng cường sức mạnh quân đội trước thềm cuộc tập trận chung lớn chưa từng có giữa Mỹ và Hàn Quốc. Binh sĩ quân đội Triều Tiên. Ảnh: The Times Chính quyền Triều Tiên kêu gọi tất cả thanh niên nước này, từ học sinh trung học tới sinh...