Tượng Phật trăm tấn đổ do lực đỡ yếu
Công an Thái Bình kết luận phần mái chùa Sắc Thiên Vương được gia cố bằng sắt nhỏ, không chịu được sức nặng trăm tấn dẫn tới việc tượng Phật ở trên bị nghiêng, đổ về phía trước.
Công trình tượng Phật cao 15,2 mét đổ sập sau 2 năm xây dựng. Ảnh: Giang Chinh
Một tuần vào cuộc điều tra việc tượng Phật đặt trên mái chùa Sắc Thiên Vương, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) bị đổ, Công an tỉnh Thái Bình xác định nguyên nhân do lực đỡ yếu. Phần mái chùa chủ yếu được gia cố bằng sắt xoắn, loại phi 10 nên không chịu được sức nặng của bức tượng Phật trăm tấn đặt trên.
Mặt khác, tượng cao hơn 15 m, phần thân chỉ được đan bằng sắt 6 và phần “xương sống” được thiết kế 4 thanh bê tông cốt thép quá nhỏ, độ liên kết giữa các thanh và phần thân tượng không vững chắc.
Kết luận của Công an Thái Bình chỉ ra phần đầu bức tượng không có cốt thép, được cuốn toàn bằng gạch chỉ đỏ. Quá trình thi công liên tục phải bồi đắp lớp vữa dẫn tới phần đầu có khối lượng rất nặng, còn phần thân không được gia cố tương xứng. Những điều này đã khiến mái trần của chùa hình bát giác gãy sụt, kéo theo pho tượng bị nghiêng, đổ sập hoàn toàn.
Tổng thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ đồng – tiền được nhà chùa quyên góp từ các tăng ni, phật tử và các nhà hảo tâm công đức.
Mái tòa Chánh điện không chịu đươc sức nặng của bức tượng trăm tấn đã bung ra, lộ rõ sắt loại nhỏ. Ảnh: Giang Chinh
Video đang HOT
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình phát hiện công trình không có giấy phép của cơ quan chức năng, không thuê đơn vị tư vấn giám sát. Lực lượng thi công không chuyên nghiệp, được thuê khắp nơi hoặc ngay tại địa bàn. Vào hôm xảy ra sự cố có 10 công nhân làm việc, do hết vật liệu họ nghỉ sớm hơn mọi ngày nên không xảy ra thương vong.
Ngày 13/7, trao đổi với VnExpress, ông Vũ Trung Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa huyện Quỳnh Phụ cho biết, chùa Sóc (tên mới là chùa Sắc Thiên Vương) được xây dựng vào đầu thế kỷ 14. Trải qua hơn 600 năm, quần thể chùa và chùa xuống cấp, chỉ còn lại nền móng cũ và 3 bảo tháp nhỏ, tất cả đều hư hại.
Do chùa Sóc chỉ còn lại phế tích và không phải di tích lịch sử được xếp hạng nên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không quản lý mà giao cho Ban Tôn giáo và Sở Nội vụ theo dõi.
Hiện UBND huyện Quỳnh Phụ đã đình chỉ thi công xây dựng chùa Sắc Thiên Vương, dừng mọi hoạt động tôn giáo, giao công an xã cùng công an huyện bảo vệ hiện trường. “Việc cho xây dựng tiếp hay không phụ thuộc vào các cơ quan có thẩm quyền”, ông Tuấn nói.
Giang Chinh
Theo VNE
Sập tượng Phật lớn nhất miền Bắc: Hé lộ những nguyên nhân không ngờ đến
Ngày 9.7, đoàn công tác của Cục Giám định Nhà nước, Bộ Xây dựng đã có mặt tại Thái Bình để điều tra nguyên nhân vụ sập tượng phật chiều tối 7.7 tại chùa Sóc, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Hình ảnh vụ sập tượng phật tại chùa Sóc xảy ra chiều ngày 7.7
Neo nối đế và thân tượng quá yếu
Chiều 9.7, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Phạm Công Thành, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình cho biết sau một ngày điều tra hiện trường, Sở Xây dựng Thái Bình đã cơ bản kết luận: các dấu tích tại hiện trường cho thấy nguyên nhân chính làm sập tượng là do kết cấu neo nối giữa phần đế tượng (nhà chánh điện) và phần thân tượng quá yếu, dẫn đến phần đế không giữ được phần thân tượng cao, có trọng lượng quá lớn. Chỉ cần một tác động ngoại lực (gió xoáy, địa chấn) là có thể gây sập đổ tượng.
