Tướng phản bội Tổng thống Assad bị phe nổi dậy nghi ngờ
Vị Tướng phản bội Tổng thống Bashar al-Assad gây chú ý nhất đang có chuyến thăm một loạt các cường quốc khu vực để kêu gọi sự ủng hộ cho cuộc nổi dậy ở Syria. Tuy nhiên, nhiều người trong phe đối lập đang có hoài nghi rất lớn về vị cựu tướng đẹp trai mang tên Manaf Tlass này. Người ta cho rằng, ông Tlass – người từng là bạn thân lâu năm của ông Assad và có sở thích hút xì gà đắt tiền, đang lợi dụng tình hình để tìm cách leo lên đỉnh cao quyền lực.
Sự hoài nghi, tranh cãi quanh ông Manaf Tlass đã phản ánh rõ mâu thuẫn và sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ lực lượng nổi dậy. Nó cũng bộc lộ những khó khăn mà phe nổi dậy đang phải đối mặt trong việc thiết lập một bộ máy lãnh đạo đủ tin cậy để có thể thay thế được chính quyền của ông Assad. Một số thành phần chủ chốt của phe nổi dậy lo lắng, những nước ủng hộ cho cuộc đấu tranh của họ đang sử dụng tiền và ảnh hưởng của mình để điều khiển cuộc cách mạng Syria và quyết định tương lai của đất nước này.
Ông Tlass là thành viên đầu tiên trong nội các của ông Assad từ bỏ chính quyền, chạy sang phe nổi dậy kể từ sau khi cuộc nổi dậy ở Syria bùng lên hồi tháng 3 năm ngoái. Sự phản bội của ông Tlass hồi đầu tháng 7 từng được ca ngợi là một chiến thắng vang dội cho phe đối lập.
Đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những cường quốc người Hồi giáo dòng Sunni như Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-ú, và Qatar, cựu Tướng Tlass có thể là một nhân vật hoàn hảo để dẫn dắt một chính phủ chuyển tiếp ở Syria. Với tư cách là một người Hồi giáo gốc Sunni kỳ cựu với nhiều kinh nghiệm về quân sự và hiểu biết rõ về nội bộ chính quyền Syria, ông Tlass dường như đang được tin tưởng sẽ đóng vai trò cầu nối nếu chính quyền của ông Assad sụp đổ. Theo đó, ông Tlass được cho là sẽ giúp giữ cho quân đội và lực lượng an ninh Syria không bị tan vỡ, rối loạn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, việc ông Tlass được đón chào nhiệt liệt trong chuyến thăm đến Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian vừa qua đang làm dấy lên những nghi ngờ cho rằng, ông này đang tìm cách lấy cảm tình của các cường quốc trong khu vực để có thể tiến tới giành vị trí then chốt ở Syria trong thời gian tới. Ả-rập Xê-út vốn là nhà tài trợ chính cho phe nổi dậy trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang là nơi ẩn náu của phần lớn phe đối lập.
“Dường như các nước Ả-rập và phương Tây đã có kế hoạch cho ông ta. Tuy nhiên, người Syria sẽ quyết định ai là người họ muốn”, ông Anwar Saadeddine, một thiếu tướng “đào ngũ” hồi tháng 5, giống như ông Tlass, cho biết. Cùng với các tướng lĩnh khác, ông Saadeddine đang giúp chỉ đạo phe nổi dậy từ một trại nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Liệu ông Tlass có leo lên được đỉnh cao quyền lực?
Tất cả các nhân vật chính trong phe đối lập, trong đó có cả các quan chức quân sự, dân sự đào ngũ, được cho là đều đang cố thể hiện mình để tìm kiếm một vai trò trong chính phủ tương lai của Syria. Đây là nhận định vừa được ông Randa Slim, một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Nước Mỹ mới ở Washington, đưa ra. Tuy nhiên, cuộc nội chiến ở Syria càng kéo dài thì các nhân vật trong nước càng giành được nhiều lợi thế và sẽ khó để các nhân vật lưu vong giành được một “miếng bánh” quyền lực trong tương lai.
