Tương ớt trôi nổi, người bán hàng lắc đầu về nguồn gốc
Không chỉ bán những lọ tương không có nguồn gốc, không mẫu giấy bảo quản mà chính những người bán cũng không biết hàng này từ đâu ra.
Lên chợ Đồng Xuân mà hỏi nguồn gốc
Trong vai một người muốn buôn tương ớt về dưới tỉnh lẻ bán, chúng tôi có điều kiện tìm hiểu vể nguồn gốc của những can tương ớt lớn không nhãn mác xuất xứ được bày bán nhan nhản trên thị trường, không ai biết rõ xuất xứ của chúng từ đâu.
Những can tương ớt này được bán với giá 40 nghìn đồng/can
Tại chợ đầu mối Kim Ngưu, trong chợ có đến 4 – 5 quầy hàng khô và chủ yếu là bán buôn các loại gia vị cho các nhà hàng, quán phở. Với đầy đủ các loại can lọ đựng ớt từ 500ml đến 5 lít đều xếp hàng chờ sẵn người mua.
Chị Đ.H, một người bán hàng khô tại đây quảng cáo về những can tương ớt, đều là tương ngon, ớt dầu (là loại dùng trong các quán ăn như phở, bún…) mỗi can 5 lít có giá 40 nghìn đồng, lấy trên 5 can bớt cho 10 nghìn đồng. So với gần 30 nghìn/lít tương ớt của các hãng thực phẩm khác thì giá này là siêu rẻ.
Xách những lọ can này lên, chúng tôi nhận thấy phần lớn chúng được đóng từ những can dầu ăn đã hết, còn nguyên tem mác của các hãng dầu thực vật. Người mua cố tìm mỏi mắt cũng không thấy một chỉ số nào về hạn dùng, nơi sản xuất cũng như thành phần của sản phẩm đựng trong can. Chị bán hàng quảng cáo thêm: “Hàng xịn 100%, làm hàng lấy loại này vừa rẻ vừa ngon chứ mua loại 500 ml kia thì hao mà không cay”.
Loại tương này được dùng để chấm nhưng cũng không có nhãn mác kèm theo
Tương tự tại quầy bên dưới quầy Đ.H, chị bán hàng cho biết có hai loại tương ớt, một loại ớt dầu dành cho quán phở là 40 nghìn đồng/can, một loại ớt có màu vàng tươi hơn được chị quảng cáo là ớt quảng 100% giá 65 nghìn đồng /can 5 lít. Loại này dùng để chấm nem, hải sản…
Video đang HOT
Thấy chúng tôi băn khoăn về nguồn gốc, không nhãn mác, chị trấn an nhẹ nhàng: “Bọn chị lấy hàng cũng có biết từ đâu ra đâu, chỉ cần ăn được là người ta mua”. Chị cam đoan thêm: Giá cả phải chăng mà chất lượng thì 10 quán có đến 11 quán hài lòng.
Chị Đ.H tiết lộ, hàng do chồng chị buôn từ trên chợ Đồng Xuân về, mỗi can cũng chỉ lãi vài nghìn đồng, còn từ trên chợ Đồng Xuân họ lấy từ đâu thì chị chịu. “Muốn biết ở đâu làm, lên chợ Đồng Xuân mà hỏi” – chị nói thêm.
Tương ớt ba không
Chúng tôi tiếp tục đi tìm câu trả lời về nguồn gốc của những can tương ớt giá rẻ ở chợ Đồng Xuân. Tại đây cũng như một ma trận với đủ loại tương, đủ các loại giá tiền khác nhau, từ 35 đến 60 nghìn đồng/can 5 lít.
Tại phố Nguyễn Thiện Thuật là một dãy hàng đồ khô bao gồm cả gia vị thực phẩm được bày bán la liệt trên vỉ hè. Những can tương ớt to cũng được chủ hàng để ở ngay đầu sạp, vị trí khá bắt mắt ai cũng có thể nhìn thấy.
