Tương lai nào cho Mỹ sau khi Trump thoát luận tội?
Việc Thượng viện tha bổng Trump đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của cựu tổng thống Mỹ, cũng như đảng Cộng hòa và Tổng thống Biden.
Thượng viện Mỹ chiều 13/2 bỏ phiếu với tỷ lệ 57 phiếu thuận, 43 phiếu chống trong cáo buộc cựu tổng thống Donald Trump kích động cuộc bạo loạn ở tòa nhà quốc hội, không hội đủ 67 phiếu cần thiết để kết tội Trump và chấm dứt nỗ lực luận tội ông do đảng Dân chủ tiến hành.
Quyết định này đã được dự báo từ trước phiên xử tại Thượng viện, nhưng kết quả cuộc bỏ phiếu vẫn được coi là động thái giúp cựu tổng thống Mỹ thở phào. Trump cáo buộc phiên tòa luận tội thứ hai nhằm vào ông là “giai đoạn khác của cuộc săn lùng phù thủy khủng khiếp nhất” trong lịch sử Mỹ. “Không một tổng thống nào phải trải qua bất cứ điều gì như nó”, ông cho biết.
Trump xuất hiện trước người ủng hộ ở thủ đô Washington hôm 6/1. Ảnh: AFP .
Trump cũng ám chỉ khả năng sẽ tiếp tục sự nghiệp chính trị trong tương lai. “Phong trào lịch sử, yêu nước và tuyệt đẹp nhằm ‘Biến nước Mỹ vĩ đại trở lại’ chỉ mới bắt đầu. Chúng ta còn nhiều việc phía trước và sẽ sớm xuất hiện với tầm nhìn về tương lai tươi sáng, rạng rỡ và vô hạn của Mỹ”, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trong thông cáo hôm 13/2.
Trump từng nhiều lần để ngỏ khả năng chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, điều này sẽ trở nên bất khả thi nếu ông bị kết tội. Trump giấu mình trong khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago kể từ khi rời Nhà Trắng ngày 20/1, gần như không tương tác với thế giới bên ngoài kể từ khi các tài khoản mạng xã hội của ông bị vô hiệu hóa.
Capri Cafaro, nhà nghiên cứu tại Đại học Mỹ ở Washington và cựu nghị sĩ tại thượng viện bang Ohio, cho rằng phán quyết tha bổng có thể là “lời hiệu triệu” cho Trump và những người ủng hộ .
“Dù vậy, di sản của Trump sẽ gắn liền với sự kiện ngày 6/1, bất chấp ông được tuyên trắng án hay không. Sẽ có những người cho rằng Donald Trump đóng vai trò nào đó trong vụ bạo loạn, điều đó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của ông trong lĩnh vực tư nhân. Trump gần như không còn lựa chọn nào ngoài tiếp tục tham gia chính trường”, Cafaro nhận định.
Wendy Schiller, giáo sư ngành khoa học chính trị ở Đại học Brown, đồng tình khi cho rằng tương lai của Trump sẽ bị hạn chế. “Nếu các tập đoàn mời ông đến phát biểu, phản ứng tiêu cực từ mạng xã hội sẽ rất nhanh chóng và mạnh mẽ, đi kèm nguy cơ sản phẩm của họ bị tẩy chay. Ngay cả tổ chức sự kiện ở các tòa nhà của Trump cũng là vấn đề với những công ty đại chúng hoặc doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng”, bà nói.
Video đang HOT
Việc 43 trong số 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu phản đối kết tội Trump là tín hiệu rõ ràng cho thấy ông vẫn có sức ảnh hưởng lớn trong đảng . “Đảng Cộng hòa thuộc về ông ấy, chứ không phải bất kỳ ai khác”, hạ nghị sĩ bang Georgia Marjorie Taylor Greene, một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất của Trump, nói hồi tuần trước.
Tuy nhiên, 7 thượng nghị sĩ Cộng hòa đã đứng về phe Dân chủ khi bỏ phiếu ủng hộ kết tội Trump, cùng với đó là 10 thành viên đảng ủng hộ luận tội ông trong cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện hồi tháng trước. Trong số đó có nghị sĩ Liz Cheney, lãnh đạo cấp cao thứ ba của đảng Cộng hòa tại Hạ viện, cũng là con gái cựu phó tổng thống Dick Cheney.
