Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại vùng biển Huyền Trân
Ngày 26-4, Đoàn công tác số 7 của Quân chủng Hải quân đã tổ chức lễ dâng hương, thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh bảo vệ sự bình yên và toàn vẹn chủ quyền biển đảo Tổ quốc, tại vùng biển Huyền Trân, quần đảo Trường Sa.
Tại lễ tưởng niệm, Đại tá Nguyễn Viết Nhất, Trưởng đoàn Cục Chính trị Hải Quân xúc động: Các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và thềm lục địa phía Nam mãi mãi là một phần máu thịt, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam đã có bao anh hùng liệt sĩ hy sinh anh dũng để giữ gìn sự toàn vẹn ấy. Các anh hùng liệt sĩ đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của Anh bộ đội Cụ Hồ, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Hải quân Việt Nam góp phần khích lệ tinh thần, thôi thúc các thế hệ hôm nay và mai sau tiếp tục chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổ quốc và nhân dân luôn quan tâm đến Trường Sa, Nhà giàn DK1… tạo mọi điều kiện để cán bộ, chiến sĩ ta làm nhiệm vụ. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai khôn lường đã làm hư hại không ít Nhà giàn trong những năm qua. Đã xuất hiện nhiều tấm gương quả cảm, anh dũng xả thân vì nhiệm vụ, nhường sự sống cho đồng đội như: Anh hùng liệt sĩ, Thượng tá Nguyễn Hữu Quảng, Trạm phó Chính trị Nhà giàn DK1/3 liệt sĩ, Đại úy Vũ Quang Chương, Trạm trưởng và 8 cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK 1/16…
Trước anh linh anh hùng liệt sĩ, các thành viên trong đoàn công tác thành tâm thể hiện tấm lòng và quyết tâm của những người ở hậu phương đất liền cũng như ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, nguyện đoàn kết, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng hậu phương vững chắc, để các đảo và Nhà giàn DK1 mãi hiên ngang, sừng sững như những pháo đài nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Theo ANTD
Dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
Ngày 13-4, Công đoàn CATP Hà Nội đã tổ chức chuyến về nguồn, dâng hương tại khu mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình.
Sau lễ dâng hương được thực hiện trang trọng tại Đài tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, các đoàn viên Công đoàn CATP Hà Nội đã cùng nhau ôn lại những trang sử hào hùng trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Các đoàn viên không khỏi xúc động khi được giới thiệu về những hiện vật đã gắn bó với quãng đời hoạt động cách mạng đồng thời được biết thêm về thời thơ ấu của vị Chủ tịch đầu tiên của Công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh năm 1908, tại làng Diêm Điền, huyện Thụy Anh nay là thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Đồng chí là cán bộ xuất sắc trong phong trào vận động công nhân, được Đảng ta giao nhiệm vụ triệu tập Đại hội Công nhân Bắc kỳ, thành lập Công hội đỏ vào ngày 28-7-1929 (tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động ngày nay) và là người đứng đầu Công hội đỏ. Cuối tháng 10-1930, đồng chí được Trung ương Đảng điều động tham gia Thường vụ Xứ ủy Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Cuối tháng 4-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt rồi kết án tử hình.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã phục vụ Đảng và nhân dân đến hơi thở cuối cùng, trong thời gian bị giam cầm tại xà lim án chém, đồng chí vẫn bình tĩnh, kiên định và kịp thời tổng kết kinh nghiệm vận động công nhân qua tác phẩm "Kinh nghiệm công nhân vận động" truyền lại cho mai sau. Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh ngày nay thật sự là điểm đến của cán bộ, nhân dân cả nước là nơi giáo dục truyền thống và đấu tranh cách mạng, đồng thời còn là nơi tưởng niệm và bày tỏ lòng tri ân của cán bộ, nhân dân cả nước đối với công lao của đồng chí.
Theo ANTD
Nỗi đau vụ thảm sát Mỹ Thuỷ khiến 526 thường dân thiệt mạng Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày xảy ra vụ thảm sát 526 người dân vô tội ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, sáng 8-4, Đảng ủy, chính quyền xã Hải An đã tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ thảm sát. Theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hải An (1930-2010), dù sống...