Các can tương ớt không có một chỉ số nào: Hạn dùng không, nơi sản xuất không, thành phần không, chỉ có duy nhất lời cam đoan của người bán hàng là hàng ngon.
Bà M., một chủ cửa hàng cho biết, phần lớn hàng này được mua từ nhiều nơi từng can 20 lít, sau đó người ta sẽ san nhỏ ra 5 lít cho dễ bán, cũng như dầu, mỡ vậy. Bà đặt hàng của người “tiếp thị” theo mối sẵn chứ chẳng ai có thời gian đến ký “hợp đồng phân phối” với từng cơ sở sản xuất một.
Tương hàng hiệu được bày trong siêu thị nhưng cũng vắng khách xem.
Có thể hiểu những hàng này bà đều lấy từ mối về, ôtô chở đến tận nơi, ai muốn bán buôn thì bán, bán lẻ thì bán chứ bà không hề gặp mặt những người làm ra sản phẩm.
Chị L. người bán hàng tại một quầy hàng gia vị khác cho biết: “Tương ớt này giá rẻ không có thương hiệu, hàng chợ nên không ai dám dán nhãn mác vào. Nếu muốn dán nhãn vào thì đơn giản, chỉ cần in mất vài nghìn là có hàng hãng ngay. Nhưng nếu bị phát hiện hàng nhái, hàng giả thì tiền phạt quá tội nên không ai dám làm như vậy”.
Phần lớn khách đến mua buôn hay mua lẻ đều là khách quen nên không ai quan tâm nó từ đâu tới, chỉ cần tương ớt có vị cay là được. Mỗi ngày chị bán từ 20 đến 40 can tương ớt nhưng chưa có ai thắc mắc nó làm như thế nào và từ đâu tới. Nhiều quán phở đến lấy tháng/lần nên họ chỉ dùng trong một tháng, không có hàng quá hạn.
Chị L. thành thật: “Những hàng có ghi nhãn mác thì chị còn biết nó ở đâu, chứ hàng không ghi nhãn thì chịu, chỉ biết bán cho khách”.
Theo Bee
Gà ốm, gà chết dồn hết về Thủ đô
Những con gà chết từ rất lâu đã được các lái buôn thu gom
Gà tần là món khoái khẩu của nhiều người nhưng ít ai biết nguồn nguyên liệu để chế thành món này phần lớn là những loại gà ốm bán chạy.
Bán gà đang "tuổi ăn tuổi lớn" thì hao lắm!
Trong vai một người đi mua gà về bán cho quán gà tần, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu thêm về nguồn nguyên liệu gà để "chế" thành những món gà tần lá ngải, gà tần thuốc bắc. Vì loại gà này là gà non, cân nặng không quá 1kg nên phần lớn những con gà này được loại ra từ những đàn gà nuôi to để bán.
Chị L. một tiểu thương bán thịt gà tại chợ đầu mối Kim Ngưu, Hà Nội thành thật "để lấy gà làm gà tần cần loại gà nhỏ, khách hàng phải đặt hàng trước để còn gom, mỗi loại gà này tùy từng giá bán, thông thường từ 40 đến 45 nghìn đồng/kg gà làm sạch sẽ".
Chị L. tiết lộ thêm loại gà choai choai vậy thì chỉ những trang trại bán chạy vì gà bị cúm, bị ốm chứ bình thường để con gà 8 lạng đến 1kg còn khỏe mạnh người ta mang đi bán hiếm lắm. Bán gà đang "tuổi ăn tuổi lớn" như vậy vừa hao, vừa lỗ. Mỗi con gà khi làm sạch cũng được vài lạng, bỏ lòng mề đi.
Cạnh chị L. là bàn thịt gà của chị Ng. (Thường Tín, Hà Nội), buôn gà hơn 10 năm nay chị Ng. biết gà nào dùng để tần bán, gà nào dùng để rán, để kho. Nhưng chị cũng phải thừa nhận gà tần thì khó mà có gà khỏe, gà ngon được. Loại gà khỏe tầm dưới 1kg để tần nếu cân cả con sống khỏe giá có thể lên tới 70 nghìn/kg khi làm sạch người bán chỉ còn ít thịt vì gà nhỏ làm hao thịt, Chỉ bằng phép tính đó 20 nghìn/suất gà tần với nửa con gà ngon thì chủ quán sẽ bị lỗ nặng. Với giá 45 đến 50 nghìn/kg chỉ có gà ốm.