Thượng nghị sĩ McConnell (giữa) trở về văn phòng sau cuộc bỏ phiếu ngày 13/2. Ảnh: AFP .
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell bỏ phiếu trắng án cho Trump, nhưng cho rằng cựu tổng thống Mỹ vẫn có trách nhiệm trong sự việc. “Không có nghi ngờ nào về việc Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về đạo đức và thực tế vì kích động những sự kiện hôm đó. Những người tấn công tòa nhà này tin rằng họ đang hành động theo mong muốn và chỉ đạo từ tổng thống của họ”, ông nói.
Hàng loạt thành viên Cộng hòa đã tìm cách tránh xa cựu tổng thống Mỹ và đang chuẩn bị cạnh tranh suất chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024. Một trong số đó là cựu thống đốc Nam Carolina Nikki Haley, người từng khẳng định phe Cộng hòa đã sai khi ủng hộ nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử của Trump.
“Ông ấy đi vào con đường không đúng đắn và chúng ta không nên theo chân ông ấy”, Haley nói trong một cuộc phỏng vấn và bác bỏ khả năng cựu tổng thống Mỹ chạy đua vào năm 2024. “Tôi không nghĩ ông ấy đủ khả năng. Ông ấy đã quá sa ngã”.
Dù vậy, những người tìm cách cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trump chỉ là thiếu số và phần lớn vẫn lo sợ quyền lực trong đảng của ông.
“Các nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu trắng án dường như đang tự bảo vệ mình khỏi những thách thức từ phe phái cực đoan trong đảng vào năm 2022, thậm chí là 2024. Nhưng điều này cũng khiến họ dễ thất bại hơn trong tổng tuyển cử”, Schiller nhận xét.
Cafaro cho rằng các nghị sĩ trung thành với Trump đang tham gia canh bạc “cực kỳ mạo hiểm”. “Họ đưa ra quyết định dựa trên tình hình chớp nhoáng, có thể không còn tồn tại trong hai năm nữa”, bà nói.
Một nhóm cựu quan chức Cộng hòa có quan điểm chống Trump đã đề xuất ý tưởng thành lập đảng mới, nhưng nó khó trở thành hiện thực.
Phiên tòa luận tội Trump đã treo lơ lửng trên đầu chính quyền Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ dường như cũng vui mừng khi nó chỉ kéo dài 5 ngày. “Biden đã làm rất tốt khi tách biệt khỏi quá trình xét xử luận tội, cũng như duy trì những thông điệp về khủng hoảng Covid-19 và kinh tế”, Schiller nói.
Thượng viện giờ đây có thể nhanh chóng xác nhận các đề cử cho vị trí trong nội các, đồng thời làm việc để thúc đẩy những chương trình nghị sự của Biden trong bối cảnh Mỹ vẫn vật lộn với đại dịch Covid-19 và nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng.
Tuy nhiên, Trump vẫn là thế lực đáng gờm với Biden. “Không có gì bảo đảm rằng sẽ không có thêm những cuộc biểu tình và hoạt động của phe cực hữu. Thời điểm xảy ra và cách Joe Biden xử lý chúng sẽ là điều đáng theo dõi”, Cafaro nói.
Phe Dân chủ bối rối ngày cuối luận tội Trump
Phe Dân chủ đã nhiều lần nhầm lẫn, chậm trễ trong ngày cuối phiên tòa luận tội Trump.
Các đại diện Hạ viện Mỹ đóng vai trò công tố viên, dẫn đầu bởi hạ nghị sĩ Jamie Raskin, ngày 13/2 bất ngờ tuyên bố yêu cầu hạ nghị sĩ Jaime Beutler làm nhân chứng trong phiên xét xử luận tội cựu tổng thống Donald Trump. Động thái này có thể dẫn đến việc yêu cầu hàng chục nhân chứng khác và trì hoãn cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện trong nhiều tuần.
Beutler trước đó cho biết đã nắm thông tin về cuộc gọi giữa lãnh đạo phe Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy và cựu tổng thống Trump vào thời điểm người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ hôm 6/1.
Sau thời gian giải lao, các lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận để đưa tuyên bố của Beutler vào hồ sơ, song không buộc nghị sĩ này hoặc các thành viên quốc hội khác phải rời vị trí để làm nhân chứng.