“Các diễn viên bên ngoài, trong đó có các cựu tướng như ông Tlass, sẽ có ít khả năng để đưa họ thâm nhập vào bộ máy chính trị mới”, ông Slim cho biết thêm.
Phản ứng trước những hoài nghi trên, ông Tlass đã lên tiếng phủ nhận bất kỳ tham vọng lãnh đạo nào. “Tôi không rời Syria để dẫn dắt một giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng hết mức có thể để đoàn kết tất cả những người đáng kính trong và ngoài nước nhằm giúp tìm một lộ trình đưa chúng ta thoát khỏi khủng hoảng”, ông Tlass nói.
Mỹ – nước đang tìm cách thống nhất phe đối lập Syria, dường như không mấy mặn mà với ông Tlass. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh, họ không hề có bất kỳ cuộc thảo luận nào với vị Tướng phản bội Tổng thống Assad. “Phe đối lập nghi ngờ ông ấy. Ông ấy không giành được sự tin tưởng. Đối với chúng tôi, ông ấy không thực sự là một người tham gia vào cuộc nổi dậy. Chúng tôi không tìm cách thực hiện bất kỳ việc gì với ông ấy”, một quan chức Mỹ giấu tên cho biết.
Sau khi chạy khỏi Syria, các quan chức Pháp được cho là đã thẩm vấn ông Tlass. Ông này hiện đang ở thủ đô Paris. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng không công khai đưa ra bất kỳ quan điểm gì về việc liệu họ có kế hoạch trao cho ông Tlass một vai trò gì đó trong tương lai hay không.
Khi Tổng thống Assad đang phải chật vật trấn áp cuộc nổi dậy đang lan sâu vào tận hai thành trì chính Damascus và Aleppo thì làn sóng đào ngũ cũng ngày một dâng cao với sự ra đi của nhiều tướng lĩnh, đại sứ, các nhà ngoại giao cấp cao và các nghị sĩ. Tuy nhiên, không ai nổi tiếng và gây chú ý như ông Tlass.
Ông Tlass, tầm khoảng 40 tuổi, là con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mustafa Tlass. Cha của ông Tlass từng là tay chân thận cận nhất của cựu Tổng thống Hafez Assad – cũng là cha của đương kim Tổng thống Syria hiện nay.
Tlass con vốn là một người bạn thân thiết từ thời thơ ấu của Tổng thống Assad và em trai Tổng thống – Maher, người đang chỉ huy Sư đoàn số 4 của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tinh nhuệ bảo vệ thủ đô. Bản thân ông Tlass cũng là một chỉ huy trong Lực lượng Vệ binh Cộng hòa và là người biết rất nhiều bí mật sâu kín nhất của chính quyền Syria. Ông Tlass là một trong rất ít người Sunni nắm quyền lực trong một chính quyền được thống trị bởi giáo phái Alawite – một nhánh của người Hồi giáo dòng Shiite ở Syria.
Cựu Tướng Tlass có vẻ ngoài đẹp trai với mái tóc muối tiêu bồng bềnh. Người ta thường bắt gặp hình ảnh ông này hút xì gà hạng sang. Ông Tlass cùng người vợ Tala sống một cuộc sống rất xa hoa, hào nhoáng ở Syria.
Nhiều người chỉ trích, sự “đào ngũ” của ông Tlass chẳng khác gì việc nhảy khỏi một con tàu chìm đúng vào giờ thứ 11. Tuy nhiên, các nhà quan sát và một số bạn cũ của ông Tlass lại cho rằng, ông này đã mâu thuẫn với Tổng thống Assad ngay từ những ngày đầu nổ ra cuộc nổi dậy. Ông Tlass được cho là đã tự gạt mình ra khỏi chính quyền của ông Assad sau khi thất bại trong việc thuyết phục Tổng thống không nghe theo lời khuyên của các cố vấn an ninh về việc thực hiện những cuộc đàn áp mạnh tay nhằm vào người biểu tình.