Mặt hàng này không được bày bán công khai trên phản thịt, nhưng hầu hết các tiểu thương bán gà tại đây đều khẳng định có nguồn hàng để lấy với điều kiện phải đặt hàng trước, đặt tiền trước. Nếu người mua muốn rẻ cũng có gà rẻ, đắt có gà đắt, giao tiền nào nhận chất lượng gà như vậy. "Không ai làm hàng mà lấy gà ngon đâu em, chỉ loại tầm 40 đến 50 là được rồi, trước kia anh đổ gà ở nhiều quán gà tần anh biết, chủ yếu là gà ốm bị loại ra khỏi đàn, thế thì mới có lãi"- một người đàn ông quê Lê Lợi, Thường Tín cho biết.
Gà ốm, gà chết về hết Thủ đô
Theo chân chị M. - một người chuyên cung cấp gà cho các quán gà tần, cơm bụi trong thành phố Hà Nội, tôi về chợ gà Hà Vĩ, Thường Tín, Hà Nội, đây đúng là đại bản doanh của các loại gà từ gà lớn đến gà bé, từ gà ta đến gà Trung Quốc.
Khá chuyên nghiệp và nhanh nhẹn, chị M. đi vào tất cả các lều gà để chọn những còn gà sắp gục, có cả những con gà chết hẳn, chị M. kể những con gà này mới lãi, mỗi con mua trọn gói khoảng 40 đến 50 nghìn, làm sạch sẽ bán được khoảng 80 đến 90 nghìn đồng/con, mấy ngày nay đắt đỏ còn bán được giá hơn trăm cũng có.
Gà tần được lọc từ những con nhỏ trong lán gà và gà chết
Chị giới thiệu cho tôi một lái buôn tên H., anh tự hào là nhà cung cấp các loại gà từ to đến nhỏ. Khi hỏi mua gà về tần, anh hiểu ngay không cần trình bày gà tốt hay ốm. Anh thừa nhận những loại ấy toàn gà chết: Anh giữ lại số điện thoại sẽ liên hệ khi có hàng.
Những loại gà để tần cho gia đình ăn thì người ta có thể chọn những con gà nhỏ trong lều gà, còn gà tần để làm hàng cần phải lấy loại 2, loại 3, thậm trí nhiều khi không còn gà ốm, gà nhỏ những lái buôn nhặt nhạnh cả những con gà đã chết để chặt nhỏ ra bán.
Chị K. "đồng nghiệp" của chị M. ngã giá cho tôi một đống gà đã chết với giá 60 nghìn đồng/con. "Gà này về tần cũng được vì khá dai", chị cũng thường xuyên đổ những loại gà này cho các quán gà tần trong nội đô. Hàng gà nhỏ ốm yếu thời điểm này cũng khó mua, mà gà nhỡ nhỡ khỏe càng khó mua hơn nên người ta vẫn lấy gà to về rồi san nhỏ.
Vừa nói chị vừa lấy chân đá đá đống gà đã chết từ khi nào và quảng cáo là gà xịn khi về thành phố, những con gà này sẽ bằng mọi cách luồn vào các quán gà tần, gà rán...
Theo Bee
Phận phu đêm nhọc nhằn trong bóng tối 2h sáng, chợ đầu mối Phú Hậu bắt đầu hoạt động. Người buôn kẻ bán từ các ngả đường kéo về. Những chuyến xe tải từ Hà Nội vào, từ Đà Lạt ra mang theo hàng tấn rau quả dần tập kết. Đây là thời điểm bắt đầu công việc của các cửu vạn. Nhọc nhằn phu đêm Ở thành phố Huế, Đông...