"Tôi nghĩ đây là sân khấu chính trị và các đại diện của Hạ viện cảm thấy cánh tả nóng lên, do đó họ khiến Schumer và phe Dân chủ ngạc nhiên khi thông báo cần nhân chứng", thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết trước khi thỏa thuận được đưa ra.
Lãnh đạo đại diện Hạ viện Mỹ Jamie Raskin trong phiên tòa luận tội cựu tổng thống Donald Trump tại Thượng viện, ngày 13/1. Ảnh: Congress.gov .
Thượng nghị sĩ John Hickenlooper nói "còn rất nhiều việc để làm", bao gồm gói cứu trợ Covid-19 và giải quyết "những vấn đề và thách thức" mà nước Mỹ đang đối mặt. Hickenlooper nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Thượng viện Mỹ đạt được thỏa thuận.
Bất chấp lãnh đạo Thượng viện mong muốn kết thúc phiên xử sớm nhất có thể, đại diện Hạ viện khiến phiên tòa bị kéo dài khi gây ra những phản bác với các bằng chứng mới được công bố trong phần kết thúc tranh luận của họ.
Khi đại diện Hạ viện David Cicilline ra tuyên bố kết thúc phiên lập luận của phe Dân chủ, thượng nghị sĩ Mike Lee bác thông tin về cuộc điện thoại với thượng nghị sĩ Tommy Tuberbville và cựu tổng thống Trump vào hôm xảy ra bạo động.
Lee từng bác thông tin của Cicilline về cuộc gọi này trong phiên xử hôm 12/2, khiến phiên tòa phải dừng lại để biểu quyết theo đề nghị của thượng nghị sĩ này. Khi các nghị sĩ biểu quyết, Lee đứng cạnh nhóm luật sư bào chữa cho Trump và nói rằng "họ lặp lại những lời mà trước đó đã rút".
Thượng nghị sĩ Brian Schatz và Kirsten Gillibrand tiến tới thảo luận với Lee trước khi gặp lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer để trình bày về những gì Lee nói. Sau đó hạ nghị sĩ Cicilline được thông báo cuộc gọi của Lee không được đưa vào điều khoản luận tội do "không được đưa ra bằng chứng mới khi kết thúc tranh luận".
Tới chiều 13/2 (sáng 14/2 giờ Hà Nội), hạ nghị sĩ Madeleine Dean trong phiên lập luận cuối cùng đưa ra phần trình chiếu với nội dung chưa được công bố trước đó trong phiên tòa. Dean sau đó phải rút lại một số nội dung sau khi phe Cộng hòa tuyên bố hạ nghị sĩ này đưa ra bằng chứng mới vào thời điểm không được phép.
Nhầm lẫn tiếp tục diễn ra khi đại diện Hạ viện Mỹ không thể khẳng định liệu họ đã đưa ra các bằng chứng mà Dean công bố trong các buổi làm việc trước đó của phiên tòa luận tội. "Xin đính chính lại là hồ sơ đã bao gồm video mới nhất. Do đó chúng tôi sẽ giữ điều này trong hồ sơ và tôi sẽ giữ phần kết luận của mình", Dean đề cập đến các trang trình chiếu của mình.
Sau khi được thông báo có thể tiếp tục với một số trang trình chiếu trong hồ sơ, Dean cười thành tiếng và nói rằng đây là một trong những phiên tòa luận tội mà nữ nghị sĩ này từng tham gia.
Thượng viện Mỹ sau đó bỏ phiếu với kết quả 57 phiếu thuận và 43 phiếu chống, không đạt được tỷ lệ 2/3 trong số 100 thành viên để kết tội cựu tổng thống Donald Trump kích động cuộc tấn công nhằm vào Đồi Capitol hôm 6/1. Với kết quả này, cựu tổng thống Trump được tha bổng.
Thượng viện tha bổng Trump Thượng viện Mỹ không hội đủ số phiếu để kết tội Trump kích động bạo loạn, chấm dứt nỗ lực luận tội ông lần thứ hai của phe Dân chủ. Thượng viện chiều 13/2 (sáng 14/2 giờ Hà Nội) bỏ phiếu với tỷ lệ 57 phiếu thuận, 43 phiếu chống trong cáo buộc cựu tổng thống Donald Trump kích động cuộc bạo loạn...