Theo VNMedia
Tổng thống Syria "dựng lại" hàng loạt trụ cột an ninh
Tổng thống Syria Bashar al-Assad hôm qua (24/7) đã tiến hành dựng lại một loạt trụ cột an ninh mới trong một nỗ lực nhằm duy trì khả năng kiểm soát đối với cuộc khủng hoảng kéo dài 17 tháng qua ở đất nước này. Động thái này diễn ra một tuần sau khi xảy ra vụ đánh bom vào đầu não an ninh Syria khiến 4 quan chức hàng đầu thiệt mạng.
Tổng thống Assad
Nguồn tin từ Tân Hoa xã cho biết, Thiếu tướng Mohammad Deib Zaitoon đã được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Cơ quan Tình báo Syria trong khi Thiếu tướng Ali Yunus được bổ nhiệm là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự.
Một vị thiếu tướng khác có tên là Ali Mamlouk được đưa vào vị trí người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia, thay thế cho ông Hisham Ikhtiar bị giết hại trong cuộc đánh bom hồi tuần trước. Thiếu tướng Abdulfattah Qudsieh được chọn vào vị trí "phó tướng" cho ông Mamlouk.
Ngoài 4 vị trí trên, ông Rustom Ghazaleh - cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự Syria ở Li-băng, được bổ nhiệm vào cương vị Giám đốc Cơ quan An ninh Chính trị Syria.
Một loạt những vị trí trụ cột an ninh trên đã được "dựng lại" sau khi xảy ra một vụ tấn công táo bạo của phe nổi dậy nhằm vào đầu não an ninh của chính quyền Syria hồi giữa tuần trước. Theo lời phe nổi dậy, vụ đánh bom trên nhằm mục tiêu vào Tổng thống Assad. Tuy ông Assad đã may mắn thoát chết nhưng vụ tấn công đó đã giáng một đòn chí tử vào chính quyền của ông này khi cướp đi sinh mạng của 4 "trụ cột" an ninh hàng đầu đất nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Syria Dawood Rajha, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Assef Shawkat, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Hisham Ikhtiar và người đứng đầu cơ quan quản lý khủng hoảng - ông Hassan Turkmani đã thiệt mạng trong vụ tấn công nói trên. Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Mohammad Sha"ar bị thương trong vụ việc này.
Ngay sau vụ đánh bom, Tổng thống Assad đã bổ nhiệm ông Fahad al-Freij vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng và Tướng Ali Abdullah Dayyoub vào vị trí Tổng tham mưu trưởng quân đội.
Tổng thống Assad đã củng cố lại bộ máy an ninh của mình trong bối cảnh bạo lực và các cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy với quân chính phủ đang tiếp tục leo thang nghiêm trọng. Chiến sự nổ ra ác liệt nhất ở thủ đô Damascus và Aleppo - trung tâm thương mại và cũng là thành phố lớn thứ 2 của Syria.
Cuộc khủng hoảng ở Syria đã bước sang một bước ngoặt mới từ cách đây 10 ngày sau khi phe nổi dậy với sức mạnh gia tăng ồ ạt tấn công vào thành trì chính của Tổng thống Assad. Hai bên được cho là đang bước vào một "cuộc chiến sinh tử" khi đều quyết tâm triệt hạ lẫn nhau.
Theo VNMedia
Giao tranh ác liệt quân đội Syria với phe nổi dậy Quân đội Syria trung thành với Tổng thống Bashar al-Assad hôm qua (20/7) đã phát động một cuộc tổng tấn công nhằm vào phe nổi dậy ở thủ đô Damascus. Trong chiến dịch này, quân chính phủ đã huy động những vũ khí hạng nặng thiện chiến như trực thăng tấn công, tên lửa, súng máy hạng nặng và cả xe tăng. Quân...