Nguyên nhân chính gây ra sập tượng do neo nối phần đế và thân tượng quá yếu
Bên cạnh đó, phần thân tượng có chiều cao khoảng 20m nhưng thiết kế không chia thành từng phần, không có chằng giữ. Trong thân tượng rỗng, không có trụ cũng là một yếu tố không đảm bảo thiết kế xây dựng, góp phần gây sập tượng.
Hiện Sở Xây dựng Thái Bình đang gửi mẫu bê tông, thép đi kiểm định để đánh giá chất lượng vật liệu có "góp sức" vào vụ sập tượng, đồng thời tiến hành xác định tại thời điểm 17 giờ 30 phút ngày 7.7 có gió xoáy, địa chấn hay yếu tố tác động khác gây sập tượng.
"Kết quả giám định của Cục giám định Nhà nước sẽ làm rõ hơn và mang tính khách quan hơn những đánh giá ban đầu của chúng tôi. Nhưng chỉ với những xác định trên cũng cho thấy rằng với kết cấu kém như trên, việc sập tượng phật này chỉ là sớm hay muộn", ông Thành khẳng định.
Không ai hay biết gì
Cũng theo ông Phạm Công Thành, kiểm tra của các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Bình trong vụ việc này đã phát hiện hàng loạt những vi phạm trong việc xây dựng tượng phật Thích Ca tại chùa Sóc và đây mới là nguyên nhân chính gây ra vụ sập tượng.
Cụ thể, việc xây dựng tượng Phật này chưa được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Theo quy định, nếu muốn dựng tượng hay triển khai các công trình, chùa phải xin chủ trương, được Ban tôn giáo và Sở xây dựng thẩm định thiết kế. Nhưng cả 2 cơ quan này tận đến khi tượng đổ mới biết ở đây xây tượng phật.
Tượng phật tại chùa Sóc là một công trình có quy mô lớn, đầu tư lên đến vài chục tỉ đồng, nhưng kiểm tra hồ sơ xây dựng thì không có nhà thầu khảo sát xây dựng, không có giám sát thi công xây dựng. Lực lượng thi công xây dựng do nhà chùa thuê thợ địa phương và thợ Đà Nẵng và đóng góp bằng nhân công lao động.
Đặc biệt từ sự cố trên, Ban Tôn giáo tỉnh Thái Bình phát hiện ra việc trụ trì chùa là Sư Thích Thiên Từ (39 tuổi, quê ở tỉnh Đồng Tháp) trụ trì tại chùa Sóc từ năm 2010 nhưng đến nay chưa được Giáo hội Phật Giáo tỉnh Thái Bình bổ nhiệm.
Đáng nói là với hàng loạt vi phạm trên, nhưng trước khi xảy ra sự cố sập tượng chiều tối ngày 7.7, chính quyền và cơ quan quản lý địa phương lại không hề biết gì.
"Đích thân tôi gọi điện cho lãnh đạo Phòng Công thương huyện Quỳnh Phụ, họ trả lời là không biết gì về việc xây dựng bức tượng cao đến 30m ngay trên địa bàn của mình. Về phía xã An Mỹ, tận khi tượng đổ họ mới báo cáo đã nhiều lần đôn đốc nhà chùa hoàn chỉnh hồ sơ nhưng nhà chùa không hợp tác nên thôi", ông Thành nói.
Cơ quan quản lý xây dựng huyện Quỳnh Phụ không biết chùa Sóc xây tượng phật
Cũng theo ông Thành, tình trạng vi phạm trong xây dựng các công trình tôn giáo như tại chùa Sóc đang diễn ra rất phổ biến ở tỉnh Thái Bình. Sau vụ việc này, Sở Xây dựng Thái Bình sẽ báo cáo UBND tỉnh này để rà soát, chấn chỉnh.
Tin, ảnh: Văn Đông
Theo Thanhnien
Hiện trường ngổn ngang sau khi tượng trăm tấn đổ sập Sàn tòa nhà bát giác, nơi đặt bức tượng được đánh giá là cao nhất nhì miền Bắc, ngổn ngang bêtông, sắt thép. Những lõi thép mỏng lộ ra cho thấy công trình được xây dựng không đủ khả năng chịu lực. Bức tượng Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni của chùa Sắc Thiên Vương (xã An Mỹ, Quỳnh Phụ, Thái Bình)...